Thật xót xa khi bài học đầu đời là "có tiền sẽ có tất cả"!

28/05/2019 06:49
Tùng Dương
(GDVN) - Đất nước sẽ ra sao khi mà nhiều kẻ suy đồi đạo đức sẵn sàng quăng tiền để mua điểm và một số người giữ vị trí lãnh đạo cũng nhận tiền để phá huỷ nền giáo dục?

Với mức giá 1 tỉ đồng cho một trường hợp nâng điểm (Thông tin theo báo Tuổi Trẻ đã đăng tải) (1) và những em học sinh được nâng điểm thi đều có bố hoặc mẹ đang là cán bộ lãnh đạo ở tỉnh Sơn La!

Những quan chức này đã bôi bẩn cả một kỳ thi của Quốc gia, làm mất đi niềm tin của xã hội, đã làm cho biết bao học sinh ngày đêm học tập phải trượt oan ức.

Những người mua điểm hoặc dùng quyền lực ép người khác nâng điểm thi cho con mình vẫn được yên vị, cho tới giờ chưa có ai bị xử lý.

Quyền lực và đồng tiền đang thao túng xã hội, làm mất những giá trị đạo đức tốt đẹp. Trong số những vị dùng tiền mua điểm cho con, liệu có ai cũng đã từng mua bằng, mua quan bán chức không?

Đất nước sẽ ra sao khi mà nhiều kẻ suy đồi đạo đức sẵn sàng quăng tiền để mua điểm và một số người giữ vị trí lãnh đạo cũng nhận tiền để phá huỷ nền giáo dục?

Bà Lê Thị Túy - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên. Ảnh: nhân vật cung cấp.
Bà Lê Thị Túy - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên. Ảnh: nhân vật cung cấp.

Trao đổi với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Lê Thị Túy - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên, chia sẻ: “Đây là một hệ lụy rất lớn và hại cho chính bản thân các em học sinh đó, không thể nói là các em đó không biết về học lực của mình mà tự nhiên lại đỗ điểm cao.

Các em đó đã 18 tuổi rồi thì không thể nói là không biết gì, tuổi đó theo quy định của pháp luật là đã phải chịu trách nhiệm về hình sự, nên trong sự việc này các em không thể vô can ngoài cuộc, bất kể là vô tình hay cố ý.

Tự nhiên điểm cao vọt lên và đỗ vào các trường danh giá, thậm trí còn tự hào khoe với bạn bè, xã hội rằng mình học giỏi, thủ khoa.

Những em này rồi sẽ là ai? Liệu rằng có em nào trong số ấy không bị phát hiện sau này sẽ là cán bộ, quan chức?

Các em đã bị tiêm nhiễm bằng “bài học” đầu đời rằng cứ có tiền là có tất cả, gian dối sẽ leo cao”.

Cứ chân chính như những bạn khác nhà nghèo, không có bố mẹ làm quan chức thì lọ mọ với kết quả học tập thực chất của mình, thậm chí khá, giỏi thì cũng bị loại hết để nhường chỗ cho những hành động gian dối.

Thật xót xa khi bài học đầu đời là "có tiền sẽ có tất cả"! ảnh 2Nhiều thí sinh chủ động không làm bài vì có ý đồ can thiệp điểm trước khi thi?

“Vậy nên, những em học sinh đã được nâng điểm đó đã bị nhiễm độc về tư tưởng ngay từ khi nhận số điểm rởm, một phát lên ngay top đầu, ngoái lại nhìn các bạn học giỏi với con mắt khinh thường. 

Nên bài học đầu đời các em này được học là hãy mua, chạy điểm, chức tước bằng tiền.

Đó là những mầm họa cho xã hội sau này, một xã hội với những cán bộ đi lên bằng tiền chứ không phải bằng trình độ.

Dư luận đòi hỏi phải công khai danh tính của những em này, những em đó đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên không thể nhân nhượng được, theo quy định pháp luật thì tội đến đâu phải xử lý đến đó.

Những phụ huynh của em đó cũng phạm luật đưa hối lộ để đạt được mục đích mà không phải thực chất của con mình.

Những phụ huynh đó đã dùng tiền hoặc chức vụ của để giúp con mình chiếm chỗ của những em học sinh khác có học lực tốt.

Những cán bộ được giao nhiệm vụ làm chủ khảo, hội đồng thi... Cầm cân nảy mực trong kỳ thi Quốc gia nhưng đã làm cả xã hội mất niềm tin vì những vi phạm pháp luật của mình.

Bản thân những em học tốt cũng sẽ mất niềm tin qua sự việc này, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sự phấn đấu của các em”, bà Túy nêu quan điểm.

Trong khi ngành Giáo dục phải là tấm gương về đạo đức, những cán bộ trong ngành phải là người mẫu mực, gương mẫu nhưng có không ít người đã lợi dụng chức quyền để ăn tiền và làm sai lệch kết quả thi. Đó là điều vô cùng xót xa, gây hệ luỵ cho nhiều thế hệ.

Bản thân các em được nâng điểm cũng sẽ coi thường những vị cán bộ này vì chỉ cần có tiền là họ đã sẵn sàng bán cả danh dự, bất chấp tất cả.

Những vị này đã tạo ra một thế hệ không cần học mà chỉ cần tiền là mua được bằng cấp, đó cũng là một hệ lụy xấu cho xã hội, cứ ngồi rung đùi không cần học. Thử hỏi một xã hội với những suy nghĩ như vậy sẽ phát triển đến đâu?

Bà Túy nói: “Giáo dục đạo đức có ý nghĩa gì nữa khi tư tưởng mua bán đã trở thành phương châm sống của một bộ phận học sinh? Một số người là giáo viên, dạy học sinh một đằng nhưng chính họ hành động ngược lại.

Tất cả những em được nâng điểm, cả phụ huynh của những em đó cùng với những cán bộ tiếp tay cho việc gian trá này đã phá hoại kỷ cương, coi thường luật pháp và hệ lụy của việc này sẽ còn ảnh hưởng lâu dài đến nhiều thế hệ.

Một xã hội có phát triển mạnh đến đâu đi nữa thì vấn đề về đạo đức vẫn là thước đo thực chất, đó mới là vấn đề cốt lõi. Không phải sự việc nào cũng có luật ngay lập tức nhưng đạo đức là cái mà mỗi con người luôn phải tuân theo.

Đạo đức là dạy con người bằng những hình mẫu cụ thể, noi gương, 99% cha mẹ dạy con trẻ bằng chính những việc làm hàng ngày, chỉ 10% bằng hình thức dạy bảo.

Cha mẹ thường dạy con cái phải chịu khó học tập, không làm điều sai trái, gian lận, nhưng thực tế họ lại làm ngược lại thì đó sẽ là những hình mẫu xấu để con trẻ noi theo”.

Cần phải làm rõ những ai đã đưa tiền hối lộ hoặc dùng quyền lực nâng điểm cho con? Ảnh: vov.

Cần phải làm rõ những ai đã đưa tiền hối lộ hoặc dùng quyền lực nâng điểm cho con? Ảnh: vov.

Quy tắc trong cuộc sống thì một mặt con người phải tuân theo pháp luật, một mặt khác là đạo đức xã hội quy định dư luận khống chế. Sự việc ở đây đã chà đạp hết tất cả như vậy thì làm sao mà dạy bảo được ai nữa.

Các cán bộ, quan chức chạy điểm cho con thì người dân sẽ biết tin vào ai? Mất lòng tin rồi thì người người cũng sẽ bắt trước để chạy,  dẫn đến cả một xã hội đua nhau mua bán phi đạo đức.

“Sự việc đã xảy ra nhưng việc xử lý vấn đề này vẫn còn đang tranh cãi, việc đã rõ như ban ngày mà không xử nghiêm thì luật pháp sẽ không còn giá trị, sẽ tạo thành những tiền lệ xấu, dung túng, bao che cho những việc làm sai trái.

Quan chức phải lấy vấn đề đạo đức đặt lên hàng đầu, tất cả những ứng xử phải thể hiện được sự tôn trọng cộng đồng, nó định hướng chuẩn giá trị của mỗi con người”, bà Túy nhấn mạnh.

Công an tỉnh Sơn La vừa kết thúc điều tra vụ án gian lận thi cử, chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị truy tố 8 bị can về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong số 8 bị can, đáng chú ý nhất là ông Trần Xuân Yến, khi bị khởi tố là Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tỉnh Sơn La phụ trách việc tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La, cũng là người có chức vụ, quyền hạn lớn nhất trong vụ án này tính đến nay.

Bảy người khác gồm:

Ông Lò Văn Huynh (trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng của sở).

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (phó trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng).

Bà Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng khảo thí và quản lý chất lượng).

Bà Cầm Thị Bun Sọn (phó trưởng Phòng chính trị - Tư tưởng của sở Giáo dục và Đào tạo).

Ông Đặng Văn Thủy (phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu, Thành phố Sơn La).

Ông Đỗ Khắc Hưng (nguyên Trung tá, Phòng an ninh chính trị nội bộ công an tỉnh).

Ông Đinh Hải Sơn (nguyên thiếu tá, Phòng an ninh chính trị nội bộ).

Cả 8 bị can trên bị cơ quan điều tra đề nghị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015.

Tài liệu tham khảo:

(1) https://tuoitre.vn/gian-lan-thi-cu-o-son-la-gia-nang-diem-moi-truong-hop-trung-binh-1-ti-dong-20190525084513726.htm

Tùng Dương