Cơn bão đi qua, tình người ở lại

06/11/2020 11:12
Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bão có thể tiếp bão, thiên tai có thể nối tiếp thiên tai, nhưng tình người Việt trên toàn dải đất chữ S vẫn luôn nồng đượm, mộc mạc và yêu thương bình dị như thế.

Lũ tiếp lũ, bão tiếp bão, người dân khúc ruột miền Trung đang ngày đêm gánh những hậu quả nặng nề mà thiên nhiên mang đến. Chưa kịp phục hồi sau cơn bão trước, những đợt bão lớn nhỏ tiếp theo lại cuốn đi tất cả.

Thế nhưng trong tang thương, mất mát, chưa bao giờ con người ta thấy tình người ấm áp đến thế.

Từ miền Bắc xa xôi tới nơi địa đầu của Tổ quốc, những chiếc bánh chưng đã được gửi đến tay bà con miền Trung mặn mòi mà yêu thương ngấm trong từng hạt gạo.

Những chiếc bánh được gói với những chiếc lá rửa thật sạch, hút chân không cẩn thận để bảo quản đường xa.

Tình người thấm đượm thêm phần khi không phải cá nhân mà nguyên một nhóm hội, nguyên một làng đến gói bánh. Họ biết những chiếc bánh này rồi sẽ giúp một ai đó qua cơn đói khi chịu nhiều khó khăn trong sóng lũ.

Những thùng mỳ tôm được cứu trợ bằng những đoàn xe dài nối tiếp nối từ hai miền đổ về miền Trung ruột thịt. Những chai dầu gió bé xíu chống cảm, chống lạnh mà làm ấm nồng trái tim bà con vùng lũ.

Hình ảnh những chiếc xe băng nước đến đến những xóm làng bị mắc kẹt, cô lập. Người dân có thể ngấm chìm nước lũ mấy ngày nhưng chỉ cần tia hi vọng của đoàn cứu trợ mà tiếp thêm sức mạnh.

Em bé đếm từng đồng tiết kiệm theo ngày, chỉ dành tất cả cho mẹ là người quan trọng nhất cuộc đời mình. Thế nhưng không ngần ngại quyên góp tất cả những gì mình đang có.

Cụ bà tặng hết số tiền dưỡng già của mình, tất cả cho đồng bào miền Trung yêu thương chìm trong lũ lớn.

Hình ảnh những chiếc xe băng nước cứu trợ đồng bào trong nước lũ. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế.

Hình ảnh những chiếc xe băng nước cứu trợ đồng bào trong nước lũ. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế.

Không phân biệt người già, trẻ nhỏ, vùng, miền nào, chỉ cần là người Việt Nam, thì bất kỳ nơi đâu, vẫn chia sẻ những đắng cay ngọt bùi, cùng đau một nỗi đau dân tộc.

Trong tất thảy những gì đổ nát, ướt nhẹp và ngày đến trường chưa biết đến bao giờ vì bão lớn, bão nhỏ vây quanh đã lóe lên những tia lạc quan, yêu đời của “thầy giáo làng” qua bức tâm thư cảm động.

Nó không phải là một bức thư gửi một học sinh, gửi một ngôi trường trong tâm bão mà gửi đến toàn miền Trung để xoa dịu những gì mất mát, đau thương mà dải đất dài đang gánh chịu.

Nén nỗi đau tột cùng nghe tin đứa con trai của mình anh dũng hi sinh trong vụ sạt lở khi đi cứu nhân dân, những người bố, người mẹ quả cảm đối mặt với lý do cao cả “Tổ quốc gọi con tôi lên đường”. Tổ quốc ghi công, nhân dân cảm tạ, biết ơn các anh và gia đình.

Những đứa trẻ còn chưa biết rằng bố không còn trên đời, đứa lớn chỉ cho đứa bé nơi bố nằm ngủ ở đó. Hình ảnh thương tâm đến vậy nhưng rồi sau này lớn lên, các anh sẽ là niềm tự hào lớn lao cho chính những đứa trẻ hôm nay. Đó là niềm tự hào của cả một dân tộc nén đau thương, hi sinh vì Tổ quốc.

Người vợ trẻ, chỉ mới đón nhận hạnh phúc làm vợ, còn chưa được một lần làm mẹ với người chồng mới cưới của mình.

Anh bận xa nhà vì những công việc thường ngày ở quân khu, cũng chẳng nghĩ được rằng, nhiệm vụ lần này khó khăn đối với anh, cũng là khó khăn hơn rất nhiều đối với chị. Đến bao giờ những nỗi đau mất mát này mới nguôi ngoai.

Một cô ca sĩ nhỏ bé cùng chung tay góp sức bằng lời kêu gọi của mình, sì sụp bát mỳ là bữa ăn ngon nhất trong những ngày lênh đênh biển nước cùng đồng bào.

Với chồng cô, cô là người “bướng bỉnh” vì cứ thế tùy ý đi vào miền nguy hiểm, nhưng đối với những gia đình mất người, mất nhà, mất của, thì cô là “bà tiên” giữa đời thực.

Học sinh trường Tiểu học Trần Quang Khải, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh quyên góp tiền hỗ trợ người dân. (Ảnh: Báo Pháp luật Hồ Chí Minh).

Học sinh trường Tiểu học Trần Quang Khải, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh quyên góp tiền hỗ trợ người dân. (Ảnh: Báo Pháp luật Hồ Chí Minh).

Số tiền từ thiện đang được trao tận tay những người thực sự cần giúp đỡ, có những gia đình được hỗ trợ 200 triệu đồng trả ngân hàng vì tất cả đều bị lũ cuốn trôi. Hai trăm triệu đối với những người giàu có thể là rất nhỏ, nhưng đối với một gia đình của nả trôi theo dòng nước lũ, thì đó là cả một gia tài mà không biết làm đến bao giờ mới trả được khi cơn lũ đi qua.

Câu nói “Chúng ta sống rồi bà ơi” của ông cụ là hình ảnh của toàn thể nhân dân mất của cải, gia tài khi nhận được tiền hỗ trợ từ các đoàn thiện nguyện. Người dân miền Trung biết ơn và quý giá tình cảm của nhân dân cả nước. Cao cả hơn “một miếng khi đói bằng một gói khi no” là chữ tình được gói gọn trong đó.

Trong sự lạnh lẽo của thiên nhiên giận dữ là những giọt nước mắt nóng hổi rơi xuống bởi một phóng viên hiện trường khi anh chứng kiến thi thể của đứa trẻ 2 tuổi. Trong sự xót thương ám ảnh đấy là đồng điệu thấu tận tâm can sự đau đớn, mất mát của đồng bào, khi cháy chung dòng máu người Việt Nam.

Mất mát, thương đau trải dài cả miền quê trắng lũ. Bên cạnh những hình ảnh, con số thống kê số người thiệt mạng, mất tích, số thiệt hại về của cải tăng lên theo giờ, theo phút đốt cháy tâm can của người Việt thì đâu đó, bắt gặp không ít những hình ảnh ấm áp, yêu thương, vượt lên nỗi đau để chiến thắng thiên tai, bão lũ.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Cảnh Chân (Thanh Chương, Nghệ An) gói bánh chưng gửi đến đồng bào miền Trung (Ảnh: Báo Pháp luật Hồ Chí Minh).

Học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Cảnh Chân (Thanh Chương, Nghệ An) gói bánh chưng gửi đến đồng bào miền Trung (Ảnh: Báo Pháp luật Hồ Chí Minh).

Từ lãnh đạo, nhà trường, giáo viên, tất cả đều bắt tay khôi phục hậu quả sau lũ. Ai cũng như nhau, không nề hà công việc, không phân biệt cấp trên cấp dưới, đều ngâm mình trong nước lũ để dọn dẹp các trường học khi cơn lũ đi qua.

Đồ dùng có thể hỏng, mái nhà có thể bay tốc vì gió bão, nhưng điều duy nhất tất cả mọi người đều mong muốn là quay lại trường học có đầy đủ sĩ số. Thiệt hại về của cải chúng ta cùng chung tay khắc phục, chỉ cầu mong rằng không một ai vắng bóng khi con trường đến lớp trở lại như cũ.

Những giọt nước mắt của con trẻ ngồi bên đống sách ướt nhẹp vì ngâm lâu ngày trong nước lũ được thay thế bằng những bộ sách gói gọn lại gửi từ những bạn học sinh cùng tuổi, từ những giáo viên già về hưu hay từ một ngôi trường naò đó tận vùng cao của Tổ quốc.

Của một đồng, công một nén, nhưng tất cả đều vì “yêu Tổ quốc, yêu đồng bào” mà trong 5 điều Bác Hồ dạy mà các em vẫn đang được học tập hàng ngày.

Trong văn bản 583/BC-CP ngày 2/11/2020 của Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình phòng, chống thiên tai, bão lũ ở các tỉnh miền Trung gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, Chính phủ xác định 6 nhiệm vụ cấp bách trước mắt và 7 nhiệm vụ căn bản, lâu dài cần tập trung triển khai trong thời gian tới.

Điều này cho thấy rằng, từ những cá nhân người Việt bé nhỏ đến cấp nhà nước luôn hướng về khắc phục nỗi đau, thiệt hại miền Trung.

Cơn bão đi qua và tình người chưa bao giờ ấm áp như thế. Bão có thể tiếp bão, thiên tai có thể nối tiếp thiên tai, nhưng tình người Việt trên toàn dải đất chữ S vẫn luôn nồng đượm, mộc mạc và yêu thương bình dị như thế.

Kim Anh