Bao giờ mới hết ôn tủ, học thuộc Ngữ văn để đi thi?

09/07/2021 06:48
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vẫn giữ cách ra đề như cũ, vẫn sẽ dạy các em kiểu ôn tủ đề, học sinh vẫn phải bỏ sức để học tủ theo định hướng của thầy cô thì đổi mới chương trình làm chi.

Nếu lật giở các biên bản họp tổ chuyên môn ở nhiều trường học, xem các báo cáo tổng kết, các bản thành tích của cá nhân sẽ không bao giờ thiếu những nội dung như: giáo viên, nhà trường luôn đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực phẩm chất. Học sinh chủ động tìm kiếm kiến thức, luôn sáng tạo trong học tập…

Học sinh trong buổi thi Ngữ văn đầu tiên (Ảnh minh họa VTV)

Học sinh trong buổi thi Ngữ văn đầu tiên (Ảnh minh họa VTV)

Tuy thế, sự thật chỉ được bộc lộ sau những kỳ thi chuyển cấp, hoặc phần nào như những kỳ thi tốt nghiệp phổ thông.

Nhiều học sinh bước ra khỏi phòng thi môn Ngữ văn sáng ngày 7/7 đã bật khóc vì ôn bài không trúng tủ. Có em bình tĩnh hơn nhưng cũng buồn ủ rũ. Em lạc quan hơn nói rằng mình làm thí làm đại hy vọng kết quả sẽ không tệ.

Những em than phiền đã bỏ công học tủ, đã đầu tư không ít thời gian vì bài tủ mà nay bỗng bị “trật tủ” kiểu này không chỉ ở một trường mà nhiều trường, không chỉ ở một địa phương, một tỉnh thành mà nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Nhiều học sinh than "bị tủ đè"

Bạn Nguyễn Minh Anh (thí sinh tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Trung Phú, huyện Củ Chi) bày tỏ: “Năm nay bạn nào cũng bị tủ đè vì ai cũng nghĩ sẽ ra văn xuôi. Do năm trước ra thơ rồi nên thầy cô lúc ôn cũng nói nhiều về văn xuôi hơn. Nhưng theo em với bài thơ Sóng này thì bạn nào cũng sẽ làm được, vì các ý dễ nói và dễ diễn giải do bài thơ này nói về tình yêu”.

Một lớp ôn thi giáo viên hướng dẫn tủ sâu tác phẩm Vợ nhặt (Ảnh minh họa, chụp màn hình 1 tài khoản luyện thi Ngữ văn trên facebook)

Một lớp ôn thi giáo viên hướng dẫn tủ sâu tác phẩm Vợ nhặt (Ảnh minh họa, chụp màn hình 1 tài khoản luyện thi Ngữ văn trên facebook)

Nguyễn Đào Thiên Phúc (Trường Trường Trung học phổ thông Trưng Vương, Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cảm thấy bất ngờ vì không nghĩ đề văn lại ra bài Sóng. Phúc chỉ ôn tập các bài như Vợ chồng A Phủ, Vợ Nhặt, Chiếc thuyền ngoài xa, Tây Tiến,… còn Sóng thì Phúc lại bỏ qua. [1]

1 nam sinh trường Thể dục thể thao thì chia sẻ: "Mình học tủ bài Vợ chồng a phủ, giáo viên bảo Sóng sẽ không có khả năng ra nhiều nên em bỏ qua chỉ đọc sơ sơ. Đề này mình thấy bất ngờ". [2]

Em Thanh Thủy, học sinh một trường trung học tại thị xã La Gi cũng cho biết vì năm ngoái đề thi đã ra thơ rồi nên năm nay thầy cô không ôn tập nhiều chỉ dạy lướt qua và tập trung vào ôn những tác phẩm văn xuôi nên em và nhiều bạn làm bài không tốt.

Đề thi bám sát sách giáo khoa đương nhiên sẽ có thể trúng tủ hoặc trật tủ

Sau khi bài viết “Năm ngoái đề thi đã ra thơ rồi, nên không ai nghĩ năm nay vẫn ra thơ nữa” đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một số giáo viên dạy văn ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông đã chia sẻ những suy nghĩ của mình với người viết.

Cô giáo H. giáo viên dạy văn bậc trung học cơ sở (đề nghị không nêu tên) nói rằng đề thi bám sát kiến thức trong chương trình sách giáo khoa thì việc học sinh trúng tủ hay trật tủ cũng là bình thường. Ví như hàng năm, tỉnh đều phát hành cuốn sách ôn tập cho học sinh thi vào 10.

Giáo viên cứ bám vào đấy mà dạy. Thường thì phải dạy ôn tất cả những kiến thức trong sách ôn tập nhưng gần ngày thi, thầy cô thường loại trừ những tác phẩm, những nội dung mới được thi 2 năm gần nhất để tập trung vào ôn những tác phẩm còn lại.

Bên cạnh đó, cũng đoán vài tác phẩm trọng tâm có thể sẽ ra để ôn kỹ hơn, nhắc các em chú ý nhiều hơn. Vì thế, có nhiều năm đã ôn trúng tủ cũng như có năm lại hoàn toàn trật tủ.

Cô giáo L. giáo viên dạy văn bậc trung học phổ thông cũng cho biết: “Môn ngữ văn trong chương trình 12 chỉ có mấy tác phẩm. Nếu loại đi một vài tác phẩm đã ra ở năm trước thì cũng không còn nhiều tác phẩm phải học.

Bởi thế, việc giáo viên hướng cho học sinh học kỹ một vài tác phẩm nào đó cũng là chuyện bình thường. Muốn thay đổi cách học văn đầu tiên phải thay đổi cách ra đề (học gì ra nấy), bỏ cả những cuốn sách định hướng ôn tập như hiện nay”.

Được biết, chương trình mới môn Ngữ văn có định hướng mở về ngữ liệu. Chương trình sẽ quy định một số văn bản bắt buộc và văn bản bắt buộc lựa chọn (giáo viên lựa chọn).

Bởi thế, mỗi vùng miền sẽ có thêm những tác phẩm được giáo viên lựa chọn khác nhau để giảng dạy. Nhưng, nếu vẫn giữ cách ra đề như cũ, giáo viên vẫn sẽ dạy các em kiểu ôn tủ đề, học sinh vẫn phải bỏ sức để học tủ theo định hướng của thầy cô như trước thì xem như đổi mới giáo dục, đổi mới chương trình và sách giáo khoa môn Ngữ văn sẽ trở nên vô nghĩa.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thanhnien.vn/giao-duc/mon-thi-ngu-van-khong-trung-tu-bai-song-cung-lam-duoc-vi-noi-ve-tinh-yeu-1410253.html

[2]https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/thi-sinh-ngo-ngang-ngo-ngac-bat-ngua-roi-khoc-nuc-no-vi-de-van-vao-tac-pham-song-162210707100041338.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên