Trưởng khoa thiết tha đề nghị đưa Triết học vào THPT và khôi phục ngành SP Triết

30/05/2023 06:33
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Tư tưởng trực dụng”, đề cao giá trị vật chất khiến SV ngại hoặc sợ dấn thân, lựa chọn ngành đòi hỏi sự hi sinh, tâm huyết lớn như Triết học.

Tuyển sinh kém, chất lượng đầu vào thấp, khó thu hút nhân tài, số lượng cử nhân ít, nguy cơ thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, khó tự chủ đại học,... đang là những vấn đề nan giải đối với ngành Triết học.

Cần giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn trong tuyển sinh và đào tạo ngành Triết học, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Duy Nhiên – Trưởng khoa Triết học – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Theo đó, Tiến sĩ Nguyễn Duy Nhiên chia sẻ về những khó khăn trong công tác tuyển sinh, chương trình đào tạo và đổi mới phương pháp giảng dạy ngành Triết học. Từ đó, đề xuất một số kiến nghị thiết thực.

Tiến sĩ Nguyễn Duy Nhiên – Trưởng khoa Triết học – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: NM).

Tiến sĩ Nguyễn Duy Nhiên – Trưởng khoa Triết học – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: NM).

Chia sẻ về công tác tuyển sinh ngành Triết học, theo thầy Nhiên, trước năm 2018, ngành Triết học của nhà trường được miễn học phí do nằm trong khối ngành đào tạo sư phạm. Tuy nhiên, sau năm 2018, Triết học không nằm trong khối ngành sư phạm, sinh viên phải đóng học phí nên một phần làm công tác tuyển sinh gặp khó khăn, nhất là khó thu hút sinh viên giỏi.

Đơn cử, năm 2018, 2019, nhà trường đăng ký trên 50 chỉ tiêu ngành Triết học nhưng chỉ tuyển được 50%. Song, từ năm 2020 đến nay, số sinh viên theo học ngành Triết học tăng dần.

Thầy Nhiên chỉ ra thực trạng khó khăn trong tuyển sinh và quá trình giảng dạy ngành Triết học hiện nay.

Thứ nhất, nền tảng Triết học của sinh viên rất ít hoặc không có.

Đa số các nước trên thế giới đưa Triết học vào dạy từ lớp 1; có 20-30 nước dạy Triết học từ mầm non.

Ở Việt Nam, trong chương trình giáo dục phổ thông 2006, môn Giáo dục công dân lớp 10 có học phần Triết học tên là Công dân với thế giới quan phương pháp luận nhưng chương trình giáo dục phổ thông 2018 không có nội dung này.

Hiện, ở bậc trung học cơ sở, môn Giáo dục công dân không có học phần Triết học; ở bậc trung học phổ thông, môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật không có học phần Triết học. Do đó, người học Triết học không có chỗ để quay về giảng dạy ở phổ thông nên tuyển sinh ngành Triết học gặp khó.

“Triết học là môn đầu tiên mà tất cả sinh viên đại học ở Việt Nam đều phải học. Triết học trang bị cho người học thế giới quan, phương pháp luận khoa học, vừa là khoa học, vừa mang tính giáo dục nền tảng lý luận, chính trị, ý thức hệ tư tưởng. Tuy nhiên, do không có nền tư duy triết học đúng nghĩa ở cấp học, bậc học phổ thông nên khi học ở bậc đại học, sinh viên rất khó tiếp thu tri thức. Triết học được cho là môn học khó, kén người học, trừu tượng… nên ít bạn trẻ lựa chọn”, thầy Nhiên chia sẻ.

Thứ hai, sinh viên tốt nghiệp ngành Triết học để đi làm Triết học là thách thức lớn.

Do không có nền tảng nên việc học chuyên sâu ngành Triết học để trở thành nhà nghiên cứu khoa học về Triết học là thách thức đối với sinh viên. Vậy nên, việc cấu thành chương trình đào tạo Triết học phải đổi mới nhằm đảm bảo vừa sức, phù hợp, thích ứng, đồng thời khích lệ sự sáng tạo trong quá trình học tập, nghiên cứu, trưởng thành, phát triển phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu ra “làm nghề triết học” của sinh viên.

Thứ ba, cách thức tổ chức, thực hiện hoạt động giáo dục - đào tạo hiện nay không phù hợp, hiệu quả thấp đối với lớp quá đông viên sinh.

Những phương pháp tổ chức dạy học Triết học hiện đại, phù hợp chỉ dành cho lớp có khoảng từ 25 đến tối đa 45 sinh viên, không thể áp dụng và phát huy với lớp đông sinh viên như ở Việt Nam hiện nay (có lớp chuyên ngành đào tạo đến hơn 60 sinh viên) như: dạy học theo dự án, lớp học đảo ngược, lớp học xoay vòng, đóng vai, trải nghiệm, tranh biện, làm việc nhóm…

Thầy Nhiên cho rằng, nhiều người trẻ hiện nay, do tác động của kinh tế thị trường nên có “tư tưởng trực dụng”, nghĩ đến lợi ích trước mắt, đề cao giá trị vật chất nên ngại hoặc sợ dấn thân vào lĩnh vực, chuyên ngành đòi hỏi sự hi sinh, tâm huyết lớn như Triết học.

Học khó, làm triết học đối mặt với nhiều thách thức, thu nhập không cao cùng với việc thiếu nền tảng Triết học ở cấp học dưới là những lý do ít sinh viên lựa chọn theo học ngành này.

