Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (40) - Bình thản và tiếp tục vui sống

05/11/2018 07:34
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
(GDVN) - Cuộc sống có thể rất khó khăn. Lo lắng, phiền muộn, sợ hãi xuất phát từ cảm giác bị tổn thương và được phóng đại lên do mất niềm tin và hy vọng vào tương lai.

LTS: Tuần này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tiếp tục gửi đến độc giả bài viết thứ 40 - Bình thản và tiếp tục vui sống

Đây là những trải nghiệm, ghi chép lại của chính Giáo sư, từ đó Giáo sư mong muốn được truyền tải đến đông đảo quý độc giả.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.

“Keep Calm and Carry on” (Giữ bình tĩnh và tiếp tục) đã trở thành câu thần chú của hàng triệu người - nhưng chính xác làm thế nào để giữ bình tĩnh vẫn là một câu hỏi khó đối với hầu hết chúng ta.

Bạn bị căng thẳng bởi áp lực tại nơi làm việc, bị choáng ngợp bởi những thử thách của cuộc sống, hoặc hoảng hốt bởi những vấn đề dường như không thể giải quyết được, bạn sẽ tìm thấy cách giải quyết trong cuốn sách có tên như vậy của Mark A.Reinecke.

Ông là Giáo sư, Tiến sĩ, phụ trách Bộ môn Tâm lý học thuộc Khoa Tâm thần và Khoa học Hành vi tại Đại học Northwestern (Hoa Kỳ).

Quyển tiếng Việt có nhan đề “Bình thản và tiếp tục vui sống” được Nhà xuất bản Trẻ phát hành qua bản dịch của Võ Hồng Sa.

Bìa cuốn sách “Bình thản và tiếp tục vui sống” (Ảnh: tác giả cung cấp).
Bìa cuốn sách “Bình thản và tiếp tục vui sống” (Ảnh: tác giả cung cấp).

- Phiền muộn và sợ hãi báo cho chúng ta biết những nguy cơ tiềm ẩn trong môi trường xung quanh và buộc ta phải hành động. Khi đó bạn phải đánh giá sự đe doạ đó lớn đến cỡ nào và tự thấy mình có khả năng kiểm soát ra sao.

- Sự phiền muộn nhắc nhở chúng ta rằng có thể có điều gì đó không ổn, chứ không phải là chắc chắn có điều gì đó không ổn.

- Lo lắng một chút thì tốt, nhưng việc lo lắng liên tục có thể làm suy sụp cả thể chất lẫn tinh thần của con người, có nguy cơ dẫn đến sự do dự, thiếu quyết đoán, trầm cảm và các căn bệnh trầm trọng khác.

- Sau sự kiện 11 tháng 9 đa số người Mỹ tin rằng sẽ có những cuộc tấn công khủng bố tiếp, nhưng chẳng có gì xảy ra. Sự sợ hãi có khuynh hướng bóp méo những đánh giá của ta, ít nhất là trong một thời gian ngắn.

- Khi cảm thấy phiền muộn hoặc lo lắng, quan trọng là bạn phải nhận ra rằng bản thân bạn có thể điều khiển cách mình suy nghĩ và cảm nhận. Bạn chính là tài xế duy nhất có thể điều khiển chuyến xe của cuộc đời mình.

- Hãy duy trì tinh thần lạc quan và cố gắng hết sức để tác động đến mọi chuyện. Việc tiêu tốn quá nhiều năng lượng để nghĩ đến những kết quả tiêu cực chỉ làm hao mòn khả năng kiểm soát và hy vọng của chúng ta mà thôi.

- Những vấn đề mà chúng ta có xu hướng lo lắng nhiều nhất thường rất phức tạp. Chẳng hạn như sức khoẻ, sự an toàn về tài chính, những việc xảy ra tại nơi làm việc…

- Quan điểm của chúng ta về khả năng tác động đến một tình huống sẽ quyết định mức độ phiền muộn của chúng ta. Quan trọng là bạn phải thường xuyên suy nghĩ trong đầu rằng, chúng ta có thể tác động đến kết quả. Khi cho rằng bản thân mình hoàn toàn bất lực thì chúng ta sẽ trở nên lo lắng và buồn phiền hơn.

- Đừng khoa trương, phóng đại hay tồi tệ hoá vấn đề. Hãy nghĩ đến những viễn cảnh có khả năng xảy ra nhất. Nếu một việc khủng khiếp không có khả năng xảy ra thì chúng ta đừng dành thời gian lo lắng về chuyện đó. Nghệ thuật của sự khôn ngoan là phải biết bỏ qua những gì cần bỏ qua.

- Hãy phớt lờ mọi chuyện khi nguy hiểm chắc chắn đã đi qua.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (40) - Bình thản và tiếp tục vui sống ảnh 2Thầy Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn(15): Bạn còn trẻ nên bạn có thể đi lầm đường

- Bởi vì chúng ta không thể đoán trước được tương lai nên điều quan trọng là phải giải quyết vấn đề một cách linh hoạt và biết chấp nhận những kết quả tích cực, chứ không phải chỉ chú tâm đến những kết quả hoàn hảo.

