Vẫn còn nhiều băn khoăn việc Thành phố Hà Nội thu hút người tài

15/03/2022 07:05
Ngọc Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, thời gian tới Hà Nội cần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, trọng dụng người tài một cách nhất quán, dân chủ.

Từ ngày 4/3, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội bắt đầu lấy ý kiến về Dự thảo chính sách thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc; người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực y tế nếu có nguyện vọng về công tác tại Thủ đô sẽ được hỗ trợ một lần bằng 80 lần mức lương cơ sở tại thời điểm được tuyển dụng (lương cơ sở hiện nay gần 1,5 triệu đồng).

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về Dự thảo trên, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, Thành phố Hà Nội cần làm rõ như thế nào là người tài? Chiêu mộ nhân tài là một chính sách quan trọng nhưng quan trọng hơn đó là phải có cơ chế sử dụng và phát huy người tài đúng mức. Và về lâu dài, Hà Nội cũng nên có chính sách tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài từ chính việc đầu tư vào hệ thống giáo dục của Thủ đô.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam. (Ảnh: Thùy Linh)

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam. (Ảnh: Thùy Linh)

"Từ xưa đến nay, Hà Nội luôn là nơi hội tụ nhân tài bốn phương và nguồn lực quý báu này đã giúp Thủ đô không ngừng phát triển về mọi mặt. Bước vào thời kỳ mới với nhiều thay đổi và thách thức, Thành phố cũng nên có những chính sách phù hợp hơn trong việc trọng dụng người tài tránh tình trạng "chảy máu" nhân tài", Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho biết thêm.

Theo Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, không chỉ Hà Nội mà rất nhiều địa phương đang rốt ráo thu hút người tài về làm việc. Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình cũng trình Dự thảo nghị quyết thu hút, khuyến khích giáo viên công tác tại trường trung học phổ thông chuyên với nội dung hỗ trợ 1 tỷ đồng cho giáo sư, phó giáo sư và 300 triệu đồng cho tiến sĩ cam kết công tác trong 10 năm tại địa phương này.

Từ câu chuyện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tại Hà Nội và một số tỉnh cho thấy việc phát huy và trọng dụng người tài ở nước ta ngày càng trở nên cấp bách. Tuy nhiên, thực tế hiện nay câu chuyện sử dụng người tài còn nhiều vấn đề cần phải bàn từ cơ chế đến chính sách đãi ngộ, từ khâu phát hiện đến đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn và sử dụng nhân tài.

"Chúng ta cũng nên có một định nghĩa cụ thể về nhân tài, ở từng cấp độ, vị trí để trân trọng và bồi dưỡng họ. Phải thay đổi quan niệm sinh viên thủ khoa là người tài. Đó chỉ nên là một trong số những tiêu chí đề ra khi tuyển dụng các ứng viên vào làm việc.

Tôi thấy hàng năm Hà Nội tổ chức lễ vinh danh và khen thưởng thủ khoa tốt nghiệp các trường đại học là hết sức hình thức, không cần thiết. Nhiều thủ khoa học giỏi nhưng kỹ năng, kinh nghiệm làm việc còn thiếu sót nên phải theo dõi, trải qua thử thách trong quá trình công tác, đến khi đạt kết quả thì mới có thể đánh giá đó có phải là nhân tài hay không", Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nói.

Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, quá trình tuyển dụng nhân sự, thu hút người có tài tại các cơ quan hiện nay cần được thực hiện công khai, minh bạch để tránh tình trạng lợi dụng chính sách, "cài cắm" con ông cháu cha vào các vị trí làm việc. Bên cạnh đó, phải tạo được cơ chế đột phá trong môi trường làm việc để người tài phát huy sở trường, năng lực.

"Tôi cho rằng người trọng dụng nhân tài cũng phải là người thực đức, thực tài. Còn người kém cỏi, không có tâm có tầm được đưa lên làm quản lý thì liệu người tài có tâm phục khẩu phục để cống hiến hay không? Hay chính môi trường đó lại làm thui chột nhân tài”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm đặt băn khoăn.

Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, thời gian tới Thành phố Hà Nội cần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, trọng dụng người tài một cách nhất quán, dân chủ.

"Môi trường dân chủ là môi trường người tài được trọng dụng, tạo động lực cho họ tích cực học tập, rèn luyện và cống hiến. Môi trường thiếu dân chủ sẽ là mảnh đất cho chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm sinh sôi nảy nở với những hành vi kèn cựa, nịnh nọt, tham ô, tham nhũng...", Tiến sĩ Nguyễn Tùng lâm bày tỏ quan điểm.

Cũng trao đổi về dự thảo này, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) nhận định, Thành phố Hà Nội và nhiều địa phương kêu gọi thủ khoa, thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư về làm việc và hỗ trợ tiền, cấp nhà, cấp xe... tất cả mới chỉ dừng lại ở phương diện vật chất.

Theo ông Lê Như Tiến, để thu hút và giữ chân nhân tài thì phải tạo được môi trường làm việc năng động, bình đẳng, chuyên nghiệp để họ sẵn sàng cống hiến, phát huy năng lực, khả năng sáng tạo.

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII). (Ảnh: N.Q)

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII). (Ảnh: N.Q)

"Đã có nhiều trường hợp người tài về công tác tại những địa phương có chế độ đãi ngộ thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Nhưng họ lại quyết định cống hiến ở đó lâu dài vì cảm thấy được trân trọng, có cơ hội thể hiện tài năng. Không những vậy, các sản phẩm nghiên cứu, dự án, đề xuất của họ được địa phương tham khảo, áp dụng ngay vào thực tế để xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội”, ông Lê Như Tiến nói.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, song hành với việc xây dựng Dự thảo, Thành phố Hà Nội nên lắng nghe tâm tư, tham vấn ý kiến của người tài để có chế độ đãi ngộ cũng như các chính sách hỗ trợ tốt hơn nhằm thu hút và giữ chân họ.

“Về sử dụng, bố trí người tài, các nhà quản lý cần phải phân biệt, tách bạch rõ hai vấn đề đó là trọng dụng người tài để góp phần xây dựng, phát triển địa phương, đất nước hay tuyển người tài vào làm vật trang trí cho cơ quan mình.

Theo tôi, sử dụng nhân tài cũng mang yếu tố cạnh tranh, nếu chậm chân sẽ mất cơ hội. Nếu dùng người không đúng sẽ gây lãng phí nguồn lực, thậm chí ảnh hưởng đến tương lai, sự nghiệp của chính họ”, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Theo góp ý của các chuyên gia cho thấy, để triển khai hiệu quả chính sách thu hút người tài thì Hà Nội cần đồng bộ, thống nhất nhiều chính sách đi kèm.

Ngọc Ánh