Bắc Giang kiến nghị có quy định riêng khi tinh giản biên chế ngành giáo dục

18/02/2023 06:48
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nhằm đảm bảo định biên giáo viên/lớp, Sở Giáo dục tỉnh Bắc Giang kiến nghị không thực hiện cắt giảm biên chế theo tỷ lệ chung vì giáo dục có tính đặc thù.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng trên cơ sở quan điểm của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực người học. Tuy nhiên, thực tế quá trình triển khai cho thấy, bên cạnh những thành quả đạt được, nhiều địa phương cũng gặp một số vướng mắc nhất định cần quan tâm tháo gỡ.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Tạ Việt Hùng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang đã có những chia sẻ khái quát về kết quả thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội về điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88.

Thạc sĩ Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang).
Thạc sĩ Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang).

Đảm bảo hài hoà giữa “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp

Đánh giá chung kết quả thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh Bắc Giang cho biết, việc xây dựng và ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đáp ứng mục tiêu đổi mới giáo dục phổ thông theo quy định tại Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI và Nghị quyết số 88 của Quốc hội.

"Với sự quan tâm, sự chỉ đạo sát sao của Trung ương, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của ngành, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã và đang được triển khai tại Bắc Giang theo đúng lộ trình, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp và đạt hiệu quả theo mục tiêu của Nghị quyết số 88 của Quốc hội; học sinh chủ động hơn trong việc tiếp nhận kiến thức, thực hành kỹ năng, tích cực tham gia vào quá trình học tập, năng động, sáng tạo và bước đầu hình thành, phát triển những phẩm chất, năng lực theo mục tiêu của chương trình", ông Hùng đánh giá.

Thứ nhất, về thực hiện mục tiêu nghị quyết, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cụ thể hoá việc đổi mới mục tiêu cơ bản của giáo dục từ tập trung vào trang bị kiến thức, kỹ năng sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, đảm bảo hài hoà giữa “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp.

Thứ hai, về tăng cường định hướng nghề nghiệp trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở hàng năm được chỉ đạo lồng ghép vào các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học, trong đó tập trung các giải pháp theo Kế hoạch số 2905/UBND-KGVX ngày 13/8/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang về triển khai Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ ba, về thực hiện yêu cầu đổi mới chương trình, đảm bảo phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức, kỹ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại, hài hoà đạo đức, thể, mỹ, chú trọng thực hành.

Cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá

Theo ông Hùng, việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại tỉnh Bắc Giang đến thời điểm hiện tại là phù hợp, thuận lợi.

Cụ thể, đánh giá về nội dung đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018, theo ông Hùng, thực hiện phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh việc đổi mới trong công tác quản lý giáo dục, chú trọng xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên; chuyển dần từ việc dạy học chỉ chú trọng cung cấp kiến thức sang định hướng dạy học phát triển năng lực. Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn sâu rộng cấp tỉnh, cấp cụm huyện để tất cả giáo viên dạy chương trình mới được dự để học hỏi và áp dụng.

Về tạo chuyển biến căn bản, toàn diện chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông, chương trình mới đảm bảo tính khả thi, cơ bản đội ngũ giáo viên và học sinh đáp ứng được yêu cầu dạy học. Học sinh được tiếp cận với sách giáo khoa mới với nội dung, hình ảnh phong phú, hấp dẫn, nguồn học liệu điện tử sinh động mang tính hiện đại, tiên tiến. Các yêu cầu cần đạt của chương trình, môn học, hoạt động giáo dục cơ bản phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh trong tỉnh, dần phát huy năng lực chung và các phẩm chất học sinh giai đoạn hiện nay. Giáo viên hài lòng khi thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới, bởi tính gần gũi, thiết thực trong các nội dung, có kênh hình, kênh chữ rõ ràng, màu sắc gần gũi với hình ảnh thực tế…

Về sách giáo khoa, theo ông Hùng, chất lượng sách giáo khoa mới đáp ứng tốt yêu cầu cần đạt, cơ bản phù hợp điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh Bắc Giang và đáp ứng được yêu cầu dạy và học.

