Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số (IDK) trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, được thành lập ngày 05 tháng 12 năm 2022 với chức năng hướng tới cung cấp xây dựng, phát triển và quản trị nguồn thông tin tri thức có hiệu quả và bền vững, chia sẻ tri thức, đặc biệt là tri thức số một cách khoa học và bài bản tại các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam. Trong đó có việc hỗ trợ các đơn vị, tổ chức về việc tham gia Trung tâm kết nối Tri thức số (Thư viện số dùng chung).
Nhân dịp kỷ niệm 2 năm thành lập, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số về hoạt động của viện trong thời gian qua cũng như định hướng phát triển của Viện IDK trong thời gian tới.
100 đơn vị kết nối vào Thư viện số dùng chung và hoạt động hiệu quả
Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số cho biết: “Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số có lợi thế lớn khi là thành viên của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Nhờ đó mà các hoạt động tiếp xúc, trao đổi, tư vấn… về xây dựng và phát triển thư viện số với các trường đại học, cao đẳng được thuận lợi hơn.
Lãnh đạo các trường tin tưởng và thực sự nghiêm túc, trách nhiệm cao trong thảo luận, hợp tác với viện để phối hợp không chỉ trong xây dựng, phát triển thư viện số mà cả trong kế hoạch tổng thể chuyển đổi số nhà trường.
Ngay sau khi thành lập Viện Nghiên cứu và Phát triển tri thức số đã tích cực triển khai hàng loạt hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Có thể kể đến việc tổ chức hàng chục khóa tập huấn, hội nghị, hội thảo… nhằm cung cấp phương hướng, quy trình, giải pháp xây dựng, hoàn thiện và kết nối thư viện số cho nhiều trường đại học, cao đẳng vào Trung tâm kết nối thư viện số dùng chung. Đến nay đã có 100 thư viện trường tham gia Trung tâm kết nối này”.
Đáng chú ý, Viện Nghiên cứu và Phát triển tri thức số đã tổ chức hàng loạt các buổi hội nghị, hội thảo, tập huấn có giá trị. Đặc biệt là trong năm 2024, Viện IDK tổ chức rất nhiều sự kiện ý nghĩa như:
Ngày 29/2/2024: Tổ chức Tọa đàm “Ứng xử tâm lý của lãnh đạo trong hoạt động quản lý” tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Ngày 11/4/2024: Phối hợp Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm “Vấn đề bản quyền trong quản lý và khai thác học liệu số” tại Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng.
Ngày 19/4/2024: Tham gia Tọa đàm “Đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động chuyển đổi số” do Sở Công an Tuyên Quang tổ chức tại Trường Cao đẳng Cảnh sát Nhân dân I, Tuyên Quang.
Ngày 10/5/2024: Tham gia Hội thảo mạng lưới thông tin thư viện ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với chủ đề “Xây dựng kho tri thức ngành nông nghiệp” tại Thư viện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Ngày 22/7/2024: Tổ chức Hội thảo “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và chat GPT vào hoạt động thông tin – thư viện” tại Học viện Ngân hàng.
Ngày 9/8/2024: Tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực cho cán bộ thư viện đại học, cao đẳng trong bối cảnh chuyển đổi số” tại Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.
Ngày 27/8/2024: Phối hợp với nhà xuất bản McGraw Hill tổ chức trực tuyến Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả khai thác nguồn tài nguyên y học toàn diện".
Ngày 12/10/2024: Chủ trì chấm chọn giải pháp xây dựng thư viện số cho Học viện Phật giáo Việt Nam và xây dựng dự án tổ chức thư viện số cho học viện.
Ngày 19/10/2024: Tham dự Tọa đàm “Hướng dẫn viết về phim” tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và góp ý xây dựng các bộ sưu tập số nghệ thuật cho nhà trường.
Ngày 22/10/2024: Tham dự Hội thảo khoa học quốc tế “Đổi mới, sáng tạo và phát triển trong đào tạo văn hóa nghệ thuật” tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.
Ngày 8/11/2024 tổ chức khóa Tập huấn “Kỹ năng quản trị cho lãnh đạo thư viện trường đại học, cao đẳng Việt Nam” tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, cơ sở Nam Định.
Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu và Phát triển tri thức số còn đến thăm và làm việc với nhiều trường đại học, cao đẳng để tư vấn hỗ trợ chiến lược phát triển thư viện, kết nối thư viện số dùng chung. Hiện đã có 100 đơn vị tham gia kết nối vào Trung tâm Kết nối Tri thức số - mạng lưới thư viện số dùng chung của Việt Nam.
Tham gia nhiều buổi hội thảo, tọa đàm do các câu lạc bộ trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức; Đón tiếp các đoàn là các tổ chức trong và ngoài nước đến thăm, làm việc, bàn cơ hội hợp tác tại trụ sở viện.
Phối hợp với các trường đại học địa phương để thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh về mô hình và phương thức thực hiện thư viện dùng chung, chia sẻ học liệu dùng chung cho khối các trường học trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng và quản trị Thư viện số của Viện IDK; Phối hợp xây dựng và hoàn thiện tủ sách của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Dự kiến tủ sách của Hiệp hội sẽ ra mắt vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Hiệp hội vào tháng 12/2024.
Trong hoạt động hợp tác quốc tế, viện đã và đang trao đổi với các đơn vị cung cấp nội dung, các nhà xuất bản danh tiếng của nước ngoài trong việc xây dựng các cơ chế mua chung, dùng chung các kho sách điện tử, các cơ sở dữ liệu điện tử giá trị phục vụ nghiên cứu đa ngành nghề. Nhờ đó, các thư viện có thể truy cập sử dụng chung với chi phí nhỏ hơn nhiều lần nếu mua riêng lẻ. Một ví dụ điển hình của hoạt động này là Viện đã phối hợp tổ chức tọa đàm trực tuyến với nhà xuất bản McGraw Hills - nhà xuất bản hàng đầu thế giới với các tài nguyên cho nghiên cứu và đào tạo khối ngành Y với sự tham gia của tất cả các trường đào tạo về Y trên cả nước.
Chuyển đổi số là công cuộc thiết yếu và bắt buộc đối với mọi lĩnh vực ngành nghề
Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương nhấn mạnh, Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số luôn nhìn nhận chuyển đổi số là công cuộc thiết yếu và bắt buộc đối với mọi lĩnh vực và ngành nghề, bao gồm ngành Thư viện. Tuy nhiên, đây là một công việc khó khăn, phức tạp, phải tiến hành từng bước phù hợp với thực trạng các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trong từng giai đoạn.
Viện IDK luôn nỗ lực hoạt động theo đúng tôn chỉ và mục đích là nghiên cứu và đề xuất các giải pháp tổ chức, kết nối tài nguyên thông tin, tri thức trong các thư viện trường đại học và cao đẳng, và tiến tới là các nguồn thông tin, tri thức có trong các tổ chức cộng đồng. Đồng thời tư vấn, tham mưu cho các trường về kế hoạch, phương thức chuyển đổi số nhà trường.
Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn của Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số trong quá trình hoạt động, Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương thông tin: Viện IDK luôn được Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng như các tổ chức, ban ngành tạo điều kiện thuận lợi để gặp gỡ và trao đổi, học hỏi với các đơn vị, tổ chức khác, từ đó ngày càng hoàn thiện bộ máy tổ chức của viện.
Viện IDK không chỉ được các Bộ, ban ngành đánh giá đúng đắn về vai trò trong việc tham mưu về chính sách và chuyên môn cho Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam về công tác phát triển hệ thống thư viện/trung tâm tri thức số đại học, cao đẳng Việt Nam mà còn trong công tác định hướng và đưa ra các giải pháp quản trị và kết nối các trung tâm tri thức số cơ sở.
Viện được nhiều trường đại học, cao đẳng mời tư vấn cả về nội dung chuyển đổi số thư viện và chuyển đổi số nhà trường. Thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn do Viện IDK tổ chức, ngày càng nhiều trường đại học, cao đẳng cả nước tham gia Trung tâm Kết nối Tri thức số của viện.
Nhờ làn sóng chuyển đổi số do Chính phủ thúc đẩy nên Viện IDK thuận lợi trong kêu gọi các đơn vị, tổ chức tham gia vào Trung tâm Kết nối Tri thức số dùng chung của các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Đồng thời, viện còn được những đơn vị đầu ngành như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông... hưởng ứng và trở thành những thành viên đầu tiên của Trung tâm Kết nối Tri thức số. Việc này đã đặt những nấc thang đầu tiên giúp quảng bá lợi ích khi tham gia Trung tâm kết nối Tri thức số tới cộng đồng các trường đại học, cao đẳng trong cả nước.
Sự hợp tác với các đối tác bao gồm: Thư viện Quốc gia Việt Nam; Hội Thư viện Việt Nam; Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Trung tâm Thư viện và Tri thức số Đại học Quốc gia Hà Nội; Thư viện Quân đội; Thư viện Công an Nhân dân; Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Tài nguyên giáo dục mở... đã giúp Viện IDK nhanh chóng tạo được vị thế nhất định trong cộng đồng tri thức Việt.
Việc tham gia Trung tâm Kết nối Tri thức số (Thư viện số dùng chung các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) được xem xét là một trong các tiêu chí phục vụ kiểm định, đánh giá các trường đã góp phần khuyến khích việc tham gia Trung tâm Kết nối Tri thức số của các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam.
Bên cạnh những thuận lợi, Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương cũng chỉ ra một số thách thức mà Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số gặp phải trong quá trình hoạt động.
Thứ nhất, Viện IDK chưa được nhiều đơn vị biết đến cũng như chưa hiểu rõ tôn chỉ, mục đích và vai trò của viện trong công cuộc xây dựng và phát triển kho tài nguyên tri thức của Việt Nam nói chung, của hệ thống đại học và cao đẳng nói riêng.
Các đơn vị trường đại học, cao đẳng và nhất là các hệ thống thư viện khác (thư viện công cộng, thư viện bộ, ngành…) chưa nắm rõ được cách thức hoạt động của Thư viện số dùng chung dẫn đến việc e ngại khi tham gia chia sẻ tài nguyên trên Trung tâm Kết nối Tri thức số.
Vấn đề bản quyền trong tạo lập, chia sẻ tài nguyên thông tin số còn những điểm nghẽn khiến hoạt động này tại từng trường và toàn mạng lưới chia sẻ, dùng chung tài nguyên thông tin số gặp nhiều khó khăn.
Một số trường đại học, cao đẳng chưa dành sự quan tâm đúng mực cho thư viện dẫn đến thư viện không có đủ cơ sở hạ tầng, phần mềm để quản lý và chia sẻ tài nguyên số.
Hạn chế trong việc tìm kiếm nguồn tài trợ: Chưa tiếp cận được với các nguồn tài trợ lớn cho tổ chức hội thảo, tập huấn... quy mô lớn nhằm phổ biến rộng rãi kiến thức về chuyển đổi số ngành thư viện, bản quyền số… và đầu tư xây dựng giải pháp công nghệ (phần mềm quản trị, trang thiết bị…) để triển khai giai đoạn 2 (chia sẻ rộng rãi toàn văn tài nguyên thông tin của các trường).
Thư viện tại các trường đại học, cao đẳng (nhất là các trường cao đẳng) vùng sâu, vùng xa và miền núi chưa được đầu tư đúng cách để chuyển đổi số nguồn tài nguyên tại cơ sở, gây trở ngại cho việc chia sẻ, kết nối và tiếp cận với tài nguyên trong Trung tâm Kết nối Tri thức số.
Khó khăn lớn nhất của viện là chưa tìm ra kinh phí hoạt động (vì viện tổ chức cho các trường kết nối vào Trung tâm Kết nối Tri thức số miễn phí). Hiện nay chi tiêu hành chính của viện rất hạn chế vì chỉ sử dụng kinh phí từ nguồn do các sáng lập viên tham gia đóng góp từ ban đầu thành lập viện.
Hoạt động thông tin - thư viện sẽ phải thay đổi rất mạnh mẽ để thức ứng với tình hình mới
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và chat GPT, hoạt động thông tin - thư viện cần có sự thay đổi mạnh mẽ để thích ứng với tình hình mới.
