5 năm qua, Trường ĐH Khoa học phát triển mạnh đội ngũ giảng viên trình độ cao

27/12/2024 06:20
Trần Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Từ năm 2020 đến nay, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) tăng thêm 22 phó giáo sư nhờ nhiều chính sách. 

Theo Báo cáo một số kết quả trong công tác bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trình độ cao tại Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) nhiệm kỳ 2020 - 2025 cho thấy, đầu nhiệm kỳ (tháng 6/2020), tỷ lệ giảng viên có trình độ từ tiến sĩ trở lên là 40%, trong đó có 5 phó giáo sư, chiếm 2,2%.

Đến tháng 11/2024, tỷ lệ giảng viên có trình độ từ tiến sĩ trở lên đã là 48,6%, trong đó có 27 phó giáo sư (đạt tỷ lệ 11,5%) và 114 tiến sĩ (đạt tỷ lệ 37,1%). Đáng nói, từ năm 2020 đến nay, trường tăng thêm 22 phó giáo sư.

Về cơ bản đội ngũ giảng viên của nhà trường đều đạt chuẩn ngoại ngữ và tin học, năng lực công bố khoa học đạt xấp xỉ 0,5 bài ISI/Scopus/giảng viên/năm.

Nhiều chính sách bồi dưỡng, giữ chân đội ngũ giảng viên trình độ cao

Trao đổi cùng phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đăng – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) chia sẻ: “Trong nhiệm kỳ vừa qua, nhận thức được tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng, giữ chân đội ngũ giảng viên trình độ cao, Đảng uỷ Trường Đại học Khoa học ban hành nhiều nghị quyết và ban giám hiệu nhà trường có nhiều chính sách nhằm khuyến khích và tạo điều kiện tối đa để các giảng viên trẻ đi học tập nâng cao trình độ và phát huy hết khả năng của mình trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học”.

z6078000510857_62fac2ef845069c7130d799da3198d0f.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đăng – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: NTCC.

Theo đó, thầy Đăng cho biết, thứ nhất, Trường Đại học Khoa học đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng môi trường làm việc – nghiên cứu của giảng viên. Nhà trường quan tâm đến xây dựng mối đoàn kết trong tập thể lãnh đạo, xây dựng cơ chế chính sách thông thoáng, công bằng, minh bạch, mạnh dạn sử dụng giảng viên trẻ, có năng lực, đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và tạo cơ hội cho giảng viên có cơ hội tiếp xúc với thông tin khoa học.

Ở cấp độ khoa, bộ môn là môi trường làm việc trực tiếp nhà trường chú trọng xây dựng môi trường đoàn kết có tình đồng nghiệp chân thành và thiện chí. Bởi vì, nhà trường nhận thức được rằng trong điều kiện “cạnh tranh” để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao như hiện nay, song song với chế độ đãi ngộ thì điều kiện, môi trường làm việc cùng những chính sách thuận lợi cho việc phát triển chuyên môn mới là nhân tố quyết định. Đối với một giảng viên đại học có năng lực thì không thiếu gì cách nâng cao thu nhập.

Thứ hai, Trường Đại học Khoa học đã xây dựng các chính sách cơ chế tuyển dụng minh bạch, trọng dụng nhân tài từ nhiều nơi, giao nhiệm vụ đi học nghiên cứu sinh đến từng cán bộ, cương quyết chỉ cử cán bộ trẻ đi học nghiên cứu sinh tại các cơ sở đào tạo tạo có uy tín trong và ngoài nước.

“Hiện nay, toàn trường có khoảng 30-40 tiến sĩ có khả năng công bố quốc tế; có đơn vị 100% giảng viên có công bố ISI như Viện Khoa học và Công nghệ; một số khoa, ngành 100% giảng viên có trình độ tiến sĩ (hoặc chỉ còn 1 giảng viên đang là nghiên cứu sinh năm cuối) như Viện Khoa học và Công nghệ, ngành Toán học của Khoa Toán Tin, ngành Lịch sử của Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, ngành Văn học của Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa” - thầy Đăng thông tin.

Bên cạnh đó, dù còn nhiều khó khăn do ngân sách Nhà nước cấp hạn hẹp nhưng nhà trường luôn ưu tiên kinh phí chi lương, các khoản phúc lợi và duy trì thu nhập tăng thêm cho cán bộ. Hiện chi cho con người chiếm 65-70% tổng chi toàn trường.

Ngoài lương, thu nhập tăng thêm, tiền thừa giờ và phúc lợi dịp lễ tết, nghỉ mát nhà trường còn có chính sách hỗ trợ chức danh cao cho các giảng viên có trình độ từ tiến sĩ trở lên. Hiện thu nhập bình quân của giảng viên toàn trường khoảng 17,5 triệu đồng/tháng - so với đầu nhiệm kỳ là 9,6 triệu đồng/tháng.

Thúc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học

Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) cho hay, trong giai đoạn 2020-2024, Trường Đại học Khoa học đã thực hiện 2 đề tài độc lập cấp Nhà nước, 11 đề tài thuộc Quỹ Nafosted, 28 đề tài cấp Bộ, 3 đề tài cấp tỉnh, 18 đề tài cấp đại học, 140 đề tài cấp cơ sở, triển khai thực hiện 285 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên.

Trường Đại học Khoa học là đơn vị đứng đầu Đại học Thái Nguyên về số lượng bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín ISI. Trong giai đoạn 2020-08/2024, Trường Đại học Khoa học đã công bố 1163 công trình khoa học trong nước và quốc tế, trong đó có 444 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus, 101 bài báo quốc tế khác, 618 bài báo trong nước.

Nhà trường đã thực hiện 2 tiểu dự án quốc tế, 3 đề tài chuyển giao khoa học công nghệ với các địa phương, doanh nghiệp.

z6164656103044_030505796d14e81e83067a4acf28219c.jpg
Thống kê số lượng đề tài nghiên cứu khoa học trong 5 năm qua của Trường Đại học Khoa học. Số liệu: NTCC.
z6164664373871_0b85e17acbb20f7bece02144797eae07.jpg
Thống kê số lượng bài báo khoa học được đăng tải trong 5 năm qua của giảng viên Trường Đại học Khoa học. Số liệu: NTCC.

Thầy Đăng chia sẻ, nhà trường luôn ưu tiên nguồn kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học (hiện đang bao cấp toàn bộ kinh phí sửa chữa, tiền điện nước khu thí nghiệm thực hành) và không yêu cầu giảng viên trích nộp kinh phí từ hoạt động nghiên cứu khoa học (ngoài 5% quản lý chi hộ).

Năm 2023, theo kết luận của đoàn kiểm định tổng thu từ nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Khoa học là 9%, năm 2024 khoảng 6%. Đây là nguồn kinh phí khá lớn giúp giảng viên có thêm thu nhập từ nghiên cứu khoa học.

Kinh phí nghiên cứu khoa học tại trường được cấp và hỗ trợ theo nhiều tiêu chí: Thứ nhất là thực hiện khoán kinh phí nghiên cứu khoa học theo năng lực và thành tích nghiên cứu khoa học trong năm của các đơn vị với 4 tiêu chí chính: (1) số sinh viên quy đổi; (2) số giảng viên cơ hữu; (3) số công bố khoa học, giải thưởng khoa học, sách giáo trình; (4) đề tài, dự án, hợp đồng chuyển giao.

Thứ hai là nhà trường cấp kinh phí thực hiện đề tài cấp cấp cơ sở đặt hàng theo sản phẩm. Cụ thể: cấp 60 triệu cho bài báo trên tạp chí quốc tế uy tín ISI (đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn), 40 triệu cho bài báo trên tạp chí quốc tế uy tín cao ISI-Q1 (đối với lĩnh vực khoa học tự nhiên). Các đề tài cơ sở sẽ được nghiệm thu một cấp ngay sau khi có sản phẩm với thủ tục nhanh gọn.

Thứ ba là thực hiện hỗ trợ kinh phí viết bài cho nhóm tác giả khi có bài đăng trên tạp chí khoa học.

Cuối cùng là nhà trường áp dụng chính sách quy đổi giờ nghiên cứu khoa học sang giờ giảng dạy cho giảng viên để các giảng viên có năng lực nghiên cứu khoa học tốt.

Song song với đó là chính sách thi đua khen thưởng rất linh hoạt như: nâng lương trước thời hạn cho giảng viên có 2 bài báo quốc tế ISI theo quy định của Đại học Thái Nguyên; chỉ hỗ trợ chức danh cao hàng tháng theo hệ số quy đổi cho cán bộ có học vị từ tiến sĩ trở lên nếu có điểm nghiên cứu khoa học quy đổi theo quy định và điểm công bố khoa học dương; khen thưởng kịp thời cho cán bộ và sinh viên được giải thưởng cao hoặc có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học.

Trong 5 năm qua, giảng viên của nhà trường đã xuất bản 105 giáo trình/tài liệu tham khảo, có 6 bằng sáng chế/giải pháp hữu ích.

Một số đề tài đã chuyển giao khoa học, công nghệ cho doanh nghiệp, địa phương với giá trị hợp đồng lên đến hàng tỷ đồng như Nghiên cứu, xây dựng mô hình tiếp cận thông tin chính sách của người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 virus bằng kỹ thuật Realtime PCR; Nghiên cứu xây dựng một số mô hình xử lý chất thải hữu cơ tại khu vực nông thôn phục vụ phát triển kinh tế và xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Trường Đại học Khoa học cũng là điểm đến của nhiều sự kiện khoa học và công nghệ như Hội nghị Công nghệ Sinh học toàn quốc năm 2021, Hội thảo quốc tế với chủ đề “Các mối liên kết trong bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên cho phát triển bền vững” năm 2022, Hội thảo Quốc tế về Vật liệu và Linh kiện tiên tiến lần thứ 4 (IWAMD) năm 2023 và gần đây là Cuộc thi Olympic Vật lý Sinh viên toàn quốc lần thứ 26 năm 2024.

Trần Trang