Hiến máu cứu người – một nghĩa cử cao đẹp

10/04/2018 06:00
KIM NHUNG
(GDVN) - Phong trào hiến máu tình nguyện tại Việt Nam ngày càng gặt hái được nhiều thành quả, giúp hàng ngàn bệnh nhân được cứu sống và điều trị kịp thời.

Một giọt máu hồng, ươm mầm sự sống

Máu được xem là một phần không thể thiếu của cơ thể con người, có chức năng cung cấp các chất nuôi dưỡng và cấu tạo các tổ chức cũng như loại bỏ các chất thải trong quá trình chuyển hóa của cơ thể.

Mỗi ngày, có hơn 4.500 người bệnh trên cả nước đang chờ máu tại các bệnh viện với hy vọng sẽ có người hiến máu tình nguyện để được chữa trị kịp thời.

Nếu chỉ trông chờ vào số máu bệnh viện thu mua được thì không thể đáp ứng được nhu cầu cứu chữa của người bệnh.

Do đó, việc hiến máu tình nguyện là vô cùng cấp thiết.

Ông Nguyễn Văn Hùng (70 tuổi), người đã chung sống với căn bệnh ung thư máu hơn một năm nay cho biết: “Nhờ những người chẳng quen biết mà tôi mới duy trì được cuộc sống đến ngày hôm nay.

Tôi cứ nghĩ rằng, nhóm máu O là nhóm máu phổ biến, vào viện sẽ dễ dàng được truyền máu, vậy mà không ngờ mình nhóm máu O vào viện trong thời điểm này lại không ngờ thiếu máu trầm trọng như vậy”. [1]

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, việc hiến máu tình nguyện ngày càng trở nên phổ biến và thu hút được nhiều người tham gia.

Theo Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, trong năm 2015, toàn quốc ước tính tiếp nhận được 1.105.134 đơn vị máu toàn phần, tăng 110,5% so với năm 2014, trong đó số đơn vị máu tình nguyện đạt 96,9%.

Trên những tuyến đường ở Thủ đô Hà Nội, thường xuyên có những xe hiến máu lưu động nhằm khuyến khích người dân tham gia hiến máu tình nguyện.

Phong trào hiến máu tình nguyện cũng được các trường Cao đẳng, Đại học tích cực hưởng ứng.

Hiến máu tình nguyện giúp thắp lên hy vọng cho người bệnh. (Ảnh: Kim Nhung)
Hiến máu tình nguyện giúp thắp lên hy vọng cho người bệnh. (Ảnh: Kim Nhung)

Những ngày hội như “Nắng hồng”, “Trái tim mùa thu”, “Chủ nhật đỏ”… không chỉ góp phần khắc phục tình trạng thiếu máu trên toàn quốc mà còn giúp nâng cao nhận thức của người dân về hiến máu tình nguyện.

Nhờ các phong trào hiến máu tình nguyện, các cơ sở y tế có nguồn máu phục vụ cấp cứu, điều trị người bệnh, giúp họ có cơ hội được cứu chữa và đem lại niềm tin, hy vọng cho cuộc sống.

Những trái tim nhân ái

Hiến máu nhân đạo là một hành động cao đẹp, thể hiện truyền thống tương thân tương ái của người dân Việt Nam.

Rất nhiều người coi việc được hiến máu là rất đáng tự hào bởi bản thân họ đã giúp được những người bệnh đang đau ốm, thậm chí là nguy kịch có được sự sống.

Nhận được tin có người bị tai nạn giao thông mất máu quá nhiều, anh A Xây (30 tuổi, người dân tộc Giẻ Chiêng) đã đi hơn 140 km từ Kon Tum đến huyện Đăk Đoa để hiến máu.

"Trong cuộc sống hằng ngày không phải ai cũng có cơ hội để làm việc tốt, chính vì vậy bất cứ khi nào nhận được thông tin có người đang cần máu thì tôi đều đáp ứng”, anh A Xây chia sẻ. [2]

Nhờ nhận được máu kịp thời từ anh A Xây nên người bệnh đã thoát khỏi cơn nguy kịch.

Rất nhiều người coi việc hiến máu tình nguyện đơn giản là vì muốn cứu người, muốn giúp ích cho cuộc sống và những người kém may mắn.

Ngày nào cũng vậy, anh Nguyễn Trung Tuấn (Thành phố Hồ Chí Minh) đều thức dậy lúc 5 giờ sáng, đi làm thợ hồ cho các ông trình xây dựng.

Công việc chân tay tốn mồ hôi, sức lực nhưng cứ 3 – 6 tháng anh lại đi hiến máu một lần.

Đến nay, anh Tuấn đã có 63 lần hiến máu tình nguyện.

Anh Tuấn cho biết: "Tôi thường xuyên được gọi đi hiến máu cho bệnh nhân trong tình trạng cấp cứu.

Nhiều khi đang đi làm, nhận được cuộc gọi khẩn, tôi bỏ làm để đến bệnh viện ngay.

Hiện tại tôi cũng đã đăng ký hiến xác, bởi tôi nghĩ cả đời tôi sẽ hết sức vì mọi người, còn khỏe mạnh là còn tham gia hiến máu”. [3]

Nhắc đến hiến máu tình nguyện, bạn Nguyễn Trường Ánh, sinh viên Học viên Chính trị Công an nhân dân chia sẻ: “Tuy mới chỉ có hai lần tham gia hiến máu tình nguyện, nhưng mình cũng rất vui khi đã cống hiến được một phần nhỏ trong việc cứu sống người bệnh.

Những người trẻ tuổi như mình thì hiến máu chính là một việc làm thiết yếu để giúp đỡ cho xã hội và những người xung quanh mình”.

Việc hiến máu tình nguyện không chỉ giúp cứu chữa người bệnh mà còn đem lại nhiều lợi ích cho người hiến tặng.

Người tham gia hiến máu sẽ giảm nguy cơ ứ đọng sắt, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch là cách để mỗi người tự kiểm tra và quan sát sức khỏe của mình. (Ảnh: Kim Nhung).
Người tham gia hiến máu sẽ giảm nguy cơ ứ đọng sắt, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch là cách để mỗi người tự kiểm tra và quan sát sức khỏe của mình. (Ảnh: Kim Nhung).

Trong cuộc sống có rất nhiều những người kém may mắn, phải gắng gượng từng ngày, từng giờ để chờ máu hiến tặng.

Và trong cuộc sống cũng có rất nhiều những trái tim nhân ái, không ngần ngại trao đi những giọt máu hồng để “ươm mầm sự sống”.

Chính những nghĩa cử cao đẹp ấy đã giúp nhiều người có được niềm tin và hy vọng vào cuộc sống, thể hiện tính nhân văn và góp phần cho xã hội ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

Tài liệu tham khảo

1. http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/y-te/noi-dau-cua-nhung-nguoi-cho-mau-moi-ngay-201902.html

2. https://www.nihbt.org.vn/tam-guong-nguoi-hien-mau/chang-trai-vuot-hon-100-km-hien-mau-cuu-nguoi/p193i15539.html

3. https://www.nihbt.org.vn/tam-guong-nguoi-hien-mau/anh-tho-ho--nguoi-cong-nhan-hien-mau-hang-tram-lan-vi-nguoi-benh/p193i15538.html

KIM NHUNG