Ngày xuân, đến cực Bắc ngắm cột cờ Lũng Cú

26/01/2020 06:09
Tùng Dương
(GDVN) - Thời Tây Sơn, sau khi thắng quân xâm lược, Vua Quang Trung đặt một chiếc trống đồng ở vùng biên ải hiểm trở này, mỗi canh tiếng trống lại vang lên đĩnh đạc.

Là nơi thắng cảnh đẹp của tỉnh Hà Giang, vùng đất thiêng liêng địa đầu tổ quốc, nơi có cột cờ đánh dấu chủ quyền cực Bắc của đất nước Việt Nam.

Vượt qua những cung đường đèo hiểm trở tới Lũng Cú bạn sẽ được chìm trong cảnh núi non hùng vĩ, trong bạt ngàn sắc hoa nơi rừng đá.

Lũng Cú có nhiều tên gọi, mỗi cái tên gọi đều mang trong đó những vẻ đẹp như huyền thoại.

Video: Đến cực Bắc ngắm cột cờ Lũng Cú

Có giả thiết cho rằng Lũng Cú có nghĩa là Long Cư (Rồng trên đồng ruộng) hay là Lũng Ngô vì cánh đồng Thèn Pả trồng nhiều ngô, thứ lương thực chính nuôi sống những người con của đá và gắn chặt với cuộc sống trên đá, trở thành nét văn hóa độc đáo của người H’Mông.

Cũng có truyền thuyết cho rằng tên gọi Lũng Cú bắt đầu từ Long Cổ có nghĩa là trống đồng.

Thời Tây Sơn, sau khi đại thắng quân xâm lược giành lại bờ cõi, Vua Quang Trung đã cho đặt một chiếc trống đồng ở trạm gác vùng biên ải hiểm trở này. Cứ mỗi canh, tiếng trống lại vang lên ba hồi đĩnh đạc, vang xa mấy dặm như một sự khẳng định chủ quyền của đất nước.

Lũng Cú bao gồm 9 thôn bản, nằm ở độ cao trung bình 1.500 mét so với mặt nước biển. Bà con dân tộc ở Lũng Cú canh tác chủ yếu là nương rẫy và làm ruộng bậc thang. Đặc biệt đồng bào dân tộc H’Mông, Lô Lô vẫn bảo tồn nghề dệt truyền thống, với các công đoạn làm sợi lanh, dệt vải thổ cẩm.

Cuộc sống trên cao nguyên đá chỉ có mùa mưa và mùa khô. Mùa nào cũng khắc nghiệt, khó khăn, để tồn tại được cũng đã là cả một kỳ tích.

Ngày xuân, đến cực Bắc ngắm cột cờ Lũng Cú  ảnh 1

Đầu xuân khám phá chợ phiên nơi địa đầu Tổ quốc

Từ trên đỉnh Lũng Cú phóng tầm mắt ra xa, phía trái là thung lũng Thèn Ván thăm thẳm, bên phải là đầu nguồn con sông Nho Quế, hai bên núi rồng là hai hồ  nước nằm đối xứng nhau.

Theo truyền thuyết: Xưa kia rồng tiên từ trên trời bay xuống đậu trên ngọn núi cao nhất đầu làng, rồng tiên ngắm nhìn nơi đây thấy phong cảnh núi non hùng vĩ nhưng nhận thấy người dân vùng cao quanh năm thiếu nước, đời sống gặp nhiều khó khăn nên trước khi bay về trời rồng đã để lại đôi mắt của mình cho dân làng.

Từ đôi mắt đó đã để lại hai hồ nước trong xanh, một bên là hồ của làng Lô Lô Chải và một bên là hồ của làng Thèn Pả. Nhờ có hồ mắt rồng cho người dân có nước tưới tiêu và nước sinh hoạt hàng ngày.

Truyền thuyết núi rồng cũng giải nghĩa tại sao nơi này có thể gọi là Long Cư, hai hồ nước góp phần làm cho khung cảnh hùng vĩ lại càng nên thơ.

Năm 2010 Cột cờ lũng cú được trùng tu. Cột cờ ngày nay có tổng chiều cao là 34.85m. Hiên ngang ngự trị trên bầu trời là lá cờ tổ quốc rộng 54m2, chân cột cờ được gắn 8 tấm phù điêu bằng đá xanh, minh họa cho các thời kỳ lịch sử của đất nước và các phong tục tập quán của nhân dân tỉnh Hà Giang, phía trên có gắn 8 mặt trống đồng.

Đứng dưới chân cột cờ, nhìn lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay trước gió ngàn cao nguyên, khiến cho những ai đã một lần đặt chân đến nơi đây đều dâng lên những cảm xúc dạt dào về tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Tùng Dương