Ứng dụng công nghệ Blockchain giúp ngăn chặn gian dối trong thi cử, tuyển sinh

22/10/2021 14:35
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ứng dụng công nghệ Blockchain trong công tác chấm thi tuyển sinh, quản lý sinh viên, đánh giá giảng viên sẽ tránh được gian dối, tiêu cực trong học tập, thi cử.

Cùng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ Blockchain đã và đang được nghiên cứu ứng dụng hết sức mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới ở hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, việc triển khai công nghệ Blockchain trong lĩnh vực giáo dục đào tạo dường như vẫn còn hạn chế, đặc biệt là ở Việt Nam.

Việc khai thác tiềm năng, ứng dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học cần phải được chú trọng thực hiện trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Thạc sĩ Thái Huy Ngọc – Trường Đại học Nguyễn Huệ đã khẳng định về vai trò của việc ứng dụng công nghệ Blockchain vào hỗ trợ quản lý giáo dục tại các trường đại học ở Việt Nam tại hội thảo khoa học quốc gia “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học” do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức ngày 22/10.

Thạc sĩ Thái Huy Ngọc – Trường Đại học Nguyễn Huệ chia sẻ tại hội thảo khoa học quốc gia: “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học”. (Ảnh: PM)

Thạc sĩ Thái Huy Ngọc – Trường Đại học Nguyễn Huệ chia sẻ tại hội thảo khoa học quốc gia: “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học”. (Ảnh: PM)

Theo Thạc sĩ Thái Huy Ngọc, công nghệ Blockchain có thể được nghiên cứu ứng dụng thử nghiệm nhằm hỗ trợ nhiều công việc quản lý cho các trường đại học.

Trước tiên, công nghệ Blockchain cần được ứng dụng để hỗ trợ công tác chấm thi tuyển sinh đầu vào cho các trường đại học. Có thể nói đây là một trong các yếu tố tiền đề ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng đào tạo cũng như thương hiệu của mỗi trường.

Hiện nay, việc tuyển sinh đầu vào của các trường đa phần dựa trên kết quả của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Tuy nhiên, ngoài những ưu điểm đã được xã hội thừa nhận thì độ tin cậy, tính công bằng do kỳ thi này mang lại vẫn còn là một dấu hỏi khi mà đâu đó vẫn còn tình trạng chỉnh sửa điểm thi của các thí sinh.

Để khắc phục tình trạng này, công nghệ Blockchain nên được triển khai để hỗ trợ công tác chấm thi cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, dựa trên nền tảng cũng như cơ chế hoạt động của cơ công nghệ Blockchain, tất cả các công đoạn của công tác chấm thi đều được công khai và chịu sự giám sát chặt chẽ của tất cả các bên liên quan.

Nhờ vậy, việc tự ý chỉnh sửa dữ liệu là gần như không thể xảy ra. Điều này sẽ góp phần mang lại sự công bằng cho tất cả các thí sinh cũng như sự tin tưởng về chất lượng tuyển sinh đầu vào cho các trường đại học.

Thứ hai, đối với công tác quản lý dữ liệu sinh viên, ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản lý toàn bộ dữ liệu sinh viên bao gồm văn bằng, chứng chỉ, bảng điểm,... sẽ đảm bảo công khai minh bạch cho tất cả các bên liên quan, gồm sinh viên, giảng viên cũng như cho các phòng, ban chức năng của cơ sở đào tạo.

Nhờ cơ chế bảo vệ dữ liệu của công nghệ Blockchain nên việc tự ý chỉnh sửa điểm của sinh viên là gần như không thể xảy ra.

Cuối cùng, cách thức quản lý này sẽ mang đến nhiều sự thuận lợi cho sinh viên cũng như các nhà tuyển dụng. Cụ thể, sinh viên nhất thiết phải nộp bản công chứng của các văn bằng, chứng chỉ, bảng điểm cá nhân cho các nhà tuyển dụng mà đơn giản họ chỉ cần cung cấp đường link, chữ ký số và quyền truy cập đến cơ sở dữ liệu nơi lưu trữ và cho phép công khai các thông tin này tại các trường đại học. Điều này cũng sẽ góp phần hạn chế rất nhiều vấn nạn sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả được cho là khá phổ biến hiện nay.

Thứ ba, về công tác khen thưởng, kỷ luật sinh viên, chúng ta cần đảm bảo được tính chính xác, công bằng, công khai, dân chủ, không thành kiến cảm tính, kịp thời, đúng lúc. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động khen thưởng, kỷ luật sinh viên ở phần lớn các trường hiện nay không đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí trên. Lý do là hầu như toàn bộ quy trình xét khen thưởng, kỷ luật của các trường đều được thực hiện hết sức thủ công.

Để khắc phục hiện trạng này, công nghệ Blockchain cần đưa vào áp dụng cụ thể ngay từ những ngày đầu nhập học giữa nhà trường và sinh viên. Cần triển khai một hợp đồng thông minh dựa trên nền tảng của công nghệ Blockchain (Smart Contract) áp dụng cho toàn bộ quá trình học tập.

Hợp đồng này bao gồm tất cả các điều khoản, phần việc đã được lập trình tự động hóa hoàn toàn. Bất cứ lúc nào nhà trường cũng như sinh viên đều có thể theo dõi được những công việc đã thực hiện cũng như tiến độ của hợp đồng, bảo đảm tất cả đều công khai, minh bạch.

Để phục vụ cho việc triển khai công tác khen thưởng, kỷ luật, sinh viên sẽ được cấp một ví điện tử có chức năng hoạt động giống như một tài khoản ngân hàng. Mỗi khi sinh viên đạt được thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học cũng như các hoạt động khác do nhà trường phát động thì một số điểm thưởng tương ứng sẽ được tự động chuyển vào ví điện tử. Ngược lại, nếu sinh viên vi phạm pháp luật thì ngay lập tức một số điểm nhất định, tùy theo mức độ, cũng sẽ bị trừ khỏi quỹ điểm hiện có trong ví điện tử của sinh viên. Cuối năm học, căn cứ vào tổng số điểm có trong ví điện tử, sinh viên có thể biết được mình sẽ được cấp học bổng miễn giảm học phí hoặc nhận quyết định tạm đình chỉ học hay không.

Nếu áp dụng công nghệ Blockchain hỗ trợ cho công tác khen thưởng, kỷ luật sinh viên dưới hình thức triển khai hoạt động thông minh thì tính chính xác, công bằng, công khai, kịp thời, đúng lúc sẽ gần như bảo đảm một cách tuyệt đối, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý sinh viên nói riêng cũng như chất lượng hoạt động của trường đại học nói chung.

Thứ tư, công nghệ Blockchain sẽ hỗ trợ trong công tác đánh giá năng lực của giảng viên. Thực tế việc đánh giá giảng viên hàng năm ở các trường đại học ở Việt Nam còn mang tính hình thức, thiếu khách quan và đôi khi không chính xác. Vì thế, để có thêm thông tin tham khảo nhằm nâng cao tính chính xác khi đánh giá giảng viên, giữa nhà trường và giảng viên cũng nên ký kết một hợp đồng thông minh.

Cụ thể, trước khi năm học mới bắt đầu giữa giảng viên và nhà trường cần phải ký kết một hợp đồng thông minh bao gồm các điều khoản mô tả chi tiết tất cả các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học dự kiến mỗi giảng viên sẽ phải thực hiện trong năm học đó. Ngay khi năm học mới bắt đầu, toàn bộ các hoạt động của giảng viên sẽ được ghi nhận số hóa và dữ liệu lưu trữ một cách công khai dựa trên công nghệ Blockchain.

Bất kỳ thời điểm nào nhà trường cũng có thể theo dõi giám sát được các công việc mà giảng viên đã và đang thực hiện. Cùng với đó, nhà trường và giảng viên cũng có thể điều chỉnh bổ sung một số điều khoản của hợp đồng nếu thấy cần thiết. Mỗi khi hoàn thành tốt một công việc nào đó, một số điểm thưởng tương ứng sẽ được tự động chuyển vào ví điện tử của giảng viên.

Ngược lại, mỗi khi giảng viên vi phạm hợp đồng thì ngay lập tức tại ví điện tử cá nhân của họ sẽ bị trừ đi một lượng điểm nhất định. Cuối năm học, dựa trên tổng điểm thưởng có trong ví điện tử của mỗi giảng viên cũng như toàn bộ quá trình hoạt động của họ đã được ghi nhận, lưu trữ một cách rõ ràng, chi tiết tại cơ sở dữ liệu nhờ công nghệ Blockchain, nhà trường sẽ có thêm căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của giảng viên một cách khách quan, công bằng cũng như chính xác hơn.

Theo Thạc sĩ Thái Huy Ngọc, việc đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ Blockchain sẽ hứa hẹn mở ra sự đột phá về chất lượng đào tạo và quản lý giáo dục đại học ở Việt Nam. Tuy nhiên, để các đề xuất trên có thể được hiện thực hóa thì rất cần có một khung pháp lý rõ ràng, cụ thể cho sự phát triển của công nghệ Blockchain tại Việt Nam.

Một số vấn đề quan trọng về chuyển đổi số trong giáo dục đại học

Hội Thảo khoa học quốc gia “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học” đã khép lại thành công tốt đẹp.

Hội Thảo khoa học quốc gia “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học” đã khép lại thành công tốt đẹp.

Cũng tại Hội Thảo “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học”, các chuyên gia, đại biểu tham dự đã trình bày, chia sẻ các bản tham luận về những nội dung xung quanh câu chuyện chuyển đổi số trong giáo dục đại học.

Kết thúc buổi hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hảo – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ, hội thảo đã kết nối hơn 400 điểm cầu với hơn 1.600 thầy cô của các trường đại học, cao đẳng tham dự.

Hiệp hội đã nhận được 75 bài tham luận của các chuyên gia, ban tổ chức đã tuyển chọn 66 bài tham luận đăng trong kỷ yếu "Chuyển đổi số trong giáo dục đại học".

Tiến sĩ Nguyễn Đình Hảo kết luận 5 nội dung quan trọng liên quan đến chuyển đổi số trong giáo dục đại học trong bối cảnh hiện nay.

Thứ nhất, về những công việc cần thiết về chuyển đổi số trong giáo dục, các đại biểu chuyên gia đều khẳng định, để phát triển mô hình đại học trong bối cảnh chuyển đổi số phải kết hợp chặt chẽ ba vấn đề quan trọng là con người, phương tiện, chương trình trong giáo dục.

Thứ hai, về chuyển đổi số trong quản trị, quản lý giáo dục đại học, các ý kiến tham luận đề xuất ứng dụng công nghệ trong quản trị đại học, đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ trong chấm thi, tuyển sinh đầu vào, quản lý dữ liệu sinh viên, công tác khen thưởng sinh viên và công tác đánh giá năng lực giảng viên.

Thứ ba, về chuyển đổi số trong đào tạo trực tuyến và phát triển dạy học online, các báo cáo tập trung nghiên cứu khai thác kho học liệu, nền tảng E Learning, giải pháp trong đào tạo trực tuyến như: mô hình triển khai chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến; ứng dụng công nghệ điện toán đám mây; xây dựng nguồn học liệu và phát triển khoa học.

Thứ tư, về chuyển đổi số trong dạy học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học, cần tận dụng nguồn tài nguyên trực tuyến, thay đổi tư duy, đổi mới trong đánh giá, tránh tình trạng gian lận; đồng thời nhà trường cần tăng cường thông tin phản hồi cho người học trong công tác kiểm tra đánh giá.

Cuối cùng, về chuyển đổi số trong phát triển, khai thác hệ thống học liệu và môi trường học tập số. Yêu cầu hiện nay là cần thúc đẩy phát triển hệ sinh thái giáo dục số hiệu năng cao; cải thiện các kỹ năng và năng lực số cho chuyển đổi số; tiến tới xây dựng để triển khai các khung năng lực số đáp ứng các nhu cầu thực tiễn.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Hảo cũng khẳng định sự quan tâm của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đến vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục đại học. Hội thảo là cơ hội để các trường cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, cung cấp nguồn tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu, triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong các trường đại học và cao đẳng hiện nay.

Phạm Minh