“A lô! Lèn Hà” – Khúc tráng ca bất tử

04/07/2018 06:43
Bài, ảnh: Thủy Phan
(GDVN) - “A lô! Lèn Hà” được thực hiện nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ Trạm cơ vụ A69 đã ngã xuống để bảo vệ mạch máu thông tin liên lạc thông suốt.

Tối 2/7, chương trình nghệ thuật đặc biệt “A lô, Lèn Hà” đã diễn ra tại di tích lịch sử Quốc gia Lèn Hà, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình.

Đây là chương trình do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình tổ chức nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ Trạm cơ vụ A69, Đại đội 9, Trung đoàn 134, Binh chủng Thông tin liên lạc đã ngã xuống vào thời điểm tháng 7/1972.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “A lô, Lèn Hà” được thực hiện vào tối 2/7 tại di tích lịch sử Quốc gia Lèn Hà, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “A lô, Lèn Hà” được thực hiện vào tối 2/7 tại di tích lịch sử Quốc gia Lèn Hà, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình.

Họ đã hiến dâng tuổi thanh xuân để bảo vệ mạch máu thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với sự tham gia của hơn 200 diễn viên chuyên nghiệp đến từ các nhà hát lớn trên toàn quốc, chương trình đã tái hiện lại khung cảnh làm việc và sinh hoạt của các chiến sỹ thông tin Trạm A69, khiến hàng ngàn người xem vô cùng xúc động.

Các chị em cùng làm việc, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi.
Các chị em cùng làm việc, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi.

Đây cũng là lần đầu tiên ở một chương trình, trong ekip dàn dựng có chuyên gia về quả nổ điện ảnh và khói lửa chiến tranh để tạo hiệu ứng bom đạn.

Chương trình nghệ thuật “A lô! Lèn Hà” xây dựng câu chuyện với bối cảnh ba mảng chính. Đó là mảng bối cảnh khu vực Lèn Hà, nhân dân và hậu phương miền Bắc.

Tái hiện khung cảnh làm việc của các chiến sĩ tại hang Lèn Hà.
Tái hiện khung cảnh làm việc của các chiến sĩ tại hang Lèn Hà.

Tại khu vực Lèn Hà là câu chuyện của các chiến sĩ Trạm cơ vụ A69, sống, công tác, thương yêu, hy sinh anh dũng.

Mảng bối cảnh nhân dân là cảnh sống, số phận người dân trong chiến tranh, tình yêu thương đùm bọc của người dân địa phương đối với bộ đội thực sự như cá với nước, nghĩa tình, xúc động.

Mảng bối cảnh hậu phương là đại diện chung cho các chiến sĩ quê miền Bắc, với cây đa, giếng nước, sân đình… nói về tình làng nghĩa xóm, lòng cha mẹ hướng về con cái ở chiến trường và các chiến sĩ ở chiến trường hướng về quê nhà.

Những người dân địa phương gắn bó với bộ đội như cá với nước.
Những người dân địa phương gắn bó với bộ đội như cá với nước.

Bên cạnh đó, còn có sự xuất hiện của đàn cò trắng, như là hiện thân của tinh thần những chiến sĩ xa quê và linh hồn các chiến sĩ hy sinh được trở về đất mẹ.

Đàn cò trắng là hiện thân của linh hồn các chiến sĩ được trở về đất mẹ.
Đàn cò trắng là hiện thân của linh hồn các chiến sĩ được trở về đất mẹ.

Trạm cơ vụ A69 đóng tại hang Lèn Hà nằm trong khu rừng già của huyện Tuyên Hóa. Đây là trạm thông tin quan trọng có nhiệm vụ đảm bảo thông tin từ Hà Nội đến đường 9 - Nam Lào, thường xuyên là trọng điểm bị địch tập trung đánh phá ác liệt.

Mỗi khi “Alo, đây là A69” được cất lên có nghĩa là thông tin giữa hậu phương và tiền tuyến vẫn được thông suốt.

“Không có thông tin thì không có chỉ huy. Không có Trạm A69 thì không có chỉ huy vào chiến trường”.

Đến với trạm đầu tuyến lửa A69, mỗi chiến sĩ đều “coi dây như ruột, coi cột như xương, coi thông tin là mạch máu” kiên trì bám trụ đảm bảo thông tin được xuyên suốt.

13h ngày 2/7/1972, máy bay Mỹ ập đến ném bom khu vực hang Lèn Hà. Chỉ trong vòng 5 phút, trạm máy trên hang đá bị hư hỏng nặng nề. 1.500m đường dây bị đứt và 13 chiến sĩ (10 nữ 3 nam) hy sinh.

Sau trận bom, 13 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.
Sau trận bom, 13 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.

Gạt nước mắt, nén đau thương, những người còn lại quyết tâm khôi phục liên lạc. Chỉ trong một giờ đồng hồ, thông tin được thông suốt trở lại...

46 năm trôi qua, những chiến công, thành tích và sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69 mãi mãi in sâu trong trái tim mỗi người dân Việt Nam.

Bài, ảnh: Thủy Phan