Việc tập huấn sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 của NXB Giáo dục Việt Nam có gì mới?

12/05/2023 06:46
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Làm sao để giáo viên nắm bắt, tiếp cận được những đơn vị kiến thức mới một cách tốt nhất để giảng dạy trên lớp cho học trò vẫn là điều giáo viên trăn trở.

Năm học 2023-2024 tới đây, ngành Giáo dục sẽ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Chính vì thế, điều mà nhiều giáo viên phổ thông hiện nay đang quan tâm là các nhà xuất bản sẽ tập huấn sách giáo khoa mới cho giáo viên ở các nhà trường như thế nào?

Tập huấn trực tiếp hay trực tuyến và hình hình thức nào tập huấn hiệu quả hơn? Làm sao để giáo viên có thể nắm bắt, tiếp cận được những đơn vị kiến thức mới một cách tốt nhất để giảng dạy trên lớp cho học trò vẫn là điều giáo viên trăn trở.

Là những giáo viên phổ thông đang dạy bộ sách Chân trời sáng tạo, chúng tôi rất quan tâm đến việc bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên trong năm học tới nên khi đọc những chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trên báo chí, bản thân người viết bài này không tránh khỏi những băn khoăn.

Việc tập huấn sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11 tới đây có lẽ vẫn chủ yếu theo hình thức trực tuyến như mấy năm học vừa qua. Nếu việc tập huấn mỗi môn học chỉ tập huấn ½ ngày đến 1 ngày/ một sách giáo khoa như trước đây bằng hình thức online sẽ là thách thức lớn đối với rất nhiều giáo viên dưới cơ sở.

Việc tập huấn trực tuyến mang lại hiệu quả rất khiêm tốn, ảnh: N.M.

Việc tập huấn trực tuyến mang lại hiệu quả rất khiêm tốn, ảnh: N.M.

Việc tập huấn trực tuyến rất khó đạt được hiệu quả

Mới đây, khi chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi biết: “Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã xây dựng kế hoạch, lịch trình tổ chức tập huấn cho 100% giáo viên sử dụng sách giáo khoa lớp 4,8,11 và cán bộ quản lý trên địa bàn tất cả các tỉnh/ thành phố bằng hình thức trực tuyến kết hợp với trực tiếp […]

Theo kế hoạch, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ triển khai công tác bồi dưỡng sách giáo khoa các môn học tới các địa phương theo 8 đợt, từ 5/6/2023 đến 28/7/2023, mỗi đợt 5 ngày.

Trong mỗi đợt sẽ thực hiện tập huấn đầy đủ các tên sách lớp 4,8,11 với thời lượng từ ½ ngày đến 1 ngày/sách giáo khoa môn học.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho công tác bồi dưỡng trực tiếp tại địa phương, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức tập huấn (trực tuyến và trực tiếp) cho đội ngũ báo cáo viên là giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng, Viện nghiên cứu, cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán… phủ khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Lực lượng báo cáo viên này sẽ cùng với các tác giả sách giáo khoa đảm bảo đáp ứng được nhu cầu tập huấn cho 100% giáo viên dạy học sách giáo khoa 4,8,11”. [1]

Theo nội dung chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, chúng ta thấy việc tập huấn sách giáo khoa lớp 4, 8,11 cũng không có nhiều thay đổi so với các năm học trước đây mà đơn vị này đã triển khai và thực hiện.

Hình thức tập huấn có lẽ vẫn lấy trực tuyến làm cơ bản bởi so sánh với thông cáo báo chí về kết quả báo cáo tập huấn sách giáo khoa lớp 3,7,10 trong năm học 2022-2023 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, chúng ta sẽ thấy có nhiều điểm tương đồng.

Đó là: “Bắt đầu từ ngày 6/6 và kết thúc vào ngày 5/8/2022, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã hoàn thành việc tổ chức các lớp bồi dưỡng giáo viên sử dụng sách giáo khoa các môn học lớp 3, 7, 10 cho giáo viên và cán bộ quản lý tất cả 63 tỉnh/thành phố, đảm bảo yêu cầu về tiến độ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cụ thể: Bồi dưỡng trực tuyến: Thực hiện 9 đợt cho 61 tỉnh/thành phố, với tổng số 637 lớp bồi dưỡng tại 232.557 điểm cầu.

Bồi dưỡng trực tiếp: Bên cạnh việc thực hiện bồi dưỡng trực tuyến, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tổ chức một số lớp bồi dưỡng trực tiếp tại một số tỉnh/thành phố như Thanh Hoá, Nghệ An, An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… theo yêu cầu của địa phương”. [1]

Việc tập huấn sách giáo khoa lớp 3,7,10 đối với năm học 2022-2023 chủ yếu là trực tuyến, mỗi môn 1 ngày tại các điểm cầu. Việc tập huấn trực tiếp chỉ có “một số lớp bồi dưỡng trực tiếp tại một số tỉnh/thành” trong 63 tỉnh, thành mà thôi.

Vì thế, giáo viên chúng tôi sợ việc tập huấn tới đây cũng sẽ lặp lại giống năm trước. Bởi lẽ, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị chủ quản của 2 bộ sách, đó là: Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống.

Mỗi lớp học có khoảng trên dưới 10 môn học, 2 bộ sách cho 3 khối lớp sẽ rơi vào khoảng trên dưới 60 đầu sách giáo khoa khác nhau.

Năm nay, chuẩn bị cho năm học 2023-2024, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức 8 đợt tập huấn.

