Từ tâm trí: Thúc đẩy năng lực sáng tạo cần thay đổi từ hệ thống giáo dục

23/03/2021 09:35
Tường Vy
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cuốn sách “Từ tâm trí - Sức mạnh của sự sáng tạo” chính là sự chắt lọc các chiến lược đó, để bất cứ quốc gia, tổ chức nào muốn thúc đẩy sự sáng tạo có thể áp dụng

Nền giáo dục nếu chỉ hoàn toàn tập trung vào giảng dạy ngôn ngữ, toán học, khoa học, kỹ thuật, công nghệ mà xem nhẹ hoặc quên hẳn các môn xã hội, nghệ thuật sẽ giết chết sự sáng tạo của học sinh, sinh viên, cũng chính là lực lượng lao động của xã hội. Muốn thúc đẩy năng lực sáng tạo cần thay đổi từ hệ thống giáo dục. Đây chính là quan điểm của Tiến sĩ Ken Robinson, tác giả, nhà giáo dục, chuyên gia về sự sáng tạo nổi tiếng trên toàn thế giới.

Các bài nói chuyện TEDx Talks của ông có hàng chục triệu lượt xem, và nằm trong những bài nói chuyện được xem nhiều nhất trên thế giới. Tiến sĩ Robinson đã và đang tư vấn chiến lược nâng cao năng lực sáng tạo cho nhiều quốc gia trên thế giới như: Vương quốc Anh, Bắc Ireland, Singapore cũng như nhiều bang của Hoa Kỳ.

“Từ tâm trí: Sức mạnh của sáng tạo” nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ các lãnh đạo, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cũng như kinh doanh.

“Từ tâm trí: Sức mạnh của sáng tạo” nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ các lãnh đạo, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cũng như kinh doanh.

Cuốn sách “Từ tâm trí - Sức mạnh của sự sáng tạo” chính là sự chắt lọc các chiến lược đó, để bất cứ quốc gia, tổ chức nào muốn thúc đẩy sự sáng tạo cũng có thể nghiên cứu áp dụng. Những người làm trực tiếp làm công tác giáo dục như các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh cũng cần tham khảo cuốn sách này để nắm bắt được xu hướng đào tạo hiệu quả cho tương lai.

Sáng tạo là năng lực cần có cho thời đại

Trong hai chương đầu của cuốn sách, Tiến sĩ Robinson sẽ chỉ cho độc giả thấy rằng, nhân loại đang ở trong thời đại mà sự thay đổi đang diễn ra chóng vánh hơn bao giờ hết.

Nếu chúng ta coi 3.000 năm lịch sử đã qua của nhân loại như thể 12 giờ, mỗi phút sẽ bằng 50 năm; thì cách đây hai phút rưỡi, nhân loại đã vượt ra khỏi cách vận chuyển cổ xưa là dùng thuyền buồm và xe ngựa với sự xuất hiện của những chiếc ô tô đầu tiên. 30 giây sau chiếc máy bay chạy bằng năng lượng đầu tiên đã cất cánh. Cách đây 50 giây là cuộc đổ bộ lên mặt trăng năm 1969, và chỉ một giây trước, vào năm 2010, tàu vũ trụ không người lái đầu tiên có thể tự hạ cánh đã được phóng lên vũ trụ...

Chuyển sang giao tiếp, sự tiến bộ thậm chí còn nhanh hơn. Trong khi chiếc PC đầu tiên được phát minh cách đây 41 giây, Internet bắt đầu cách đây 25 giây và tin nhắn SMS đến chỉ 3 giây sau đó…

Công nghệ ngày nay đã tiến một bước dài chỉ trong thời gian ngắn. Một chiếc Iphone có khả năng tính toán tốt hơn nhiều so với khả năng tính toán trên toàn hành tinh vào năm 1940. Thậm chí một chiếc đồng hồ kỹ thuật số hiện đại thông thường còn có nhiều năng lượng và bộ nhớ hơn chiếc Apollo Moonlander 1969 của NASA.