- Nhìn lại, chúng ta sẽ luôn có những quyết định khác đi nếu biết được điều gì đang chờ đón mình ở phía trước. Đó là những điều giá mà, ước gì, lẽ ra nên…Việc áp dụng một chút quan điểm tự chấp nhận và tự tha thứ có thể có ích khi chúng ta đã rút được kinh nghiệm từ những sai lầm trong quá khứ.

- Thông thường những suy nghĩ buồn bã sẽ tập trung xuất hiện trong công việc, xếp loại, thành tích học tập, sức khoẻ và các mối quan hệ. Một số người có thể gạt bỏ những suy nghĩ trên một cách dễ dàng, nhưng một số người khác lại không làm được và khiến họ lo lắng. Hãy để những suy nghĩ đến và đi như những đám mây trôi trên bầu trời, hoặc như một chiếc lá xuôi theo dòng suối mát mẻ vào mùa hè. Đừng giữ chặt lấy, thách thức, chống lại hoặc ráng đẩy chúng đi. Chúng chỉ là những suy nghĩ mà thôi.

- Bạn càng có nhiều suy nghĩ tiêu cực vào một thời điểm thì bạn càng có ít không gian để tập trung tìm ra cách giải quyết. Không có sự lo lắng nào có thể mang lại kết quả tích cực hơn trước một tình huống tồi tệ. Việc nghĩ đi nghĩ lại một chuyện tồi tệ vừa xảy ra hoàn toàn không có lợi. Bạn nên hướng đến những suy nghĩ hoặc hoạt động khác nhằm xoá đi những điều ám ảnh trên và để cho bộ não của bạn được nghỉ ngơi.

Để tiếp thêm năng lượng cho bộ não hãy làm cho bản thân trở nên bận rộn bằng cách thực hiện những công việc tích cực có thể cho thấy ngay kết quả, hoặc dành thời gian cho gia đình, bạn bè.

- Thực tế, lo lắng là một việc rất tốt. Tuy nhiên, sự lo lắng thái quá có thể phá huỷ mọi thứ. Có loại lo lắng có hiệu quả và có loại không hiệu quả. Khi thấy bảng điều khiển trên xe hơi báo hiệu sắp hết xăng thì mối lo lắng xuất hiện. Nhưng nếu bạn nhớ lại trạm xăng gần nhất ở đâu để đưa xe đến đổ đầy bình xăng thì sự lo lắng sẽ biến mất. Lo lắng không hiệu quả thường rơi vào các lĩnh vực công việc, thành tích ở trường, sức khoẻ, các mối quan hệ…

Khi đó lo lắng chỉ làm bạn nghĩ đi nghĩ lại mà không đưa ra được giải pháp nào. Nếu không thể ảnh hưởng hoặc khống chế được kết quả, bạn phải từ bỏ ý định kiểm soát và để cho những suy nghĩ này trôi đi.

- Việc duy nhất chúng ta cần lo sợ là bản thân nỗi sợ. Đừng phóng đại tầm quan trọng của các cảm giác trên cơ thể bạn (tim đập nhanh, đổ mồ hôi, chóng mặt, run rẩy…).

Có hai cách để ngăn chặn chúng: Một là, hãy tạo ra chúng (như quay vòng cho chóng mặt…) làm cho bản thân nhận ra cảm giác khiến bạn sợ hãi chẳng có gì đáng để sợ. Hai là, hãy gọi tên cho những cảm giác lo lắng xuất hiện trên cơ thể bạn. Chẳng hạn như “Hmm, tim của mình lại đập nhanh rồi. Hãy quên nó đi, chẳng có gì phải lo lắng cả”.

- Sự phiền muộn và lo lắng luôn luôn gợi ra sự hiện diện của một mối đe doạ. Việc cứ căng thẳng giống dây đàn như vậy trong một thời gian dài có thể khiến cho thể xác và tâm hồn của bạn rất khó chịu. Đã đến lúc phải thư giãn. Đương nhiên có nhiều cách để thư giãn: thực hiện động tác Yoga, chạy, đi bộ, bơi vài vòng, tắm nước nóng, mát-xa, thở bằng bụng … Bất cứ hoạt động thể chất nào có thể làm giảm sự căng thẳng đều tỏ ra hữu ích.

- Kiểm soát suy nghĩ của chúng ta là cách chủ yếu để khống chế sự lo lắng. Nếu chúng ta thực sự gặp điều gì rắc rối trong cuộc sống thì nguyên nhân thường là do chúng ta tin rằng điều đó có ý nghĩa tiêu cực với bản thân và khiến mọi người nghĩ xấu về chúng ta. Hãy tự hỏi: Điều sợ nhất có khả năng xảy ra là gì? Nó có hậu quả khủng khiếp thế nào? Tại sao nó lại khủng khiếp như vậy? Trả lời các câu hỏi này nhiều khi thấy nỗi lo lắng và sợ hãi là không rõ ràng.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (40) - Bình thản và tiếp tục vui sống ảnh 3Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (14): Hạnh phúc là không chờ đợi

- Việc tập trung suy nghĩ để tìm ra giải pháp có ích hơn là cứ day dứt, nghĩ đi nghĩ lại về chúng. Hãy động não và tìm ra các giải pháp nhằm đảm bảo sự kiện đáng sợ kia không diễn ra hoặc nếu có diễn ra thì hậu quả cũng không đáng kể.

