Vì sao năm nào học sinh cuối cấp cũng phải học tăng tiết?

13/12/2022 06:32
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc dạy tăng tiết không chỉ khiến cho học sinh quá tải vì nhiều hôm các em phải học cả ngày ở trường mà ngay cả những thầy cô giáo bộ môn cũng mệt mỏi.

Hiện nay, học sinh lớp 9 và lớp 12 phải trải qua kỳ thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông nên gần như tất cả các trường học đều thực hiện việc dạy và học tăng tiết nhằm kết thúc chương trình sớm để tập trung vào ôn tập.

Việc dạy và học tăng tiết không chỉ khiến cho học sinh quá tải vì nhiều hôm các em phải học cả ngày ở trường mà ngay cả những thầy cô giáo bộ môn cũng mệt mỏi vì số tiết/tuần cao hơn định mức khiến cho cả thầy và trò đều uể oải, mệt mỏi dẫn đến hiệu quả của những buổi học tăng tiết không cao.

Thế nhưng, năm nào cũng vậy, nhiều trường học bắt đầu tăng tiết ngày từ giữa học kỳ I và kết thúc chương trình học ở khoảng giữa học kỳ II, chậm nhất là tháng tư hàng năm để tập trung ôn thi cho học trò.

Tất nhiên, khoảng thời gian sau khi kết thúc chương trình học thì học sinh phải đóng tiền học thêm mà các trường thường gọi bằng cụm từ mĩ miều là tiền “ôn tập” tuyển sinh 10 hoặc ôn tập tốt nghiệp trung học phổ thông. Chính vì thế, đa số học sinh gần như bắt buộc phải theo học để đảm bảo kiến thức và cũng duy trì mạch học liên tục cho đến ngày diễn ra kỳ thi.

Trước khi bước vào kỳ thi tuyển sinh 10, thi tốt nghiệp THPT, học sinh phải ôn tập nhiều tháng trời (Ảnh minh họa: P.L.)

Trước khi bước vào kỳ thi tuyển sinh 10, thi tốt nghiệp THPT, học sinh

phải ôn tập nhiều tháng trời (Ảnh minh họa: P.L.)

Có cần thiết phải dạy tăng tiết cho học trò?

Nhiều giáo viên đang trực tiếp giảng dạy ở lớp 9 và lớp 12 cho rằng học sinh cuối cấp hiện nay không cần thiết phải học tăng tiết làm gì. Bởi lẽ, theo khung thời gian năm học, các cấp học phổ thông đều kết thúc ở giai đoạn cuối tháng 5 hằng năm.

Trong khi, kỳ thi tuyển sinh 10 do các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì tổ chức, có thể diễn ra ở tháng 6 và tháng 7 đều được vì mấy năm nay đến tháng đầu tháng 9, học sinh mới tựu trường và bước vào thực học theo Khung thời gian năm học của Bộ.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thông thường diễn ra vào đầu hoặc giữa tháng 7 hàng năm nên sau khi kết thúc năm học vào cuối tháng 5 thì khoảng thời gian còn lại của năm học, học sinh vẫn có thể ôn tập bình thường, không ảnh hưởng gì.

Hơn nữa, đối với kỳ thi tuyển sinh 10 ở các địa phương cho dù tăng tiết hay không tăng tiết để ôn tập cho học sinh sớm cũng không có những thay đổi cơ bản về số lượng thí sinh trúng tuyển .

Bởi vì, ngay từ đầu năm học, hoặc chậm nhất là đầu học kỳ II, các Sở Giáo dục đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố) về số lượng tuyển sinh đầu cấp trung học phổ thông đối với từng trường cụ thể.

Vậy nên, thi lúc nào cũng chừng ấy số lượng trúng tuyển và các trường trung học phổ thông cũng lấy điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu được giao. Không bao giờ các trường được lấy quá số lượng mà cấp trên đã giao.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì thí sinh cứ đủ điểm theo quy định là đậu tốt nghiệp mà tốt nghiệp bây giờ gần như địa phương nào cũng sát 100% thí sinh đậu. Điểm vào các trường đại học thì cũng lấy từ trên xuống dưới và chỉ tiêu đào tạo mỗi năm cũng được Bộ ấn định.

