Giáo sư Nguyễn Lân Dũng bàn về “tư duy thông minh”

16/05/2021 08:35
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu không biết hãy hỏi. Bạn sẽ chỉ là kẻ ngốc trong một khoảnh khắc, nhưng một khi đã biết câu trả lời, bạn sẽ là người thông minh suốt phần đời còn lại.

LTS: Tuần này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tiếp tục gửi đến độc giả bài viết số 138 trong loạt bài Đọc giùm bạn trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Bài viết này, Giáo sư tóm tắt những điều bổ ích trong cuốn sách "Tư duy thông minh, hành động thông minh" của Darren Bridger và David Lewis.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Darren Bridger và David Lewis là những nhà tâm lý học và là những người sáng lập ra The Mind Lab., một tổ chức nghiên cứu và tư vấn.

David Lewis, một nhà tâm lý học thần kinh người Anh gốc Pháp, là người sáng lập và giám đốc tại công ty tư vấn nghiên cứu độc lập Mindlab International có trụ sở tại Trung tâm Đổi mới Sussex ở Brighton.

Darren Bridger hiện đang làm việc với Neurostrata, một công ty tư vấn điều hành thử nghiệm khoa học thần kinh và cung cấp hướng dẫn tối ưu hóa thiết kế lấy cảm hứng từ thần kinh.

Cuốn “Tư duy thông minh, hành động thông minh” của hai ông được Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành với bản dịch của Long Trâu.

Cuốn sách "Tư duy thông minh, hành động thông minh" của Darren Bridger và David Lewis. (Ảnh: Newshop.vn)

Cuốn sách "Tư duy thông minh, hành động thông minh" của Darren Bridger và David Lewis. (Ảnh: Newshop.vn)

- Để đưa ra bất cứ quyết định hay hướng hành động nào, điều cần thiết vẫn là phải chú tâm một cách hiệu quả. Bộ não có bốn cấp bậc của tập trung, giống như hộp số của xe hơi. Để chuyển từ số 2 về số 1 bạn hãy nhắm mắt và thư giãn, có thể nghe một bản nhạc êm ái. Để chuyển từ số 3 lên số 4 bạn cần ngồi thẳng lên và thở nhanh hơn.

- Đừng bao giờ thực hiện cùng một lúc những nhiệm vụ có thể sẽ ảnh hưởng xấu tới nhau.

- Khi chuyển từ một công việc quan trọng này sang một công việc quan trọng khác hãy dành ra chút thời gian nghỉ ngơi để tâm trí được hồi sức.

- Hãy cố gắng dành thời gian cho những điều thật sự quan trọng và có ý nghĩa với bạn.

- Giống như một hạt giống được gieo xuống mảnh đất phì nhiêu, những ý tưởng sáng tạo cũng nở hoa rực rỡ nhất khi được nuôi dưỡng trong môi trường tư duy không giới hạn và ham học hỏi.

- Kỹ thuật động não gồm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu đơn giản chỉ là nghĩ ra được càng nhiều ý tưởng càng tốt, và giai đoạn hai sẽ thực hiện đánh giá.

- Tiềm thức của bạn có thể tiếp nhận và tổng hợp được nhiều thông tin so với ý thức. Vì thế, đối với những lựa chọn mang tính phức tạp trước hết hãy lắng nghe trực giác của mình, còn với những lựa chọn đơn giản thì đầu tiên cần suy luận duy lý.

- Tư duy sáng tạo sẽ bùng nổ khi ta kết nối những yếu tố tưởng chừng như không tương thích. P. L. Baron Spencer đã phát minh ra lò vi sóng khi để ý thấy thanh sôcôla đã bị cháy trong túi ông khi ông làm việc gần hệ thống rađa quân sự đang phát ra các tín hiệu sóng bước ngắn (vi sóng).

- Một số nhà khoa học sáng tạo ra tác phẩm dựa trên nền tảng trí tưởng tượng và mơ mộng. Việc tưởng tượng ra cảnh di chuyển với tốc độ ánh sáng đã dẫn Albert Einstein đến với những cơ sở lập luận cho thuyết tương đối sau này.

- Một trong những điểm mấu chốt để thành công trong việc đưa ra những quyết định đúng đắn là xác định được dạng của vấn đề hay thử thách mà bạn đang phải đối mặt.

- Nếu đáp án chỉ có thể là đúng hoặc sai (ví dụ 2+2=?) thì vấn đề đó là thuộc loại quy nạp. Nếu đáp án có nhiều lời giải (ví dụ làm món gì cho tiệc tối nay?) thì chúng là vấn đề diễn giải.

