TP.HCM yêu cầu các trường tiểu học không dạy thêm trong nhà trường

09/10/2022 06:46
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các trường tiểu học không để tình trạng dạy thêm học thêm diễn ra trong trường.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố thông báo 3717/TB-SGDĐT, về kết luận của Phó Giám đốc Nguyễn Bảo Quốc tại Hội nghị góp ý kế hoạch giáo dục nhà trường, thực hiện các giải pháp dạy học môn tiếng Anh, Tin học đối với lớp 3.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các trường tiểu học chủ động xây dựng kế hoạch chương trình nhà trường trong và sau giờ học chính khóa. Trong đó, khuyến khích nhà trường căn cứ vào nhu cầu, sở thích của học sinh, tổ chức các hoạt động dưới hình thức câu lạc bộ, tổ chức phụ đạo cho học sinh.

Về tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống, câu lạc bộ, hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khóa cần được thực hiện theo các hướng dẫn, quy định của tài chính, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền cấp phép, xác nhận và cần nhận được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh, trên tinh thần tự nguyện.

Ông Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh, các trường có thể tổ chức các câu lạc bộ phát triển kỹ năng, phân công giáo viên dạy phù hợp với chuyên môn và kế hoạch. Xây dựng nội dung hướng đến mục tiêu đặt ra cho từng câu lạc bộ, thường xuyên kiểm tra nội dung dạy học, đảm bảo đúng quy định, không để tình trạng dạy thêm học thêm trong nhà trường diễn ra.

Về hoạt động ngoài giờ học chính khóa, ông Nguyễn Bảo Quốc lưu ý, khi xây dựng chương trình, nhà trường phải đặt tiêu chí đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh và giáo viên, nhân viên.

Học sinh tiểu học Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh có tính minh họa: P.L)

Học sinh tiểu học Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh có tính minh họa: P.L)

Rà soát kỹ phương án đảm bảo an toàn, thực hiện tiền trạm địa điểm tổ chức trước khi xây dựng các phương án.

Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận huyện tăng cường quản lý những hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động ngoài giờ lên lớp, rà soát lại câu lạc bộ trong và sau giờ học của các đơn vị đang thực hiện.

Việc xây dựng kế hoạch dạy môn học, hoạt động giáo dục, ông Nguyễn Bảo Quốc đề nghị giáo viên chủ động nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa các nội dung có liên quan, tìm hiểu đặc điểm của học sinh để lên kế hoạch dạy học phù hợp.

Kế hoạch dạy học cần có màu sắc riêng, tránh áp dụng cứng nhắc các nội dung được tác giả sách giáo khoa gợi ý.

Phó Giám đốc Sở này nhấn mạnh, dựa vào đối tượng học sinh, điều kiện thực tiễn địa phương, tổ chuyên môn nhà trường cần xác định những chủ đề/bài học có nội dung cần điều chỉnh, bổ sung.

Khuyến khích chọn các nội dung phù hợp, thực hiện tích hợp, bổ sung, xây dựng chủ đề dạy học vào kế hoạch dạy học môn học, hoạt động giáo dục.

Với nội dung giảng dạy tiếng Anh, tin học cho học sinh lớp 3, Sở yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục thực hiện việc rà soát các trường, điểm trường, lớp không đủ điều kiện dạy học tiếng Anh, Tin học để kết hợp cả việc dạy học trực tuyến và trực tiếp, tổ chức lớp học ảo để tăng thêm điều kiện tiếp cận kiến thức cho học sinh.

Ngoài ra, trường bố trí đội ngũ giáo viên cốt cán có năng lực dạy học trực tuyến hỗ trợ đơn vị chưa đủ điều kiện để thực hiện, sắp xếp thời khóa biểu khoa học để thực hiện phương án giáo viên dạy liên trường, dạy tại nhiều điểm trường.

Nhà trường bố trí giáo viên có mặt trực tiếp tại các lớp học để quan sát, hỗ trợ, hướng dẫn và phối hợp đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Sở cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát số máy tính còn thiếu, xây dựng kế hoạch và chủ động tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân các quận huyện và thành phố Thủ Đức trang bị để có đủ máy tính, thiết bị dạy học cho học sinh.

Các trường cần sắp xếp thời khóa biểu linh hoạt, phù hợp, đảm bảo 100% học sinh lớp 3 được học tiếng Anh, Tin học theo đúng quy định.

Khuyến khích ứng dụng mô hình 3D vào giảng dạy và nghiên cứu, sử dụng hệ thống LMS để tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh/nhóm học sinh trên hệ thống khi tổ chức các hoạt động trong và ngoài lớp học.

Việt Dũng