Băn khoăn về quy định không ghi âm, chụp ảnh người học, GV khi chưa được đồng ý

17/12/2023 06:45
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quy định "không ghi âm, chụp hình" trong bộ quy tắc "người nhân văn" của Trường ĐH KHXH&NV - Đại học Quốc gia TP. HCM đang gây ra nhiều tranh cãi.

Mới đây, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã có Quyết định số 2222/QĐ-XHNV-TCCB ban hành quy định về bộ quy tắc ứng xử "người nhân văn".

Theo đó, tại Điều 5 trong Chương II của bộ quy tắc này nêu lên quy định: "Không ghi âm, ghi hình, chụp ảnh người học, viên chức, người lao động khi chưa được sự đồng ý của người học, viên chức, người lao động".

Quy định này của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh sau đó đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến băn khoăn rằng, trong môi trường giáo dục cần sự cởi mở và sẻ chia thì việc đặt ra quy định này liệu có hợp lý.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Tiến sĩ Xã hội học Thân Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển Tri thức (ITCD), Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển cho rằng, việc nhà trường không cho người học, cán bộ viên chức quay phim, chụp ảnh như vậy là chưa thật sự hợp lý.

Tiến sĩ Xã hội học Thân Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển Tri thức (ITCD), Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển. Ảnh: NVCC
Tiến sĩ Xã hội học Thân Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển Tri thức (ITCD), Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển. Ảnh: NVCC

Theo đó, Tiến sĩ Thân Trung Dũng cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay, khi khoa học công nghệ trong nước đã rất phát triển và có nhiều ứng dụng về âm thanh, hình ảnh trong nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chúng ta cũng đang hướng tới việc xây dựng nhà trường thông minh thì đáng lý ra nhà trường nên có sự cân nhắc trước khi đưa ra quy định trong bộ quy tắc như vậy.

Theo tôi, trước khi chính thức đưa ra các quy tắc, nhà trường nên công khai trên phương tiện truyền thông các bản khảo sát ý kiến đối với người học và cán bộ, viên chức trong trường. Sau đó, cần công bố kết quả khảo sát đó. Nếu kết quả khảo sát đó là thuyết phục thì khi các quy tắc chính thức được ban hành sẽ hạn chế được những tranh cãi.

Nhiều cơ sở giáo dục đại học hiện nay cũng đang tìm cách tận dụng lợi thế của sự phát triển của khoa học công nghệ nhằm quảng bá hình ảnh cho chính nhà trường.

Không những thế, việc nhiều hình ảnh tốt đẹp, ấn tượng về nhà trường được chụp lại và chia sẻ rộng rãi lên mạng xã hội cũng sẽ góp phần rất lớn tác động đến công tác truyền thông của trường đại học đó.

Qua đó có thể thấy, trong một xã hội đang phát triển thì có một trường đưa ra quy định như vậy dường như là đang trái ngược với xu thế”.

Ngoài ra, bày tỏ quan điểm của mình, Tiến sĩ Thân Trung Dũng cho biết thêm, ở môi trường cần sự năng động, có nhiều đối tượng tương tác với nhau như trong trường đại học nhưng việc quay phim, chụp hình lại cần phải xin phép người khác, về một góc độ nào đó nó còn hạn chế quyền tự do cá nhân của người học, cán bộ và nhân viên trong trường.

Theo vị này, pháp luật đã quy định rõ ràng những khu vực cấm, không được phép quay phim, chụp ảnh. Trong trường học, đối với những hành vi quay phim, chụp ảnh và phát tán với mục đích tiêu cực, sử dụng hình ảnh không có sự đồng ý của người khác thì sẽ bị pháp luật xử lý. Vậy nên, nhà trường cũng nên có góc nhìn cởi mở hơn khi đưa ra các quy định.

Qua đó, Tiến sĩ Thân Trung Dũng cho rằng, trong việc này sẽ có sự ảnh hưởng nhất định về mặt tâm lý đối với các đối tượng nằm trong quy tắc, nhất là đối tượng sinh viên.

Vị này nêu ra dẫn chứng: “Thông thường, một sinh viên khi thi đỗ vào một trường đại học thì việc họ quay phim, chụp ảnh cùng bạn bè, thầy cô và đăng tải lên mạng xã hội cho mọi người biết là cách để họ bày tỏ sự hãnh diện của bản thân trước những nỗ lực, cố gắng mà họ đạt được.

Ngoài ra, sẽ có phụ huynh chụp lại hình ảnh con họ cùng bạn bè của con trong trường để chia sẻ và tự hào với họ hàng, làng xóm về thành tích của con.

Trong trường hợp phụ huynh ấy chụp hình với một tập thể đông đảo thì không lẽ phải đi xin ý kiến của từng người. Hoặc nếu có trường hợp đó xảy ra thì khi ấy nhà trường sẽ xử lý tình huống đó như thế nào?

Nhà trường ban hành quy định như vậy nhưng liệu có tính đến các chế tài phù hợp để xử lý đối với từng tình huống hay không?

Hoặc có trường hợp, cán bộ viên chức nhà trường chụp lại hình ảnh cùng đồng nghiệp để cho người khác thấy là họ đang có công việc tốt ở một trường đại học có tiếng thì cũng đâu có gì quá nghiêm trọng, đến mức phải ra quy định khắt khe như vậy.

Vì vậy, theo tôi khi nhà trường đặt ra các quy tắc nhằm hạn chế những việc làm ở những nơi không có quy định cấm như vậy ít nhiều sẽ tạo ra tâm lý so sánh đối với các đối tượng bị áp dụng.

Họ sẽ đặt ra câu hỏi rằng, tại sao các trường đại học khác họ không cấm, mà ở trường này lại ngăn cấm như vậy, điều này vô tình tạo ra các luồng suy nghĩ không tốt về chính cơ sở giáo dục ban hành quy tắc đó”, Tiến sĩ Thân Trung Dũng nhấn mạnh.

Cùng bàn về vấn đề này Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội lại có góc nhìn khác.

Theo đó, vị luật sư này cho rằng, trong việc này nhà trường đã căn cứ theo các quy định để đưa ra bộ quy tắc nhằm cụ thể quy định của pháp luật để phù hợp với các hoạt động thực tiễn của nhà trường, phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, vị này nhận định, việc đề ra quy định như vậy cũng không gây ra ảnh hưởng quá nhiều đến việc quảng bá hình ảnh hay truyền thông của nhà trường.

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội. Ảnh: Trung Dũng

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội. Ảnh: Trung Dũng

"Mục đích của bộ quy tắc này nhằm điều chỉnh cách ứng xử của người học, viên chức và người lao động của nhà trường để phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và đặc trưng văn hóa địa phương.

Ngoài ra, việc ban hành bộ quy tắc cũng góp phần xây dựng văn hóa công sở, văn hóa học đường; đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; đảm bảo sự liêm chính, chuyên nghiệp, phù hợp với trách nhiệm, nghĩa vụ của người học, viên chức người lao động cũng như ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi ứng xử tiêu cực, thiếu tính giáo dục trong nhà trường.

Vì thế, việc nhà trường ban hành bộ quy tắc ứng xử cụ thể như vậy cũng không gây chồng chéo với các quy định khác. Theo tôi, nó không quá khắt khe mà góp phần đảm bảo hoạt động của nhà trường theo khuôn khổ, quy định pháp luật", Luật sư Nguyễn Minh Long cho hay.

Trung Dũng