Vừa qua, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì nghiên cứu, xây dựng đề án xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc ở các cơ sở giáo dục Việt Nam.
Trên thực tế, nhiều cơ sở giáo dục đại học không ngừng nỗ lực thu hút nhà giáo nước ngoài với mục đích tăng cường quốc tế hóa, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế, cải thiện thứ bậc xếp hạng trong các bảng xếp hạng đại học khu vực và thế giới.
Song, hiện nay, thu hút giảng viên nước ngoài đã khó, giữ chân họ còn khó hơn. Vì vậy, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án về cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia người nước ngoài sẽ tạo ra bước tiến quan trọng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quy trình tuyển dụng giảng viên người nước ngoài như hiện nay.
Mở rộng "cánh cửa" chiêu mộ nhân tài giúp nâng cao chất lượng giáo dục
Có thể nói, đội ngũ giảng viên nước ngoài giữ một vai trò quan trọng và vị trí nhất định trong cơ sở đào tạo, đặc biệt với bối cảnh các trường đại học đang thực hiện quốc tế hóa giáo dục. Chuyên gia, nhà khoa học quốc tế trở thành nguồn lực cần thiết, góp phần tạo nên sức bật cho cơ sở đào tạo. Sự tham gia của đội ngũ này không chỉ làm phong phú môi trường học thuật mà còn góp phần cải thiện danh tiếng, vị trí xếp hạng, sản lượng nghiên cứu của trường đại học và trải nghiệm giáo dục tổng thể cho sinh viên.
Chia sẻ về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Trần Quỳnh Hoa - Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc có được đội ngũ giảng viên quốc tế giúp các trường đại học thêm cơ hội mở rộng quan hệ hợp tác, trao đổi, tiếp cận các đối tác quốc tế và phát triển nghiên cứu vì chuyên gia nước ngoài thường có mạng lưới nghiên cứu rộng lớn và kinh nghiệm làm việc trong môi trường đa quốc gia. Đặc biệt là giúp nâng cao chất lượng, góp phần tăng cường uy tín của cơ sở giáo dục đại học, thu hút được nhiều sinh viên tài năng. Yếu tố giảng viên, sinh viên nước ngoài còn là một chỉ số quan trọng trong thang đánh giá thứ hạng các trường đại học theo chuẩn quốc tế.
Tại Việt Nam, gần 20 năm qua, những chủ trương và chính sách thu hút các chuyên gia, nhà khoa học người nước ngoài đến làm việc, tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại nước ta đã được thể hiện xuyên suốt trong các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Một trong những tiêu chí được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra để đánh giá mức độ hội nhập quốc tế trong giáo dục của các cơ sở giáo dục đại học là có giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy.
Hiện nay, tỷ lệ giảng viên nước ngoài tại trường đạt khoảng 2.63%, dự kiến tiếp tục có sự gia tăng trong thời gian tới. Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu chiến lược phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2025-2030, với tầm nhìn đến năm 2045 là trọng tâm thu hút giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài về làm việc tại trường.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Nhài - Phó trưởng Phòng Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Hà Nội, dựa vào số liệu khảo sát, nghiên cứu năm 2023, giảng viên nước ngoài tại cơ sở giáo dục đại học công lập Việt Nam đa dạng về quốc tịch, độ tuổi, giới tính; đại đa số có trình độ từ thạc sĩ trở lên, lĩnh vực chuyên môn phong phú và có kinh nghiệm làm việc trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, có thể thấy trong thực tế, giảng viên nước ngoài chưa có nhiều kênh thông tin để tiếp cận nội dung tuyển dụng người nước ngoài của các cơ sở giáo dục đại học công lập Việt Nam. Kênh thông tin phổ biến nhất mà họ biết đến là thông qua giới thiệu từ cơ quan, tổ chức nơi giảng viên nước ngoài công tác.
Bên cạnh đó, một vấn đề mà đội ngũ trí thức nước ngoài chưa hài lòng khi làm việc tại Việt Nam là thủ tục hành chính còn phức tạp, mất nhiều thời gian và công sức. Ngoài ra, không phải toàn bộ nhân lực nước ngoài này đều nhận được phúc lợi hay hỗ trợ từ cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, ví dụ như phúc lợi về chế độ bảo hiểm y tế, tìm việc làm cho người thân hay tìm trường học cho con. Song, hầu hết giảng viên nước ngoài không có ý định gắn bó lâu dài với cơ sở giáo dục đại học Việt Nam hoặc có ý muốn định cư tại Việt Nam.
