Nhiều trường cao đẳng Y tế ở các địa phương hoang mang vì sáp nhập

03/08/2018 07:35
Vương Thuỷ
(GDVN) - Chủ trương sắp xếp lại các trường cao đẳng địa phương, trong đó có trường Cao đẳng Y tế đang khiến rất nhiều trường băn khoăn, lo lắng về lộ trình phát triển.

Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước chủ trương đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương Đảng nêu rõ cần “đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Theo đó, nhiều trường cao đẳng Y tế tại các địa phương sẽ phải đối mặt với việc phải sáp nhập.

Vì vậy, ngày 2/8/2018, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các Trường Cao đẳng Y - Dược đã tổ chức cuộc toạ đàm về định hướng phát triển các trường cao đẳng y tế.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ chủ trì buổi toạ đàm. Ảnh: Vương Thuỷ
Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ chủ trì buổi toạ đàm. Ảnh: Vương Thuỷ

Chia sẻ quan điểm của mình tại toạ đàm, Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Trần Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Phú Yên cho rằng:

Chính phủ đưa ra Nghị quyết 19 là hoàn toàn đúng. Quan điểm của Trung ương và của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là thống nhất.

Tuy nhiên, việc địa phương sáp nhập 3, 4 trường một cách cơ học cũng đặt ra những lo ngại về hiệu quả thực tế.

Ông Bùi Trần Ngọc cho rằng không nên sáp nhập các trường cao đẳng thành một trường đào tạo đa ngành, bởi vì:

"Ngành y tế là ngành đặc biệt được đầu tư đặc biệt và đào tạo đặc biệt. Đội ngũ giảng viên là những bác sĩ, dược sĩ cần được đào tạo liên tục...

Nếu đào tạo cùng với ngành không đặc biệt sẽ tạo nên một mớ bòng bong".

Ông Bùi Trần Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Phú Yên. Ảnh: Vương Thuỷ
Ông Bùi Trần Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Phú Yên. Ảnh: Vương Thuỷ

Vì vậy, ông Ngọc nhấn mạnh ngành y bắt buộc phải đào tạo riêng.

"Nước ngoài phát triển trường đa ngành là họ chuẩn bị ngay từ đầu, còn chúng ta sáp nhập sau, sáp nhập cơ học sẽ có vấn đề không ổn", ông Ngọc bày tỏ tâm tư.

Ông Mai Văn Bảy, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hoá lo ngại:

"Việc giải thể trường cao đẳng y tế tại địa phương thì con em Thanh Hoá phải đi các tỉnh khác để được đào tạo. Trong khi thực tế nhu cầu cần nhiều điều dưỡng, y tá…

Với 60 năm thành lập nếu trường giải thể thì rất đau xót. Điều này khiến mọi người lo lắng, xôn xao". 

Không chỉ lo ngại về vấn đề hướng đi trong tương lai, ông Nguyễn Kim Thành - Phó hiệu trưởng Phụ trách Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên còn chia sẻ nỗi bức xúc khi bị rơi vào thế bị động khi trường không được địa phương trao đổi, hỏi ý kiến về việc sáp nhập. 

Ông Thành mong rằng việc chủ động biết trước sẽ giúp các trường tìm ra giải pháp hiệu quả kịp thời chứ không chỉ là sáp nhập để giảm một cách cơ học.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai. Ảnh: Vương Thuỷ
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai. Ảnh: Vương Thuỷ

Băn khoăn về việc tuyển sinh năm nay, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai cho biết:

Năm ngoái trường thực hiện việc tuyển sinh rất tốt, tuy nhiên, năm nay do Bộ Giáo dục và Đào tạo không quy định điểm sàn nên dự đoán các trường cao đẳng sẽ rất khó tuyển sinh.

Bà Hà nhấn mạnh việc các trường hoạt động hiệu quả hay không chủ yếu ở việc có học sinh hay không. Có học sinh mới có thể nói đến vấn đề tự chủ.

Về vấn đề sáp nhập, bà Hà cho rằng cần xem xét việc có nên sáp nhập hay không và chỉ những đơn vị nào hoạt động kém hiệu quả mới sáp nhập.

Tổng kết toạ đàm, đa phần các lãnh đạo trường cao đẳng y tế các địa phương đều cho rằng đào tạo y tế là một ngành đặc thù và bày tỏ sự lo ngại về việc sáp nhập các trường với nhau.

Vương Thuỷ