Vì thế, học sinh phải học tăng tiết, phải học dồn dập vào thời điểm đang học chính khóa là một việc làm không cần thiết. Nó vừa áp lực mà vừa tốn kém.

Thầy và trò đều mệt vì dạy nhiều, học nhiều và dồn dập trong nhiều tuần. Phụ huynh phải tốn kém một khoản tiền rất lớn cho con em mình vào thời điểm cuối năm học.

Đối với học sinh lớp 9 thì còn đỡ vì em nào không thi tuyển sinh 10 là nghỉ học luôn, không phải ôn thi bởi cấp trung học cơ sở xét tốt nghiệp.

Thế nhưng, đối với học sinh lớp 12 thì hoàn toàn khác vì các em phải trải qua kỳ thi chung và phải đủ điểm thi mới đáp ứng được những điều kiện để tốt nghiệp trung học phổ thông.

Vì thế, học sinh lớp 12 dù không xét tuyển đại học cũng phải theo các bạn học thêm mấy tháng cuối năm để đợi đến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông rất lãng phí về thời gian của học sinh và tiền bạc của gia đình.

Vì đâu mà các trường phải thực hiện kế hoạch tăng tiết cho học trò?

Thực ra, việc tăng tiết trong dạy và học hiện nay không phải chủ trương của nhà trường mà đó là chủ trương từ Sở Giáo dục và Đào tạo. Một khi sở đã ấn định ngày kiểm tra học kỳ II ở giai đoạn nào thì nhà trường bắt buộc phải tính toán để kết thúc ở đó.

Bởi lẽ, các môn thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh lớp 9 và lớp 12 thì năm nào Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đều ra đề kiểm tra học kỳ. Sự cạnh tranh về thành tích, điểm số, tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông khiến cho các địa phương luôn có kế hoạch kết thúc chương trình sớm để các trường ôn tập.

Trước thực trạng, những năm qua, có nhiều trường điểm tuyển sinh vào 10 thấp cũng khiến dấy lên nhiều dấu hỏi về chất lượng giảng dạy ở bậc trung học cơ sở. Phải chăng vì vậy, đa phần các địa phương đưa ra giải pháp là kết thúc sớm nhằm có thêm nhiều thời gian để các trường ôn tập cho học trò với hy vọng sẽ cải thiện được điểm số sau mỗi kỳ thi.

Để có tỉ lệ học sinh tốt nghiệp gần 100 % như lâu nay chúng ta vẫn thấy và nhiều môn có điểm trung bình cả nước trên 7,0 điểm, thậm chí là gần 8,0 điểm là một quá trình ôn tập trường kỳ gian khổ của cả thầy và trò ở các nhà trường.

Khi học sinh đã học hết chương trình, thầy cô bắt đầu ôn tập lại toàn bộ kiến thức cho học sinh và tiến hành giải các bộ đề, đề mẫu. Thậm chí, phải bày ra những mưu mẹo để học sinh có được điểm số đẹp nhất có thể.

Suy cho cùng, việc tăng tiết để kết thúc chương trình sớm chỉ nhằm mục đích cao nhất là làm đẹp điểm số cho học trò. Nhưng, phía sau những điểm số đó là một quá trình vất vả, áp lực và rất mệt mỏi của cả thầy và trò.

Hơn nữa, phụ huynh phải tốn kém thêm một khoản chi phí rất lớn để đóng tiền ôn tập cho con em mình vào dịp cuối năm. Ít thì 1 tháng, nhiều thì 3-4 tháng trời ôn tập nhiều môn nên dẫn đến nhiều phụ huynh nghèo khá chật vật với khoản đóng góp này.

Nếu như, các địa phương, các nhà trường không nặng về thành tích, cứ dạy và học theo khung thời gian năm học mà Bộ đã ban hành sẽ khiến cho giáo viên và học sinh giảng dạy và học tập nhẹ nhàng, không phải căng mình trong những tháng cuối năm học. Và, tất nhiên là phụ huynh cũng giảm được một khoản đóng góp đáng kể.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI