Lòng tốt vẫn còn hiện hữu trong xã hội xô bồ

17/04/2018 06:00
Mai Ly
(GDVN) - Mỗi câu chuyện xả thân cứu người nhắc nhở chúng ta rằng lòng tốt vẫn luôn hiện hữu trong xã hội.

Người hùng không ở chiến trường

Những anh hùng tuổi trẻ vẫn còn rất nhiều trong xã hội hiện tại, điển hình là câu chuyện của em Nguyễn Văn Nam (Học sinh lớp 12T7, Trường Trung học Phổ thông Đô Lương 1, Nghệ An), quên mình cứu sống 5 em nhỏ.

Vào ngày 30/4/2013, khi đi ngang qua sông Lam thấy 5 em học sinh chới với giữa dòng nước, nam sinh không hề đắn đo mà nhanh chóng lao xuống cứu người.

Sau khi đã cứu được 4 em học sinh vào bờ, Nam thấy vẫn còn một em đang dần bị ngạt nước, cậu bạn đã dùng hết sức lực giúp em nhỏ được vào bờ.

Nhưng tiếc thay, chàng trai trẻ đã bị kiệt sức không cưỡng lại được dòng nước nên đã bị nhấn chìm và tử vong. Đến chiều cùng ngày, thi thể em Nam đã được tìm thấy và đưa về gia đình an táng.

Hành động cứu người không chút do dự của cậu học sinh lớp 12 đã lấy đi nước mắt của nhiều người, họ vừa thấy thương vừa thấy khâm phục trước hành động quả cảm của em.

Lòng tốt vẫn còn hiện hữu trong xã hội xô bồ ảnh 1Câu chuyện về sự hy sinh đẫm nước mắt giữa một xã hội lạnh lùng

Ngày 13/5/2013 Nguyễn Văn Nam được truy tặng Huân chương Dũng cảm của nhà nước Việt Nam.

“Cho đi là hạnh phúc” và sự “cho đi” ấy sẽ mang đến những điều kỳ diệu  cho người khác mà chính chúng ta cũng không thể ngờ tới.

Nhắc tới đó, chắc hẳn trong mỗi chúng ta đều nhớ đến câu chuyện về cô bé 7 tuổi Hải An hiến tặng giác mạc.  

Ngày 15/1/2018, bé An được chuẩn đoán mắc bệnh u thần kinh đệm cầu não lan tỏa - một căn bệnh hiếm gặp ở trẻ em. Dù đã cố gắng điều trị nhưng căn bệnh quái ác này đã lấy đi tính mạng của em vào ngày 22/2.

Theo tâm nguyện trước khi mất của Hải Anh, mẹ em và gia đình quyết hiến tặng giác mạc của bé để trao ánh sáng cho những người khác.

"Ngọn lửa Hải An" đã thực sự làm lay động trái tim của hàng vạn người. Hành động của gia đình cô bé Hải An trở thành một “cơn bão” khiến nhiều người quan tâm hơn tới một việc rất có ý nghĩa là hiến tặng mô tạng.

Ngày 26/2, hai người đã được ghép giác mạc hiến tặng của bé Hải An là một cụ bà 73 tuổi và một bệnh nhân nam 42 tuổi. Hiện cả hai đều tiến triển tốt về khả năng nhìn.

Câu chuyện của bé Hải An chính là một đóa hoa thơm ngát trong cuộc đời đã có tác động, lan tỏa vào trái tim của mọi người.

Cô bé 7 tuổi có thể đem lại ánh sáng cho người khác, tạo niềm tin vào cuộc sống cho hàng triệu người.

Từ đó ta biết được rằng, giúp đỡ người khác không hề phân biệt tuổi tác, đẳng cấp mà nó phụ thuộc vào chính bản thân chúng ta.

Gần đây hơn, là câu chuyện của anh Lê Xuân Huân (sinh năm 1985) trú ở thôn 6, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã liều mình nhảy sông từ độ cao hàng chục mét để cứu cô gái nhảy sông Chu tự tử.

