Nước mắt của cậu học trò nghèo sau cơn lũ

26/10/2020 11:36
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sáng sớm ngủ dậy nước đã vào đến nền nhà, nước lên rất nhanh, em chỉ kịp gọi đò để đưa ông bà đi sơ tán.

Đó là tâm sự của em Đoàn Phương Nam, học sinh lớp 9 Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Trần Hữu Dực (Triệu thuận - Triệu Phong – Quảng Trị) khi trở về thăm nhà sau cơn lũ.

Mặc dù lũ đã đi qua nhưng việc quay trở lại cuộc sống đời thường của người dân nơi đây không phải là chuyện dễ dàng. Môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, tài sản bị cuốn trôi không còn gì.

Nhiều học sinh vùng rốn lũ trở lại trường trong tình trạng thiếu sách vở, bút mực và thiếu cả quần áo. Đặc biệt với những học trò nghèo, khó khăn lại thêm phần khó khăn.

Em Đoàn Phương Nam là một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, gia đình thuộc diện hộ nghèo, bố mẹ qua đời khi em chỉ mới 8 tháng tuổi. Hiện tại, Nam đang sống cùng ông bà ngoại trong căn nhà nhỏ thường xuyên dột nát mỗi khi trời đổ mưa.

Ông bà em năm nay đã ngoài 80, lại thường xuyên đau ốm, bệnh tật. Ông ngoại còn bị teo chân, đi lại khó khăn nên hoạt động sinh hoạt thường ngày cũng cần sự chăm sóc của Nam và bà.

Trận lũ đi qua, ngôi nhà của em Đoàn Phương Nam Nam ngập đến quá nửa,nước lũ cuốn trôi mọi thứ (Ảnh: cô Nhi cung cấp)

Trận lũ đi qua, ngôi nhà của em Đoàn Phương Nam Nam ngập đến quá nửa,nước lũ cuốn trôi mọi thứ (Ảnh: cô Nhi cung cấp)

Trong trận lũ vừa qua, nước dâng quá nhanh, Nam chỉ kịp gọi đò để đưa ông bà đi sơ tán để chỗ an toàn. Phương Nam kể lại:

“Buổi sáng hôm đó khi em ngủ dậy thì nước đã vào đến nền nhà. Cứ thế nước lên rất nhanh, điều em nghĩ đầu tiên là phải đưa ông bà đi sơ tán nếu không sẽ rất nguy hiểm.

Nhà không có điện thoại, không có gì để kết nối và liên lạc, em phải bì bõm giữa dòng nước đi gọi đò.

Khi về đến nhà, mọi người chỉ kịp bế ông bà lên thuyền, vì trở tay không kịp nên mọi thứ đều đã bị cuốn trôi theo dòng nước lũ, kể cả sách vở, quần áo”.

Nhớ lại khoảng thời gian đó, Nam nghẹn ngào gạt dòng nước mắt, vì trong tình cảnh gian nan ấy mà ông ngoại em lại bị sốt và nhập viện. Hết gọi đò đưa ông bà đi sơ tán, Nam lại phải gọi đò chở ông lên viện.

Bốn ngày tránh lũ ở nhà dì, Nam trở về thăm nhà. Ngôi nhà vốn trống rỗng, thiếu thốn đủ thứ nay lại càng tan hoang, lũ cuốn trôi không còn sót lại một thứ gì.

“Tài sản giá trị nhất trong nhà là chiếc bàn nhỏ để em học bài cũng đã bị cuốn trôi, sách vở để học tập, quần áo, tất cả đã chẳng còn nữa. Bàn thờ bị ngấm nước cũng đã hỏng rồi.

Đến hôm nay, ông ngoại em vẫn còn nằm viện, bà và em vẫn chưa thể về nhà, một phần vì trong nhà không còn đồ dùng gì, chưa dọn dẹp và sửa chữa lại được, một phần vì em đang lo cơn bão sắp tới lại gây ngập lụt. Em chỉ về thăm nhà nhưng nhìn mọi thứ càng buồn hơn”, Phương Nam nghẹn ngào.

Được thầy cô và bạn bè động viên, Phương Nam đã trở lại trường học sau lũ. Cậu học trò nghèo lại chạy vạy khắp nơi đi mượn từng cuốn sách để tiếp tục con đường học tập.

“Em đi mượn, đi xin sách của anh chị khóa trên. Đợt lũ vừa rồi nhiều nơi đều ngập sâu nên hầu hết các bạn bè, anh chị cũng bị cuốn trôi sách vở như em.

Em cũng được thầy cô hỗ trợ để có bút vở để học tập. Hiện tại, em đang mượn vở của các bạn để chép lại bài đã học trong thời gian qua”.

Cô Phùng Thảo Nhi, giáo viên của em Đoàn Phương Nam cho biết:

“Nam là một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của trường. Mặc dù nhà nghèo, em phải vất vả lo toan mọi thứ nhưng vẫn luôn là cậu học trò ngoan, cố gắng nỗ lực trong học tập, nhiều năm liền là học sinh tiên tiến.

Sau đợt lũ này, em càng gặp nhiều khó khăn hơn về điều kiện học tập. Điều tôi luôn trăn trở là trước những khó khăn này, làm sao để giúp em tiếp tục con đường học tập của mình”.

Cũng theo cô Thảo Nhi, sau lũ, đa số học sinh đều bị thiếu sách vở, bút mực. Nhiều em học sinh hoàn cảnh khó khăn đang cần được giúp đỡ.

Ngôi nhà vốn đã dột nát càng tan hoang, trống trơn sau trận lũ (Ảnh: cô Nhi cung cấp)

Ngôi nhà vốn đã dột nát càng tan hoang, trống trơn sau trận lũ (Ảnh: cô Nhi cung cấp)

Cô Nhi tâm sự: “Có em nhà gần bờ sông bị sạt lở, may mắn cứu được người những tài sản bị cuốn trôi hết. Một số em ở vùng sông nước còn chưa trở lại trường. Sau lũ lụt, điều các giáo viên lo lắng là một số em sẽ bỏ học do điều kiện, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.

Như vùng Đại Lộc B là vùng sông nước, nghề chính của người dân là đánh bắt cá, họ xem nhẹ việc học của con em mình, vì thế mà nhiều học sinh ở vùng này thường xuyên bỏ học.

Nhà trường và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục vận động, giúp đỡ để sau trận lũ này, các em vẫn tiếp tục được học tập, tiếp tục đến trường cùng bạn bè, thầy cô”.

Phạm Minh