Tại cuộc họp giao ban quý IV về công tác tuyển sinh và đào tạo khối đại học, cao đẳng sư phạm cuối tháng 11 vừa qua, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo về cơ bản giữ ổn định như năm 2022.
Đáng chú ý, tuyển sinh đại học năm nay dự kiến sẽ xem xét không tuyển sinh sớm như năm 2022, thay vào đó, có thể thực hiện xét tuyển chung một đợt với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.
Năm 2022, thí sinh trúng tuyển sớm nhưng không nhập học được do thủ tục rườm rà
Ảnh minh họa: DN |
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phúc Chỉnh - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) cho biết, việc thực hiện xét tuyển chung các phương thức cùng một đợt đối với trường đại học hoàn toàn không có vấn đề gì.
Ngược lại, việc xét tuyển sinh sớm như năm 2022, cùng các thủ tục đăng ký, xác nhận phức tạp làm nảy sinh một số bất cập, làm ảnh hưởng đến quyền lợi các thí sinh.
Thí sinh đăng kí xét tuyển sớm thay vì dùng kết quả điểm thi trung học phổ thông thì sẽ xét học bạ, điểm kỳ thi đánh giá năng lực, các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, các hình thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng…
Điều này phù hợp và tận dụng được tối đa các quyền lợi của thí sinh, tuy nhiên những thủ tục xác nhận có phần rườm rà đã khiến nhiều thí sinh mất quyền lợi. Cụ thể, Phó giáo sư Chỉnh nêu phân tích:
“Năm vừa rồi, thí sinh dù đã có kết quả trúng tuyển sớm, nhưng nếu không đăng ký lên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì kết quả của thí sinh đó không được xem xét. Điều này theo tôi là không cần thiết và quá phức tạp, gây nhiều rối loạn cho các em học sinh, nhiều em đáng lý đỗ nhưng cuối cùng lại không đỗ chỉ vì các bước đăng ký quá rối rắm”.
Theo đó, năm 2022, tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên), có một số trường hợp thí sinh đã đỗ phương thức tuyển thẳng nhưng không đến nhập học do các em không đăng ký trên hệ thống của Bộ nên không được xem xét.
Tình trạng này cũng xảy ra tại Trường Đại học Y dược Thái Bình. Trao đổi với phóng viên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thanh Bình - Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Y dược Thái Bình cho hay:
“Năm vừa rồi, trường cũng có một số trường hợp thí sinh là các em học viên trường dự bị đại học đã trúng tuyển theo phương thức tuyển thẳng, tuy nhiên do không đăng ký vào hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên không đỗ.
May mắn sau này Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, cho làm đơn nộp và xét lại nên những trường hợp này đã được giải quyết”.
Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy kết thúc tuyển sinh đợt 1, có tới gần 100.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học (trong tổng số gần 570.000 thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1).
Kiến nghị Bộ trả quyền tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học
Để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc xảy ra trong mùa tuyển sinh năm nay, thầy Bình đưa ra lời khuyên:
“Để tránh nhầm lẫn trong quá trình đăng ký, thí sinh cần đọc kĩ các thông tin về ngành, mã ngành,phương thức xét tuyển, tổ hợp thi,... vì các thông tin trên đều được trường đại học công khai rất rõ.
Theo tôi, sau mỗi bước mỗi thí sinh thực hiện, đặc biệt liên quan đến đăng kí tổ hợp, đăng kí mã xét tuyển nên có dòng trạng thái yêu cầu thí sinh kiểm tra kỹ lại, tránh trường hợp các em nhìn chưa kỹ đã vội nhấn nút đăng ký, nên không sửa lại được.
Thứ hai, khi đăng ký thành công, tin nhắn trả về cho các em cần rõ ràng và chi tiết, tránh viết tắt để các em bị nhầm lẫn”.
Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Y dược Thái Bình nhấn mạnh, thí sinh cần kiểm tra lại kĩ các nguyện vọng đăng ký, tránh trường hợp chủ quan chỉ đăng ký một lần và không kiểm tra, xác nhận lại kĩ càng.
“Năm vừa rồi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thời gian dài, không hạn chế số lượng thay đổi nguyện vọng nên nhiều bạn thí sinh chủ quan, không xem lại dẫn đến những sai sót không đáng có”, Phó giáo sư Ngô Thanh Bình nói thêm.
Góp ý thêm về quy chế tuyển sinh đại học, Phó giáo sư Nguyễn Phúc Chỉnh kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có giải pháp để giảm bớt các thủ tục đăng ký, tránh rườm rà phức tạp, gây rối cho các thí sinh.
Ngoài ra, thầy Chỉnh cho rằng cần có sự tinh giảm các phương thức tuyển sinh, thay vì có tận tới 20 phương thức như hiện nay.
“Hiện nay có quá nhiều phương thức tuyển sinh khiến thí sinh bối rối và rất dễ gây nhầm lẫn. Do vậy có lẽ các trường cần giới hạn lại phương thức tuyển sinh để tránh phức tạp. Bản thân các thí sinh cũng cần giới hạn các nguyện vọng đăng ký, thay vì đăng ký hàng chục nguyện vọng, trong khi cuối cùng các em cũng chỉ đỗ 1 nguyện vọng duy nhất”.
Theo đó thầy Chỉnh cho rằng các thí sinh chỉ nên xem xét kĩ và chọn đăng ký từ 2-4 nguyện vọng để tránh lãng phí tiền, điều này cũng phần nào giúp các trường tránh được những nguyện vọng ảo.
Là người có kinh nghiệm nghiên cứu tuyển sinh đại học nhiều năm, Phó giáo sư Nguyễn Phúc Chỉnh cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tách 2 kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thành hai hướng, nghĩa là kỳ thi phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp riêng và tuyển sinh đại học riêng, thay vì gộp cả hai mục tiêu này vào chung một bài thi. Cụ thể, Phó giáo sư phân tích:
“Chúng ta thấy rõ ràng rằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay chưa thật sự phân loại và đánh giá được hiệu quả, triệt để các thí sinh. Hơn nữa, không phải tất cả các thí sinh tham dự kì thi đều có nguyện vọng học đại học.
Vì vậy, cá nhân tôi cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên trả kỳ thi tuyển sinh đại học về cho các cơ sở giáo dục đại học, việc xét tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ do các Sở Giáo dục và Đào tạo và địa phương phụ trách. Điều này giúp tránh lãng phí nguồn lực đất nước và các thủ tục phức tạp như hiện nay”.
Chia sẻ thêm, thầy Chỉnh cho rằng việc giao quyền tự chủ tuyển sinh đại học cho các trường đặc biệt cấp thiết, nhất là những ngành khó tuyển sinh như khối nông- lâm- ngư nghiệp.
Ngoài ra, về điểm mới trong chính sách điểm ưu tiên khu vực năm 2023, Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên cho rằng mục đích của chính sách nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh là tốt, tuy nhiên cách thức tính điểm cần xem xét lại để tránh thiệt thòi cho các thí sinh ở vùng khó khăn.