- Nếu vấn đề có nhiều giải pháp đưa được đến đích (loại diễn giải) thì cần đề ra nhiều giải pháp và dò đường tới mục tiêu, một số cánh cửa sẽ đóng lại và một số khác sẽ mở ra.

- Biểu đồ Venn là cách chọn tối ưu cho vài tiêu chí. Mỗi tiêu chí vẽ một vòng tròn rồi xem chỗ nào là chỗ giao nhau của cả ba vòng tròn chẳng hạn. Ví dụ chọn nơi nghỉ hè, vòng 1 là những nơi có chỗ vui thú cho trẻ, vòng 2 thích hợp khám phá văn hóa, vòng 3 thích hợp thư giãn.

- Hãy liệt kê những yếu tố bạn có thể kiểm soát và những yếu tố không thể kiểm soát, sau đó chỉ tập trung vào các yếu tố bạn có thể kiểm soát.

- Nếu không biết hãy hỏi. Bạn sẽ chỉ là kẻ ngốc trong một khoảnh khắc, nhưng một khi đã biết câu trả lời, bạn sẽ là người thông minh suốt phần đời còn lại.

- Một chú voi con thường bị xích chân vào cột khi không phải biểu diễn. Khi lớn lên nó có thể quật đổ cây cột nó được xích, nhưng nó vẫn chịu xích chân như thế. Chúng ta vẫn hay bị giam cầm trong chính suy nghĩ của mình bởi tự giả định sự tồn tại của những thanh chắn không hề có thật. Có thể ta đã từng gặp các rào cản trong quá khứ và cứ cho rằng chúng vẫn luôn ở đó.

- Khả năng nhận biết các hố tư duy thường gặp và biết cách tránh hay thoát ra khỏi là những kỹ năng tuyệt vời:

* Hố tư duy 1: Gặp khó khăn (như nợ nần) nhưng lại lảng tránh cải thiện - Cần nhìn thẳng vào thực tế để những việc cần làm trở nên thân thiện hơn.

* Hố tư duy 2: Đúng vậy, nhưng… Ví dụ bạn bè mời đi trượt tuyết (bạn vốn thích) nhưng lại biện nhiều lý do khó khăn. Hãy liệt kê các yếu tố tích cực, những điểm thú vị rồi xét đến những mặt tiêu cực. Chú trọng vào các mặt tích cực để xóa đi các mặt tiêu cực.

* Hố tư duy 3: Tự động chấp nhận ý kiến người khác mà không cần kiểm chứng. Hãy đặt câu hỏi Sao biết chắc điều đó? Xem xét các bằng chứng trước khi tin vào lập luận của người khác.

* Hố tư duy 4: Có cái nhìn mù quáng do cảm tính. Hãy chủ động tìm ra các khía cạnh đối lập với cách nhìn của bạn.

* Hố tư duy 5: Cảm thấy khó khăn khi cần đảo ngược một quyết định mình từng đưa ra. Hãy sẵn sàng xem xét việc đảo ngược quyết định nếu thấy cần thiết, không phải là yếu đuối mà là thích nghi.

* Hố tư duy 6: Lờ đi những giải thích đơn giản. Ví dụ không thấy một vật gì đó vội nghĩ ngay là mất cắp hay bỏ quên đâu đó. Hãy nêu các điều kiện tương đương nhau và giải pháp đơn giản nhất là cái tốt nhất.

* Hố tư duy 7: Bác bỏ một ý tưởng vì không phải ý của mình. Hãy vận dụng sáng kiến đó cộng thêm ý tưởng của mình.

- Một khi bạn đã nghĩ ra thật nhiều lựa chọn, cân nhắc chúng và kiểm tra những khía cạnh khác nhau, thì bạn đã có đầy đủ thông tin cần thiết để làm cơ sở cho quyết định của mình.

- Đừng trở thành Con bạc (thích thú với những món hời lớn và sẵn sàng mạo hiểm). Đừng tự tin thái quá, cần có khoản bảo hiểm để đề phòng thua lỗ, và chắc chắn không trở thành nạn nhân của những ngộ nhận.

- Óc phán đoán đến từ kinh nghiệm, mà kinh nghiệm thì đến từ những lần phán đoán sai lầm.

- Với bất cứ trường hợp nào mà rủi ro thật sự là ngẫu nhiên thì bạn cần cẩn thận để không bị rơi vào Ảo tưởng của con bạc.

- Các hoạt động sáng tạo thường được thực hiện theo nhóm rất hiệu quả nhưng lại có nguy cơ dẫn đến một mớ lộn xộn các thỏa hiệp ngốc nghếch.

