Từ khi Nghị định 120 có hiệu lực, trường nội trú quay cuồng vì ít cán bộ quản lý

05/06/2023 06:38
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "CBQL đảm bảo chăm lo HS từng bữa ăn, giấc ngủ, ốm đau đêm hôm. Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, chúng tôi quay cuồng xoay xở vì có 3 CBQL"

Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2020, Nghị định 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập của Chính phủ là căn cứ để các đơn vị sự nghiệp xây dựng bộ máy tinh gọn hơn.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều trường phổ thông dân tộc nội trú, ngoài việc phải thực hiện các nhiệm vụ như các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông theo quy định tại Điều lệ trường trung học, thì còn phải thực hiện thêm các nhiệm vụ đặc thù theo quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động của trường chuyên biệt và nhiệm vụ quản lý hoạt động tự học, hoạt động nội trú của học sinh. Do đó, một số cán bộ nhà trường chia sẻ rằng gặp khó khi thực hiện Nghị định 120.

Nguồn ảnh: Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Phú Lương

Nguồn ảnh: Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Phú Lương

Bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Vương Xuân Thuận - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, thời điểm trước năm 2020, nhà trường có 1 hiệu trưởng và 3 phó hiệu trưởng. Thực hiện Nghị định 120, từ năm 2021 đến nay, 1 phó hiệu trưởng chuyển công tác nên trường còn 1 hiệu trưởng và 2 phó hiệu trưởng, công việc rất khó khăn.

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 5 Chương II Nghị định số 27/VBHN-BGDĐT ngày 23/12/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo "Về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn" quy định: "Mức phụ cấp 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại trường phổ thông dân tộc nội trú, trường trung học phổ thông chuyên, trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật.".

Theo quy định trên, cô Thuận chia sẻ: "Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đang công tác tại trường có mức phụ cấp 70% mức lương hiện hưởng. Tuy nhiên, khối lượng công việc phải làm không ít. Đặc biệt, thực hiện Nghị định 120, tính chất, khối lượng công việc vẫn vậy nhưng số người đảm trách ít đi nên cán bộ quản lý trường nội trú rất khó khăn.

Đặc thù trường nội trú là ngoài thực hiện tốt chuyên môn, cán bộ quản lý phải đảm bảo chăm lo cho học sinh từng bữa ăn, giấc ngủ, ốm đau đêm hôm. Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát trở lại, chúng tôi phải quay cuồng xoay xở vì chỉ có 3 cán bộ quản lý.

Năm học 2022-2023, trường có hơn 600 học sinh nội trú (từ lớp 10 đến lớp 12) nên ngoài giảng dạy, công tác quản lý đời sống, chăm nuôi học sinh cực kỳ vất vả. Những ngày cuối tuần, học sinh ở tại trường nên cần cán bộ quản lý tổ chức các hoạt động để các em vui chơi, giải tỏa căng thẳng, góp phần xây dựng văn hoá học đường. Do vậy, nếu được kiến nghị đề xuất, nhà trường luôn mong muốn có thêm 1 phó hiệu trưởng (tổng gồm 3 phó hiệu trưởng) để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ giáo dục và đào tạo”.

Năm học 2022-2023, Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn có tổng 44 giáo viên, 3 cán bộ quản lý. Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, trường đang thừa giáo viên. Tới đây, khi chương trình mới triển khai đối với tất cả các khối lớp thì số lượng giáo viên hiện tại của trường có thể đáp ứng được yêu cầu giảng dạy - cô Vương Xuân Thuận chia sẻ.

Cũng theo cô Thuận, cán bộ quản lý nhà trường đang bị quá tải. Cụ thể, hiệu trưởng quản lý chung nhưng cũng phải trực tiếp làm rất nhiều công việc khác. Ví dụ, ngoài tài chính, thi đua khen thưởng, công tác tổ chức thì y tế học đường, ăn uống, chăm nuôi học sinh cũng do hiệu trưởng phụ trách.

“Tâm lý lứa tuổi học sinh phức tạp, chỉ cần xảy ra mâu thuẫn, xích mích nhỏ cũng có thể dẫn đến ẩu đả, bạo lực, hay có em nảy sinh tình cảm với bạn học cũng ảnh hưởng đến chất lượng học tập.

Công tác đảm bảo đời sống tinh thần, nắm bắt tâm lý của học sinh rất quan trọng. Song, do không có cán bộ quản lý phụ trách nên hiệu trưởng phải kiêm nhiệm dẫn đến chất lượng khó đảm bảo”, cô Thuận chia sẻ.

Đối với cấp phó, trường có 1 phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, kiểm tra đánh giá. Còn 1 phó hiệu trưởng đang quá tải khi phải tiếp nhận, xử lý rất nhiều văn bản chỉ đạo của các phòng, ban, Sở, Vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cùng chia sẻ về thực tế triển khai thực hiện Nghị định 120, hiệu trưởng của một trường trung học phổ thông dân tộc nội trú ở miền Trung chia sẻ, đối với đơn vị sự nghiệp công lập là trường học, tuỳ vào từng quy mô, mô hình trường và số lượng lớp, khối lớp, số lượng học sinh, các trường thực hiện đúng theo quy định về tổ chức nhân sự.

“Trường nội trú, trường chuyên có đặc thù khác với trường trung học phổ thông nên cơ cấu, số lượng nhân sự cán bộ quản lý, nhân viên trường học không giống nhau.

Hơn nữa, giữa các trường nội trú (từng cấp học) cũng có số lượng học sinh, lớp khác nhau nên tổ chức nhân sự cũng khác nhau. Việc quy định số lượng cán bộ quản lý trường nội trú, cần phải linh hoạt, tránh dập khuôn, sao cho đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo đặc thù. Tránh tình trạng trường nội trú đông học sinh mà cán bộ quản lý, nhân viên ít khiến ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục”, hiệu trưởng nêu quan điểm.

Căn cứ tình hình thực tế của trường khi thực hiện Nghị định 120, cô Lê Thị Hoàn – Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ, với cơ cấu trường, lớp, số lượng học sinh hiện nay, nhà trường có 1 hiệu trưởng và 2 phó hiệu trưởng.

“Năm học 2022-2023, trường có 12 lớp với hơn 400 học sinh. Với quy mô như vậy, thì số lượng cán bộ quản lý, nhân viên trường học hiện nay là hợp lý, cơ bản đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo đặc thù của trường nội trú cấp trung học cơ sở.

Do đội ngũ cán bộ quản lý của trường có 3 người nên chỉ quản lý về mặt chuyên môn giảng dạy. Còn các mảng về đời sống, quản lý nội trú sẽ chủ yếu giao cho đội ngũ nhân viên phụ trách. Ngoài ra, các lĩnh vực về y tế học đường, bảo vệ trường học, thư viện cũng đều do nhân viên của trường phụ trách thực hiện", cô Hoàn chia sẻ.

Ngọc Mai