"Tuy nhiên, quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 7, lớp 10 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo được ban hành (vào tháng 1/2022); sau đó lại có thêm quyết định phê duyệt bổ sung danh mục sách giáo khoa lớp 7, lớp 10 (vào tháng 3/2022); rồi quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh lớp 10 (vào tháng 4/2022), ở những thời điểm khác nhau, khiến địa phương phải sắp xếp, hệ thống các danh mục sách được phê duyệt để lựa chọn nhiều lần", ông Hùng cho biết thêm.

Liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa, kinh phí xây dựng, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương căn cứ hướng dẫn và thực tiễn, Sở được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp bổ sung dự toán hàng năm. (Theo đó, năm 2020: 0,64 tỷ đồng; năm 2021: 0,72 tỷ đồng; năm 2022: 0,72 tỷ đồng.

Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã giao dự toán (dự toán giao đầu năm và dự toán bổ sung trong năm) để Sở thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên cấp học phổ thông trong toàn tỉnh theo nội dung các modul của chương trình mới. Năm 2019: 4 tỷ đồng, năm 2020: 3,8 tỷ đồng, năm 2021: 3,7 tỷ đồng và năm 2022 là: 4,8 tỷ đồng. Năm 2021, Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp bổ sung kinh phí cho Sở và các huyện, thành phố số tiền 1,67 tỷ đồng để thực hiện mua tài khoản bồi dưỡng giáo viên trực tuyến

Giai đoạn 2019-2022, toàn tỉnh đầu tư 2.950 tỷ đồng xây dựng bổ sung phòng học, phòng học chức năng và các công trình phụ trợ và 526 tỷ đồng thiết bị, đồ dùng, bàn ghế phục vụ cho dạy và học.

Những khó khăn hạn chế và nguyên nhân

Công tác chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện và triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang đã bao quát đầy đủ các vấn đề như: chuẩn bị lựa chọn sách giáo khoa, xây dựng tài liệu giáo dục của địa phương, tập huấn giáo viên, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của chương trình mới.

Ngành giáo dục tỉnh Bắc Giang vẫn còn những khó khăn hiện hữu trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Ngọc Mai.

Ngành giáo dục tỉnh Bắc Giang vẫn còn những khó khăn hiện hữu trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Ngọc Mai.

Các cơ sở giáo dục đào tạo đã tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của Sở, phù hợp với điều kiện của nhà trường, kịp thời triển khai chương trình mới theo đúng lộ trình quy định tại Nghị quyết số 51 của Quốc hội. Song, theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang, vẫn còn những khó khăn hiện hữu trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Hiện nay, khó khăn đối với tỉnh Bắc Giang để thực hiện chương trình mới là việc đầu tư mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo do điều kiện ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp, các nhà trường chỉ có thể mua sắm thiết bị đơn giản, chưa tiến hành mua đồng bộ các thiết bị chuyên dụng.

Thêm nữa, việc chỉ đạo và quản lý kế hoạch bài dạy của giáo viên ở một số nhà trường còn máy móc, chưa hướng dẫn đầy đủ để giáo viên hiểu đúng, làm đúng, phát huy được sự chủ động, sáng tạo theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo khiến việc xây dựng kế hoạch bài dạy quá dài, kém hiệu quả; việc đánh giá bằng nhận xét không đúng yêu cầu, gây áp lực không đáng có cho giáo viên, tạo dư luận không tích cực đối với chủ trương đổi mới’, ông Hùng cho hay.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Hùng, tình trạng thiếu giáo viên đang gây khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

"Cụ thể, cấp tiểu học thiếu giáo viên nhưng việc tuyển dụng gặp khó khăn do thiếu nguồn tuyển trình độ đại học trở lên. Các cơ sở giáo dục thừa, thiếu cục bộ giáo viên nên khó khăn trong việc điều chuyển hay bố trí dạy liên trường.

Thiếu cục bộ giáo viên dạy các môn học mới như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp do giáo viên dạy các môn này chưa được đào tạo, bồi dưỡng bổ sung kiến thức đầy đủ theo quy định của Bộ (việc phải bố trí 2-3 giáo viên dạy cùng lúc các môn học này gây khó khăn trong việc quản lý, kiểm tra, đánh giá học sinh và xếp thời khóa biểu).

