Hai cô trò nhỏ với ước mơ phát triển văn hóa đọc người Việt

07/12/2020 06:29
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Qua ô cửa thư viện, em thấy mọi thứ yên tĩnh và diệu kì lắm, nó khác với thế giới bên ngoài xô bồ, ồn ào, náo nhiệt", Bảo Linh hứng thú kể.

Nhận thấy sự quan trọng của việc đọc sách trong đời sống mỗi ngày, hai cô trò nhỏ ở tỉnh Khánh Hòa đã cùng các cô giáo và các bạn thành lập câu lạc bộ cùng thực hiện các dự án nhằm phát triển văn hóa đọc của người Việt.

Cửa sổ diệu kì

Đó là tên của câu lạc bộ được thành lập từ niềm đam mê đọc sách của hai cô học trò nhỏ Võ Thị Kim Hòa - học sinh lớp 10 Anh 1 Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn và Trần Đăng Bảo Linh - học sinh lớp 9/2 Trường Trung học Cơ sở Lý Thái Tổ, Thành phố Nha Trang, Khánh Hòa cùng với một số bạn học từ 9-15 tuổi.

Nuôi dưỡng đam mê đọc sách từ khi còn là những đứa trẻ, lên ý tưởng và thực hiện ước mơ về một câu lạc bộ mà nơi đó là tập hợp những người cùng chung đam mê qua một buổi đi thư viện cùng những người mẹ.

“Qua ô cửa thư viện, em thấy mọi thứ yên tĩnh và diệu kì lắm, nó khác với thế giới bên ngoài xô bồ, ồn ào, náo nhiệt.

Em lớn lên với niềm đam mê sách từ mẹ. Ban đầu, em nghĩ đó là sở thích của hai mẹ con cùng một vài người. Nhưng khi đến thư viện thì ở đó có rất nhiều người cùng sở thích. Sự chuyên tâm, yên tĩnh đó, bản thân em nghĩ chỉ có sách mang đến được cho chúng ta”, Bảo Linh hứng thú kể chuyện về những lần bắt nguồn ý tưởng cho câu lạc bộ sách.

Cũng giống như Bảo Linh, Kim Hòa cũng được nuôi dưỡng đam mê đọc sách, yêu sách tử thuở nhỏ từ người mẹ của mình. Ngôi nhà đang ở được mẹ và Kim Hòa chăm sóc tủ sách như thư viện.

Những đầu sách được sắp xếp cẩn thận, gọn gàng, chia ra làm nhiều thể loại sách mà theo Kim Hòa chia sẻ “em thuộc làu hết các đầu sách bởi với em đó là sở thích, cũng là đam mê hàng ngày”.

Câu lạc bộ Cửa sổ diệu kì được thành lập từ tháng 6/2018 với sự đồng hành của các giảng viên Trần Thị Thanh Huyền, Thái Thị Phương Thảo, Phan Thị Thùy Nhung đến từ Trường Đại học Khánh Hòa.

Câu lạc bộ hoạt động tại thư viện tỉnh Khánh Hòa đến tháng 9/2019 thì chuyển sang hoạt động online.

Để nhận được sự ủng hộ và lan tỏa đến cộng đồng những người yêu sách, ham đọc sách, từ tháng 8/2020, dưới sự dẫn dắt của hai cô trò nhỏ Kim Hòa và Bảo Linh, câu lạc bộ hoạt động bằng cả hình thức online và offline.

Kết quả bất ngờ với trang fanpage tăng vọt lượt theo dõi từ vài trăm đến hơn 1600, giới thiệu được gần 100 cuốn sách, đăng tin, bài, khuyến học hàng ngày…

Không chỉ phát triển về mảng tiếp cận trực tuyến, hai cô trò nhỏ vận dụng tất cả các mối quan hệ cùng sự tư vấn của các giảng viên sáng lập để tổ chức những buổi tuyên truyền, lan tỏa tình yêu đọc sách cho đối tượng học sinh trung học cơ sở.

Những buổi gặp mặt, trao đổi, truyền cảm hứng đã được tổ chức tại nhiều địa điểm tại tỉnh Khánh Hoà như: Trường Trung học Cơ sở Yersin (Cam Lâm), Trường Trung học Cơ sở Trần Phú (Vạn Ninh), Trường Trung học Cơ sở Thái Nguyên (Nha Trang), Trường Trung học Cơ sở Lê Thánh Tông (Ninh Hoà)...

Hai cô học trò nhỏ Võ Thị Kim Hòa và Trần Đăng Bảo Linh chia sẻ “hành trang của chúng em bước đi không có gì ngoài đam mê đọc sách”. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Hai cô học trò nhỏ Võ Thị Kim Hòa và Trần Đăng Bảo Linh chia sẻ “hành trang của chúng em bước đi không có gì ngoài đam mê đọc sách”. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, dù vẫn còn sự ngại ngần của lứa tuổi học trò nhưng hai cô gái bé rất tự tin say sưa kể về chặng đường thành lập câu lạc bộ đến nay.