Sáng 4/4/2018, ông Lê Văn Châu - Phó Bí thư tỉnh đoàn Thanh Hóa, trao Bằng khen cho anh Lê Xuân Huân vì hành động dũng cảm cứu người. (Ảnh: Báo Lao động)
Sáng 4/4/2018, ông Lê Văn Châu - Phó Bí thư tỉnh đoàn Thanh Hóa, trao Bằng khen cho anh Lê Xuân Huân vì hành động dũng cảm cứu người. (Ảnh: Báo Lao động)

Sự việc xảy ra vào chiều tối 2/4/2018, tại cầu Thiệu Hóa, thị trấn Vạn Hà (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa).

Dù nhận được nhiều lời khen ngợi cho hành động xả thân cứu người, anh Huân chỉ nói đơn giản rằng: “Cứu người lúc hoạn nạn là hành động bình thường mà nhiều người trong khả năng đều có thể làm như vậy”.

Anh Huân cũng chia sẻ đây không phải là lần đầu tiên mình cứu người đuối nước.

Mang niềm tin đến cho xã hội

Hiện nay trong xã hội có nhiều thông tin xấu như: giết người, cướp đoạt tài sản, buôn bán ma túy, mại dâm…. đã tạo cảm giác bất an đối với người dân trong cuộc sống đời thường.

Những thông tin xấu lan tràn trên mạng xã hội.
Những thông tin xấu lan tràn trên mạng xã hội.

Thế nhưng qua chính những câu chuyện xả thân cứu người hoạn nạn đã góp phần làm cho xã hội này trở nên tươi đẹp, nhân văn hơn. Từ đó ta thấy được rằng, đâu đó trong xã hội này vẫn còn rất nhiều người tốt.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Văn Tùng - Trưởng khoa Khoa Xã hội học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội - cho rằng:

Tôi chưa bao giờ bị thuyết phục bởi lập luận “xã hội ngày nay không còn người tốt, việc tốt”, mà xã hội vẫn đang và sẽ có rất nhiều người tốt, việc tốt.

Những người cho rằng “không còn người tốt việc tốt” đa phần đều bị ảnh hưởng bởi truyền thông quá mạnh trước những sự kiện xấu.

Cần hướng đến việc lan tỏa “người tốt, việc tốt” mạnh hơn nữa để người dân thấy rằng, đó không phải là việc lạ lùng, bởi trên thực tế thì một ngày có vô số việc tốt được thực hiện nhưng chưa được người dân biết đến".

Lòng tốt vẫn còn hiện hữu trong xã hội xô bồ ảnh 4Ông giáo của trẻ thiệt thòi giữa lòng phố cảng

Câu chuyện của em Nguyễn Văn Nam, Lê Xuân Hiếu, bé Hải Anh và nhiều người khác có hành động cao cả, giúp đỡ nhau những lúc hoạn nạn đã là tấm gương cho nhiều người noi theo.

Mỗi người trong chúng ta nên tự hiểu “sống là cho đi, cho đi là còn mãi”.

Hãy nhớ rằng làm người tốt và làm điều tốt, đó là tất cả những gì chúng ta nên làm.

Con người được sinh ra, được sống trên đời đã là một hạnh phúc lớn lao, nhưng có lẽ được sống trong lòng của người khác còn là hạnh phúc lớn lao hơn nữa.

Bé Hải Anh hay Nguyễn Văn Nam dù đã ra đi nhưng hình ảnh của các em sẽ còn mãi.  

Đúng như Mark Twain đã từng nói: “Lòng tốt là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy”.

Lòng tốt sẽ luôn tồn tại, đánh bật những thói xấu xa của người đời. Chỉ cần bạn luôn tin tưởng vào cuộc sống và không ngừng làm những điều tốt đẹp, thì lòng tốt sẽ mãi hiện hữu trong cuộc đời.

Tài liệu tham khảo:

https://laodong.vn/xa-hoi/lan-toa-nhung-dieu-tot-dep-tren-khong-gian-mang-599528.ldo

Mai Ly