Tuyển dụng GV có trình độ dưới chuẩn Luật Giáo dục 2019, vậy xếp lương ra sao?

22/12/2022 06:43
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Người có trình độ dưới chuẩn khi trúng tuyển sẽ trở thành viên chức nhưng khó được bổ nhiệm, xếp lương theo chùm Thông tư 01-04/2021 của Bộ Giáo dục.

Thực trạng thiếu hàng trăm ngàn giáo viên, nhiều giáo viên hợp đồng, nhiều giáo viên nghỉ việc tại các địa phương trong cả nước khiến bức tranh thiếu giáo viên sẽ còn dài nếu không có những giải pháp quyết liệt từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các ban ngành.

Giáo viên chưa đạt chuẩn mới nếu trúng tuyển không biết sẽ được xếp lương ra sao? Ảnh minh họa P.L

Giáo viên chưa đạt chuẩn mới nếu trúng tuyển không biết sẽ được xếp lương ra sao? Ảnh minh họa P.L

Sẽ tuyển giáo viên đạt chuẩn Luật Giáo dục 2015, dưới chuẩn mới?

Để giải quyết tình thiếu giáo viên, hạn chế giáo viên mầm non nghỉ việc. Bộ Giáo dục và Đào tạo gần đây đã có nhiều đề xuất mang tính đột phá được nhân dân hoan nghênh.

Ngoài việc đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non từ 70-100%, tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non là 55 tuổi,…còn có những đề xuất khác như tinh gọn quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm,…

Và gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề xuất tuyển dụng, hợp đồng với giáo viên “dưới chuẩn” theo Luật Giáo dục mới.

Nếu đề xuất này được chấp thuận, giáo viên mầm non, tiểu học trình độ trung cấp, giáo viên cấp trung học cơ sở có trình độ cao đẳng (chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019) vẫn có cơ hội được tuyển dụng vào ngành sư phạm, việc bồi dưỡng nâng chuẩn trình độ theo lộ trình của Nghị định 71/2020/NĐ-CP nâng trình độ chuẩn đào tạo giáo viên các cấp đến năm 2030.

Điều này được đánh giá là đề xuất rất kịp thời, phù hợp.

Sẽ khó xếp lương giáo viên dưới chuẩn mới vì chưa có quy định

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo dự định trình các cấp có thẩm quyền được tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 là rất đáng hoan nghênh, kịp thời, nhân văn.

Tuy nhiên, về mặt pháp lý, người viết cho rằng nếu tuyển dụng lực lượng giáo viên trên sẽ rất khó bổ nhiệm xếp lương vì hiện hành không có quy định.

Hiện nay giáo viên mầm non đến trung học phổ thông nếu trúng tuyển sẽ xếp ngạch viên chức, được bổ nhiệm, xếp hạng theo Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT, giáo viên mầm non được tuyển dụng có trình độ cao đẳng trở lên được xếp lương hạng thấp nhất là hạng III có hệ số lương 2,1-4,89; giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông được tuyển dụng có trình độ thấp nhất cử nhân (đại học) và xếp lương hạng III có hệ số lương 2,34-4,98.

Người có trình độ dưới chuẩn khi trúng tuyển sẽ trở thành viên chức nhưng lại khó được bổ nhiệm, xếp lương theo chùm Thông tư 01-04/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giáo viên đạt chuẩn khi tuyển dụng sẽ được bổ nhiệm thấp nhất hạng III, nhưng hiện nay, chưa có quy định cho việc giáo viên mới trúng tuyển không đủ tiêu chuẩn hạng III sẽ xếp lương ở hạng nào, thời gian nâng lương ra sao,...?

Ví dụ, giáo viên có trình độ cao đẳng sư phạm trúng tuyển giáo viên tiểu học, trung học cơ sở dù là viên chức nhưng sẽ khó có thể xếp lương, hạng theo Thông tư 02, 03/2021.

Giáo viên đang công tác nếu chưa đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục 2019 thì trong các Thông tư 01-04 hướng dẫn giữ nguyên mức lương hiện hưởng đến khi đạt chuẩn thì bổ nhiệm theo hạng mới.

Tuy nhiên, nếu tuyển sinh viên sư phạm chưa đạt chuẩn mới thì hiện nay chưa có quy định nào về việc bổ nhiệm, xếp lương.

Do đó, nếu tuyển dụng người dưới chuẩn cũng phải sửa đổi các Thông tư 01-04 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định cụ thể trường hợp xếp lương cho sinh viên sư phạm được tuyển dụng nhưng chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục mới.

Bên cạnh đó, đối với giáo viên đang giảng dạy được miễn phí nâng chuẩn vì tại Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định về lộ trình nâng chuẩn thì kinh phí thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên do ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

Nhưng đối với sinh viên sư phạm chưa đạt chuẩn nếu trúng tuyển giáo viên, chưa có quy định cụ thể việc học nâng chuẩn là do cá nhân tự bỏ kinh phí hay do ngân sách.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn theo Luật Giáo dục mới là nhân văn, kịp thời nhưng mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu để xếp lương và nâng chuẩn cho đối tượng này.

Theo người viết, có thể xếp hạng III cho đối tượng này nhưng cho nợ tiêu chuẩn trong thời gian nhất định để động viên giáo viên trên vào ngành sư phạm, nếu tuyển dụng mà xếp lương họ dưới chuẩn sẽ khó thu hút được giáo viên gắn bó với nghề.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam