“Tiếng nói Hà Nội” – từ ca khúc đến nhạc hiệu của FM90

05/06/2022 20:08
Tường Vy
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong đó giai điệu bài “Tiếng nói Hà Nội” của nhạc sỹ Văn An được chọn làm nhạc hiệu cho kênh FM90 – Tin tức và Giao thông Hà Nội.

Từ tháng 6/2022, mỗi sáng mai thức dậy, tiếng nói Hà Nội đến với công chúng phát thanh không chỉ bằng chất giọng Hà Nội, bằng tin tức và âm nhạc, mà còn bằng cả giai điệu của một ca khúc đã in dấu trong đời sống Thủ đô bao năm qua. Đó là bài “Tiếng nói Hà Nội” của nhạc sỹ Văn An.

Clip nhạc hiệu kênh FM 90 - Tin tức và Giao thông Hà Nội.

Nhà báo âm nhạc Kim Anh của Đài Hà Nội cho biết, khi chọn bài hát để làm nhạc hiệu cho hai kênh FM90 & FM96, các biên tập viên đã lựa từ hàng trăm ca khúc về Hà Nội, tham khảo ý kiến những người am hiểu về âm nhạc như các nhạc sỹ, ca sỹ, nghệ sỹ…. để chọn ra hai ca khúc ý nghĩa nhất. Trong đó giai điệu bài “Tiếng nói Hà Nội” của nhạc sỹ Văn An được chọn làm nhạc hiệu cho kênh FM90 – Tin tức và Giao thông Hà Nội. Bài “Người Hà Nội” của nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi được chọn để phát triển nhạc hiệu cho kênh FM96.

Nhà báo âm nhạc Kim Anh của Đài Hà Nội cho biết, khi chọn bài hát để làm nhạc hiệu cho hai kênh FM90 & FM96, các biên tập viên đã lựa từ hàng trăm ca khúc về Hà Nội, tham khảo ý kiến những người am hiểu về âm nhạc như các nhạc sỹ, ca sỹ, nghệ sỹ…. để chọn ra hai ca khúc ý nghĩa nhất. Trong đó giai điệu bài “Tiếng nói Hà Nội” của nhạc sỹ Văn An được chọn làm nhạc hiệu cho kênh FM90 – Tin tức và Giao thông Hà Nội. Bài “Người Hà Nội” của nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi được chọn để phát triển nhạc hiệu cho kênh FM96.

Ca khúc “Tiếng nói Hà Nội”, được chọn làm “nhạc hiệu” và là lời xướng cho kênh “Tiếng nói Hà Nội - FM90 - Kênh Tin tức và Giao thông Hà Nội".

“Tiếng nói Hà Nội” được nhạc sỹ Văn An phổ nhạc trên lời thơ của Cảnh Trà với âm điệu mộc mạc mà hào hùng, như một bản sử ca ghi lại chân thực một thời của Thủ đô, của cả dân tộc. Một thời mà mỗi người Hà Nội đều cất lên tiếng nói từ trái tim mình muốn được sống trọn vẹn với đất Thăng Long, muốn hiến dâng cả cuộc sống của mình cho sự bình yên của đất trời Thủ đô, muốn cất tiếng để hòa vào nhịp chảy nghìn năm của Hồng hà sóng vỗ.

Các BTV Ban BTCT Phát thanh tham gia sản xuất chương trình phát sóng hàng ngày trên 2 kênh FM90MHz và 96MHz.

Giai điệu và ca từ của “Tiếng nói Hà Nội” đã trở thành một phần của đời sống người Hà Nội những năm tháng chống trả quân xâm lược. Giai điệu và ca từ ấy cũng như lời nhắc nhở những thế hệ sau nhớ về thời hào hùng ấy, để trân trọng và nâng niu hơn những tháng ngày hòa bình cùng dựng xây Thủ đô, để yêu thương hơn mỗi ngày mai ta được thức dậy cùng một Hà Nội bình yên như hôm nay.

Nhạc sỹ Văn An là một trong các nhạc sỹ được giải thưởng Nhà nước trong đợt đầu tiên. Ông sinh năm 1929, tên thật là Nguyễn Văn An, quê Nam Định. Là một nhạc sỹ gắn bó với quân đội, gắn với những năm tháng chiến tranh cả dân tộc hết đánh Pháp rồi chống Mỹ, các ca khúc của ông như những trang đầy màu sắc trong biên niên sử âm nhạc Việt Nam suốt chiều dài các cuộc chiến. Nhưng chiến tranh trong các tác phẩm của ông là những lời ca rất dung dị, mộc mạc, trữ tình, những giai điệu khi cất lên thấy thân thương cả một khung trời Bắc bộ trong đó.

Ông có những bài hát nổi tiếng như: Đường lên Tây Bắc (1952), Cánh diều miền Bắc (1957), Đường dây ai rải (1965), Thái Văn A đứng đó, Đôi dép Bác Hồ, Gió sông Hồng gọi nắng sông Hương, Ta ra trận hôm nay (1973), Nhịp cầu nối những bờ vui, Trên đường hạnh phúc, Lá cờ Đảng, Tiếng nói Hà Nội, Ấm tình quê Bác, Em yêu trường làng và anh bộ đội, Bó chổi rơm… Trong đó “Tiếng nói Hà Nội” được trao Giải thưởng Hà Nội 1967.

“Tiếng nói Hà Nội” được vang lên lần đầu tiên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, và được nhiều nghệ sỹ lớn biểu diễn thành công như Quốc Hương, Trọng Nghĩa, Trọng Tấn… Khi được Đài Hà Nội chọn để phát triển thành nhạc hiệu của kênh FM90, các nhạc sỹ đã làm mới ca khúc, phả vào giai điệu của hơn nửa thế kỷ trước sức sống mới của đất nước, của Hà Nội hôm nay.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội chia sẻ: “Đài Hà Nội đang đổi mới mạnh mẽ về mọi mặt. Khi đổi mới các kênh phát thanh, chúng tôi cố gắng gắn mọi nội dung và hình thức của mỗi kênh với những gì đặc trưng nhất của Thủ đô, với đời sống người Hà Nội. Và nhạc hiệu của mỗi kênh phát thanh cũng sẽ thật Hà Nội, mang đặc trưng của Tiếng Nói Hà Nội nhất có thể”.

Hãy cùng đón nghe Tiếng nói Hà Nội, trên các kênh phát thanh của Đài Hà Nội, từ tháng 6/2022.

Tường Vy