Vì vậy, việc xây dựng cơ chế, triển khai chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu, làm việc ở các cơ sở giáo dục Việt Nam là hợp lý và cần thiết. Đây là một xu thế tất yếu định hướng tương lai nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Cần cơ sở pháp lý rõ ràng
Cùng bàn luận về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo đã được nhấn mạnh là “phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục - đào tạo” trong Nghị quyết số 29-NQ/TW. Trong đó có đề cập đến việc “tạo điều kiện để chuyên gia quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục, đào tạo trong nước”.
Chúng ta cần có các quy định cụ thể với hợp tác quốc tế với nhà giáo bao gồm việc nhà giáo Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật và nhà giáo nước ngoài vào Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên có đủ quy định để phong tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự hoặc Giáo sư danh dự cho những nhà hoạt động uy tín quốc tế, nhà khoa học gốc Việt định cư ở nước ngoài hay người nước ngoài có đóng góp lớn cho nền khoa học, giáo dục của Việt Nam.
Việc thu hút đội ngũ chuyên gia người nước ngoài về làm việc tại cơ sở đào tạo của Việt Nam cần có đề án cơ chế, chính sách đột phá, quy định cụ thể trong văn bản thống nhất, có thể áp dụng chung cho cả nhà giáo của cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập, áp dụng cho cả nhà giáo người Việt Nam và người nước ngoài.
Nhà nước cũng cần bổ sung một số quy định và văn bản liên quan đến Luật Giáo dục, đồng thời cập nhật các văn bản hướng dẫn dưới luật để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cơ sở giáo dục đại học tuyển dụng giảng viên cơ hữu là người nước ngoài.
Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học nên được thí điểm bổ nhiệm hoặc mời kiêm nhiệm nhân sự quản lý là người nước ngoài hoặc Việt kiều ở cấp khoa/viện, đồng thời áp dụng chính sách thu hút và giao kết hợp đồng lao động với giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia uy tín từ nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
Theo đại diện của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, khung pháp lý về giáo dục của Việt Nam chưa có quy định chi tiết, đặc thù cho đối tượng nhà giáo nước ngoài, mà nhà giáo nước ngoài chủ yếu đang được điều chỉnh bởi pháp luật về lao động. Theo đó, nhà giáo nước ngoài được xem như người lao động bình thường, trong khi tầm quan trọng, tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền lợi của nhà giáo lại rất đặc thù. Do vậy, chúng ta nên xây dựng cơ chế, chính sách, quy định về thủ tục hành chính một cách thông thoáng, cởi mở và thuận lợi hơn.
Quy trình thực hiện các thủ tục xin giấy phép lao động hoặc giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hiện nay còn phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian, có thể ảnh hưởng đến kế hoạch sử dụng lao động của các trường cũng như kế hoạch công tác của các giảng viên, chuyên gia nước ngoài.
Trong tiến trình hội nhập, các cơ sở giáo dục trên cả nước rất cần có sự đổi mới về đề án cơ chế, chính sách từ các cấp quản lý có thẩm quyền để tạo hành lang pháp lý rộng mở hơn trong việc thu hút, tiếp nhận giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài đến giảng dạy, trao đổi nghiên cứu tại Việt Nam.
Hiện nay, các trường đã có căn cứ để ký hợp đồng đối với giảng viên nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật quy định về vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với giảng viên chỉ áp dụng đối với đối tượng là viên chức tại các trường đại học công lập, mà theo quy định thì viên chức là công dân Việt Nam. Vì vậy, các quy định này không thể áp dụng toàn bộ đối với các giảng viên nước ngoài.
Mặt khác, mức chi trả thu nhập cho giảng viên nước ngoài nhìn chung dù đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn, trong khi nguồn lực tài chính của các trường đại học công lập vẫn còn một số hạn chế. Nhiều trường trong nước đã và đang có nhiều sự đầu tư khác nhau nhằm mở rộng kết nối và hội nhập quốc tế nên sự cạnh tranh trong công tác tuyển dụng giảng viên, đặc biệt là đội ngũ nước ngoài trình độ cao ngày càng gay gắt.
Trong Nghị định 70/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam do Chính phủ ban hành ngày 18/9/2023, Nhà nước đã phân quyền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận những trường hợp người lao động nước ngoài vào Việt Nam thực hiện các công việc giảng dạy, nghiên cứu. Đại diện của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ mong muốn sẽ sớm có hướng dẫn, quy định thuận lợi hơn nữa cho các trường đại học thực hiện công tác có liên quan đến việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài.