“Trong veo” và … ao nhà

24/11/2022 06:36
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ phận “trong veo” có hùng hậu, có đủ mạnh để chống lại bộ phận “xanh lè” (vì cố tình hoặc “trót” nhúng chàm)?

Báo Giaoducthoidai.vn - cơ quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong bài “Cố nhân dạy: Nước quá trong thì không có cá, người tốt quá thì không ai chơi” có đoạn:

“Nếu bạn sống quá tốt, mù quáng cho đi lòng tốt mà không biết cân nhắc, cũng sẽ tự rước họa vào người. Nên nhớ, nếu bạn cho người 1 bát cơm lúc đói kém, họ sẽ biết ơn bạn vô cùng. Thế nhưng ngày hôm sau, hôm sau nữa bạn vẫn cho đi, đến một ngày bạn dừng lại, họ sẽ oán hận bạn vô cùng. Vậy nên, thay vì cho người một con cá, hãy cho họ cái cần và phương pháp thả câu”. [1]

Đoạn văn ngắn nêu trên dường như muốn trao cho con người một triết lý: “Cái gì quá cũng không tốt”, yêu quá là không tốt, ghét quá là không tốt, tốt quá cũng là không tốt bởi “sống quá tốt” sẽ “rước họa vào người”.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh. Ảnh: vtv.vn

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh. Ảnh: vtv.vn

Đọc bài báo này chợt liên tưởng đến phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại cuộc tiếp xúc cử tri hôm 16/11/2022 về chuyện trả đất dịch vụ cho dân.

Năm 1997, Nhà nước có chủ trương thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện các dự án và sẽ trả cho người bị thu hồi đất nông nghiệp mảnh đất ở nơi khác để làm dịch vụ thay vì làm nông nghiệp.

Tại huyện Mê Linh, sau 25 năm, đến năm 2022 nông dân vẫn chưa nhận được đất dịch vụ. Lỗi đương nhiên không phải là của người dân, lỗi cũng không phải do cơ chế, chính sách bởi nhiều địa phương đã thực hiện xong việc trả đất cho dân.

Lỗi thuộc về chính quyền cấp huyện không quan tâm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và không chủ động đề xuất phương án đền bù. Đây chính là lý do khiến ông Trần Sỹ Thanh phải cảnh báo đội ngũ lãnh đạo huyện Mê Linh:

“Thế hệ lãnh đạo đương nhiệm hơn chỗ khác vì là thế hệ sau, không dính dáng gì cả thì dũng cảm mà làm. Nếu mọi việc không được giải quyết rồi mỗi lúc một chính sách thì mọi thứ càng ngày càng khó. Mình chẳng dính dáng gì mình không sợ. Mình trong veo thì sợ cái gì”. [2]

Chuyện một cá nhân “trong veo” sống giữa một tập thể cũng “trong veo” nên chẳng sợ cái gì có lẽ cần bàn cho thấu đáo.

Nếu chỉ có một vài cá thể “trong veo”, xung quanh “vừa trong vừa đục” hoặc “đục ngầu” thì không thể biết điều gì sẽ xảy ra.

Người viết ủng hộ quan điểm của ông Trần Sỹ Thanh bởi đó là ủng hộ lẽ phải, ủng hộ những người dám dấn thân chống lại cái xấu, chống lại các nhóm lợi ích – đặc biệt là “Nhóm lợi ích đất đai” đang làm xói mòn niềm tin của người dân.

Tuy nhiên, giữ mình “trong veo” vẫn là chưa đủ, ngày nay, không phải như thời “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu/Dấn thân vô là phải chịu tù đày/Là gươm kề tận cổ, súng kề tai/Là thân sống chỉ coi còn một nửa” (thơ Tố Hữu) nhưng vẫn đòi hỏi sự dũng cảm, đôi khi còn là sự hy sinh lợi ích cá nhân và gia đình.

Phải chăng vì cố giữ cho mình “trong veo” chừng nào hay chừng nấy nên mới có người thực hiện phương châm “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”?

Người viết cho rằng không nên ép mọi người phải “trong veo” và cũng đừng ảo tưởng xây dựng một xã hội toàn người “trong veo”. Vì thế, ai không muốn “trong veo” hãy tạo điều kiện để cho họ tránh sang một bên, nhường chỗ cho người khác.

Cũng không nên thành kiến, chê bai những người vì muốn giữ mình “trong veo” đã khiến cho người thân gặp điều phiền muộn.

Vấn đề là hiện nay, bộ phận “trong veo” có hùng hậu, có đủ mạnh để chống lại bộ phận “xanh lè” (vì cố tình hoặc “trót” nhúng chàm)?

