Nhật lý Hành trình Xanh: Ấm lòng nơi mảnh đất thiêng Quảng Trị

13/07/2011 07:30
(GDVN) – Cái nắng chói chang khiến chúng tôi khó tránh cảm giác mệt mỏi. Nhưng, những gì nhận được từ mảnh đất Vĩnh Linh đã khiến chúng tôi xúc động và ấm lòng.

(GDVN) – Cái nắng chói chang khiến chúng tôi khó tránh cảm giác mệt mỏi. Nhưng, những gì nhận được từ mảnh đất Vĩnh Linh đã khiến chúng tôi xúc động và ấm lòng biết bao!

Giữa trưa 11/7, chúng tôi đã đến Vĩnh Linh, mảnh đất gắn liền với những địa danh thiêng liêng:Vĩnh Mốc, cây cầu Hiền Lương, con sông Bến Hải... Cái nắng chói chang khiến chúng tôi khó tránh khỏi cảm giác mệt mỏi. Thế nhưng, những gì nhận được từ đất Vĩnh Linh đã khiến chúng tôi xúc động và ấm lòng biết bao!

Lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất thân yêu này, chúng tôi bắt gặp cờ, hoa, những biểu ngữ “Nhiệt liệt chào mừng đoàn đi bộ xuyên Việt từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng” cùng những cái bắt tay thật chặt. Đứng cùng các bạn tình nguyện viên Vĩnh Linh khi ấy còn có các cô chú lãnh đạo, đầu đội nắng, nồng hậu đón chúng tôi. Bà con hai bên đường cũng vồn vã hỏi thăm và động viên chúng tôi: “Các cháu đi từ mô đến rứa? Đi có mệt lắm không? Vô đây uống với bác ly nước...”. Đối với mỗi chúng tôi, bao nhiêu mệt mỏi sau quãng đường dài dường như không còn nữa, sự quan tâm ấy khiến tôi hiểu rằng có nhiều điều vốn dĩ rất đơn giản nhưng lại có sức mạnh vô cùng diệu kỳ.

Trong những ngày cùng Hành trình xanh
Đối với mỗi chúng tôi, dường như bao nhiêu mệt mỏi không còn nữa

Cả đoàn dừng nghỉ trưa tại nhà hàng Quê Hương, đây là một bất ngờ lớn với chùng tôi. Từ trước tới giờ, chúng tôi không hề nghĩ có khi được dừng chân ở nơi như vậy trên đường hành quân. Theo chân chúng tôi có rất nhiều cô chú lãnh đạo, các cô chú liên tục hỏi thăm sức khỏe và những khó khăn đoàn đã gặp phải. Phía sau phòng bếp, các cô và những bạn tình nguyện viên mồ hôi nhễ nhại với canh, với rau,…thấy chúng tôi vào, miệng cười tươi mà nước mắt thì rơi vì khói. Tất cả những con người nơi đây khiến chúng tôi cảm nhận được tình cảm trìu mến đến lạ lùng.

Ngoài kia, trời nóng bức như vậy nhưng chính chuyến đi này lại làm mát lòng mát dạ cho người dân trên đất Vĩnh Linh và tất cả chúng tôi. Chúng tôi cảm nhận được rằng Quảng Trị rất quý Hành trình xanh, nơi đây đã chờ đón chúng tôi từ rất lâu. Nó giống như thứ tình cảm dành cho những đứa con đi làm nhiệm vụ, nay hành quân qua đất mẹ. Tôi liên tưởng đến những điều thiêng liêng như thế.

Có dịp được trò chuyện với cô Nguyễn Thị Hải – Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, tôi hỏi cô có phải vì nhiệm vụ cấp trên nên có ngày đón tiếp chúng tôi nhiệt tình như vậy hay không? Cô nói rằng: “Tất nhiên đầu tiên là vì trách nhiệm chứ con, nhưng bên cạnh đó có tấm lòng dành cho các con, cô rất khâm phục ý chí của mấy đứa và thấy mấy đứa đi bộ dưới trời nắng nôi như thế này, các cô chú cũng chẳng biết làm sao cho các con bớt mệt cả”. Cô tâm sự rằng, ngày xưa cũng là một sinh viên y khoa và một thời có những khát khao như chúng tôi, và hôm nay dù rằng tất cả đã qua nhưng cô có cảm giác bắt gặp lại mình”. Mắt cô rưng rưng và đầy vẻ tự hào khi nói về chúng tôi, tình cảm dành cho chúng tôi vượt lên cả trách nhiệm, “ngày xưa đi bộ đội vì chiến tranh là chuyện bình thường, nhưng giờ các con đi bộ như vậy là chuyện thật lạ lùng!”.

