Tại cuộc gặp gỡ với đội ngũ giáo viên cả nước vào ngày 15/8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Môn tích hợp là điểm mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Khi thiết kế chương trình, chúng ta mong muốn phát triển năng lực toàn diện cho học sinh.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương, cơ sở giáo dục, giáo viên đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Có những nhà giáo đủ năng lực nên đã dạy được tích hợp với đủ hợp phần. Song cũng có giáo viên còn nhiều lúng túng, nhất là với giáo viên vùng khó dù đã được tập huấn, bồi dưỡng.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ xem xét để có thể điều chỉnh dạy học tích hợp cấp trung học cơ sở. Song, điều chỉnh như thế nào để không xáo trộn và không gây sốc là việc cần cân nhắc. Điều chỉnh để tốt hơn, thuận lợi hơn và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục”.
Từ chia sẻ của Bộ trưởng hôm 15/8, đội ngũ giáo viên đã hy vọng Bộ sẽ có những điều chỉnh phù hợp đối với các môn tích hợp bằng những phương án cụ thể để việc giảng dạy và học tập các môn học này được hiệu quả hơn. Tuy nhiên, năm học mới đã bước sang tuần thứ 7 nhưng đến nay vẫn chưa thấy có những chỉ đạo mới về các môn tích hợp.
Ảnh minh họa. |
Các môn học tích hợp chỉ có còn cái bìa sách là…tích hợp
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp trung học cơ sở gồm có một môn học được gọi là môn tích hợp, đó là: Khoa học tự nhiên (Hóa học; Sinh học; Vật lí); Lịch sử và Địa lí (Lịch sử; Địa lí); Nghệ thuật (Âm nhạc; Mĩ thuật); Nội dung giáo dục địa phương (Ngữ văn; Lịch sử; Địa lí; Giáo dục công dân; Mĩ thuật; Âm nhạc).
Trong đó, các môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí; Nội dung giáo dục địa phương được “tích hợp” chung 1 cuốn sách giáo khoa, riêng môn Nghệ thuật đang được tách bạch riêng lẻ giữa sách giáo khoa Âm nhạc và Mĩ thuật.
Trong các môn học tích hợp, chỉ có một số rất ít địa phương đã triển khai giáo viên dạy cả môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý, còn lại, đa phần các trường trung học cơ sở hiện nay đang bố trí giáo viên dạy theo phân môn.
Trước đây, đối với môn Khoa học tự nhiên các trường bố trí dạy theo mạch kiến thức nên giáo viên các phân môn có những thời điểm rảnh rang nhưng lại có lúc dạy dồn dập vì đến phân môn của mình. Tuy nhiên, trong năm học 2023-2024 này, nhiều địa phương đang tiến hành dạy song song cả 3 phân môn cùng một thời điểm.
Chính vì thế, mặc dù môn Khoa học tự nhiên là môn học tích hợp nhưng chưa thể phân công cho giáo viên dạy cả môn học mà nhiều trường học hiện nay đang dạy theo kiểu 3 môn học độc lập như trước đây. Một cuốn sách giáo khoa nhưng có đến 3 thầy cô giáo giảng dạy với thời lượng 4 tiết/ tuần.
Vì thế, môn tích hợp nhưng thực tế chỉ có 1 cái bìa sách giáo khoa là chung, còn lại đang phải dạy riêng lẻ theo từng phần môn.
Đối với những giáo viên chưa đi học bồi dưỡng kiến thức để có chứng chỉ tích hợp theo Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT của Bộ ban hành ngày 21/7/2021 dạy theo phân môn đã đành.
Một số trường đã cử giáo viên đi học, được cấp chứng chỉ tích hợp nhưng năm học này vẫn đang bố trí dạy theo phân môn vì dạy cả môn học giáo viên vẫn gặp khó khăn, ít hiệu quả hơn dạy theo phân môn.
Riêng đối với môn Nội dung giáo dục địa phương vẫn đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Năm học 2023-2024 đã bước sang tuần thứ 7 nhưng ở địa phương nơi người viết công tác, bóng dáng sách giáo khoa Nội dung giáo dục địa phương lớp 8 và lớp 11 vẫn chưa thấy đâu.
Vì thế, giáo viên vẫn khá bị động trong nguồn học liệu để giảng dạy cho học trò và thực tế nhiều địa phương vẫn chưa triển khai giảng dạy Nội dung giáo dục địa phương lớp 8 và lớp 11 trong thời điểm đầu năm học.
Nhiều giáo viên sẽ gặp khó khăn nếu được phân công dạy cả môn học tích hợp
Theo tìm hiểu của người viết bài, việc giáo viên dạy cả môn tích hợp (Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí) mới chỉ có ở một số thành phố lớn. Các địa phương đa số vẫn đang bố trí giáo viên dạy theo phân môn.
Việc triển khai, thực hiện cử giáo viên đi học bồi dưỡng theo Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT hiện nay vẫn còn rất hạn chế vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó, có lẽ lý do cơ bản nhất là kinh phí bồi dưỡng mà các địa phương phải chi trả cho các trường đại học sư phạm chưa bố trí được.
Vì thế, số lượng giáo viên được cử đi bồi dưỡng vẫn chỉ chiếm một số lượng nhỏ ở các nhà trường. Bên cạnh đó, việc giáo viên đi bồi dưỡng xong vẫn khó đảm nhận dạy cả môn học bởi việc bồi dưỡng vài chục chứng chỉ để dạy thêm 1-2 phân môn không phải là điều dễ dàng với nhiều giáo viên.
Trước đây, học 3-4 năm ở trường cao đẳng, đại học sư phạm cũng chỉ có thể chuyên sâu được 1 môn học mà là học liên tục từ phổ thông lên. Bây giờ, nhiều giáo viên đã đi dạy vài ba chục năm nên kiến thức các phân môn khác đã mai một, thậm chí không còn đọng lại bao nhiêu.
Vậy nên, việc học để có chứng chỉ thì đơn giản nhưng học để có kiến thức dạy cho học trò cả môn tích hợp là điều rất khó. Đặc biệt là đối với môn Khoa học tự nhiên- môn học có rất nhiều dạng toán, công thức, định luật, hóa trị, khối lượng nguyên tử…
Điều mà nhiều giáo viên hiện nay vẫn đang chờ đợi và hy vọng là Bộ sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp đối với các môn học tích hợp.
Nếu vẫn thực hiện như phần lớn các địa phương, trường học hiện nay, các môn học tích hợp thực tế chỉ có cái bìa sách, tên môn học là chung mà thôi. Còn lại, vẫn là kiến thức của giáo viên nào, giáo viên đó dạy.
Các rắc rối khi làm kế hoạch năm học, phân phối chương trình và đặc biệt phức tạp khi phân chia bài kiểm tra định kỳ, chấm bài, vào điểm và nhận xét phẩm chất năng lực của học trò vẫn tồn tại.
Một môn học mà đang phải bố trí từ 2-6 giáo viên cùng giảng dạy, trong đó có những môn liên quan đến nhiều tổ chuyên môn là Nội dung giáo dục địa phương nên giáo viên ở các nhà trường gặp rất nhiều rắc rối, nhất là các thầy cô tổ trưởng chuyên môn- khi họ thực hiện làm kế hoạch và tham mưu cho Ban giám hiệu nhà trường.
Tài liệu tham khảo:
https://giaoduc.net.vn/bo-gddt-se-xem-xet-de-co-the-dieu-chinh-day-hoc-tich-hop-cap-thcs-post237337.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.