Lòng tốt bình dị và những ân tình sâu nặng với Tổ quốc!

19/07/2021 06:19
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo sư Huỳnh Văn Sơn: "Giá trị nhân văn đã trở thành một truyền thống được nuôi dưỡng, dựng xây và gìn giữ của người Việt".

Đâu đó ở rất nhiều nơi trong cuộc sống này, chúng ta luôn học được những điều ý nghĩa về tình đoàn kết, chia sẻ yêu thương... để rồi từ đó lan toả thêm những việc làm tốt đẹp. Mỗi việc làm tốt đẹp của người lớn còn góp phần quan trọng dạy những đứa trẻ trở thành người tử tế, có tác dụng thực tế còn hơn hàng trăm trang tài liệu trong sách vở.

Câu chuyện gần nhất mà nhiều người đang chia sẻ là anh Phạm Hồng Minh bị bạn hàng chê không tận dụng cơ hội tăng giá bán rau trong mùa dịch. Nhưng anh Minh bảo: "Kiếm tiền cả đời chứ đâu nhất thiết phải kiếm ngay lúc này đâu".

Anh Phạm Hồng Minh là hộ kinh doanh rau củ nổi tiếng tại khu chợ dành cho công nhân của Khu công nghiệp Biên Hòa 1, phường An Bình, Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Anh bán rau củ với giá cực thấp, 7 năm qua, anh thường xuyên tặng thực phẩm cho sinh viên, công nhân nghèo.

Giữa lúc tình hình dịch bệnh căng thẳng, trong khi những người bạn hàng khoe “hốt bạc, ngày lời 5-10 triệu” thì anh không những không tăng giá mà còn tặng rau cho những người có hoàn cảnh khó khăn. [1]

Gian hàng của anh Phạm Hồng Minh không tăng giá mà còn tặng rau cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch. (Ảnh: Báo Người lao động)

Gian hàng của anh Phạm Hồng Minh không tăng giá mà còn tặng rau cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch. (Ảnh: Báo Người lao động)

Lúc này, hàng triệu người dân đang chật vật, khó khăn vì chống dịch Covid-19.

Cũng thời điểm này, người dân khắp cả nước đang một lòng hướng về miền Nam ruột thịt với những "chuyến hàng yêu thương", với từng tấn rau củ quả, từng hũ muối vừng, muối sả...

Là lúc mà hàng ngàn y bác sĩ không ngại hiểm nguy, hy sinh quên mình, sẵn sàng xung phong lên tuyến đầu chống dịch.

Vậy sao cứ phải tăng giá bán, kiếm lời trên sự khốn khó của đồng bào? Sao nỡ lòng nhẫn tâm biến khó khăn của người khác thành cơ hội để làm giàu cho bản thân. Hơn bất cứ lúc nào, đây là thời điểm nhân dân cả nước đang rất cần những “cái dại”, “cái khờ” của anh bán rau.

“Cái dại” đó chính là lòng tốt giản dị, đời thường nhưng vô cùng đáng quý trong hoàn cảnh dịch bệnh khó khăn hiện nay.

Còn nhớ, cách đây không lâu, một tài xế công nghệ đã nhất quyết từ chối nhận tiền của một bác sĩ đang trên đường tiếp tế cho đồng nghiệp tham gia phòng chống dịch, anh nói rằng, "nhận tiền lúc này của bác sĩ là em có tội với Tổ quốc, chị đừng bắt em có tội với Tổ quốc".

Câu nói của anh khiến bao người thấy sống mũi cay cay xúc động! Thực tế, chẳng ai kết tội khi anh nhận thành quả lao động chính đáng. Thế nhưng, trong một hoàn cảnh đặc biệt, với một vị khách đặc biệt, lương tâm đã không cho phép anh làm như vậy.

Anh bán rau, anh xe ôm,... họ chỉ là những người lao động bình thường, với những hành động nhỏ bé nhưng thật đặc biệt, khiến hàng triệu trái tim thổn thức.