Tiến sĩ Robinson nhấn mạnh, vì công nghệ ngày nay phát triển quá nhanh, nên lợi thế cạnh tranh sẽ thực sự đến với tổ chức có ý tưởng sáng tạo tốt nhất. Và sự sáng tạo trở thành một kỹ năng cần thiết cho nhà lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp.

Tương tự như vậy, khi các tổ chức, doanh nghiệp phát triển nhanh chóng, nó sẽ đòi hỏi người lao động cũng cần phải có năng lực thích ứng, sáng tạo, đổi mới để bắt kịp được sự thay đổi; ngược lại thì họ sẽ bị bỏ lại ở phía sau.

Hệ thống giáo dục "giết chết" sự sáng tạo cần được thay đổi

Trong hai chương tiếp theo của cuốn sách, Tiến sĩ Robinson phân tích tại sao phương pháp giáo dục chỉ chú trọng vào ngôn ngữ, toán học, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, xem nhẹ hòa toàn các môn xã hội, nghệ thuật, sáng tạo giống một phương thức sản xuất công nhân cho cuộc cách mạng công nghiệp đã qua, không còn phù hợp với thời đại ngày nay.

Trong phương pháp này, mọi học sinh, sinh viên đều phải tham gia các khóa học giống nhau, sử dụng cùng một tài liệu cũ và được chấm điểm trên cùng một thang điểm. Mọi giai đoạn của hệ thống đào tạo được xây dựng một cách hợp lý dựa trên kết quả của giai đoạn cuối cùng, và học viên được coi là thành công nếu họ tiến bộ một cách bình thường trong quy trình này.

Ưu điểm của phương pháp giáo dục theo dây chuyền lắp ráp này là nó cho phép các quốc gia đào tạo một cách hiệu quả lực lượng lao động trong các công việc sản xuất, kỹ thuật công nghiệp theo dây chuyền, ít có sự thay đổi. Tuy nhiên hệ thống này không còn phù hợp với thế giới kinh doanh hiện đại, nơi đòi hỏi khả năng thích ứng, linh hoạt là năng lực bắt buộc phải có của các nhân sự.

Ở những chương tiếp theo của cuốn sách, Tiến sĩ Robinson giải thích rõ hơn về sự sáng tạo, cũng như đập tan định kiến của nhiều người về sự sáng tạo khi cho rằng đây là khả năng chỉ ít người có được.

Theo Tiến sĩ Robinson, trí tưởng tượng là sự khác biệt đặc trưng của con người với toàn bộ thế giới động vật còn lại. Trí tưởng tượng cho phép con người xem xét quá khứ, hiểu biết rõ hơn về hiện tại qua nhiều lăng kính khác nhau, dự đoán tương lai bằng cách dự đoán các kết quả có thể xảy ra. Trí tưởng tượng cũng là nguồn sức mạnh sáng tạo vô hạn của con người.

Sự sáng tạo là việc đưa trí tưởng tượng tiến thêm một bước và thực hiện nó thành công. Nói cách khác, sáng tạo là trí tưởng tượng được áp dụng. Và nó không chỉ được áp dụng trong nghệ thuật, mà còn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Có hai bước cho quá trình sáng tạo. Đầu tiên là tạo ra những ý tưởng mới và thứ hai là đánh giá những ý tưởng đó để phát triển, tinh chỉnh hoặc bác bỏ chúng. Không phải tất cả các ý tưởng sáng tạo đều được chấp nhận hoặc tán dương ngay lập tức. Có vô số nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà đổi mới có các ý tưởng bị chế giễu hoặc khinh bỉ, nhưng các thế hệ sau này đã khám phá lại và nhận ra giá trị của chúng.

