Trẻ dễ sang chấn tâm lí vì bị nhốt quá lâu trong nhà

18/11/2021 06:31
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Việc hạn chế tương tác và để trẻ chơi một mình, chỉ chơi với đồ vật sẽ là một sự thiếu hụt rất lớn trong quá trình phát triển của trẻ về mặt ngôn ngữ, nhận thức.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, trẻ em phải tạm ngừng đến trường, nhiều địa phương chuyển từ hình thức học trực tiếp sang học trực tuyến. Suốt một thời gian dài, học sinh bị nhốt trong nhà, không được giao tiếp, gặp gỡ bạn bè, thiếu tương tác với thầy giáo, cô giáo, ít vận động, nhiều cha mẹ học sinh lo lắng con em mình gặp các vấn đề về tâm lý.

Theo các chuyên gia, việc hạn chế hoạt động, hạn chế tiếp xúc, tương tác với người xung quanh dẫn đến trẻ giảm khả năng tự phục vụ, thích ứng, nhận thức cũng như vốn ngôn ngữ. Trong khi đó, cha mẹ lại quá bận, nhiều người đi làm về thấy con đã được người giúp việc, ông bà cho ăn, vệ sinh cá nhân xong thì yên tâm nghỉ ngơi, ít chơi đùa, trò chuyện hay ẵm bồng… khiến bé cảm thấy khoảng cách xa dần.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Thầy Nam cho biết: “Bị nhốt ở nhà quá lâu vì dịch, trẻ từ 3 đến 6 tuổi tiếp cận thiết bị điện tử nhiều dễ dẫn đến các hành vi thái quá; Trẻ 6 đến 12 tuổi sử dụng thiết bị điện tử nhiều cũng dễ có cảm xúc tiêu cực.

Việc hạn chế tương tác và để trẻ chơi một mình, chỉ chơi thuần với đồ vật sẽ là một sự thiếu hụt rất lớn trong quá trình phát triển của con về mặt ngôn ngữ, nhận thức và xã hội hóa. Thêm vào đó, đây cũng là giai đoạn phát triển vận động nên nếu trẻ bị hạn chế trong phạm vi hẹp, ít chạy nhảy, năng lượng không được giải phóng sẽ tạo thành những bức bối, khó chịu, căng thẳng.

Hơn một năm ở nhà và quá nhiều xáo trộn làm bào mòn sức khỏe tâm lý của trẻ. Đại dịch Covid-19 bùng phát buộc phải giãn cách xã hội đã gây ra sự cô lập xã hội, mất việc làm, bất ổn kinh tế. Đồng thời, tạo ra nỗi sợ hãi cao độ về nguy cơ bị lây nhiễm virus, làm gia tăng những hành vi bạo lực trong các gia đình mà có thể học sinh là nạn nhân hoặc người chứng kiến. Các em có nguy cơ bị tổn thương sức khỏe do phải đối diện quãng thời gian dài mắc kẹt trong không gian chật chội, bạo lực gia đình,…

Không những thế, việc bị mắc kẹt ở nhà, bị giới hạn khỏi những hoạt động thường ngày khiến các em làm bạn nhiều hơn với các thiết bị công nghệ. Hệ quả là tỉ lệ các em bị quấy rối, bắt nạt, tiếp xúc với các nội dung xấu độc trên mạng bao gồm cả bạo lực càng nhiều hơn. Đặc biệt, phải thay đổi những thói quen, hạn chế hoạt động trong bình thường mới cũng khiến trẻ tăng cảm giác bất an dẫn đến phản ứng cáu kỉnh, nóng giận với bạn bè”.

Trẻ em dễ bị tổn thương sức khỏe tâm thần

Thầy Nam nói: “Tỉ lệ tổn thương sức khỏe tâm thần của trẻ trong đại dịch là phổ biến, gây ra những hậu quả cụ thể về mặt cảm xúc, trong đó độ tuổi từ 15 đến18 có triệu chứng lo âu, trầm cảm cao hơn hẳn so với các nhóm tuổi khác. Thời điểm lo lắng nhất của trẻ là khoảng sau 6 tuần giãn cách, một số trẻ có hành vi tự hại bản thân, nhiều trẻ có xu hướng nghịch ngợm, hung hăng, phá vỡ mọi nội quy, nề nếp.

Trẻ căng thẳng thường có dấu hiệu như dễ khóc, dễ thay đổi tâm trạng, hay lo lắng, buồn bã, mệt mỏi, không muốn tham gia các hoạt động trước đó từng yêu thích, hay nói “Hãy để con yên”… nhiều trẻ sợ hãi đến mất kiểm soát, chán ăn, thường xuyên gặp ác mộng, khó tập trung, chán nản, thờ ơ với mọi việc.

Theo thống kê của Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (111) (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tính từ tháng 7/2020 đến tháng 7/2021, số cuộc gọi đến Tổng đài đã vượt mốc 500.000 cuộc, tăng 20.000 cuộc gọi/tháng. Trong số những cuộc gọi tư vấn liên quan đến các vấn đề của trẻ em, một nội dung đáng chú ý, đó là việc học trực tuyến kèm theo thời gian tham gia Internet kéo dài có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe tâm thần và cả thể chất của trẻ em”.

Thầy Nam nhận định: “Với nhiều trẻ có thể trở nên quá sợ hãi và lo lắng khi đối mặt với những thông tin hoặc tình huống nghiêm trọng, từ đó gây nguy hiểm sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em. Cha mẹ hãy cố gắng trò chuyện một cách bình tĩnh và giải thích sự việc một cách rõ ràng với ngôn ngữ dễ hiểu. Cũng cần hiểu rằng thái độ và cảm xúc của cha mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến con cái của họ.

Cha mẹ hãy để tâm nhận biết những thay đổi nhỏ ở trẻ em thể hiện sự lo lắng và đau khổ về tinh thần, nên hạn chế cho con nghe tin hoặc xem thông tin về Covid-19. Hãy khuyến khích trẻ chú ý đến những sự kiện tích cực dù là nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày của trẻ, chẳng hạn như có một bữa ăn ngon hoặc mặc quần áo yêu thích của trẻ…. Ngoài ra, trẻ có thể phát triển những thành kiến đối với những người đến từ khu vực bị phong tỏa và người dương tính. Hãy nói cho trẻ biết rằng mọi người nhiễm Covid-19 không phải là người xấu và bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm.

Phụ huynh cần nhận ra những biểu hiện sớm của trẻ khi bị tổn thương tâm lý, tinh thần. Cụ thể, trẻ lo lắng phần lớn thời gian trong ngày, cảm thấy không ai hiểu mình, không thể ngủ hoặc ngủ chập chờn, tỉnh dậy giữa đêm và không thể đi ngủ lại được.

Đặc biệt, trẻ có biểu hiện không muốn nói chuyện, không muốn chia sẻ với thành viên gia đình; không cư xử đúng mực với các thành viên khi ở nhà; than phiền đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi mà không có nguyên nhân cụ thể, luôn thấy bức bối và dễ cáu, từ chối không liên lạc với bạn bè.

Nhận ra các biểu hiện này, cha mẹ hãy giúp con cân bằng thể chất, cảm xúc, xã hội và nhận thức. Cần duy trì một lịch tập luyện đều đặn, ăn uống khoa học đủ dinh dưỡng, vệ sinh giấc ngủ... Hãy để trẻ làm những thứ cảm thấy thích thú, tận hưởng, thực hành một thói quen thư giãn phù hợp, tự khích lệ bản thân, rèn luyện sự biết ơn hoặc hành động để trao đi yêu thương”.

Trẻ em phải được ra ngoài môi trường, được đến trường học, chơi đùa với các bạn cùng trang lứa sẽ rất tốt cho sự phát triển cả thể chất lẫn tâm hồn. Ảnh minh họa: T.D.
Trẻ em phải được ra ngoài môi trường, được đến trường học, chơi đùa với các bạn cùng trang lứa sẽ rất tốt cho sự phát triển cả thể chất lẫn tâm hồn. Ảnh minh họa: T.D.

Mọi đối tượng đều bị ảnh hưởng

Thầy Nam cho biết:Đại dịch kéo dài đã khiến nhiều người đuối sức. Nỗi lo lắng và cảm giác bất lực ngày càng lớn cùng với áp lực cơm áo gạo tiền, áp lực công việc thời giãn cách, áp lực chăm sóc con cái, bối cảnh sự bất định về tương lai ngày càng lớn, mất kết nối thực người với người, mất cảm giác về thời gian trôi đi, lo lắng về những mầm bệnh biến thể đang có trong cộng đồng.

Ngoài ra sự sợ hãi về thiếu hụt các nhu cầu cơ bản như lương thực, kinh tế, mất việc làm,… đã bào mòn sức chịu đựng khiến chúng ta rơi vào tình trạng mất kiểm soát cảm xúc và mất kiểm soát hành vi, nên lơ là các trách nhiệm gia đình hay nhiệm vụ công việc, có thể rơi vào mặc cảm tội lỗi xấu hổ khi đã không hoàn thành những việc phải làm...

Nhiều người có thể rơi vào trạng thái đau khổ về tinh thần, lo âu hoặc trầm cảm như: Lo lắng cả ngày, cảm thấy không ai hiểu mình, không thể ngủ vì quá lo lắng, không muốn chia sẻ với thành viên gia đình nữa, không biết nên cư xử thế nào khi ở nhà, cảm thấy bức bối và dễ cáu, không liên lạc với bạn bè… Đây cũng là một loại sang chấn tâm lý nặng nề có thể dẫn đến hoảng loạn. Ở một số người, nó còn có thể dẫn đến một số phản ứng tâm lý có biểu hiện thể giống như triệu chứng của nhiễm Covid-19, khiến họ trở nên khủng hoảng hơn dẫn đến những hành vi bùng nổ, thiếu kiểm soát.

Trước thực tế có những phụ huynh rất bức xúc khi hỗ trợ con học trực tuyến, nhất là đối với trẻ em năm nay vào lớp 1, theo thầy Nam: “Cha mẹ muốn đồng hành với con cái thì phải khỏe. Có nghĩa, cha mẹ phải biết được những kiến thức về chăm sóc sức khỏe tâm thần nói chung, để đầu tiên chăm sóc cho bản thân và sau đó là chăm sóc cho con.

Phụ huynh cần biết cập nhật cho mình một số kiến thức làm cha mẹ tích cực ở trong bối cảnh này ở cách thức kiểm soát sự giận dữ, cách thức phát hiện “điểm sôi cảm xúc” của mình và phải phòng ngừa “điểm sôi cảm xúc” đó bằng cách giữ khoảng cách với con.

Cha mẹ đứng trước hành vi sai của con thì phải ứng xử cho phù hợp bằng cách đi ra một không gian khác, phòng khác. Thậm chí, cha mẹ tự cắn vào môi, cắn nhẹ vào lưỡi cảm thấy hơi bị đau một chút để xao nhãng cảm xúc tức giận. Và sẽ hiểu rằng sau cảm xúc tức giận đấy nó là cái gì và mình có đang bị mất cân bằng hay không. Nếu trong điều kiện cha mẹ mất cân bằng thì hãy cách ly ra khỏi những người dễ tổn thương như trẻ em để tránh gây ra bạo lực”.

Tùng Dương