Do ảnh hưởng của cơn bão số 14, đến 7h sáng ngày 10/11, khu vực thành phố Huế có mưa, ngày càng lớn kèm theo gió giật mạnh nhưng mọi thứ vẫn đều ổn, người dân hạn chế ra đường. Khoảng 6h30 sáng vẫn còn thấy nhiều xe khách chạy từ hướng Bắc - Nam trên Quốc lộ 1A. Tàu hỏa chạy về phía ga Huế tránh bão.
Vào 7h30, ở Đà Nẵng mưa bao phủ trắng toát cả bầu trời. Ngoài đường, chỉ lác đác vài chiếc xe taxi đang vội vã trở về nhà. Trên tuyến đường Vân Đồn, Nguyễn Trung Trực (Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) nhiều thùng rác di động đã bị gió thổi bay tung téo khắp nơi.
Tính đến sáng hôm nay(10/4) đã có 6 người chết vì bão Hải Yến, trong đó Quảng Nam có 2 người và Quảng Ngãi có 2 người. Ngoài ra, có hàng chục người bị thương trong quá trình chuẩn bị phòng chống bão.
Theo Tiền Phong đưa tin, ngày 9-11 là một ngày không thể nào quên với người Đà Nẵng. Không khí đối phó với bão Haiyan hiện ra trên từng khuôn mặt căng thẳng của người dân vốn chịu quá nhiều bão tố.
Cả thành phố hầm hập như chuẩn bị chiến tranh khi hàng loạt container được nhiều khách sạn thuê đưa về làm vật chắn bão. Khách sạn Novotel - một khách sạn lớn thuộc loại vững chãi nhất nhì nội ô Đà Nẵng - đã phải dùng đến sáu container loại lớn chèn chắn toàn bộ các cửa ra vào. Một số khách sạn lớn ven biển trên đường Phạm Văn Đồng cũng tìm đến giải pháp này với hi vọng ngăn chặn được phần nào thiệt hại từ “siêu bão”.
|
Khách sạn Novotel Đà Nẵng dùng container chắn ngay mặt tiền để chống bão - Ảnh: Tuổi Trẻ |
Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người dân nội ô đã đổ xô ra các bãi biển, thậm chí ở bất cứ nơi nào có thể xúc được đất, cát để lấy đổ vào bao đem về chèn chống nhà cửa. Sau bảy năm kể từ ngày bão Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng, giờ đây người Đà Nẵng mới sống lại cái cảm giác lo sợ đến như vậy. Nhiều cửa hàng bán vật liệu xây dựng trên các tuyến phố gần như “cháy” hàng từ đinh, dây thép, xà gồ đến cáp néo, tăng, bạt....
Có mặt tại một cửa hàng vật liệu xây dựng ở góc chợ Tam Giác (Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng), chúng tôi chứng kiến cảnh một phụ nữ đã đứng tuổi đang cố vác lấy một cây xà gồ nặng trĩu dài hơn 4m chạy thục mạng vào một con hẻm gần đó để kịp đưa lên mái nhà cho người chồng chèn chống. Nỗi hoảng sợ hiện rõ trên từng khuôn mặt của những người đứng đợi mua xà gồ khi loa truyền thanh liên tục phát đi những bản tin bão gần bờ...
Không đủ sức, đủ người để giúp dân chèn chống nhà cửa, nhiều địa phương đã có sáng kiến cho xe ben chở đầy cát rồi đổ khắp các tuyến phố. Cứ vậy, hễ thấy xe ben dừng lại là người dân khắp các con hẻm ùa nhau ra xúc cát cho vào bao rồi kéo lên mái nhà. Có nơi người dân còn ra đường moi, đào đất ở dọc các con lươn... Tất cả đều phải làm miễn sao có đủ đất đưa lên mái tôn chèn chống. Thậm chí không đủ cát, nhiều nhà còn tìm cách bơm nước vào túi nilông để chèn chống nhà cửa.
Trong khi tại các siêu thị, người chen lấn mua hàng đông chưa từng thấy. Cảm giác “sẽ bị cô lập nhiều ngày” hiện rất rõ trong từng ánh mắt của người mua hàng. Và dù chính quyền Đà Nẵng đã tính đến nguy cơ xảy ra “bão giá” nên “tung” 100% nhân viên quản lý thị trường ra cắm chốt khắp các tuyến phố, thế nhưng trên thực tế nhiều mặt hàng vẫn âm thầm tăng giá mà không có lấy một tiếng phàn nàn nào từ phía người mua. Trên nhiều tuyến phố, nhiều người chuyển sang nghề bán đất cát với mỗi bao lên đến 15.000-20.000 đồng.
Đến chiều tối 9-11, hầu hết các tuyến phố của Đà Nẵng vắng hoe như chiều 30 tết. Tất cả đều vào nhà tránh trú, sẵn sàng cho một cuộc đối đầu với “siêu bão”.
Đối với, các tỉnh từ Phú Yên đến Quảng Bình, ngay từ hôm qua (9/11) đã sơ tán được 132.860 hộ với hơn 700.000 người đến các nơi trú ẩn an toàn để tránh bão, khi siêu bão Haiyan mạnh nhất thế kỷ sắp đổ vào Việt Nam./.
Đỗ Tuyết (tổng hợp)