Kim Hòa tâm sự: “Hiện tại chúng em đang làm dự án nghiên cứu khoa học phát triển văn hóa đọc trong gia đình, nhà trường và cộng đồng mà đối tượng trực tiếp hướng tới là học sinh phổ thông”.

Những cô gái bé nhỏ nhưng khát khao truyền cảm hứng, đam mê đọc sách cho mọi người mãnh liệt.

Trong giọng nói của hai cô trò nhỏ tràn đầy sự quyết tâm, chinh phục những thử thách bởi theo như lời Bảo Linh “hành trang của chúng em bước đi không có gì ngoài đam mê đọc sách”.

Phát triển văn hóa đọc từ gia đình

“Gia đình là tế bào của xã hội, như chính chúng em đây, tất cả đều xuất phát từ gia đình. Gia đình là nơi để trở về sau những mưu sinh vất vả, em muốn những con người trong một gia đình đó quây quần bên nhau, ấm cùng và sách sẽ là thứ kết nối mọi người”, Kim Hòa chia sẻ khi được hỏi ý tưởng nào cho dự án phát triển văn hóa đọc người Việt, bắt đầu từ gia đình.

Sách chính là người thầy cung cấp kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau, thỏa mãn nhu cầu học hỏi, hiểu biết, là phương tiện giao tiếp, trao đổi kiến thức, suy nghĩ của mỗi người với tác giả, với bao thế hệ độc giả từ trước đến nay.

Người đọc trưởng thành hơn và hiểu sâu hơn về thế giới rộng lớn xung quanh rất nhiều là nhờ vào những cuốn sách.

Ngoài ra, đối với xã hội phát triển, nội dung sách cũng được cải thiện. Không để người đọc cảm thấy nặng nề, khô khan khi đọc sách, đọc sách hiện nay còn là một hình thức giải trí thông minh và hữu ích.

Cũng vì những lí do đó mà đọc sách hiển nhiên trở thành một nhu cầu cần thiết cho con người và xã hội.

Vốn dĩ có nhiều bổ ích, lí thú như thế nhưng việc đọc sách dần không được nhiều người chú trọng và quan tâm.

“Lan tỏa tình yêu đọc sách, phát triển văn hóa đọc đến với mỗi người, tới từng gia đình là khát vọng của chúng em” chính là mục tiêu dự án Kim Hòa và Bảo Linh thực hiện. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Lan tỏa tình yêu đọc sách, phát triển văn hóa đọc đến với mỗi người, tới từng gia đình là khát vọng của chúng em” chính là mục tiêu dự án Kim Hòa và Bảo Linh thực hiện. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Đọc sách mỗi ngày có vai trò rất quan trọng trong việc định hình tư duy, phát triển trí tuệ, nhân cách mỗi người. Tuy nhiên, thời đại công nghệ hiện nay, thông tin văn hóa nghe nhìn đang dần lướt văn hóa đọc.

Người ta dành thời gian cho việc đọc sách ít đi, thay vào đó là facebook, instagram, youtube… chiếm khá nhiều thời gian trong quỹ thời gian một ngày của mọi người.

Nhiều người băn khoăn, lúng túng không biết lựa chọn đọc gì, xem gì trước lượng sách, báo khổng lồ xuất bản hàng ngày.

Dự án phát triển văn hóa đọc không chỉ tuyên truyền, lan tỏa lợi ích của việc đọc sách mà còn phát triển tư duy chọn sách để đọc. Với thời đại hiện nay, việc chọn sách đọc có tầm quan trọng ngang so với việc đọc sách”, Kim Hòa chia sẻ về dự án thực hiện ước mơ của mình.

Qua khảo sát thực trạng về văn hóa đọc trong gia đình trên diện rộng bằng nhiều hình thức khác nhau nhóm hai em nhận thấy thực trạng văn hóa đọc trong gia đình tồn tại rất nhiều bất cập.

“Phụ huynh mua sách cho con em mình, quan tâm đến sách nhưng ít đọc sách cùng con và khá nhiều gia đình chưa có không gian đọc sách, tủ sách. Học sinh cũng khá nhiều bạn nhận thức được tầm quan trọng của sách nhưng hoạt động đọc còn ít ỏi, không có nhiều hứng thú, đọc vì nhắc nhở, vì để cha mẹ vui lòng là chủ yếu.

Bằng chứng là khi thực hiện khảo sát chúng em nhận được, chỉ có 28,2% phụ huynh trả lời thường xuyên đọc sách cùng con.

Cùng một câu hỏi này ở các đối tượng học sinh thì kết quả là 55% học sinh thường xuyên đọc sách một mình, chỉ có 10,8% đọc sách cùng bố mẹ”, Bảo Linh cho biết.

