Nhớ nồi bánh chưng ngày Tết

03/02/2019 06:00
Đỗ Quyên
(GDVN) - Xa quê đã 20 năm, tôi và nhiều đồng nghiệp của vẫn chưa có điều kiện để về quê nhà đón Tết như xưa.

LTS: Xa quê hương nhưng với đồng lương giáo viên ít ỏi, nhiều thầy cô giáo không có cơ hội về quê ăn Tết.

Cô giáo Đỗ Quyên chia sẻ những dòng tâm sự về nỗi nhớ quê ngày Tết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Do gia đình tôi bị người ta giật nợ, thế nên năm 1992 hai chị em phải lưu lạc nơi đất khách quê người. Xa nhà, xa quê hương đã buồn nhưng xa vào những ngày Tết thì lại càng buồn đến quay quắt hơn.

Vào Nam tôi đi dạy, với đồng lương của một giáo viên hợp đồng lúc đó (140 ngàn đồng/tháng) thì phải tằn tiện lắm mới đủ ăn để chờ đợt nhận lương lần sau.

Vì thế, dù có muốn đến cháy lòng, tôi vẫn không thể nào có đủ tiền tàu xe đi lại giữa hai miền Nam-Bắc.

Cái Tết đầu tiên ở phương Nam nó hoàn toàn xa lạ với một đứa con gái miền Bắc như tôi. Tôi đã từng rất ngạc nhiên khi thấy mọi người mời nhau đi dự tất niên từ ngày 24 và lai rai đến hết ngày 30.

Nếu ở ngoài Bắc tất thảy mọi nhà đều tổ chức cúng tất niên chung một ngày. Thế nên, ngay từ 12 giờ trưa ngày 30 thì ngoài đường phố đã bắt đầu vắng người.

Chiều 30 gần như không có ai đi ngoài đường trừ công việc cần kíp lắm. Bởi giờ đó, mọi người trong gia đình đang quây quần, sum họp bên mâm cơm chiều cuối năm.

Ảnh minh họa: doanhnhansaigon.vn
Ảnh minh họa: doanhnhansaigon.vn

Tôi đã mang thắc mắc của mình hỏi một số người nơi đây “sao trong này, tổ chức tất niên không cùng chung một ngày? Và tại sao lại tổ chức sớm vậy?”.

Có người cười vang bảo rằng “có lẽ người Nam có tính hào sảng nên quy định thế để có cớ mời nhau dự tiệc”. Chẳng biết có phải thế chăng nhưng sống nơi đây nhiều năm sau, tôi cũng nghiệm ra rằng họ nói đùa mà cũng có phần đúng.

Tôi cũng ít thấy cảnh, nhà nhà quây quần bên nồi bánh chưng đêm 30. Người dân nơi đây chủ yếu mua bánh chưng ngoài chợ hay vào trong siêu thị.

Ngoài quê vào ngày này, đêm 30 có lẽ là buổi tối vui và đáng nhớ nhất khi những người con xa nhà về hội ngộ.

Bên nồi bánh chưng, những câu chuyện vui buồn trong năm, những thành công cũng như thất bại, những dự định của thời gian sắp tới đều được sẻ chia cùng mọi người.

Nhà đông thì từng nhóm người chia ra chỗ đàm đạo đủ thứ chuyện đông tây kim cổ, nơi đánh bài tiến lên… Tiếng nói, tiếng cười cứ vang lên giòn giã.

Mùa này miền Bắc thường lạnh run người. Người trẻ còn siêng tắm, nhiều ông bà già hằng ngày chỉ rửa tay chân và lau mình mẩy là xong.

Nhớ nồi bánh chưng ngày Tết ảnh 2Các nghi lễ đẹp trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam

Thế nhưng đêm 30 Tết, ai nấy nhất định cũng phải tắm.

Theo những người dân quê tôi, tắm trong đêm 30 để gột rửa những bụi trần, những đen đủi của một năm đã qua, tắm cho người sạch sẽ để chào đón một năm mới đầy hanh thông và thuận lợi.

Tôi nhớ nhất cảnh mẹ cần mẫn hái từng nắm lá thơm về đun một nồi nước khá to bên cạnh nồi bánh chưng đang nghi ngút khói.

Khi nồi nước lá tắm sôi ùng ục, các thành viên trong nhà thay nhau từng người một tắm, gội một cách kĩ càng. Mùi lá thơm quyện vào không gian, quấn vào người cứ thơm da diết mãi.

Gà gáy sáng cũng là lúc nồi bánh chưng đã chín. Một số người đã mệt đi ngủ sớm, số người còn lại vớt bánh lên, ép nước, xong ngả lưng trên phản đánh ngay một giấc say nồng.

Và bao giờ cũng thế, chui ra khỏi chăn cũng đã 9 giờ sáng. Dậy, đánh răng rửa mặt, ăn sáng và 11 giờ mới bắt một ngày mới đi thăm thú bạn bè.

Những nỗi nhớ ấy cứ trỗi lên mãnh liệt mỗi khi tết đến xuân về. Xa quê đã 20 năm tôi và nhiều đồng nghiệp của mình vẫn chưa có điều kiện để về quê nhà ăn lại cái tết mà tôi từng gắn bó hơn 20 năm về trước.

Ai cũng nói bây giờ phương tiện đi lại phong phú, chỉ cần vài tiếng đồng hồ là có mặt ngay nơi quê nhà.

Thời gian chúng tôi cũng chẳng thiếu (gần nửa tháng nghỉ tết và hai tháng hè đằng đẵng). Thế nhưng những nhà giáo nghèo chúng tôi về quê một lần xem như vài năm tiết kiệm vẫn chưa hoàn lại.

Niềm ước ao bao giờ giáo viên sống được bằng lương thì lúc ấy khoảng cách Bắc – Nam mới thật sự gần.

Đỗ Quyên