Những câu nói “Kiếm tiền cả đời chứ đâu nhất thiết phải kiếm ngay lúc này”; “Chị đừng bắt em có tội với Tổ quốc” của các anh chính những tấm lòng ân tình tràn đầy yêu thương, là bài học sâu sắc về tình người, bài học đạo đức kinh doanh và là bài học về lòng yêu nước vô cùng ý nghĩa.

Nói về 5 điểm nổi bật gắn với đạo đức và con người Việt Nam, trả lời các đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn chiều 9/11/2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định: “Người Việt Nam có lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, không dám nói hơn nhưng có thể khẳng định không kém quốc gia nào; có đất nước nào mà dịch bệnh, lũ lụt như vừa rồi người dân thương nhau, giúp đỡ nhau đến vậy”. [2]

Đây là điều không thể phủ nhận, từ những hành động giản dị đời thường đến những hy sinh, cống hiến lớn lao trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, đó chính là “lòng yêu nước nồng nàn” bao đời chảy trong trái tim người Việt.

Anh Nguyễn Văn Kiều thu hoạch vườn củ cải gửi tặng người dân Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Báo Người lao động)

Anh Nguyễn Văn Kiều thu hoạch vườn củ cải gửi tặng người dân Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Báo Người lao động)

Những ngày 19 tỉnh phía Nam đang thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ và những chuyến hàng yêu thương vẫn từng ngày chảy về tâm dịch.

Anh Nguyễn Văn Kiều, một nông dân ở bon (buôn làng) R'but, xã Quảng Sơn (Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) đã quyết định tặng hết cả vườn củ cải trắng của mình cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh, anh chia sẻ tâm tư rằng “Tôi không có tiền ủng hộ như mọi người, nhà chỉ có vườn củ cải trắng, tôi dành tặng hết cho bà con”.

Trong khi đó, người dân địa phương và Đoàn thanh niên Công an huyện Đắk Glong đã hỗ trợ cùng anh Kiều thu hoạch củ cải để hỗ trợ vùng dịch. [3]

Đó còn là tấm lòng ân tình của người miền Trung gửi đến Thành phố Hồ Chí Minh với những món quà của phù sa sau cơn lũ.

Khắp nơi ở tỉnh Quảng Trị đều có các điểm tập kết các loại quà gửi vào miền Nam. Có nông dân ở vùng biên giới Việt-Lào chở đến con lợn hơn 120kg để làm muối sả; có em học sinh ủng hộ con lợn đất bên trong là những tờ tiền mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng…

Ở Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh,… người dân nhiều địa phương cũng đã phát động phong trào quyên góp lương thực, thực phẩm, rau củ quả để gửi tặng nhằm hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong miền Nam.

Từng hũ ruốc, từng hộp muối vừng, muối sả,… vừa mang phong vị của quê hương, vừa chứa đựng những yêu thương, nghĩa tình đồng bào sâu nặng.

Những câu chuyện về lòng tốt bình dị giữa mùa dịch cũng giống như như lời nhắc nhở với những ai đang giữ lối sống ích kỷ vì bản thân.

Trong thời điểm dịch bệnh khó khăn, không ít người đã “cơ hội” để đầu cơ, tích trữ, tăng giá bán hàng hóa, thực phẩm lên cao. Chính họ cần phải nhìn nhận lại để “tự xấu hổ” về những hành vi của mình.

Năm 2020, thời điểm dịch Covid-19 mới xuất hiện tại Việt Nam, nhiều cửa hàng y tế cũng đã tăng giá bán khẩu trang, nước sát khuẩn khiến dư luận phẫn nộ, bức xúc. Những hành vi đó bị lên án, phê phán là tội ác khi họ sẵn sàng bòn rút, kiếm chác trên chính khó khăn của đồng bào.

Chia sẻ quan điểm với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia nghiên cứu tâm lý - Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn nói rằng, từ bao đời nay, người Việt chúng ta có tính cộng đồng cao, nhất là giá trị nhân văn đã trở thành một trong những giá trị truyền thống được nuôi dưỡng, dựng xây và gìn giữ.