Nếu cần thiết kế lại nội thất văn phòng bạn có thể để nhân viên lên bản dự thảo tóm tắt rồi chọn ra người có thiết kế tốt nhất, sau đó giao cho người đó phụ trách các quyết định sáng tạo.

- Trong trường hợp không có một chiến thuật ưu thế rõ ràng, hãy tìm ra và loại dần những chiến thuật yếu để có thể chọn được chiến thuật ít yếu nhất.

- Hoa Tulip được đưa vào châu Âu vào giữa thế kỷ 16 và nhanh chóng được ưa chuộng, rồi được đẩy lên quá mức đến đầu thế kỷ 17 với giá rất cao. Đến năm 1637 bong bóng vỡ làm cho vô số người đã mất hết tất cả vào những lần đầu tư đầy thèm khát. Bài học rút ra là: Số đông vẫn hoàn toàn có thể sai.

- Có 4 loại tính khí, mỗi loại đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng:

* Linh hoạt: Hãy tận dụng năng lượng bằng cách lên kế hoạch cẩn thận và tập trung chú ý.

* Trầm tĩnh: Bền bỉ nhưng gặp khó khăn trong việc khẳng định bản thân.

* U sầu: Nên kiểm soát xu hướng dễ lo lắng, hoang mang.

* Nóng nảy: Hãy chú ý đến chuyện khi nào không nên quyết định.

- Hãy trân trọng những gì mình có và nhớ rằng còn rất nhiều người kém may mắn hơn ta. Đừng để một trải nghiệm tồi tệ ngăn bạn không dám thử lại lần nữa. Những giá trị vật chất ít khi có thể khiến bạn hạnh phúc như bạn nghĩ.

- Lòng tự trọng có thể cho bạn sự tự tin cần thiết để đương đầu với thử thách và hướng tới mục tiêu, Nỗi lo hoàn toàn có thể được kiểm soát để giải phóng tâm trí bạn nhằm hoạt động được hiệu quả. Cố gắng trả lời câu Sao tôi lại lo lắng nhỉ? Đừng để sự lo lắng ăn sâu vào tâm trí bạn.

- Hãy lựa chọn một phương án hành động, bạn sẽ thấy mọi thứ dễ dàng hơn một khi đã bắt đầu. Nếu thấy có dấu hiệu lo lắng hãy đánh lạc hướng suy nghĩ bằng một công việc hay một nhiệm vụ khác. Hãy chống lại tâm trạng sầu não bằng cách ngẩng đầu và đẩy hai vai về phía sau. Tư thế trông càng tự tin bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn.

- Hãy tránh không ra quyết định khi cảm thấy mệt mỏi, khi cảm thấy quá lo lắng, khi tức giận hay bực mình, khi không tỉnh táo hay khi xuống tinh thần.

- Cần giảm stress ở nơi làm việc bằng cách cung cấp đủ nước cho cơ thể, tạo bầu không khí ion âm (đặt máy ion hóa trên bàn) để khử tĩnh điện.

- Để giúp sảng khoái và thêm tràn đầy năng lượng nên ngồi thật thoải mái (lưng thẳng, tay để trên đùi). Hít sâu bằng mũi và đếm đến 8. Nín thở đến khi đếm đến 12. Thở ra bằng mũi trong khi nhẩm đếm đến 10. Lặp lại 5 lần như vậy.

- Phương pháp lập trình ngôn ngữ tư duy được Richard Bandler và John Grinder phát minh vào những năm 70 của thế kỷ trước:

* Sức mạnh của sự liên tưởng có thể kích hoạt một cảm xúc cụ thể. Hãy nghĩ về một tình huống bạn thấy tự tin, hạnh phúc và quyết đoán nhất, làm cho cảm xúc đó mãnh liệt gấp đôi, rồi gấp đôi lần nữa. Đồng thời, chập đầu ngón tay cái và ngón trỏ lại. Tập luyện nhiều lần sau đó chỉ cần chập hai ngón lại đã có thể kích hoạt cảm xúc đó.

* Hãy gợi nhớ lại những kỷ niệm đẹp và sáng tạo ra niềm tin mới từ những yếu tố đó. Hãy nghĩ mình là người mà bạn muốn noi theo, thấy họ đang đứng trước mặt và muốn nhập vào cơ thể họ.

- Hai trong các tài nguyên quý báu nhất mà ta sở hữu là thời gian và năng lượng. Hãy sử dụng những tài sản giá trị đó sao cho thật hiệu quả.

- Cần xác định được những mục tiêu rõ ràng để giúp cải thiện đáng kể hiệu suất bằng cách:

* Điều hướng sự chú ý và hành động của bạn

* Củng cố tính kiên trì và bền bỉ

* Tạo động lực để tìm kiếm những giải pháp hiệu quả cho các vấn đề của mình.