Hãy chuyển từ suy nghĩ sang hành động. Hãy lên kế hoạch. Khi nào bạn muốn bắt đầu? Có trở ngại nào cần giải quyết? Bạn sẽ xử lý chúng như thế nào?

- Nếu bạn nghe tiếng bước chân sau lưng trong đêm tối giữa đường phố vắng tanh thì mức độ lo lắng sẽ gia tăng đột ngột, khiến bạn bước thật nhanh hoặc chạy nhanh sang bên kia đường. Có khi nguyên nhân gây ra phiền muộn là vô hại (như thấy tiếng chuông cửa), nhưng có khi tương đối nghiêm trọng (không chịu đi kiểm tra khối u phát triển bất thường trên cổ).

Mặc dù có thể mang đến cảm giác giải thoát tạm thời nhưng lại làm những vấn đề trong cuộc sống ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Hãy nhớ rằng những gì chúng ta càng sợ thực hiện thì chúng ta càng phải thực hiện. Khi tiếp cận chứ không phải né tránh, bạn có khả năng thay đổi cách nhìn nhận về chúng và cảm thấy tự tin hơn rất nhiều.

- Đối với nhiều người hầu như mọi hình thức giao tiếp xã hội đều nguy hiểm. Họ thấy mình không được đánh giá cao và họ liên tục cảnh giác trước những dấu hiệu không đồng thuận của người khác. Hãy tìm tòi những câu tạm gọi là thần chú để tự động viên mình. Hãy thư giãn và tập trung vào những câu nói tự trấn an mình. Nó sẽ cung cấp cho bạn cơ hội để bác bỏ sự sợ hãi của bản thân.

- Khi có một sự phiền muộn trọng đại trong cuộc sống, bạn hãy cố gắng đặt nó lên hàng đầu và tập trung sự chú ý vào nó, chứ không phải vào những chuyện nhỏ nhặt khiến bạn phải tiêu hao khả năng xoay xở, giải quyết. Cách giải quyết tốt nhất là hãy tự hỏi: Điều gì khiến tôi thực sự lo lắng? Tôi có thể giải quyết bằng cách nào? Đừng né tránh mà hãy giải quyết nó. Hãy kiểm soát điều khiến bạn thực sự sợ hãi.

- Nếu bị rơi ra khỏi bè gỗ, hãy đưa hai tay lên ôm lấy đầu của mình, thả hai chân xuôi theo dòng nước giống như một khúc củi. Cuộc sống cũng giống như vậy. Khi phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng mà bạn không thể kiểm soát được, cách tiếp cận khôn ngoan nhất là hãy thả mình theo dòng chảy. Việc luôn giữ tinh thần lạc quan, cởi mở, chính là chìa khoá để tìm được sự bình an sau cơn bão.

- Hãy sống khôn ngoan, tuy nhiên khôn ngoan là gì và làm thế nào để có thể rèn luyện nó? Theo nghĩa rộng nhất, sự khôn ngoan bao gồm việc sử dụng hiểu biết một cách sáng suốt, khả năng đưa ra quyết định một cách chín chắn và thực tế, lòng trắc ẩn, sự tự khiển trách, cái nhìn sâu sắc, sự cởi mở, vị tha, khoan dung với người khác, duy trì sự cân bằng về cảm xúc và bình tĩnh khi đối mặt với căng thẳng.

- Sự khôn ngoan là một đặc điểm và một đức tính mà tất cả chúng ta đều có thể có được. Đúng hơn là bạn có thể trau dồi và bồi dưỡng nó. Dù là một loại kiến thức hay một cách tư duy, sự khôn ngoan sẽ được hun đúc và hình thành thông qua kinh nghiệm sống.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (11): Thay đổi cuộc sống

- Duy trì trạng thái cân bằng cảm xúc khi đối mặt với nghịch cảnh là trọng tâm của việc phản ứng một cách khôn ngoan. Hãy biến những cảm xúc tiêu cực của bạn thành lời nói và điều chỉnh chúng trước khi thể hiện ra bên ngoài.

- Cuộc sống có thể rất khó khăn. Lo lắng, phiền muộn và sợ hãi xuất phát từ cảm giác bị tổn thương và được phóng đại lên gấp nhiều lần do việc mất niềm tin và hy vọng vào tương lai.

- Hãy hành động cẩn trọng để giải quyết vấn đề, duy trì mối quan hệ gần gũi và hỗ trợ với những người xung quanh, giữ một cuộc sống cân bằng với cảm giác thành công, biết tận hưởng, tin tưởng, sống có mục đích và hiệu quả. Những điều này sẽ cho phép bạn vượt qua những thách thức trong cuộc sống với niềm tin và hy vọng.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng