Tiến sĩ Lê Viết Khuyến giải thích về quy trình đào tạo 2 giai đoạn

25/08/2021 06:50
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo quy trình này, nội dung đào tạo ở bậc đại học được cấu trúc gồm hai bộ phận tách biệt: Kiến thức giáo dục đại cương và kiến thức giáo dục chuyên nghiệp.

Trong bài viết “Tuyệt đối không nên giải thể, chuyển loại hình, sứ mạng của trường địa phương”, để phát triển trường đại học địa phương Tiến sĩ Lê Viết Khuyến đã đề cập đến việc “hình thành các cụm trường liên kết” và "Quy trình đào tạo 2 giai đoạn”.

Để hiểu rõ hơn về 2 nội dung này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Phóng viên: Được biết, những năm 90 của thế kỉ XX, để đảm bảo yêu cầu cả về số lượng và chất lượng sinh viên cũng như sự công bằng xã hội khi nguồn lực hạn, ngành giáo dục đã cho “hình thành các cụm trường liên kết”. Vậy khi đó, cách thức hoạt động của “cụm trường” như thế nào, thưa ông?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Tại Hội nghị Hiệu trưởng đại học và cao đẳng toàn quốc tháng 8/1993, lúc đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất thực hiện những cơ chế để các trường đại học và cao đẳng có thể tự nguyện liên kết với nhau trong đào tạo, hình thành các cụm trường (bao gồm các trường khác lĩnh vực, khác cấp) có thể là một trong những giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy sự xuất hiện một mạng lưới mới, hợp lý và năng động hơn.

Trong mỗi cụm trường như vậy có sự phân công lại nhiệm vụ đào tạo của từng trường theo mỗi giai đoạn, trên cơ sở phát huy hết công suất đào tạo của toàn cụm và nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường trong mỗi cụm có thể phối hợp với nhau để đào tạo những chương trình liên môn.

Hạt nhân của các cụm trường trên có thể là các trường trọng điểm quốc gia – những trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học có chất lượng cao trên nhiều lĩnh vực khác nhau, tức là đạt trình độ quốc tế, có khả năng đào tạo những chuyên gia khoa học kỹ thuật và công nghệ bậc cao, có khả năng giao lưu và hợp tác quốc tế có hiệu quả và từ đó nền đại học Việt Nam có thể từng bước hòa nhập với nền đại học của khu vực và thế giới.

Thời điểm đó, Bộ cũng chủ trương chuyển dần những trường đại học không nằm trong các cụm liên kết sang cơ chế bán công, hoạt động dựa chủ yếu trên kinh phí lấy từ các nguồn thu ngoài nhà nước, hoặc từ các nguồn kinh phí riêng của ngành, của địa phương và của các doanh nghiệp.

Khi hình thành cụm trường rồi nhưng muốn khai thác hiệu quả thì cần phải áp dụng quy trình đào tạo 2 giai đoạn để vận hành hết công năng của cả hệ thống giáo dục đại học.

Xin ông chia sẻ rõ hơn về quy trình đào tạo 2 giai đoạn?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Theo quy trình đào tạo 2 giai đoạn thì nội dung đào tạo ở bậc đại học được cấu trúc gồm hai bộ phận tách biệt: Kiến thức giáo dục đại cương (General Education) và kiến thức giáo dục chuyên nghiệp (Professional Education).

Trong đó, kiến thức giáo dục đại cương bao gồm các học phần thuộc 6 lĩnh vực: Khoa học xã hội, Nhân văn, Khoa học tự nhiên và Toán học, Ngoại ngữ, Giáo dục quốc phòng và rèn luyện thể chất. Đối với đa số ngành đào tạo phần lớn kiến thức giáo dục đại cương được giảng dạy ở giai đoạn I, một phần kiến thức này (như một số học phần về khoa học Mác Lê Nin) được dạy tiếp tục qua giai đoạn II. Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp nói chung chỉ được dạy ở giai đoạn II.

Sau một năm thảo luận những phác thảo của Bộ về khối lượng kiến thức và khung chương trình đào tạo thể hiện các chủ trương đó trong hệ thống đại học cả nước, cuối năm 1993 Bộ đã chỉ đạo Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thí điểm xây dựng hệ thống chương trình giai đoạn I.

Cho đến cuối năm học 1994-1995, trên 30 trường đại học đã tổ chức xây dựng xong chương trình giai đoạn I.

Ngày 12/9/1995, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Quyết định 3244/GD-ĐT ban hành tạm thời bộ chương trình mẫu về giáo dục đại học đại cương (giai đoạn I) dùng trong các trường đại học và các trường cao đẳng sư phạm.

Với bộ chương trình này, sinh viên thuộc phần lớn trường đại học và một số trường cao đẳng (chủ yếu là trường cao đẳng sư phạm đào tạo giáo viên trung học cơ sở) được đào tạo tập trung ở 3 học kỳ đầu (giai đoạn I) theo 7 chương trình:

Các chương trình 1, 2 và 3 áp dụng đối với sinh viên các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghiệp, y, dược...

Trong đó, chương trình 1 nhấn mạnh các kiến thức toán, vật lý;

Chương trình 2 nhấn mạnh thêm kiến thức hóa học;

Chương trình 3 nhấn mạnh thêm kiến thức sinh học, đồng thời chấp nhận giảm nhẹ kiến thức toán học.

Chương trình 4 được áp dụng cho sinh viên các ngành kinh tế và quản trị kinh doanh, nhấn mạnh một bộ phận kiến thức khoa học xã hội.

Chương trình 5 nhấn mạnh các kiến thức về khoa học xã hội; trong khi chương trình 6 chỉ áp dụng cho sinh viên các ngành nhân văn, văn hóa, nghệ thuật, chú trọng nhiều đến các kiến thức về nhân văn.

Chương trình 7 dành cho sinh viên nhóm ngành ngoại ngữ, đặt trọng tâm ở khối kiến thức thực hành tiếng nước ngoài và tiếng Việt thực hành.

Với kết cấu nội dung đào tạo giai đoạn I như trên, khi chuyển sang giai đoạn II sinh viên từ cùng một chương trình có thể đăng ký vào nhiều ngành nghề đào tạo khác nhau và ngược lại, cùng một ngành nghề đào tạo ở giai đoạn II có thể nhận sinh viên từ một số chương trình khác nhau chuyển lên.

Theo đó, hệ thống các chương trình mẫu về giáo dục đại cương có các đặc điểm sau:

Một là, đối với cùng một môn học, số lượng học phần được thiết kế ở mức ít nhất. Thí dụ, cho cả 7 chương trình giáo dục đại cương chỉ có 4 nhóm học phần toán học cao cấp:

Nhóm học phần toán cao cấp A (gồm học phần A1, A2, A3, A4 được dùng chung cho cả 2 chương trình 1 và 2;

Nhóm phần toán cao cấp B (gồm 2 học phần B1, B2) dành riêng cho chương trình 3;

Nhóm học phần toán cao cấp C (gồm 2 học phần C1, C2) được soạn cho chương trình 4;

Nhóm học phần toán cao cấp D được soạn cho cả 3 chương trình 5, 6 và 7.

Hai là, đối với từng chương trình đào tạo, sinh viên có thể lựa chọn các học phần tự chọn trong một phổ rất rộng bởi vì cùng một học phần đối với chương trình này có thể là bắt buộc nhưng với chương trình khác lại được xem là tự chọn, đối với ngành này có thể là kiến thức giáo dục đại cương nhưng đối với ngành khác lại có thể là thuộc kiến thức giáo dục chuyên ngành.

Ba là, đối với từng chương trình đào tạo đều có một bộ phận kiến thức được quy định là cốt lõi.

Đó vừa là lượng kiến thức đào tạo tối thiểu mà mỗi trường phải đưa vào khi thiết kế chương trình đào tạo cụ thể của mình, đồng thời cũng là nội dung kiến thức tối đa mà từng trường chỉ được phép sử dụng khi làm đề môn thi định hướng cho chuyên môn ở kỳ thi chuyển giai đoạn tại trường mình.

Những quy định như vậy tuy cứng nhưng bảo đảm thuận lợi cho sự liên thông chuyển đổi sinh viên giữa các trường đại học và cao đẳng sau giai đoạn 1 (xem sơ đồ tuyển sinh và liên thông sinh viên khi chuyển giai đoạn ở mức 1995), cũng như cho việc xem xét miễn giảm môn học cho các sinh viên muốn nhận nhiều văn bằng hoặc muốn học thêm để được nhận văn bằng thứ hai.

Sơ đồ tuyển sinh và liên thông sinh viên khi chuyển giai đoạn ở mức 1995 (ảnh chụp tài liệu)

Sơ đồ tuyển sinh và liên thông sinh viên khi chuyển giai đoạn ở mức 1995 (ảnh chụp tài liệu)

Bốn là, cấu trúc của hệ thống chương trình mẫu không chỉ bảo đảm chuyển đổi sinh viên giữa các ngành trong cùng một chương trình mà còn giữa những chương trình khác với nhau, nếu sinh viên biết cách lựa chọn các học phần tự chọn một cách hợp lý.

Thí dụ, chương trình 2 bao trùm không nhiều số ngành nghề đào tạo nhưng sinh viên theo học chương trình này có thể dễ dàng chuyển qua các chương trình 1 và 3 là những chương trình có số lượng ngành nghề lớn, nếu họ lựa chọn chính những học phần bắt buộc ở các chương trình 1 hoặc 3 làm học phần tự chọn cho mình.

Việc chuyển đổi sinh viên sang các chương trình 2 và 3 cũng có những thuận lợi.

Tương tự, cũng có sự chuyển đổi sinh viên khá thuận lợi giữa các chương trình 4 và 5 với nhau cũng như từ chương trình 7 sang chương trình 4 (ngoại thương), 5 (quốc tế học, quan hệ quốc tế) và 6 (du lịch), từ chương trình 3 sang các chương trình 2 và 1.

Mặc dù trong những trường hợp này sinh viên phải học thêm một số không lớn các học phần mà ở chương trình xuất phát họ không được học.

Năm là, hệ thống chương trình mẫu tạo ra được phần kiến thức chung cho chương trình của cả các ngành khoa học cơ bản lẫn các ngành kỹ thuật (giống như hệ thống chương trình đào taọ cử nhân của các đại học lớn ở Nhật Bản và Hoa Kỳ) nhờ sử dụng nguyên tắc đồng tâm.

Thí dụ: 3 học phần vật lý đại cương thuộc các chương trình 1, 2 và 3 là những kiến thức mang tính chất đại cương.

Lên đến giai đoạn II, sinh viên các ngành vật lý cơ bản còn phải học tiếp các học phần vật lý nâng cao (nhiệt động học, điện từ, quang học...) trong khi sinh viên các ngành kỹ thuật chuyển sang học các học phần kỹ thuật cơ sở (cơ học ứng dụng, kỹ thuật điện, kỹ thuật nhiệt...).

Sáu là, hệ thống chương trình mẫu về giáo dục đại học đại cương không chỉ áp dụng với những chương trình đào tạo đơn ngành mà đặc biệt rất thích hợp với những chương trình đào tạo diện rộng (như chương trình đào tạo giáo viên dạy 2 hoặc nhiều môn...).

Nó cho phép người học từ một chuyên môn này có thể dễ dàng học bổ sung để chuyển đổi sang chuyên môn khác (theo cơ chế tín chỉ) khi có nhu cầu.

Trân trọng cảm ơn ông.

Thùy Linh