- Công thức chuẩn cho mục tiêu cần đạt được các tiêu chí SMART là: Specific - Cụ thể; Measurable - Có thể đo lường được; Achievable - Khả thi; Rewarding - Xứng đáng; và Timed - Có thời hạn.

- Viết mục tiêu của bạn ra, dán vào nơi ngày nào cũng nhìn thấy. Có cái nhìn thực tế ban đầu, kiểm chứng mục tiêu trong điều kiện thực tế (ví dụ định sơn lại nhà thì mua sơn và quét thử luôn, muốn trở thành kiến trúc sư thì tập sự ở một văn phòng thiết kế kiến trúc…).

- Tạo kế hoạch hành động: Xác định mục tiêu cuối cùng. Đây là nhiệm vụ chỉ có một hoặc một số ít phương án khả thi, hay là nhiệm vụ có nhiều phương án khả thi? Vẽ cây giải pháp để xây dựng nên các bước đi đến mục tiêu. Đặt ra thời hạn phải hoàn thành. Vẽ dòng thời gian để vạch ra một lịch trình rõ ràng. Giới thiệu vai trò và nhiệm vụ của người cùng tham gia nếu có. Chuẩn bị cho bước đầu tiên bắt đầu hành động.

- Tăng cường tạo động lực cho bản thân, giúp bạn đi đúng quỹ đạo cho đến lúc cán đích.

- Thôi thúc hành động bằng cách: Công khai các kế hoạch để khó rút lui hay bỏ cuộc. Chia nhỏ dự án thành những bước nhỏ. Bắt đầu công việc mà không nghĩ sẽ hoàn thành thế nào. Nhớ lại một công việc buồn tẻ đã từng hoàn thành…

- Không rời mắt khỏi phần thưởng. Viết ra danh sách các tác vụ, cả những điều đã hoàn thành. Luôn nhắc với đồng đội những viễn cảnh tốt đẹp sẽ đạt được. Phần thưởng có thể là tiền hoặc cảm giác thỏa mãn khi làm tốt một việc gì đó.

- Mỗi người chỉ có 168 giờ mỗi tuần, quản lý thời gian là chìa khóa để hoàn thành mọi việc.

Để ủy thác cho người khác làm bớt một phần nhiệm vụ sẽ giúp sử dụng thời gian hợp lý hơn, nhưng cần có kế hoạch, có thời gian chỉ dẫn.

Hãy nhìn nhận thời hạn hoàn thành như điểm kết thúc mà ta hướng tới và chia nhỏ công việc thành từng phần và phấn đấu giữ kịp tiến bộ.

- Tránh đưa ra những yêu cầu không thích đáng, dùng đồng hồ bấm giờ để theo dõi thời gian không thực sự làm việc trong ngày.

- Xây dựng Dòng thời gian để thấy thứ tự và thời gian của các nhiệm vụ cần làm. Nếu tác vụ con nào cần áp dụng quá trình tư duy sáng tạo bạn cần lên lịch sớm để có đủ thời gian và tạo không gian cho các ý tưởng xác định. Với những tác vụ con cần người khác giúp đỡ bạn cần tính toán đủ thời gian. Không để có lúc dồn quá nhiều việc, có lúc không có việc gì cả.

- Mười bí quyết đánh bại sự trì hoãn:

* Từ bỏ sự hoàn hảo: Hãy giả như không có ý định hoàn thành công việc một cách hoàn hảo ngay từ đầu, bạn sẽ dần tiến bộ hơn về sau

* Bạn dễ bắt tay vào làm các công việc chỉ kéo dài 10 phút, khi bắt đầu rồi sẽ có xu hướng làm việc lâu hơn thế.

* Tắt TV và mạng Internet cho đến khi bạn đã hoàn thành nhiệm vụ.

* Liên tục nhắc nhở bằng cách đặt đồng hồ hẹn giờ

* Hãy bắt đầu bằng các công việc thú vị nhất, điều đó sẽ dẫn bạn vào guồng.

* Theo dõi và phát hiện ra thời điểm bạn bắt đầu muốn trì hoãn một nhiệm vụ gì. Kháng cự lại sự trì hoãn cũng có thể phát triển thành thói quen.

* Cố gắng tạo thói quen bắt tay vào một dự án sớm nhất có thể thay vì quá muộn.

* Chấp nhận rằng sai sót là tất yếu. Những sai lầm có thể dạy cho bạn những bài học quý giá.

* Hãy đánh giá lại xem bạn có thực sự cần hay muốn làm việc này không?

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng