Sao bây giờ người ta không tin sự tử tế?

29/06/2019 07:28
Trần Phương
(GDVN) - Từ bao giờ việc tử tế lại bị nghi kỵ, không đáng tin? Phải chăng thông tin tiêu cực tràn lan khiến nhiều người không tin vào sự tử tế diễn ra ngay trước mắt?

Những ngày qua, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về hình ảnh Đại úy Vũ Đức Lợi - Phó trưởng Công an phường Minh Khai (Thành phố Hà Giang) dùng xe máy, đến tận nhà thí sinh Trần Thị Yến (ở tổ 5 phường Quang Trung, thành phố Hà Giang) đưa em đến điểm thi Trung học phổ thông quốc gia 2019 đúng giờ.

Việc làm ấy được đánh giá là hành động đẹp, kịp thời và nhân văn, đồng thời cũng cho thấy sự phản ứng nhanh của lực lượng tại chỗ khi có sự cố xảy ra.

Nhưng thật tiếc rằng sau khi những hình ảnh tốt đẹp đó được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng lại xuất hiện những ý kiến trái chiều cho rằng đó là “diễn”, là sự sắp đặt để truyền thông…

Những nghi vấn được đưa ra như trong khoảng thời gian chuẩn bị, cả nước có hàng trăm trường hợp bỏ thi, nhưng tại sao mỗi thí sinh này được truy tìm, được đón cho kịp giờ thi?

Góc ảnh khác do phóng viên Chí Tuệ chụp đăng trên trang mạng xã hội cá nhân.
Góc ảnh khác do phóng viên Chí Tuệ chụp đăng trên trang mạng xã hội cá nhân.

Đặc biệt lý do được cho là có sự sắp đặt khi lúc chiến sĩ "hộ tống" thí sinh ngủ quên đi thi, tại sao có nhiều phóng viên, báo chí chụp ảnh, đưa tin vậy, trong khi các điểm trường khác không có phóng viên nào?...

Sự việc đẩy lên cao khi chính phóng viên Trí Tuệ (báo Tuổi Trẻ) là người có mặt tại điểm thi Trung học phổ thông Lê Hồng Phong sáng 26/6, ghi lại những hình ảnh Đại uý Lợi "hộ tống" thí sinh ngủ quên đi thi - cho biết, sáng hôm đó, 6h anh có mặt tại điểm thi này để tác nghiệp đã phải lên tiếng xác minh.

Mất niềm tin- mất tất cả

Nhóm phóng viên gồm các báo Tuổi Trẻ, Người đưa tin, Lao Động, VTC News, Vnexpress, Tiền Phong...  cũng đều đã chứng kiến và lần lượt lên tiếng trên mặt báo.

Tất cả những tiếng nói của người trong cuộc đã chứng minh việc tử tế của Đại úy Vũ Đức Lợi.

Vậy thì từ đâu mà nhiều người lại nghi ngờ việc tốt như thế?

Có thể đổ lỗi cho việc hàng ngày có những rừng tin tức tiêu cực đập vào mắt nên người ta có quyền nghi ngờ.

Nhưng chẳng lẽ một việc làm tử tế bây giờ khó tin đến thế sao?

Ảnh do phóng viên báo điện tử Người đưa tin chụp sáng ngày thi đầu tiên.
Ảnh do phóng viên báo điện tử Người đưa tin chụp sáng ngày thi đầu tiên.

Việc Hà Giang năm ngoái có tiêu cực không có nghĩa là năm nay Hà Giang phải “diễn” một việc tử tế?

Không ai nghĩ thế cả. Chỉ có ai đó hẹp hòi, thiển cận mới nghĩ như vậy.

Nhiều việc tốt tương tự vẫn diễn ra hàng ngày mỗi khi kỳ thi tới sao mọi người không để ý?

Những bữa cơm thiện nguyện, nước uống miễn phí, những bóng áo xanh tình nguyện, áo xanh công an đều giúp hết sức cho các thí sinh có một kỳ thi an toàn và hiệu quả.

Tại sao không mở lòng ra để nhìn thấy việc tử tế diễn ra hàng ngày. Thay vì phân tích và võ đoán, tại sao những người đưa ra ý kiến chỉ trích ấy không làm một việc tử tế nho nhỏ thôi. Nhặt rác xung quanh mình chẳng hạn?

Đừng khắt khe với việc tốt mà hãy lan tỏa ra cộng đồng để tạo cảm hứng cho người khác….

Trong vụ việc này, rất may những người tốt trực tiếp làm việc và những người chứng kiến đã lên tiếng.

Nếu người tốt không lên tiếng, cái ác sẽ lên ngôi mất. Do vậy, sự tử tế sẽ lên ngôi nếu người tốt biết nói đúng lúc và sẵn sàng đấu tranh với cái xấu.

Trần Phương