Trường đại học công lập có được tuyển sinh hệ cao đẳng?

30/07/2020 06:26
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 28/7, Hiệp hội có văn bản gửi Bộ Lao động, Thương binh và xã hội về việc tuyển sinh hệ cao đẳng ở các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Vừa qua Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận văn bản số 806 ĐHCNDMHN ngày 24/7/2020 về việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2020 của trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội.

Theo đó nhà trường cho biết Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có văn bản số 1396/TCGDNN-PCTT ngày 26/6/2020 với nội dung chính là “đề nghị Trường không tuyển sinh mới trình độ cao đẳng từ 01/01/2020”.

Nghiên cứu văn bản trên, hồ sơ nhận nhiệm vụ hoạt động theo mô hình trường đại học tự chủ thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ (Nghị quyết 77) của Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội và những văn bản có liên quan, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có một số ý kiến.

Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội có đủ các điều kiện để tiếp tục đào tạo trình độ cao đẳng

Về điều kiện pháp lý:

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Nghị định 99).

Đối tượng áp dụng của Nghị định 99 là các trường đại học, trong đó có nhóm trường đang thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo Nghị quyết 77.

Bởi vậy, tại Nghị định 99 Chính phủ sử dụng điều khoản chuyển tiếp (Điều 18 của Nghị định) để cho phép các trường thuộc diện thí điểm (trong đó có Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội) được thực hiện Đề án tự chủ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định mới về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập…

Việc thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết 77 của Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội được lồng ghép trong Dự án khả thi thành lập trường (xem quyết định số 769/QĐ-TTg ngày 4/6/2020 và Dự án).

ảnh website nhà trường

ảnh website nhà trường

Trong đó ghi rõ nhà trường đào tạo “kỹ thuật viên,

chuyên viên thực hành

trình độ cao đẳng”; những năm 2016-2021 quy mô đào tạo của nhà trường vào khoảng 2700 – 3200, trong đó quy mô đại học tăng dần từ 700-1200, quy mô cao đẳng luôn giữ ở mức 2000.

Mặt khác, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội tại các văn bản số: 37/2017/GCNĐKHĐ-TCDN ngày 26/4/2017, số: 37a/2017/ GCNĐKHĐ - TCDN ngày 30/11/2017.

Như vậy, Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội đủ điều kiện pháp lý tuyển sinh trình độ cao đẳng. Văn bản số 1396/TCGDNN-PCTT ngày 25/6/2020 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp là văn bản trái với Nghị định 99 tại thời điểm ban hành, đồng thời không nhất quán với giấy phép do Tổng cục giáo dục nghề nghiệp cấp trước đó.

Về đáp ứng nhân lực cho ngành dệt may:

Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội được thành lập trên cơ sở Trường Cao đẳng dệt may (2015).

Thế mạnh của nhà trường là đào tạo lao động lành nghề, đào tạo kỹ thuật viên trình độ cao đẳng làm chủ các dây truyền công nghệ dệt may, và từng bước đào tạo đội ngũ cử nhân - kỹ sư có khả năng sáng tạo trong lĩnh vực này.

Đã nhiều năm nay, Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội đào tạo khoảng 30%-40% nhân lực trình độ cao đẳng cho ngành dệt may.

Đây là lực lượng đang làm nòng cốt trong các dây chuyền sản xuất, góp phần tích cực vào việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Không cho Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội đào tạo trình độ cao đẳng (kỹ thuật viên bậc cao) vô tình triệt tiêu một giá trị quan trọng mà ngành dệt may đang có nhu cầu lớn.

Điều này không chỉ hạn chế chờ đợi của người tiêu dùng trong nước mà còn níu kéo chủ trương xuất khẩu hàng hóa của đất nước.

Về nguồn lực đảm bảo chủ trương đổi mới cơ chế hoạt động đại học:

Các trường thuộc diện thực hiện Nghị quyết 77 trong điều kiện: nhận “thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện” đồng thời “cam kết tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư” (nghĩa là không được nhận ngân sách nhà nước). Trong điều kiện hiện nay, học phí là nguồn thu chính, giảm chỉ tiêu tuyển sinh là giảm nguồn thu của nhà trường.

Việc không cho Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội tiếp tục tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng đồng nghĩa với việc cắt 2/3 quy mô đào tạo của nhà trường mà Thủ tướng phê chuẩn.

Hiệp hội tính sơ bộ, điều này làm giảm gần một nửa (khoảng 44%) nguồn thu, dẫn đến nhà trường không đủ nguồn lực để thực thi Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tóm lại Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội hội đủ các điều kiện để tiếp tục đào tạo trình độ cao đẳng. Văn bản số 1396/TCGDNN-PCTT ngày 25/6/2020 về việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2020 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp là không phù hợp.

Từ những phân tích trên, Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội một số việc:

Một là, không điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh và can thiệp vào việc tổ chức đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học thuộc diện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ.

Tạo mọi thuận lợi để Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội được tiếp tục triển khai công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng như phương án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trong Dự án khả thi thành lập trường.

Hai là, với quyền hạn của mình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xử lý việc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ban hành văn bản số 1396/TCGDNN-PCTT ngày 25/6/2020 trái pháp luật tại thời điểm ban hành.

Ba là, chủ động cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan có liên quan tháo gỡ những vướng mắc về tổ chức đào tạo nhân lực trình độ cao đẳng tại các cơ sở giáo dục đại học.

Quan điểm của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam là các cơ sở giáo dục đại học đều là những cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Trình độ cao đẳng xuất hiện trong lòng các cơ sở giáo dục đại học của thời kỳ đổi mới. Nó vừa thuộc giáo dục nghề nghiệp vừa thuộc giáo dục đại học. Điều này phù hợp với thực tiễn Việt Nam, phù hợp với chuẩn mực quốc tế (UNESCO).

Cho dù thay đổi chủ thể quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp thì các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn là chính nó.

Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam (nhất là các trường đại học được ra đời và trưởng thành cùng nền Công - Nông nghiệp) vẫn là địa chỉ tin cậy nhất để đào tạo kỹ thuật viên trình độ cao đẳng của đất nước trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thùy Linh