Các sinh viên, giáo sinh đào tạo ở trường sư phạm để trở thành thầy cô giáo dạy học, chứ mấy ai nghĩ mình sau này sẽ là Phó hiệu trưởng, Hiệu trưởng lãnh đạo, điều hành, quản lý trường học.
Mỗi trường học từng ngày thì không thể thiếu người đứng đầu, quản lý, lãnh đạo như bao cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực, ngành nghề khác.
Thực tiễn có nhu cầu, cần thiết, những thầy cô giáo hội đủ các phẩm chất, năng lực, tiêu chuẩn, bằng cấp theo quy định cùng với sự tín nhiệm của tập thể giáo viên được đề bạt, bố trí, bổ nhiệm vào các chức danh, vị trí quản lý, lãnh đạo nhà trường.
Khi lên Ban giám hiệu, các thầy cô giáo được giảm tiết dạy ở trên lớp (Phó hiệu trưởng: 4 tiết/ tuần, Hiệu trưởng: 2 tiết/ tuần), được hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,25 đến 0,70 và được giáo viên, nhân viên quan tâm, theo dõi nhiều hơn so với khi làm giáo viên.
Phụ cấp chức vụ thực ra không đáng kể nhưng trách nhiệm, công việc của Ban giám hiệu rất vất vả, nặng nề.
Nhiều thầy cô giáo khi làm quản lý, lãnh đạo nhà trường đã phát huy tốt năng lực, phẩm chất của mình, điều hành, quản lý “bộ máy” ở đơn vị khá hiệu quả.
Ban giám hiệu cũng có người này người kia. Ảnh minh họa: Haiphong.edu.vn |
Mọi cái đều đâu ra đó, rành rọt, dân chủ, công khai, minh bạch, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên hết, không quan liêu, vụ lợi, độc đoán, chuyên quyền. Ứng xử với giáo viên, đồng nghiệp rất chan hoà, gần gũi, tình cảm như anh em trong một nhà.
Chính cách sống và làm việc như thế nên được tập thể giáo viên hết lòng ủng hộ, khi trường gặp khó khăn, công việc nhiều đều chung vai gánh vác, san sẻ, không ai so đo, tính toán, thiệt hơn.
Các thầy cô giáo lấy làm hạnh phúc, vui vẻ mỗi ngày đến trường, lớp khi có được Ban Giám hiệu thật sự đoàn kết, tâm huyết với nghề, vì sự phát triển chung của nhà trường.
Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ quản lý ở các cơ sở giáo dục phổ thông cũng chưa thể đồng đều, toàn diện hết được, giống như 2 bàn tay mỗi con người chúng ta cũng có ngón ngắn, ngón dài.
Thực tế, vẫn còn một số Ban giám hiệu chưa gương mẫu, đầu tàu, thiếu trách nhiệm trong công việc.
Có những biểu hiện lệch lạc như: quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ, trù dập, coi thường giáo viên, cấp dưới.
Có lãnh đạo nhà trường làm ít, chơi nhiều, toàn toan tính, vụ lợi cho bản thân, gia đình mình, bất chấp quy định của pháp luật, cố tình làm sai, thấy sai rồi mà không chịu sửa sai, bỏ mặc lợi ích, tiếng nói chân tình của các giáo viên.
Từ cái không tốt, chưa được của lãnh đạo dẫn đến kỷ cương của nhà trường, tư tưởng, cung cách làm việc, dạy học của nhiều giáo viên cũng bị chệch choạc, lỏng lẻo theo.
Muốn thầy cô hạnh phúc, ban giám hiệu cần thay đổi |
Giáo viên có sung sướng, hạnh phúc gì đâu khi gặp đúng Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng kém cỏi, tệ hại.
Từ thực tế đơn vị của mình nên một số thầy cô giáo luôn có cái nhìn màu xám, đâu đâu đều dở, đều xấu, đáng chê trách, lên án cả.
Các cấp quản lý cấp trên phải thấy được đâu là Ban giám hiệu tốt, đâu là Ban giám hiệu chưa tốt để chấn chỉnh, thậm chí là thay đổi, sắp xếp, bổ nhiệm lại.
Các thầy cô giáo trong tập thể sư phạm nhà trường không thể bàng quan, hững hờ, vô tâm mãi mà phải đấu tranh, bày tỏ quan điểm, chính kiến rõ ràng của mình đối với cái sai, cái chưa được của lãnh đạo đơn vị.
Việc góp ý, xây dựng nhà trường ngày càng vững mạnh, phát triển là trách nhiệm hàng đầu, không phải của riêng ai.