Bộ Công thương và Petrovietnam phổ biến điểm mới của pháp luật về Dầu khí

28/10/2023 08:37
M.P
GDVN- Ngày 27/10, tại TP HCM, Bộ Công thương phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức Hội nghị phổ biến nội dung mới của pháp luật về Dầu khí.

Đoàn chủ tọa điều hành, giải đáp tại Hội nghị.

Ông Trần Thanh Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than Bộ Công Thương chủ trì Hội nghị, cùng sự tham gia chủ tọa, giải đáp tại Hội nghị của các ban liên quan của Petrovietnam.

Hội nghị có sự tham dự của các Sở Công Thương: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cà Mau; các đơn vị thành viên trong lĩnh vực thượng nguồn của Petrovietnam, các nhà thầu, nhà điều hành dầu khí, các công ty dịch vụ/ tư vấn dầu khí,…

Toàn cảnh Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức nhằm hệ thống hóa kiến thức, phổ biến, cập nhật thông tin, làm rõ những vấn đề mà các nhà điều hành, nhà thầu dầu khí còn thắc mắc, chưa rõ liên quan đến pháp luật dầu khí mới, qua đó góp phần đưa Luật Dầu khí mới áp dụng hiệu quả trên thực tế.

Đoàn chủ tọa thông tin, giải đáp cho các nhà thầu.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe trình bày khái quát các nội dung, đặc biệt là các điểm mới của Luật Dầu khí số 12/2022/QH15 và Nghị định 45/2023/NĐ-CP ngày 1/7/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí số 12/2022/QH15; đồng thời dành nhiều thời gian để thông tin, giải đáp các vấn đề chưa rõ, vướng mắc của các nhà điều hành, nhà thầu dầu khí.

Đại diện Idemitsu trao đổi tại Hội nghị.

Đại diện PVEP nêu câu hỏi.

Hội nghị đã nhận được 15 câu hỏi từ nhiều nhà điều hành, nhà thầu dầu khí như Repsol, JVPC, Idemitsu, SK, PVEP, Vietsovpetro, Cửu Long JOC, Hoàng Long – Hoàn Vũ JOCs,… về nhiều vấn đề như: quy định về phát triển chung các mỏ nhỏ ở các Lô, mỏ dầu khí khác nhau; chính sách về ưu đãi đầu tư với các mỏ mới phát hiện ở Lô dầu khí hiện hữu; các chính sách về thuế, sử dụng tài sản trong hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác; các cấp thẩm quyền phê duyệt liên quan đến điều chỉnh, gia hạn hợp đồng dầu khí; về trích lập quỹ thu dọn mỏ; hạch toán các chi phí; các vấn đề liên quan đến gia hạn, ký kết hợp đồng dầu khí mới;… Từng vấn đề đã được Ban chủ tọa Hội nghị cũng như các đại biểu trao đổi, giải đáp cụ thể, đồng thời một số vấn đề Ban chủ tọa sẽ tiếp tục bàn thảo để có những giải đáp, hỗ trợ đối với các nhà thầu, nhà điều hành dầu khí.

Ông Trần Thanh Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than Bộ Công Thương phát biểu.

Kết luận Hội nghị, ông Trần Thanh Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than Bộ Công Thương nhấn mạnh, Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam luôn đồng hành với các nhà thầu, nhà điều hành dầu khí để làm sao hỗ trợ, chia sẻ giúp cho các nhà thầu, nhà điều hành dầu khí thấu hiểu được các nội dung của Luật Dầu khí mới nhằm cập nhật vào quá trình triển khai các hoạt động dầu khí. Với tư cách là cơ quan tham mưu cho Bộ Công Thương, Vụ Dầu khí và Than sẽ trên cơ sở từng dự án, từng trường hợp cụ thể có đề xuất với lãnh đạo Bộ nhằm phê duyệt nhanh nhất hoặc có cơ chế để giải quyết vướng mắc cho các nhà thầu, cũng như mong muốn thông qua các Sở Công Thương các tỉnh thành, là những cánh tay nối dài của Bộ Công Thương hỗ trợ cho các hoạt động dầu khí được triển khai thuận lợi theo các quy định mới của pháp luật về Dầu khí.

Luật Dầu khí 2022 gồm 11 Chương, 69 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023, quy định các vấn đề liên quan đến hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.

Luật Dầu khí 2022 được đánh giá có nhiều điểm mới, tiến bộ, phạm vi điều chỉnh được mở rộng, cùng với đó một số khái niệm mới được bổ sung để phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật, một số khái niệm cũng được điều chỉnh để phù hợp với thực tế… Cụ thể như, Điều tra cơ bản về Dầu khí là một nội dung mới, nhằm thiết lập khung pháp lý cho việc thực hiện và quản lý Nhà nước đối với hoạt động này.

Chính sách của Nhà nước về dầu khí được thể hiện rõ ràng, có nhiều ưu đãi như: Không thu tiền sử dụng khu vực biển cho điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; chính sách khuyến khích đầu tư; khuyến khích chia sẻ và tiếp cận, cùng sử dụng các cơ sở hạ tầng, công trình dầu khí sẵn có.

Trong hoạt động dầu khí, cơ sở để triển khai hoạt động dầu khí là hợp đồng dầu khí được ký kết trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ hoặc quyết định cụ thể của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp của các dự án khai thác tận thu. Đây là một nội dung mới phản ánh nhu cầu thực tế nhiều mỏ dầu khí đang được khai thác ở giai đoạn cuối.

Luật Dầu khí 2022 với nhiều nội dung mang tính đột phá, là cơ sở pháp lý cần thiết để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên dầu khí, kỳ vọng sẽ tạo ra động lực về thể chế giúp ngành Dầu khí nói chung và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) nói riêng đẩy mạnh các hoạt động khai thác, thăm dò, tìm kiếm, đưa ngành Dầu khí phát triển mạnh mẽ, bền vững.

M.P