Theo hai em, nguyên nhân trước hết là vì quỹ thời gian eo hẹp cùng sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí nghe nhìn đã làm thay đổi thói quen đọc sách. Người Việt Nam đọc sách nhanh hơn, sách mỏng hơn và “đọc lướt” hơn.

Hơn nữa, với các thiết bị công nghệ thông minh khiến cho người ta lười đọc sách hơn vì tin tức và các trò giải trí trên không gian mạng quá hấp dẫn.

Khi đọc họ có xu hướng đọc trên mạng internet, điện thoại di động nên việc đọc sách in ngày càng giảm.

Các hình thức đọc truyền thống như đến thư viện hay đọc sách giấy ở mọi không gian bị giảm nhiều.

Để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, Bảo Linh và Kim Hòa cho biết có hai nhóm đối tượng cần quan tâm là cá nhân và gia đình.

Đối với mỗi cá nhân thì phải coi việc đọc sách là tự học, không chỉ vì cả nể, ép buộc mà phải tự nguyện. Cá nhân mỗi người nên lên lịch đọc sách và kiểm soát lịch đọc của bản thân.

Người đọc nên lên lịch và duy trì việc đọc sách hàng ngày để đọc sách trở thành thói quen. Người đọc cần thiết kế không gian và giờ đọc cho riêng mình.

Hãy chọn một không gian yêu thích trong chính ngôi nhà của bạn để đọc sách. Đó có thể là một chiếc ghế lười, một chiếc bàn nhỏ, một chiếc ghế xinh bên cửa sổ… góc đọc yêu thích tạo cảm giác thoải mái cho người đọc khi đến với sách.

Đối với mỗi gia đình, theo nhóm hai bạn trẻ đang phát triển dự án thì có những giải pháp tăng cường việc đọc sách như: mỗi gia đình cần có một phòng đọc, tủ sách riêng và điều quan trọng hơn tất cả là sự đồng hành của cha mẹ đối với con cái.

Cha mẹ là những người đồng hành có ảnh hưởng vô cùng sâu sắc đến con trẻ. Việc những đứa trẻ có thói quen đọc sách hay không một phần do cha mẹ. Bằng nhiều hành động khác nhau nhưng cha mẹ nên có mặt đồng hành cùng con trong quá trình hình thành thói quen đọc sách.

“Lan tỏa tình yêu đọc sách, phát triển văn hóa đọc đến với mỗi người, tới từng gia đình là khát vọng của chúng em”, đó chính là mục tiêu của dự án phát triển văn hóa đọc sách ở người Việt của hai cô trò nhỏ.

Hai cô trò nhỏ Kim Hòa và Bảo Linh vẫn đang và sẽ còn tiếp tục tham gia các hoạt động, cuộc thi tuyên truyền văn hóa đọc như Đại sứ văn hóa đọc, Câu chuyện khuyến đọc bằng tiếng Anh hay nhất, Sách mùa Covid.

Mới đây tháng 11/2020, hai cô trò nhỏ cùng các bạn trong câu lạc bộ đạt giải thi viết về Nói không với rác thải nhựa do Tạp chí Môi trường và Đô thị tổ chức trên phạm vi toàn quốc.

Khi nói về những gì con mình đã và đang làm, chị Trần Thị Thanh Huyền, mẹ của Bảo Linh, cũng là nguồn cảm hứng, người tư vấn cho em thực hiện các dự án văn hóa đọc, giọng nói của chị vững chãi một niềm tin: “Hai đứa trẻ chứng minh cho những người làm mẹ như tôi biết rằng, yêu sách không chỉ là tình yêu của một, hai hay nhóm người, mà có thể có rất rất nhiều người, thậm chí là xã hội vì tình yêu có thể lan tỏa.

Điều đáng tự hào nhất là hai bạn trẻ đang làm những thứ đúng đắn bằng một đam mê, bằng sự yêu thương và là người có ích cho xã hội”.

Không có giấc mơ nào là lớn lao, không có kẻ mộng mơ nào là nhỏ bé, dự án của hai cô trò nhỏ vừa là một dự án khoa học, thực tiễn về việc đọc sách nhưng dường như đó cũng là một sự thức tỉnh trong việc đi tìm nét giá trị đích thực của người Việt qua việc đọc những trang sách hàng ngày.

Khi bên cạnh những thứ màu mè, hào nhoáng, sôi động của thời đại 4.0 thì vẫn còn đó những trang sách bổ ích, trầm tĩnh để biết rằng, cuộc sống đôi khi cần những giây phút lắng lại với những trang sách.

Đó là tình yêu, niềm đam mê với văn hóa đọc không bị hòa tan trong thời đại hòa nhập.

Cao Kim Anh