Tuy vậy có một thực tế là rất nhiều cá nhân, tổ chức có quan niệm sai lầm về sự sáng tạo. Một số người tin rằng: sự sáng tạo không thể thực sự được định nghĩa được, những người khác lại cho rằng đó là một quá trình không thể dạy được. Một số lại nghĩ rằng đó khả năng của những người đặc biệt, hoặc các hoạt động đặc biệt. Và trong cuốn sách “Từ tâm trí: Sức mạnh của sự sáng tạo”, với những lập luận và ví dụ sắc nét, Tiến sĩ Robinson đã chỉ ra rằng: những quan niệm này hoàn toàn sai lầm này và mọi người đều có tiềm năng sáng tạo; thêm vào đó khả năng sáng tạo có thể được phát triển trong mọi loại hoạt động, theo các cách hết sức thiết thực.

Lập luận của tác giả xuyên suốt sách là: sự sáng tạo có thể được phát triển một cách có hệ thống, đặc biệt là nó buộc phải phát triển trong giáo dục và kinh doanh. Điều này vừa giúp cá nhân/ tổ chức phát huy hết tài năng thực sự của mình, vừa đáp ứng nhiều thách thức mà chúng ta phải đối mặt.

Phát triển sự sáng tạo cùng cuốn sách “Từ tâm trí”

Để phát triển sự sáng tạo cho người lao động nói chung và người làm lãnh đạo nói riêng, Tiến sĩ Robinson đề xuất cần phải có sự thay đổi trong chương trình giáo dục của các cấp. Sự thay đổi này cần được diễn ra đồng bộ trong chương trình giảng dạy, thời khóa biểu, phương pháp giáo dục và cách đánh giá.

Và giáo dục cần phải hướng đến 3 mục đích chính: (1) Về mặt cá nhân: giúp phát triển tài năng và sự nhạy cảm cá nhân (2) Về mặt văn hóa: cung cấp hiểu biết sâu sắc về thế giới xung quanh (3) Về kinh tế: cho phép mỗi cá nhân có thể kiếm tiền tốt và có cuộc sống tốt trong xã hội.

Những ví dụ cụ thể được tác giả đưa ra trong cuốn sách sẽ là những gợi ý thiết thực cho các các nhà lãnh đạo, các chuyên gia hoạch định chính sách trong việc phát triển khả năng đổi mới sáng tạo của nền kinh tế cũng như giáo dục đào tạo.

Một số ý tưởng cũng có thể phù hợp và triển khai được tại các cơ sở giáo dục tư nhân hoặc cơ sở giáo dục quy mô nhỏ, trong đó Tiến sĩ Robinson xác định và mô tả ba nhiệm vụ của việc giảng dạy cho sự sáng tạo gồm: khuyến khích, xác định và bồi dưỡng.

Cuốn sách “Từ tâm trí: Sức mạnh của sáng tạo” cũng là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho mọi thầy cô và phụ huynh, những người luôn đau đáu với việc đào tạo, nuôi dạy các con trở thành những công dân có năng lực cạnh tranh, có khả năng thích ứng cao trong xã hội đang thay đổi một cách chóng mặt như hiện nay.

“Từ tâm trí: Sức mạnh của sáng tạo” nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ các lãnh đạo, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cũng như kinh doanh.

Nhận xét về cuốn sách Wally Olins, nhà sáng lập công ty Wolff Olins viết: “Đây thực sự là cuốn sách đáng chú ý. Những đóng góp của cuốn sách cho việc phát triển nguồn nhân lực cũng giá trị như những gì mà cuốn sách Silent Spring của Rachel Carcon làm cho môi trường. Nó khiến bạn tự hỏi tại sao chúng ta cứ khăng khăng duy trì một nền giáo dục hẹp hòi, cục bộ, hoàn toàn không phù hợp cho thế kỷ 21 và hủy hoại sâu sắc khả năng sáng tạo tiềm ẩn của con người”.

Tường Vy