Chúng tôi đã có một bữa trưa thật no, thật ngon và những kỉ niệm khó quên được sau những ngày hành quân đường dài. Chính trong bữa trưa ấy, chúng tôi được nghe những bài ca về quê hương Quảng Trị, về đất Vĩnh Linh, chúng tôi trao nhau những tình cảm và sự động viên… đó thực sự là một bữa cơm thân mật, nó được chia sẻ từ nhiều tấm lòng đẹp. Ngay cả cô Cúc, chủ nhà hàng Quê Hương cũng rất trìu mến, sáng và trưa hôm nay không tiếp khách nào khác ngoài chúng tôi, cô cùng 2 nhân viên nữa tất bật từ 4h sáng để chuẩn bị cho 330 phần ăn trưa nay, vậy mà chỉ tính cho chúng tôi 1/4 cái giá bình thường. “Thấy mấy đứa ăn ngon cô vui lắm, sinh viên tình nguyện thì đi mô họ cũng thương!", cô Cúc nói.

13h40, chúng tôi lại phải rời nơi này, tiến quân về sông Bến Thủy, đi qua đá bụi của con đường đang dở dang, qua những cánh đồng mênh mông giữa nắng chói chang không chút gió, không bóng cây, …Theo sát chúng tôi vẫn là những cảnh sát giao thông quen thuộc, họ đi theo để chốt chặng và bảo vệ an toàn cho đoàn, ngay từ khi chúng tôi đặt chân đến Quảng Trị. Đón chúng tôi tại Cột cờ giới tuyến là các bác trong Hội cựu chiến binh xã Bảo Ninh. Các bác về đây thăm lại chiến trường xưa và thăm lại quê hương. Cách đây 3 ngày, các bác có gặp đoàn tôi ở Đồng Hới, từ 2 tiếng trước các bác đã có mặt ở đây, chỉ chờ gặp chúng tôi để bắt tay, động viên rằng đường còn dài nhưng hãy cố gắng đạt đến đích cuối cùng “mọi việc hôm nay giao phó lại cho các cháu!”. Thật đáng quý biết bao!

Chúng tôi tiếp tục hành quân đến trường cao đẳng sư phạm trên đất Đông Hà, trên mỗi chặng đường lại nhận được bao nhiêu tình cảm của người người dân, có người thương đoàn mua vội mấy chùm vải chạy theo trao cho chúng tôi, có người thấy bạn tôi mệt nên nhất quyết chở bạn vào trường, trên mỗi ngả đường dẫn vào nơi chúng tôi đóng quân luôn có các bác, các tình nguyện viên đứng đợi từ lâu, các bác luôn động viên đoàn: “ làm sao mà lâu mà khổ bằng tụi con, ráng vô mau mà nghỉ ngơi đi con!”…

Đoàn chúng tôi sẽ còn đi qua rất nhiều mảnh đất nữa, và mỗi mảnh đất lại dành cho chúng tôi biết bao tình cảm mến thương. Làm sao tôi có thể quên những gì gom góp được qua mỗi chuyến hành quân, qua mỗi chương trình? Sau mỗi bước chân đi, chúng tôi lại có thêm một quê hương nữa. Xin cảm ơn đất Quảng Trị thân yêu!

Từ ngày 10/7 đến ngày 13/7, Đoàn Hành Trình Xanh xuyên Việt đã trải qua 3 ngày hoạt động tại mảnh đất thiêng Quảng Trị.

Sáng 12/7/2011, đoàn HTX xuyên Việt năm 2011 viết thăm và thắp hương Nghĩa trang liệt sỹ đường 9 – Tỉnh Quảng Trị. Nghĩa trang được nâng cấp từ nghĩa trang liệt sỹ Đông Hà từ năm 1983 – 1984; nằm trên một vùng đồi, mặt quay ra hướng lộ 9.

Nhật lý Hành trình Xanh: Ấm lòng nơi mảnh đất thiêng Quảng Trị ảnh 2
Đoàn đi bộ xuyên Việt làm lễ tại nghĩa
trang.
Nghĩa trang liệt sĩ đường 9 là nơi yên nghỉ của hơn một vạn các anh hùng, liệt sỹ đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nghĩa trang liệt sỹ đường 9 được khởi công xây dựng ngày 2/9/1995 và khánh thành vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/1997). Tại đây, có 16 hạng mục công trình lớn nhỏ được thi công, trong đó, có hai hạng mục công trình lớn là Tượng đài chiến thắng và Khu hành lễ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường số 9 là một con đường chiến lược nối liền từ biên giới Việt - Lào về tới Đông Hà. Đường 9 đã đi vào huyền thoại của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ghi dấu bởi những chiến công hào hùng và oanh liệt.

Thanh Huyền

>> 1.000 người đi bộ xuyên Việt "Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng"
>> Cựu nữ biệt động Sài Gòn đi suốt cùng Hành Trình Xanh