Triển khai CTGDPT 2018: Địa phương thiếu GV, thiết bị dạy học chưa đồng bộ

01/06/2023 06:42
Huệ Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo ĐBQH Nguyễn Quốc Luận, các địa phương đang thiếu GV dạy theo CT mới, nguồn tuyển rất khó khăn; các trang thiết bị phục vụ cho việc dạy học chưa đồng bộ.

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, chiều ngày 31/5, Quốc hội thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Thiếu trang thiết bị, giáo viên giảng dạy theo chương trình mới

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái bày tỏ sự nhất trí với Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội ở trong nước thời gian qua và các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra trong thời gian tới.

Thứ nhất, về thu hút đầu tư, Đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Chính phủ có chính sách thu hút đầu tư, cải cách hành chính cho việc đầu tư ở khu vực khó khăn.

Thứ hai về việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Để thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo toàn ngành giáo dục triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chương trình có những mặt còn khó khăn, hạn chế, chưa đáp ứng được như kỳ vọng, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái. Ảnh: quochoi.vn.

Việc các trường tổ chức dạy học theo các tổ hợp lựa chọn không giống nhau đã khiến cho nhiều học sinh gặp khó khăn khi chuyển trường do quy định phải có tổ hợp tương thích giữa trường mới và trường cũ.

Số lượng giáo viên trên địa bàn các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn thiếu nhiều so với định mức, đặc biệt là giáo viên các môn Tin học, ngoại ngữ, nghệ thuật, trong khi nguồn tuyển rất khó khăn; các trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học chưa đồng bộ, chưa đầy đủ một số quy định hướng dẫn còn chưa rõ ràng, gây khó khăn cho nhà trường và học sinh trong thực hiện.

Do vậy, tôi đề nghị trong thời gian trước mắt, để đáp ứng đủ giáo viên thì cho phép các địa phương được tuyển dụng giáo viên các môn Tin học và tiếng Anh dạy cấp Tiểu học có trình độ đào tạo đạt chuẩn giai đoạn trước. Các địa phương sẽ có lộ trình đào tạo, bồi dưỡng để đến năm 2030 đội ngũ giáo viên này bảo đảm đạt chuẩn theo quy định.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trường thuộc xã trong lộ trình công nhận đạt chuẩn nông thôn mới để đảm bảo các điều kiện triển khai thực hiện chương trình.

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, bổ sung đầy đủ các quy định, hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, nhà trường và học sinh trong triển khai thực hiện chương trình, đảm bảo hiệu quả, dễ thực hiện.

Thứ ba, về việc triển khai triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, theo báo cáo của Chính phủ, việc triển khai một số chính sách của 3 chương trình còn chậm, chưa đạt yêu cầu, không chắc chắn tiến độ đề ra. Theo đại biểu, nguyên nhân là một số quy định, hướng dẫn của các Bộ, ngành chưa kịp thời, chưa đủ kế hoạch vốn sự nghiệp cho cả giai đoạn 2021-2025 của các chương trình chưa được Thủ tướng Chính phủ giao, dẫn đến khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện giao vốn hàng năm có mặt chưa hợp lý.

Do vậy, Đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương rà soát, xem xét sớm ban hành đầy đủ các hướng dẫn, định mức hỗ trợ và các quy định cụ thể về tổ chức phát triển khai triển các chương trình.

Cần quan tâm hơn đến giáo dục nghề nghiệp, gỡ “nút thắt” đào tạo văn hóa

Phát biểu thảo luận, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho biết: “Vừa đầu tháng 5 này, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 21 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thu hút từ 50-55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Là một người đang công tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tôi thấy mục tiêu này có nguy cơ khó thực hiện nếu vấn đề về “nút thắt” trong việc quy định về đào tạo văn hóa trung học phổ thông cho học sinh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được tháo gỡ.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. Ảnh: quochoi.vn.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. Ảnh: quochoi.vn.

Từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến việc hướng nghiệp, phân luồng, liên thông và phát triển giáo dục nghề nghiệp, một trong những chính sách đó là tổ chức cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vừa học nghề, vừa học văn hóa trung học phổ thông theo hình thức giáo dục thường xuyên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Vấn đề này cũng đã được quy định cụ thể trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2019 trở về trước, đã có gần 300 trường trung cấp, cao đẳng vừa tổ chức dạy nghề, vừa dạy chương trình văn hóa trung học phổ thông theo hình thức giáo dục thường xuyên cho học sinh học nghề ngay tại trường. Mỗi năm, hệ thống giáo dục nghề nghiệp giảng dạy cho khoảng 350.000 học sinh, góp phần đẩy mạnh phân luồng người học sau trung học cơ sở vào giáo dục nghề nghiệp”.

Tuy nhiên, theo nữ đại biểu, từ năm 2020, hoạt động này tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã bị dừng lại và tôi cũng đã có ý kiến gửi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo và gửi tới Thủ tướng Chính phủ để giải quyết dứt điểm việc này và vấn đề này cũng đã được đưa vào Nghị quyết chất vấn tại Quốc hội khóa XIV nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành Thông tư 15, trong đó hướng dẫn việc dạy khối lượng văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tuy nhiên cũng chưa giải quyết được vấn đề, chưa tháo gỡ được “nút thắt” này.

Đại biểu Thu Dung lý giải: “Do là thông tư này chỉ quy định là cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dạy 4 môn văn hóa mà không phải là dạy 7 môn để các học sinh học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia được vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, cũng như có điều kiện để thi tiếp lên đại học sau khi học chương trình trung cấp và cao đẳng.

Rất nhiều học sinh đã không chọn vừa học nghề vừa học trung học phổ thông tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bởi có sự khó khăn trong việc đi học, sự phối hợp giữa 2 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trung tâm giáo dục thường xuyên không được thuận lợi.

Chuyện “sáng đi học nghề, chiều học kiến thức của phổ thông” nên cũng rất khó khăn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi rất khó khăn cho các em, nên tỉ lệ tuyển sinh của khối cơ sở giáo dục nghề nghiệp giảm hẳn đối với đối tượng sau tốt nghiệp trung học cơ sở. Theo báo cáo, hiện nay có 31,8 nghìn người lao động chưa qua đào tạo sơ cấp và chỉ một biến động của nền kinh tế.

Ví dụ như sau đợt dịch Covid-19 vừa qua, đã có 2 triệu người lao động rời khỏi thị trường lao động, trong đó, phần lớn là các lao động phổ thông không qua đào tạo. Đó là những con số rất đáng chú ý và cũng ảnh hưởng. Vì thế, sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu của Chỉ thị 21 đề ra là thu hút 50 - 55% học sinh phổ thông vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.

“Chính vì vậy, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo dứt điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định dạy văn hóa trung học phổ thông là hình thức giáo dục thường xuyên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bởi các lý do: Trước đây, từ năm 2019, rất nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện và đã có kết quả như đã báo cáo ở trên. Hiện nay cơ sở vật chất, giảng viên, các chương trình các cơ sở này vẫn tiếp tục được phát triển. Tuy nhiên, do việc chỉ đạo phối hợp với cơ sở giáo dục thường xuyên sẽ gây khó khăn nên người học không chọn...” - nữ đại biểu nhấn mạnh.

Kiến nghị miễn học phí, tiền ăn trưa cho trẻ mầm non vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn

Quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, Đại biểu Hà Ánh Phượng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện nay trẻ mẫu giáo 3-6 tuổi ở các xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn đang được hỗ trợ tiền ăn trưa và miễn học phí theo quy định. Tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP và được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Tuy nhiên, đối trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ ở khu vực này vẫn phải đóng 100% học phí và không được hỗ trợ ăn trưa.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nữ đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét có chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ tiền ăn trưa cho tất cả trẻ em trong độ tuổi mầm non ở các xác đặc biệt khó khăn để cha mẹ các em yên tâm sản xuất, ổn định đời sống.

Tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long phát biểu ý kiến về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em: “Mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt và ban hành nhiều chương trình mục tiêu phòng chống xâm hại, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp và các địa phương cũng đã tăng cường nhiều biện pháp phối hợp thực hiện, nhưng có thể nói thời gian qua, số vụ xâm hại trẻ em, số trẻ em bị xâm hại, số trẻ em bị tai nạn thương tích vẫn còn nhiều.

Trong đó, theo thống kê của cơ quan chức năng, đuối nước là nguyên nhân thứ hai ở trẻ em nhóm từ 5-14 tuổi, trung bình mỗi ngày có 6-7 trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước... Chỉ với một vài từ khóa liên quan đến đuối nước tìm kiếm từ công cụ Google đã có thể đưa ra hàng ngàn, hàng triệu kết quả liên quan. Có những lý do dây ra đuối nước khiến không ít người phải bất ngờ...

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: quochoi.vn.

Đồng tình với các báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Chính phủ đã có xác định rõ “điểm nghẽn” này trong công tác bảo vệ trẻ em nhưng chưa nêu lên những nguyên nhân chính của thực trạng trên và chưa có giải pháp căn cơ để kéo giảm vấn nạn này”.

“Do đó, đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành có liên quan tiếp tục xem xét, đánh giá đúng thực trạng, triển khai thực thi chính sách pháp luật cũng như kiểm điểm vai trò trách nhiệm của tùng Bộ ngành có liên quan trong công tác phối hợp chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Đặc biệt, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về chăm sóc, giáo dục trẻ em theo hướng toàn diện, đa ngành, đa lĩnh vực và huy động được sự tham gia của cộng đồng, sự hỗ trợ nguồn lực kỹ thuật của các tổ chức quốc tế trong chương trình phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước ở trẻ em, để đảm bảo an toàn tính mạng trẻ em trên cả nước” - nữ đại biểu cho biết.

Huệ Phương