Tiến sĩ Trần Thành Nam: “Giáo dục sớm không phải để tạo ra thần đồng, thiên tài”

29/12/2020 08:46
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo dục sớm không phải là ép tất cả các trẻ đều phát triển như nhau, theo một khuôn mẫu. Mỗi đứa trẻ đều có những năng lực riêng, đặc biệt là nền tảng sinh học.

Ngày nay, hầu hết các gia đình đều quan tâm đến vấn đề giáo dục sớm cho con. Vậy, những phương pháp nào có thể phát huy được những tố chất tốt đẹp, làm cơ sở phát triển cho trẻ những năm sau này?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết: "Như nhà giáo dục Makarenco đã nói: Nền móng của giáo dục được xây dựng vững chắc từ trước 6 tuổi khi chiếm 90% cả quá trình giáo dục. Các nhà khoa học Thần kinh và các nhà Giáo dục học đều thống nhất rằng những trải nghiệm đầu đời có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển não bộ và năng lực học tập khi trưởng thành.

Bộ não của trẻ từ giai đoạn sơ sinh đến 5 tuổi là linh hoạt nhất, dễ thích ứng nhất với mọi hoạt động trải nghiệm và tương tác với môi trường. Giai đoạn này, các kết nối thần kinh của trẻ có nhiều gấp đôi số kết nối thần kinh khi trưởng thành.

Và những tương tác với cha mẹ, người lớn khác và bạn đồng trang lứa sẽ tạo nên những hệ kết nối làm nền tảng vững chắc cho sự nghiệp học tập sau này.

Đó là lý do tại sao việc nuôi dưỡng và phát triển những năng lực xã hội, cảm xúc, nhận thức, ngôn ngữ trong những năm đầu đời lại quan trọng như vậy. Và đó cũng chính là lý do và tầm quan trọng của việc giáo dục sớm”.

Theo Tiến sĩ Trần Thành Nam: "Giáo dục sớm là giáo dục đúng thời điểm và đúng cách. Giai đoạn quan trọng nhất của sự phát triển não bộ là từ 0 - 6 tuổi, nếu bỏ qua giai đoạn này sẽ đánh mất đi những tiềm năng của trẻ". Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Theo Tiến sĩ Trần Thành Nam: "Giáo dục sớm là giáo dục đúng thời điểm và đúng cách. Giai đoạn quan trọng nhất của sự phát triển não bộ là từ 0 - 6 tuổi, nếu bỏ qua giai đoạn này sẽ đánh mất đi những tiềm năng của trẻ". Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Một số quan điểm sai lầm về giáo dục sớm

Theo thầy Nam: “Thứ nhất, giáo dục sớm không phải là giáo dục thiên tài hay thần đồng. Nhiều cha mẹ mong muốn con mình có những tài năng đặc biệt ngay từ sớm, thúc đẩy con phát triển sâu về một lĩnh vực nào đó ngày từ nhỏ và thúc đẩy một cách cưỡng ép. Điều này khiến cho trẻ gặp nhiều áp lực và đôi khi không những không phát triển mà còn làm mất đi những cảm xúc của trẻ ở lĩnh vực đó.

Thứ hai, giáo dục sớm không phải là nhằm trang bị cho trẻ nhiều kiến thức khi trẻ còn bé. Tiếp thu kiến thức là một quá trình diễn ra trong suốt cuộc đời con người và càng trưởng thành thì việc tiếp thu kiến thức diễn ra ở cả bề rộng và chiều sâu.

Bộ não của trẻ cũng nên để có những “khoảng trống” nào đó để chuẩn bị cho việc trẻ học kiến thức trong tương lai. Nếu chúng ta bằng mọi cách lấp đầy kiến thức ngay từ sớm sẽ làm cho trẻ bị nhồi nhét kiến thức, bị “tắc nghẽn” kiến thức, từ đó tạo ra sự ức chế, căng thẳng về tâm lý trong cuộc sống của trẻ.

Mặt khác, trẻ nhỏ có sức chịu đựng và khả năng nhất định nên không thể cứ có kiến thức là bắt trẻ phải học tất cả, kiến thức cần phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của lứa tuổi.

Thứ ba, giáo dục sớm không phải là ép tất cả các trẻ đều phát triển như nhau, theo một khuôn mẫu. Mỗi đứa trẻ có những năng lực riêng, đặc biệt là nền tảng sinh học.

Đối với trẻ nhỏ lại càng phải quan tâm hơn đến những năng lực chuyên biệt và giúp cho năng lực ấy phát triển một cách tự nhiên nhất. Vì vậy, chúng ta không nên ép tất cả trẻ nhỏ đều phải phát triển như sau, đều phải học và đạt được kết quả như nhau.

Thứ tư, giáo dục sớm không phải là dạy trước chương trình học của các lứa tuổi lớn hơn. Nhiều gia đình quan tâm và muốn con mình phát triển vượt trội hơn so với các bạn, chuẩn bị cho con bước vào trường tiểu học không phải bỡ ngỡ với kiến thức.

Vì vậy, gia đình và người lớn đã đem nhiều kiến thức của lứa tuổi lớn hơn, buộc trẻ phải học trước, buộc trẻ phải chín ép. Nhiều người cho rằng dạy trước chương trình mới gọi là giáo dục sớm, nhưng đó là quan niệm sai lầm”.

Giáo dục sớm cần được hiểu một cách khoa học

Thầy Nam cho biết: “Giáo dục sớm là giáo dục tố chất. Cha mẹ và người lớn tác động đến trẻ ngay từ sớm, biết cách tác động một cách khoa học để phát huy tối đa tố chất của trẻ, giúp tạo nền tảng cho sự phát triển của trẻ, giúp trẻ phát triển tốt hơn khi trưởng thành.