Thêm nữa, có giảng viên mỗi năm vừa dạy trường chính và dạy thêm ở các trường trong và ngoài công lập, tổng lên đến hàng nghìn tiết để có thêm thu nhập, bị chi phối thời gian, ít có điều kiện trau dồi, phát triển bản thân khiến họ trở thành "thợ dạy", chưa hoặc ít đạt đến “đẳng cấp” chinh phục người học, làm cho người học thiếu, thậm chí “tắt ngọn lửa” nghiên cứu Triết học.

Trăn trở việc đưa học phần Triết học vào trong giáo dục phổ thông

Trước những khó khăn đó, thầy Nhiên cho rằng, uy tín cơ sở đào tạo, chất lượng đào tạo, cơ hội việc làm, vị trí xã hội của ngành nghề là những yếu tố để sinh viên quyết định chọn ngành học. Vừa nhằm thu hút sinh viên, vừa thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, đáp ứng chuẩn đầu ra, cũng như các ngành khác, ngành Triết học phải luôn chú trọng đến việc cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp và đánh giá kết quả đào tạo.

Bản thân mỗi giảng viên phải coi việc dạy Triết học là quá trình chinh phục, tạo giờ học sinh động, phát huy tối đa năng lực học trò. Giảng viên nên tổ chức các cuộc thi thuyết trình, phát động phong trào mỗi tháng một cuốn sách để sinh viên tranh biện, nghiên cứu, trao đổi. Ngoài ra, các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, câu lạc bộ nghiệp vụ triết học, câu lạc bộ triết học với nghệ thuật, truyền thông… là môi trường để sinh viên học tập, trải nghiệm và phát triển phẩm chất, năng lực bản thân.

Trước những thách thức trong công tác tuyển sinh và đào tạo ngành Triết học, thầy Nhiên đề xuất một số kiến nghị:

Một là, truyền thông về ngành Triết học phải đầy đủ, chính xác để người học, gia đình và xã hội hiểu giá trị ngành học.

Hai là, mở các chuyên ngành hẹp trong ngành Triết học, trong đó có chuyên ngành được hỗ trợ chính sách nhằm thu hút nhân tài.

Nên mở các chuyên ngành chuyên sâu hoặc liên ngành như Triết học - Tôn giáo học, Triết học – Xã hội học, Triết học – Chính trị học, Triết học – Mỹ học, Triết học – Logic học… Đặc biệt, cần khôi phục lại chuyên ngành Sư phạm Triết học vì thực tế có tỷ lệ lớn sinh viên định hướng đi dạy học sau khi tốt nghiệp ngành Triết học.

“Nhu cầu về đội ngũ giảng viên Triết học được đào tạo chuẩn sư phạm là rất cấp bách và lâu dài. Sinh viên khi học chuyên ngành Sư phạm Triết học được miễn học phí và được hưởng trợ cấp 3,63 triệu đồng/tháng theo quy định hiện hành chắc chắn sẽ thu hút được nhiều nhân tài theo học ngành này”, thầy Nhiên nhận định.

Ba là, các cơ sở giáo dục phải đổi mới chương trình, phương pháp, trau dồi phẩm chất năng lực của giảng viên để hấp dẫn người học, giúp sinh viên ra trường có đủ năng lực làm Triết học, nghiên cứu, vận dụng Triết học vào công việc, lĩnh vực cụ thể để tạo ra thu nhập, “sống được” bằng Triết học.

Bốn là, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có các chuyên đề thúc đẩy phát triển nghiên cứu, giảng dạy, học tập, ứng dụng Triết học; khôi phục các “sân chơi” Triết học như Olympic Triết học quy mô toàn quốc… để vừa rèn luyện tư duy, vừa quảng bá Triết học, tăng cường hiểu biết của xã hội về Triết học.

Năm là, tri thức Triết học cơ bản phải được đưa vào giảng dạy, học tập ở bậc trung học phổ thông nếu không sẽ mất một nền tảng lý luận, nền tảng tư duy quan trọng của người học: duy vật biện chứng, tư duy biện chứng, tư duy logic, tư duy sáng tạo.

“Các nhà giáo, nhà nghiên cứu chuyên môn về Triết học đều rất trăn trở làm thế nào để khôi phục học phần Triết học trong giáo dục phổ thông. Chúng tôi rất mong có những hội thảo để cùng bàn luận, đề xuất với Ban Tuyên giáo Trung ương, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đưa giáo dục Triết học vào chương trình giáo dục phổ thông hiện nay”, thầy Nhiên mong muốn.

Theo thầy Nhiên, đưa Triết học vào trung học phổ thông không khó. Bởi, giáo dục, trang bị tri thức Triết học như một sự phổ biến Triết học có thể áp dụng ngay từ cấp mầm non (từ một trò chơi, một hoạt động để rút ra bài học, giá trị mang tính chân lý). Còn với Triết học theo đầy đủ ý nghĩa tri thức khoa học thì nên đưa vào giảng dạy cho học sinh từ lớp 6 trong môn Giáo dục công dân (ở mức độ phổ biến) và chuyên sâu hơn là một học phần của môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật ở trung học phổ thông.

Việc khôi phục tri thức Triết học vào dạy học ở phổ thông cũng là cơ hội để sinh viên theo học ngành Triết học được trở về các nhà trường giảng dạy, phổ biến, trang bị Triết học cho các thế hệ học sinh.

“Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đang khó tuyển những sinh viên giỏi, tài năng, tâm huyết theo học ngành Triết học. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp, khuyến nghị như trên, chắc chắn sẽ có ngày càng nhiều những người trẻ ưu tú “đầu quân” vào học, nghiên cứu, trở thành những giảng viên, nhà hoạt động chuyên môn, vận dụng Triết học ở Việt Nam”, thầy Nhiên chia sẻ.

Ngọc Mai