Cấp trung học phổ thông có ít giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mĩ thuật. Quá trình đào tạo giáo viên để dạy các môn học mới yêu cầu có lộ trình, thời gian và các giáo viên vừa phải dạy, vừa đi đào tạo, bồi dưỡng nên gặp khó khăn trong việc triển khai", Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang chia sẻ.

Không những vậy, trình độ, kỹ năng khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận công nghệ mới trong quản lý và dạy học ở một số cán bộ quản lý, giáo viên hiện nay còn hạn chế.

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở một số đơn vị còn chưa đồng bộ, thiếu so với yêu cầu. Ngân sách đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học có hạn; các điều kiện để ứng dụng thiết bị dạy học thông minh chưa nhiều.

3 kiến nghị đối với Chính phủ, Bộ, cơ quan Trung ương

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cùng với thực tiễn của địa phương, ngành giáo dục tỉnh Bắc Giang đề xuất một số kiến nghị:

Một là, thực hiện rà soát và tiến hành sửa đổi, bổ sung những quy định, chính sách trong hệ thống các văn bản quy phạm đã được Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương ban hành đảm bảo đồng bộ, thống nhất phù hợp với thực tế và yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo.

“Ví dụ như Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT quy định về cấp phó các trường trung học phổ thông chưa thống nhất…”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang nêu ví dụ.

Hai là, không thực hiện cắt giảm biên chế theo tỷ lệ chung vì giáo dục có đặc thù riêng.

Cụ thể, đề xuất với Bộ Nội vụ bổ sung biên chế đối với sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn 2022-2026 để đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp khi quy mô sĩ số học sinh tăng nhanh và không thực hiện tinh giản biên chế với tỉ lệ 10% đối với sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn tới để giảm tải tình trạng áp lực công việc cho giáo viên.

Có quy định riêng việc thực hiện tinh giản biên chế của ngành giáo dục, đảm bảo định biên giáo viên trên lớp, không thực hiện cắt giảm biên chế theo tỷ lệ do đặc thù riêng của ngành.

Ba là, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống.

Đặc biệt, đối với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng, ngành cần tham mưu để tạo cơ chế chính sách hỗ trợ, đảm bảo thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng, được hưởng phụ cấp ưu đãi, các khoản hỗ trợ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học…

Đánh giá các điều kiện đảm bảo triển khai, thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tỉnh Bắc Giang:

Về đội ngũ giáo viên:

- Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trên toàn tỉnh cơ bản đủ về số lượng, tương đối đồng đều về cơ cấu. Tỉ lệ giáo viên/lớp ở tiểu học đạt 1,4; trung học cơ sở đạt 1,99; trung học phổ thông đạt 2,25; bậc tiểu học hiện có 8.092 giáo viên (8.083 giáo viên công lập, 9 giáo viên tư thục), đến năm 2023 cần thêm 685 giáo viên; bậc trung học cơ sở hiện có 6.216 giáo viên (6.210 giáo viên công lập, 6 giáo viên tư thục), đến năm 2023 cần thêm 391 giáo viên; bậc trung học phổ thông hiện có 2.852 giáo viên (có 2.578 giáo viên công lập, 274 giáo viên tư thục), đến năm 2023 cần thêm 78 giáo viên (45 giáo viên công lập, 33 giáo viên tư thục).

- Về chất lượng: Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan có liên quan tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Bắc Giang đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xây dựng và ban hành “Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giai đoạn 2021-2025” để đảm bảo trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, trên cơ sở kế hoạch tổng thể giai đoạn, hàng năm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện việc bồi dưỡng nâng chuẩn cán bộ quản lý, giáo viên theo lộ trình.

Về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học

- Khả năng đáp ứng cơ sở vật chất: Phần lớn các nhà trường đều có khả năng đáp ứng học 2 buổi/ngày.

- Khả năng đáp ứng về trang thiết bị: Phần lớn các trang thiết bị được đầu tư mua sắm lớn từ những năm 2006, hàng năm có mua sắm bổ sung. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị rà soát thiết bị hiện có theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tính đến thời điểm hiện tại, số bộ trang thiết bị hiện có và mua sắm bổ sung hàng năm chỉ đáp ứng được gần 50% nhu cầu sử dụng của các đơn vị.

Ngọc Mai