Làm gì để giảng viên, SV không còn bị bạo lực thể xác, tinh thần, tình dục?

20/06/2022 13:18
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Sau 6 tháng khảo sát tại 3 trường, có 51,8% sinh viên và 30,2% cán bộ, giảng viên đã từng trải nghiệm các hành vi quấy rối tình dục trong thời gian 1 năm học.

Sáng ngày 20/6, Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã tổ chức hội thảo công bố các kết quả hoạt động trong chương trình “Xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn” tại 3 trường đại học, gồm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) và Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên).

Chương trình nhằm mục đích hỗ trợ 3 trường đại học phòng ngừa và ứng phó với các hành vi bạo lực giới bao gồm quấy rối tình dục trong sinh viên và cán bộ, giảng viên.

Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trào (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) khẳng định: “Từ khi ra mắt vào cuối tháng 1/2022, màu da cam đã tràn ngập trong khuôn viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) và Trường Đại học Hồng Đức, tượng trưng cho hành động chống bạo lực đối với phụ nữ.

Trong 6 tháng qua, chúng ta đã và đang tiếp tục thực hiện nâng cao nhận thức về các hình thức bạo lực trên cơ sở giới trong môi trường đại học, mang tên “Tô cam giảng đường”...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trào (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trào (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội).

Các kết quả được báo cáo trong ngày hôm nay sẽ rất có giá trị giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban Giám hiệu các trường đại học khác trong việc xây dựng những chính sách phù hợp, thiết thực để đảm bảo an toàn cho sinh viên, cán bộ, giảng viên trong trường, cũng như xây dựng và tiếp tục phát triển, lan tỏa mô hình khuôn viên trường đại học an toàn không bạo lực cho các trường đại học khác ở Việt Nam”.

Cũng bày tỏ kỳ vọng với sức lan tỏa của chương trình, bà Lê Thị Lan Phương (Cán bộ quản lý chương trình Chấm dứt bạo lực của UN Women) nhấn mạnh: “UN Women đánh giá cao các kết quả đạt được trong thời gian ngắn của chương trình “Xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn”.

Chúng tôi hy vọng, các kết quả này sẽ được sử dụng làm cơ sở cho các chính sách liên quan đến sinh viên và giảng viên trường đại học cũng như truyền cảm hứng nhân rộng cho các trường đại học khác trên toàn quốc”.

Bà Lê Thị Lan Phương (Cán bộ quản lý chương trình Chấm dứt bạo lực của UN Women).

Bà Lê Thị Lan Phương (Cán bộ quản lý chương trình Chấm dứt bạo lực của UN Women).

Báo cáo kết quả khảo sát được thực hiện trên 1.809 sinh viên và 350 cán bộ, giảng viên ở 3 trường đại học. Kết quả cho thấy: có 51,8% sinh viên và 30,2% cán bộ, giảng viên đã từng trải nghiệm các hành vi quấy rối tình dục trong thời gian 1 năm học, trong đó hình thức quấy rối tình dục bằng lời nói như “có những lời tán tỉnh, làm quen, những cử chỉ, nhận xét hoặc trò đùa khêu gợi tình dục khiến người khác cảm thấy khó chịu” là phổ biến nhất ở cả sinh viên và cán bộ, giảng viên.

Ngoài ra, cả sinh viên và cán bộ, giảng viên đều đã từng trải nghiệm các hình thức bạo lực khác nhau như bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục, trong đó cả sinh viên và cán bộ, giảng viên đều trải nghiệm hình thức bạo lực tinh thần nhiều nhất.

Trong khi với sinh viên, hình thức bạo lực kinh tế ít phổ biến nhất thì với giảng viên hình thức bạo lực kinh tế xếp thứ 2 về mức độ phổ biến và bạo lực thể xác ít thể hiện nhất. Tỉ lệ sinh viên bị ép buộc quan hệ tình dục ở cả 3 trường chiếm tỉ lệ không nhiều, chỉ 1,2% (tương đương 21 sinh viên).

Theo đánh giá chung của cả sinh viên và cán bộ, giảng viên, các hình thức bạo lực và quấy rối tình dục không phổ biến và không phải là vấn đề đáng lo ngại ở cả 3 trường đại học được khảo sát.

Tuy nhiên, cả sinh viên, cán bộ và giảng viên đều lo ngại về sự không an toàn với một số địa điểm trong trường đại học như: Đường về ký túc xá, cổng trường và sân vận động; trong khi đó giảng đường, thư viện và ký túc xá là những địa điểm có sự an toàn rất lớn với sinh viên và cán bộ, giảng viên cả trong và ngoài giờ hành chính.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy phần lớn sinh viên (72,5%) cán bộ, giảng viên (61,7%) còn chưa biết nhiều đến các địa chỉ hỗ trợ người bị bạo lực bên ngoài trường học như “nhà tạm lánh” hay “ngôi nhà bình yên”.

Toàn cảnh buổi hội thảo.

Toàn cảnh buổi hội thảo.

Ngoài khảo sát nói trên, các hoạt động trong chương trình “Xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn” được triển khai theo hướng dẫn toàn cầu của UN Women về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trong khuôn viên trường đại học. Sau thời gian thực hiện tại Việt Nam, chương trình đã xây dựng được bộ quy tắc ứng xử chung cho sinh viên, cán bộ, giảng viên đảm bảo môi trường học đường an toàn, lành mạnh, không có bạo lực cho sinh viên, cán bộ, giảng viên.

Đồng thời, chương trình cũng đã hỗ trợ 3 trường thành viên xây dựng và vận hành phòng tham vấn tâm lý để hỗ trợ cho sinh viên, cán bộ, giảng viên bị bạo lực, chứng kiến hay gây ra bạo lực trong trường đại học.

Trong quá trình thí điểm triển khai, trong vòng 2 tháng, phòng tham vấn tâm lý của 3 trường đã trợ giúp cho 13 trường hợp sinh viên bị bạo lực tinh thần, thể xác và tình dục. Phòng tham vấn tâm lý ở 3 trường đã dần trở thành địa chỉ được nhiều sinh viên, cán bộ, giảng viên biết đến hơn.

Ngoài ra, chiến dịch truyền thông mang tên “Tô cam giảng đường” cũng đã giúp nâng cao nhận thức của sinh viên, cán bộ, giảng viên ở 3 trường về hệ quả của các hình thức bạo lực cũng như chia sẻ, lan tỏa thông điệp “Bạn không cô đơn” hay “Không bao giờ là lỗi của bạn khi bạn bị bạo lực” để giúp những sinh viên, cán bộ, giảng viên sẽ chủ động tìm kiếm sự trợ giúp khi mình bị bạo lực hoặc chứng kiến bạo lực.

Kết quả khảo sát trong 6 tháng (từ tháng 2-6/2022).

Kết quả khảo sát trong 6 tháng (từ tháng 2-6/2022).

Trong phần thảo luận với đại diện các trường đại học tại Hà Nội, đại diện Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) và Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) đều khẳng định sự cần thiết của những dịch vụ hỗ trợ tâm lý có hệ thống giúp những người bị bạo lực là sinh viên, cán bộ và giảng viên tại các trường đại học được hỗ trợ kịp thời.

Ngoài ra, các hoạt động nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, các hình thức bạo lực giới bao gồm bạo lực hẹn hò và quấy rối tình dục cả trên giảng đường và trên không gian mạng cũng cần được đẩy mạnh.

Thêm vào đó, những địa điểm không an toàn trong các trường đại học cần được Ban giám hiệu các trường quan tâm, có camera quản lý và bảo vệ chặt chẽ hơn. Các trường đại học cần xây dựng bản đồ không gian an toàn và không an toàn trong trường để định hướng cho sinh viên và có kế hoạch làm an toàn không gian xung quanh trường để khuôn viên trường đại học thực sự là nơi sinh viên, cán bộ, giảng viên cảm thấy thoải mái, yên tâm ở mọi lúc, mọi nơi.

Bộ quy tắc ứng xử.

Bộ quy tắc ứng xử.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Khang - Phó Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) cho biết: “Nhà trường đến nay có khoảng 450 giảng viên, trong đó, khoảng 70% giảng viên là nữ; với hơn 3.500 sinh viên chính quy, trong đó, có khoảng 80% sinh viên là nữ giới, đặc biệt trong đó có khoảng 70% sinh viên nữ là người dân tộc thiểu số, sống trong các khu vực đặc biệt khó khăn. Nhiều sinh viên dân tộc thiểu số chưa tiếp cận được với vấn đề bình đẳng giới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Khang - Phó Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Khang - Phó Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên).

Khi được lựa chọn tham gia chương trình, Nhà trường đã triển khai toàn bộ hoạt động tuyên truyền, hòm thư bí mật, tổ chức talk show... Đặc biệt, xây dựng khu vực tham vấn nhóm và cá nhân. Sau thời gian thực hiện, đã có hàng nghìn sinh viên và giảng viên hào hứng tham gia, đánh giá rất hiệu quả. Chúng tôi cũng hy vọng mô hình sẽ ngày càng được nhân rộng, đặc biệt với các trường có sinh viên là người dân tộc thiểu số, và gặt hái nhiều thành công hơn nữa”.

Ngân Chi