Đặc biệt, theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tùng -Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về việc tập huấn sẽ có “thời lượng từ ½ ngày đến 1 ngày/sách giáo khoa môn học” thì cũng tương đồng với các năm học trước.

Với thời gian như vậy, sẽ rất khó để các báo cáo viên truyền tải các thông điệp của 1 cuốn sách giáo khoa đến người học bởi những môn có số tiết nhiều như Ngữ văn, Toán, Khoa học tự nhiên mỗi năm có tới 140 tiết học với rất nhiều kiến thức mới.

Tập huấn trực tuyến sẽ giảm chi phí cho nhà xuất bản nhưng hiệu quả là một dấu hỏi

Năm học 2022-2023, giáo viên chúng tôi nhận được thông báo triệu tập tập huấn sách giáo khoa mới. Đầu tiên giáo viên được tham gia hội thảo sách giáo khoa 20 phút, các nhà xuất bản quay sẵn video clip, đến giờ phát ra cho giáo viên xem.

Sau đó, chúng tôi được tập huấn 1 ngày qua phần mềm Zoom với các tác giả sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong 1 ngày. Buổi sáng từ 8 giờ đến 11 giờ; buổi chiều từ 13 giờ 30 đến 16 giờ 30.

Tại các điểm cầu, những môn học nhiều tiết thì 5-7 trường, những môn học ít tiết thì có khi cả huyện ngồi chung một điểm cầu. Nhà xuất bản cung cấp tên phần mềm, ID và Password cho các sở, phòng giáo dục và các nhà trường là điểm cầu tập huấn.

Đến giờ tập huấn, nhà trường mở máy và truy cập vào địa chỉ đã được cung cấp và giáo viên nghe và xem. Nhưng, chủ yếu là nghe vì các slide trình chiếu trên máy chiếu quá nhỏ mà hội trường thì rộng lớn và đông giáo viên tham dự.

Chỉ có giáo viên ngồi bàn đầu còn thấy các slide trình chiếu, giáo viên ngồi phía sau thì cũng chỉ nghe lỏm bỏm vì âm thanh vì đường truyền không phải lúc nào cũng tốt. Giáo viên cơ bản là thuyết giảng một chiều, rất ít tương tác. Sau đó, giáo viên về dạy nên gặp rất nhiều khó khăn.

Năm học 2023-2024 tới đây, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn duy trì việc tập huấn trực tuyến như chia sẻ của Nguyễn Văn Tùng -Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khiến cho giáo viên chúng tôi… sợ.

Sợ vì tập huấn như vậy sẽ không hiệu quả. Sợ ngồi cả ngày mà chẳng lĩnh hội được bao nhiêu bởi màn hình của các điểm trường thường chỉ là những màn hình tivi quá nhỏ bé so với không gian hội trường rộng lớn. Sợ rồi khi giảng dạy trên lớp sẽ tiếp tục gặp những khó khăn vì nhiều vấn đề chưa thấu hiểu.

Chương trình 2018 về cơ bản Bộ, Sở không còn đứng ra đảm nhận việc tập huấn như trước đây. Công việc tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn được giao cho các nhà xuất bản- đơn vị chủ quản của các bộ sách giáo khoa.

Vì thế, nhà xuất bản tập huấn mỗi môn trong khoảng thời gian từ ½ ngày đến 1 ngày như vậy rồi thôi. Gần như cả năm học, giáo viên không được hướng dẫn, bồi dưỡng gì thêm. Những khó khăn gặp phải trong quá trình giảng dạy là điều khó tránh khỏi.

Trong bài phát biểu tại buổi họp báo ngày 5/5/2023 vừa qua, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu, đã đến lúc các quốc gia chuyển từ chế độ khẩn cấp sang quản lý dịch COVID-19 cùng với các bệnh truyền nhiễm khác.

Thực tế ở nước ta, trong năm học 2022-2023 này không có trường nào phải dạy trực tuyến, mọi thứ đã trở lại bình thường thì việc tập huấn cũng cần trở lại bình thường. Việc tập huấn trực tuyến có thể vẫn duy trì nhưng không thể bỏ qua được khâu tập huấn trực tiếp về sách giáo khoa của chương trình mới.

Tập huấn trực tiếp sẽ giúp giáo viên- những người đóng vai trò chủ đạo cho sự thành bại của chương trình 2018 được tương tác, được giải đáp thắc mắc thì họ mới làm chủ đươc kiến thức và tự tin khi đứng lớp.

Tập huấn trực tuyến sẽ giúp cho các nhà xuất bản tiết kiệm được chi phí nhưng giáo viên sẽ mơ hồ về kiến thức mới. Vì thế, khi giảng dạy trên lớp sẽ khó làm chủ được kiến thức và tất nhiên sẽ khó có được hiệu quả tốt nhất cho học trò.

Chính vì thế, giáo viên chúng tôi mong muốn Bộ sẽ có một kế hoạch phù hợp, đặt hiệu quả của việc tập huấn cho giáo viên, hiệu quả giảng dạy cho học trò lên trên thì mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới có thể đạt được.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoducthoidai.vn/nxb-giao-duc-viet-nam-tap-trung-moi-nguon-luc-de-cung-ung-sgk-post635686.html

[2] https://www.nxbgd.vn/bai-viet/thong-cao-bao-chi-ve-viec-hoan-thanh-cong-tac-tap-huan-giao-vien-su-dung-sgk-lop-3-7-10-chuan-bi-cung-ung-day-du-sgk-phuc-vu-nam-hoc-2022-2023

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT DUY