"Bản thân tôi học được những sự quan tâm hết lòng của một sinh viên miền Tây chuyên chở rau hỗ trợ bà con khu cách ly xin cho nghỉ 1 đêm để tiếp tục công việc hiệu quả. Tôi cảm xúc khi một giáo viên – là cộng sự của mình đã phát tâm vài trăm ký gạo để ủng hộ một phường do tôi giới thiệu.

Tôi càng ấn tượng sâu sắc bởi những đồng nghiệp của mình bám trụ tại phường để sát cánh cùng nhiều người dân trong khu phố trong khi có thể di chuyển sớm để an toàn… Và những chuyến xe nghĩa tình của một người bạn, từng là phóng viên đã rong ruổi thâu đêm đến các khu phố, chung cư cách ly và cả những nơi có người khó khăn để phát từng hộp cơm, từng bó rau, làm tôi xót dạ khi chính anh cũng quên ăn.

Thức và cảm cùng với tấm lòng của người dân thành phố; lắng nghe và dõi theo trái tim, tấm lòng của nhiều mạnh thường quân ở các tỉnh thành, tôi cảm và hiểu sâu sắc hơn về sự yêu thương, hy sinh, đùm bọc và chữ thương chữ yêu sống động mà cao cả", thầy Sơn tâm sự.

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn chia sẻ, cái khó có thể chưa dừng lại khi 19 tỉnh thành khu vực phía Nam bắt đầu áp dụng chỉ thị 16. Nhưng chúng ta càng tin tưởng rằng cái thiện, hướng đến cộng đồng sẽ được tôn vinh và nhân rộng.

Thầy Sơn bày tỏ: "Tôi tin rằng nếu mỗi người biết vì nhau, biết quan tâm và thể hiện tính cộng đồng, niềm tin về chống dịch sẽ được nhân lên và sự an toàn cho mỗi người Việt cũng được đảm bảo, những tổn thất sẽ được kiểm soát hiệu quả nhất.

Lẽ tự nhiên, vẫn còn đó những biểu hiện tiêu cực của một số cá nhân như: đầu cơ, tích trữ, cá nhân hóa trong ứng xử và nhất là trục lợi trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng đó là những biểu hiện không đáng kể. Và những người đó cũng chẳng thể hạnh phúc nếu như chỉ nghĩ cho riêng mình, khai thác và kiếm lợi ích trong hoàn cảnh khó khăn của người khác, nhất là bối cảnh chung của cộng đồng.

Tôi tin rằng bản thân những cá nhân hay nhóm người này sẽ xấu hổ khi ánh sáng của cái đẹp được tôn vinh và con người nhận ra những giá trị đích thực của cho và nhận.

Tự hào về sự chia sẻ và tiếp nối lan tỏa tình yêu thương, trách nhiệm, cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19, tôi nghĩ mỗi chúng ta cần vun đắp thêm những giá trị để có một hành vi tích cực cùng tham gia chống dịch.

Hơn hết, chúng ta đang cùng nhau, vì nhau để bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng. Cái đẹp đáng giá trong bối cảnh chống dịch vẫn đủ làm cho mỗi người chúng ta rung cảm thì việc đồng hành để có thêm sức mạnh, hết lòng ủng hộ các chủ trương, chỉ đạo chống dịch trong cả nước sẽ thành công…".

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/anh-ban-rau-bi-che-dai-vi-khong-hot-bac-mua-dich-756459.html

[2] https://zingnews.vn/co-dat-nuoc-nao-trong-thien-tai-ma-nguoi-dan-thuong-nhau-den-vay-post1151184.html

[3] https://dantri.com.vn/doi-song/anh-nong-dan-choi-lon-gui-tang-nguoi-dan-tphcm-ca-vuon-cai-tram-trieu-20210712202546948.htm

Phạm Minh