Theo đó, với những khả năng vô cùng đặc biệt AI và chat GPT không chỉ hỗ trợ nghiệp vụ tổ chức và quản lý tài nguyên thông tin thư viện (các dịch vụ thông tin và tham khảo tự động; Sáng tạo nội dung và tạo siêu dữ liệu; phát triển bộ sưu tập; nâng cao khả năng tìm kiếm; tiếp cận và tương tác…) mà còn tác động đến hiệu suất lao động (nâng cao hiệu suất lao động, thay đổi vai trò, nhiệm vụ cán bộ thư viện; thiết lập những kỹ năng mới cho cán bộ thư viện).
Do đó, toàn bộ hoạt động thư viện sẽ phải thay đổi rất mạnh mẽ, có tính cách mạng. Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý đến các nhược điểm của việc sử dụng AI và chat GPT trong quản trị thư viện như hạn chế kiến thức về thế giới thực, phản hồi có thể không chính xác và nguy cơ lưu và chia sẻ dữ liệu nhạy cảm… để bảo đảm các sản phẩm và dịch vụ thông tin – thư viện được chính xác, khoa học và an toàn.
Chia sẻ về định hướng phát triển trong thời gian tới của Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số, Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương cho hay: Trong thời gian sắp tới, Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số dự định đăng ký nộp hồ sơ tham gia vào các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ liên quan đến quản trị và chia sẻ tri thức, bản quyền và sở hữu trí tuệ, tài nguyên giáo dục mở.
Bên cạnh đó, tiếp tục trao đổi và có các chương trình hợp tác cụ thể với các đối tác ký thỏa thuận hợp tác là Thư viện Quốc gia, Thư viện Quân đội, Thư viện Công an Nhân dân, Hội Thư viện Việt Nam, Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung tâm Thư viện và Tri thức số - Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Nghiên cứu, đào tạo và phát triển Tài nguyên giáo dục mở.
Viện sẽ tiếp tục kết nối các thư viện đại học và cao đẳng vào Trung tâm Kết nối Tri thức số. Dự kiến có từ 130 đến 150 đơn vị tham gia kết nối vào cuối năm 2025.
Hỗ trợ, tư vấn, cung cấp các giải pháp và chuyển giao công nghệ cho các trường đại học, cao đẳng cả nước trong các dự án xây dựng thư viện số và chuyển số nhà trường.
Tiếp tục mở rộng mạng lưới kết nối, đặc biệt là nhóm các thư viện công cộng và thư viện trong các tổ chức khoa học – công nghệ (trong và ngoài nước).
Tạo lập và sớm đưa vào kho tài nguyên của Trung tâm Kết nối Tri thức số các bộ sưu tập số toàn văn (dưới dạng văn bản và media) một số bộ sưu tập đầu tiên.
Nghiên cứu và phát triển các tính năng, dịch vụ mới cho Trung tâm Kết nối Tri thức số để việc kết nối, liên thông, chia sẻ được thuận lợi, đem lại lợi ích cho cộng đồng.
Tiếp tục hỗ trợ các đơn vị thành viên của mạng lưới trong tạo lập và quản trị, chia sẻ tri thức số.
Cung cấp dịch vụ quản trị tri thức số cho các đơn vị có điều kiện tài chính và nhân lực hạn hẹp.
Tiếp tục tổ chức, đồng tổ chức và tham gia các buổi hội thảo, hội nghị tập huấn về thông tin - thư viện, quản trị tri thức, xuất bản, bản quyền và sở hữu trí tuệ.
Tổ chức tập huấn cho lãnh đạo thư viện đại học, cao đẳng ở các tỉnh phía Nam vào đầu tháng 3/2025.
Phối hợp với Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), Hội Thư viện và một số trường đại học tại miền Trung tổ chức hội thảo thư viện các trường đại học, cao đẳng toàn quốc vào tháng 8/2025. Và đặc biệt là tăng cường hợp tác quốc tế.
Một số hình ảnh tại buổi họp mặt tổng kết 2024 và kế hoạch 2025 trung tâm kết nối tri thức số: