Tổ chức quản trị trường ĐH cần thay đổi để thúc đẩy sáng tạo và khởi nghiệp

17/04/2023 06:37
TS. Hoàng Ngọc Vinh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Cơ cấu hội đồng trường của trường đại học sáng tạo và khởi nghiệp có thể khác với cơ cấu của một trường đại học truyền thống.

Trong bối cảnh của đổi mới khoa học công nghệ và sự thúc ép của kinh tế thị trường đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải cạnh tranh để giành nguồn lực cho sự phát triển bền vững bằng những hoạt động tạo ra sản phẩm dịch vụ cho xã hội, vì thế sứ mệnh của các cơ sở giáo dục đại học cũng cần được điều chỉnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng

Ảnh minh họa. Nguồn: Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng

Việc điều chỉnh sứ mệnh cũng nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả của một trường đại học, tạo nên sự thay đổi trên nhiều bình diện. Muốn trở thành mô hình mới rõ ràng trường đại học cần thay đổi thói quen, tư duy truyền thống có phần giáo điều để đi đến tầm nhìn, thói quen mới cho tương lai.

Một trường đại học như vậy phải thấm nhuần văn hóa đổi mới - sao cho đổi mới là thói quen, là văn hóa như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: "Đổi mới là văn hóa, văn hóa là đổi mới”. Văn hóa đó đánh giá cao sự đổi mới và sáng tạo, đồng thời khuyến khích sinh viên và giảng viên chấp nhận rủi ro, khám phá những ý tưởng mới với suy nghĩ vượt trội. Nhà trường cần nuôi dưỡng tư duy khởi nghiệp trong sinh viên và giảng viên, dạy họ cách xác định cơ hội, giải quyết vấn đề, tạo ra giá trị thông qua đổi mới. Điều này thường khá xa lạ với cung cách quản trị của nhiều trường đại học ở nước ta.

Có đường lối, có chiến lược, nhà trường cũng cần có cơ chế để cho sinh viên và giảng viên được quyền tiếp cận các nguồn lực như tài trợ, cố vấn bên ngoài trường, cơ hội kết nối hợp tác với bên ngoài, sử dụng cơ sở vật chất để tạo mẫu và thử nghiệm các ý tưởng mới. Như vậy nhiều quy định về quản lý công sản rất cần được xem xét để nâng cao hệ số sử dụng thiết bị và phòng lab.

Ngoài ra cần các yếu tố như tạo môi trường học tập thúc đẩy hợp tác, khuyến khích giảng viên và sinh viên cùng làm việc, cung cấp cho sinh viên cơ hội tiếp cận với kinh nghiệm thực tế, chuyên môn và cơ hội hợp tác cố vấn khởi nghiệp, tạo vườn ươm khởi nghiệp. Đặc biệt cần cung cấp các chương trình, giảng dạy về khởi nghiệp nhằm cung cấp cho sinh viên những kỹ năng, kiến thức cần thiết để thành công trong hệ sinh thái khởi nghiệp, bao gồm lập kế hoạch kinh doanh, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm và gây quỹ.

Những điều kiện thiết yếu

Những nội dung nêu trên nói lên đặc điểm của trường đại học đổi mới sáng tạo. Để có thể phát triển mô hình này, cần trước hết ở nguồn lực con người. Đó là đội ngũ lãnh đạo đủ mạnh, cam kết thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; sẵn sàng đầu tư nguồn lực cho các hoạt động này. Đó cũng là một đội ngũ giảng viên được khuyến khích theo đuổi các phương pháp giảng dạy, nghiên cứu đổi mới, đồng thời cần được cung cấp các nguồn lực và hỗ trợ mà họ cần để thực hiện điều đó.

Đổi mới, khởi nghiệp cần có kinh phí để hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và các dự án kinh doanh mới. Trường đại học cần cung cấp kinh phí, nguồn lực cho các hoạt động này, thông qua các nguồn nội bộ hoặc quan hệ đối tác bên ngoài. Với sản phẩm khoa học công nghệ mang tính tích hợp của nhiều ngành khoa học đòi hỏi cần có văn hóa hợp tác giữa các khoa, bộ môn trong trường. Chú trọng nghiên cứu phát triển qua việc ưu tiên các hoạt động có tiềm năng tạo ra những đổi mới và cơ hội kinh doanh.

Đổi mới cơ chế, cấu trúc tổ chức là điều kiện quan trọng cho mô hình phát triển

Để có mô hình mới, những cơ chế cũ cần được thay đổi cho phù hợp. Ví dụ như cơ chế pháp lý cho phép thành lập pháp nhân mới như công ty hoặc tổ chức phi lợi nhuận trong trường. Hay việc đưa tinh thần khởi nghiệp vào tuyên bố sứ mệnh của trường đại học có thể giúp thiết lập, cam kết thúc đẩy đổi mới và tinh thần kinh doanh.

Trường đại học có thể thành lập trung tâm chuyên trách về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Trung tâm này giúp điều phối, hỗ trợ các hoạt động của trường đại học liên quan đến đổi mới, khởi nghiệp. Những vấn đề về bảo hộ quyền sở hữu cho những đổi mới sáng tạo do giảng viên và sinh viên thực hiện cần được quy định. Cơ chế thúc đẩy thiết lập quan hệ đối tác với các ngành công nghiệp, Chính phủ, các tổ chức khác để cung cấp vốn, cố vấn và các nguồn lực khác để hỗ trợ đổi mới, khởi nghiệp cần được hình thành.

Chính phủ có vai trò quan trọng trong quá trình này thông qua việc tài trợ kinh phí để hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, phát triển thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ có thể xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo và khởi nghiệp, chẳng hạn như ưu đãi thuế, tài trợ, cho vay lãi suất thấp. Cần tạo ra một môi trường pháp lý hỗ trợ sự phát triển của các ngành đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Các trường đại học có vai trò chủ thể trong việc xây dựng mô hình đổi mới sáng tạo. Mỗi trường rất cần phát triển chương trình đào tạo, các khóa học chuyên sâu dạy cho sinh viên những kỹ năng cần thiết để bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình hoặc làm việc trong các lĩnh vực sáng tạo. Cần cả những hoạt động R&D (Research and Development - nghiên cứu và phát triển), dịch vụ ươm tạo, tạo dựng quan hệ đối tác trong ngành để cung cấp cho sinh viên cơ hội trải nghiệm thực tế, qua đó áp dụng các kỹ năng của họ.

Ngoài ra, tổ chức bộ máy mô hình quản trị trường đại học cũng nên có những thay đổi chẳng hạn như hình thành các khoa liên ngành. Thay vì tổ chức các khoa theo ngành học truyền thống, một trường đại học đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp có thể có nhiều khoa liên ngành hơn, tập hợp các giảng viên và sinh viên từ các lĩnh vực khác nhau để làm việc trong các dự án đổi mới, khởi nghiệp. Đây là vấn đề rất cần được quan tâm hiện nay.

Tổ chức trường đại học có thể thay đổi, hình thành các trung tâm và viện - tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu, đổi mới, khởi nghiệp cụ thể; cung cấp các nguồn lực, hỗ trợ cho sinh viên, giảng viên để phát triển, khởi động các dự án kinh doanh mới.

Cơ cấu hội đồng trường của trường đại học sáng tạo và khởi nghiệp có thể khác với cơ cấu của một trường đại học truyền thống. Mặc dù các nguyên tắc quản trị cốt lõi vẫn giữ nguyên, nhưng có thể nhấn mạnh hơn vào đổi mới, tinh thần khởi nghiệp sáng tạo.

Theo kinh nghiệm quốc tế, hội đồng trường làm nhiệm vụ quản trị của một trường đại học sáng tạo và khởi nghiệp có thể bao gồm các cá nhân có kinh nghiệm và chuyên môn trong các lĩnh vực như kinh doanh, khởi nghiệp, tiếp thị, thiết kế và công nghệ. Những cá nhân này có thể mang lại một quan điểm độc đáo cho hội đồng trường, có thể giúp định hình tầm nhìn, phương hướng và chính sách của trường đại học.

Ngoài ra, hội đồng trường của một trường đại học sáng tạo và khởi nghiệp có thể tập trung hơn vào sự hợp tác, quan hệ đối tác với ngành công nghiệp, các bên liên quan khác. Điều này có thể liên quan đến việc tích cực tìm kiếm, làm việc với các doanh nghiệp, công ty mới thành lập và các tổ chức khác để cung cấp cho sinh viên cơ hội áp dụng kiến thức đã học, phát triển các kỹ năng kinh doanh. Hội đồng trường như vậy cũng cần linh hoạt hơn so với một trường đại học truyền thống, tập trung vào đổi mới và thử nghiệm.

Vai trò của các ngành kinh tế cũng không kém phần quan trọng trong việc hình thành đối tác, hợp tác, cung cấp các trải nghiệm thực tế, cung cấp lời khuyên, cố vấn, tài trợ vốn cho các R&D, tạo cơ hội để sản phẩm nghiên cứu ra thị trường. Ngành kinh tế là nơi cung cấp nhu cầu đổi mới sáng tạo cho các cơ sở giáo dục đại học.

TS. Hoàng Ngọc Vinh