Air Mekong chính thức bị "khai tử": Thất bại đến từ đội tàu bay

13/01/2015 07:46
Mai Anh (tổng hợp)
(GDVN) - Lựa chọn loại tàu bay bất lợi cùng lúc suy thoái của kinh tế là một trong nhiều nguyên nhân khiến Air Mekong phải sớm dừng cuộc chơi.

Ngày 6/1/2015, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu đã ký Quyết định số 22/QĐ-BGTVT về việc hủy bỏ Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty Cổ phần Hàng không Mê Kông (Air Mekong).

Theo đó, hủy bỏ giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không số 06/2008/GPKDVCHK ngày 30/10/2008 cấp cho Air Mekong. Được biết, lẽ ra Air Mekong phải bị thu hồi giấy phép từ tháng 3/2014, sau khi hãng này dừng bay từ 1/3/2013, nhưng sau đó Bộ Giao thông Vận tải đã chấp thuận hoãn thu hồi giấy phép vận chuyển hàng không đối với hãng này đến hết ngày 31/12/2014, sau khi hãng gửi kế hoạch sẽ bay lại vào năm 2015 lên Cục Hàng không - Bộ Giao thông Vận tải. 

Tuy nhiên, sau khi hết thời gian gia hạn giấy phép vào ngày 31/12/2014, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải hủy giấy phép bay của Air Mekong và đã được chấp thuận. Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện nay Air Mekong không đủ các điều kiện để duy trì giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo quy định.

Air Mekong chính thức bay từ đầu tháng 10/2010, với 8 đường bay, nối các điểm như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Côn Đảo, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Hải Phòng và Vinh.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Air Mekong bị rút giấy phép, theo các chuyên gia hàng không là thất bại đã được dự báo trước. Theo phân tích của Báo Đầu tư, sau khi sân bay Phú Quốc hoàn thành thì lợi thế của các loại tàu bay B747-400 và tương đương trở xuống của Air Mekong đã đánh mất trên đường bay thẳng dài nhất Việt Nam từ Hà Nội tới Phú Quốc.

Cụ thể trước đây khi sân bay Phú Quốc chưa được cải tạo nâng cấp đường bay ngắn thì loại máy bay B747-400, Bombardier CRJ900 với ưu điểm cất, hạ cánh trên đường bay ngắn phát huy hiệu quả. Tuy nhiên sau khi sân bay Phú Quốc được hoàn thành các loại tàu bay cỡ lớn như A320, Airbus321, B777 của Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetsta Pacific có thể cất, hạ cánh dễ dàng khi đó các loại tàu bay của Air Mekong với tiện nghi kém hơn, năng lực vận tải kém hơn trở thành gánh nặng cho hãng hàng không này.

“Không thể đánh giá thấp chiến lược kinh doanh của Air Mekong, thậm chí trong năm đầu hoạt động, việc lựa chọn đường bay ngách và tàu bay Bombardier CRJ 900 vẫn là lối đi có tính hợp lý cao tại thị trường hàng không nội địa”, Báo Đầu tư dẫn lời ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam bình luận.

Cùng với việc đội bay Bombardier CRJ900 không còn ưu thế, suy thoái kinh tế cũng đã khiến lượng khách của Air Mekong bị ảnh hưởng, trong đó có đường bay Hà Nội - Phú Quốc, Hà Nội - Côn Đảo… vốn chỉ dành cho khách du lịch có tiền.

Bên cạnh đó, dù được xác định là hãng hàng không truyền thống nhưng trên Air Mekong vẫn bị cuốn vào cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá vé với các đối thủ, đặc biệt là trong năm 2012. Có những thời điểm, giá vé khuyến mại của Air Mekong từ Hà Nội tới TP.HCM, Phú Quốc chỉ khoảng 900.000 đồng/lượt, thấp khá xa so với chi phí vốn.

Trong khi đó lý giải thất bại của Air Mekong, TS Trần Đình Bá - Hiệp Khoa học Kinh tế Việt Nam cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân chính gây nên thảm cảnh thua lỗ này là chi phí quá lớn cho nguồn nhiên liệu trong mỗi chuyến bay.

Theo TS Bá, Air Mekong sử dụng đội bay gồm những máy bay phản lực cơ Bombardier CRJ900 hơn hẳn máy bay cánh quạt ATR 72 của hãng Vasco, mở ra nhiều kỳ vọng làm phong phú thêm thị trường hàng không Việt tại Phú Quốc. Thực chất, đây chính là điểm đầu báo hiệu “cái chết lâm sàng” của hãng trước nguồn nợ phí nhiên liệu quá lớn của máy bay phản lực cơ Bombardier CRJ900.

Như vậy thị trường hàng không Việt Nam đang chỉ còn 4 hãng hàng không đang khai thác bay thương mại là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vasco và VietJet Air. Tuy nhiên, các hãng này cũng đang bươn chải trong nhiều khó khăn như nợ nần, phương tiện bay già nua… Chắc chắn hàng không Việt Nam 2015 cần đến cả một sự thay đổi lớn để làm sáng mình thành công.

Trước Air Mekong 2 hãng hàng không Indochina Airlines, Trãi Thiên (Trai Thien Air Cargo) cũng bị hủy bỏ giấy phép kinh doanh vận tải hàng không.

Mai Anh (tổng hợp)