Khi trẻ có nền tảng tố chất tốt thì trẻ mới có hứng thú, say mê, tích cực khi học kiến thức, kĩ năng sau này. Nói cách khác, trẻ có khả năng học được thì trẻ mới có hứng thú và say mê học tập và ngược lại khi có hứng thú say mê học tập sẽ giúp cho trẻ tích cực học tập hiệu quả.

Giáo dục sớm giúp trẻ phát triển tự nhiên, toàn diện thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tiễn gắn với cuộc sống của trẻ có định hướng giáo dục. Cách giáo dục sớm tốt nhất với trẻ là dạy trẻ học thông trải nghiệm.

Khi cha mẹ dạy con quả bóng, cần có quả bóng thật, đá được và cho trẻ cảm nhận bằng các giác quan, trẻ biết được tác dụng, chức năng của nó và liên hệ với thực tế xung quanh. Hãy để cho trẻ tự biết mình muốn gì, hiểu gì với quả bóng đó và cha mẹ là người hỗ trợ để giúp trẻ hiểu sâu sắc về quả bóng.

Giáo dục sớm là giáo dục đúng thời điểm và đúng cách: Giai đoạn quan trọng nhất của sự phát triển não bộ là từ 0 - 6 tuổi, nếu bỏ qua giai đoạn này sẽ đánh mất đi những tiềm năng của trẻ.

Đây là quá trình kích thích chức năng của não bộ phát triển trong thời kì sinh trưởng mạnh nhất. Điều cần làm là trẻ hoạt động một cách vừa sức, thoái mái và tự nhiên, giúp cho trẻ hình thành các giá trị, cảm xúc tích cực, chủ động và sáng tạo”.

Thông qua các hoạt động như sắm vai, vẽ tranh, đóng kịch, kể chuyện, trò chơi và hoạt động sáng tạo cũng như thử nghiệm sẽ tạo cho trẻ một không gian rộng mở để tưởng tượng và đưa ra những ý tưởng mới. Ảnh minh họa: Tùng Dương.
Thông qua các hoạt động như sắm vai, vẽ tranh, đóng kịch, kể chuyện, trò chơi và hoạt động sáng tạo cũng như thử nghiệm sẽ tạo cho trẻ một không gian rộng mở để tưởng tượng và đưa ra những ý tưởng mới. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Trẻ học được nhiều kỹ năng, sáng tạo qua các trò chơi

Thầy Nam chia sẻ: “Học thông qua chơi góp phần vào sự phát triển toàn diện của trẻ (về nhận thức, xã hội, cảm xúc, sáng tạo và thể chất) với các kỹ năng cụ thể sẽ được tập trung vào từng lĩnh vực phát triển.

Khi trẻ chơi xếp hình, trẻ có thể đếm, phân loại các mảnh ghép. Trẻ có thể sử dụng vốn từ vựng phong phú để trình bày về sản phẩm của mình. Trẻ có thể luyện viết về ý tưởng ghép hình của mình và trẻ có nhiều cơ hội hình thành và củng cố các kỹ năng phục vụ cho việc học.

Nghiên cứu cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa việc chơi mà trẻ có được các kỹ năng phục vụ cho học tập, có hiểu biết sâu về Toán, Tiếng Việt, Khoa học và Công nghệ thông tin cũng như Tin học.

Thông qua các hoạt động như sắm vai, vẽ tranh, đóng kịch, kể chuyện, trò chơi và hoạt động sáng tạo cũng như thử nghiệm sẽ tạo cho trẻ một không gian rộng mở để tưởng tượng và đưa ra những ý tưởng mới.

Bằng cách cho trẻ cơ hội hỏi "nếu... thì sao?" sẽ giúp trẻ tưởng tượng những khả năng mới, xác định vấn đề và đưa ra các cách giải quyết vấn đề. Và điều này sẽ giúp trẻ hình dung ra những kết nối mới giữa con người, ý tưởng, vật liệu và thế giới.

Trẻ học cách đọc tín hiệu từ bạn mình qua ánh mắt, cái nhíu mày, lắng nghe và nhìn nhận quan điểm của người khác, tất cả các khía cạnh này chính là để trẻ phát triển sự đồng cảm.

Khi trẻ em bước vào trường tiểu học thì bạn bè cùng trang lứa ngày càng có tầm quan trọng và Học thông qua chơi sẽ có vai trò đóng góp vào sự tiếp diễn của xã hội khi tạo cho trẻ cơ hội giao tiếp với mọi người.

Chính trẻ là người quyết định xem làm thế nào (và khi nào) tuân thủ luật, khi nào tuân thủ đúng theo (hoặc linh hoạt thay đổi ) và khi nào thì dẫn đầu (hoặc làm theo).

Hơn nữa, chơi - cho dù là trèo cây, chạy, nhảy hay chơi trò đuổi bắt, thường là có cơ hội để thử những điều mới và đạt đích mới - những hoạt động chơi có thể thúc đẩy trẻ vượt qua vùng giới hạn của mình”.

Thầy Nam nhấn mạnh: “Có những minh chứng rõ ràng về vai trò và lợi ích của việc Học thông qua chơi trong những năm đầu khi trẻ đi học tiểu học. Khi áp dụng Học thông qua chơi, học sinh của bạn có cơ hội thực hành các kỹ năng khác nhau này trong các bối cảnh khác nhau trên các lĩnh vực chủ đề khác nhau.

Chơi cũng ảnh hưởng đến tính độc đáo của tư duy, tính linh hoạt trong liên kết, khả năng đồng cảm gắn với hành vi hợp tác và kỹ năng xã hội. Tất cả những điều này đều góp phần vào nâng cao kết quả học tập của trẻ”.

Tùng Dương