“Trả lời phỏng vấn về phòng, chống tham nhũng tại buổi họp báo sau khi bế mạc Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nói: “Tôi khẳng định đây là cuộc đấu tranh còn lâu dài, gian khổ quyết liệt. Vừa qua mới hạn chế nó, ngăn ngừa nó một bước thôi. Còn tiền, còn chức, còn quyền, người ta không tu dưỡng được thì còn xảy ra tham nhũng”. [3]

Trong các lập luận người ta hay nói đến điều kiện cần và đủ, điều kiện cần là một trong những yếu tố để đạt được mục đích nào đó, điều kiện đủ thì hội tụ nhiều yếu tố, khi hội tụ đủ các yếu tố đó thì sẽ đạt được kết quả.

Từ phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có thể dựa vào định nghĩa về điều kiện cần và đủ để cho rằng điều kiện cần cho tham nhũng là “có quyền” còn điều kiện đủ là “có chức, có tiền và không tu dưỡng được”.

Có một “bộ phận nho nhỏ” cán bộ, công chức không thuộc diện “trong veo” bởi được ấp nở và ươm trồng ở “ao ta” và với họ “dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn”!

Để hiểu về đặc sản “ao ta”, đành phải dẫn giải lòng vòng một chút những gì diễn ra tại một tỉnh cách không xa Hà Nội.

Năm 2012, báo Tuoitre.vn trong bài “Cảnh cáo hai chủ tịch UBND tỉnh” dẫn kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với ông Bùi Thanh Quyến – Bí thư tỉnh Hải Dương như sau:

“Ông Bùi Thanh Quyến cần rút kinh nghiệm và tự phê bình nghiêm túc việc chưa thường xuyên khuyên bảo, giáo dục con trai tự giác, gương mẫu chấp hành đầy đủ các quy định của Luật đất đai; chưa dứt khoát trong việc để con trai mua và sử dụng đất ở Ninh Thành, Ninh Giang, trong đó có một số khâu chưa đảm bảo đầy đủ các quy định, thủ tục gây dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và Đảng bộ”. [4]

Năm 2015, báo điện tử Vtc.vn có bài: “Vì sao Bí thư Hải Dương 'thoát' vụ bị tố cáo bằng cấp năm 2015?”. Bài báo cho biết:

“Ông Nguyễn Mạnh Hiển (Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương – NV) từng bị nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Nội chính Tỉnh uỷ Hải Dương tố cáo sử dụng bằng cấp không hợp pháp, tuy nhiên sự việc sau đó bị quên lãng”.

Bài báo còn dẫn lời người tố cáo: “Tôi nghĩ rằng lúc bấy giờ Bí thư Tỉnh uỷ Bùi Thanh Quyến cũng bao che việc ấy”. [5]

Cũng vẫn Vtc.vn viết: “Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho biết trước Đại hội Đảng XII ông đã có ý kiến đến các cơ quan chức năng về bằng cấp của ông Nguyễn Mạnh Hiển nhưng không được xem xét thấu đáo”. [6]

Chuyện xảy ra trong năm 2022 với dàn lãnh đạo Hải Dương còn “hoành tráng” hơn rất nhiều so với những năm trước.

Cơ quan điều tra đã bắt tạm giam ông Phạm Xuân Thăng - nguyên bí thư Tỉnh ủy và ông Phạm Mạnh Cường - nguyên Giám đốc Sở Y tế Hải Dương để điều tra những sai phạm liên quan đến vụ Công ty Việt Á "thổi giá" kit xét nghiệm COVID-19.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký các quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Xóa tư cách Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Dương Thái; Khiển trách đối với ông Lương Văn Cầu, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2016-2021; Khiển trách đối với ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2021 - 2026 do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về đảng.

Phải chăng chuyện xảy ra năm 2022 ở Hải Dương được “di truyền” từ năm 2012 và phải chăng sự “trong veo” nhưng đơn thương độc mã của ông Phó trưởng Ban thường trực Ban Nội chính Tỉnh uỷ Hải Dương sẽ chẳng mang lại kết quả gì?

Câu chuyện trả đất dịch vụ cho người dân huyện Mê Linh sau đúng một phần tư thế kỷ vẫn chưa đến hồi kết nhưng người dân có thể tin tưởng Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội bởi với ông Trần sĩ Thanh “Hà Nội không vội được đâu” đã là chuyện của dĩ vãng./.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoducthoidai.vn/co-nhan-day-nuoc-qua-trong-thi-khong-co-ca-nguoi-tot-qua-thi-khong-ai-choi-post402777.html

[2]https://tuoitre.vn/chu-tich-ha-noi-tran-sy-thanh-minh-cu-trong-veo-thi-so-gi-20221116140826789.htm

[3] http://tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/phong-chong-tham-nhung-cuoc-chien-khong-ngung-nghi/17468.html

[4] https://tuoitre.vn/canh-cao-hai-chu-tich-ubnd-tinh-521201.htm

[5] https://vtc.vn/vi-sao-bi-thu-hai-duong-thoat-vu-bi-to-cao-ve-bang-cap-nam-2015-ar352522.html

[6] https://vtc.vn/nguyen-tong-bi-thu-le-kha-phieu-toi-tung-co-y-kien-bang-cap-bi-thu-hai-duong-nguyen-manh-hien-ar353171.html

Xuân Dương