Người làm thiết kế mỹ thuật vừa là nhà công nghệ và vừa là nghệ sĩ

28/06/2018 06:22
Hưng Long
(GDVN) - Giáo sư Trần Hồng Quân nhận xét, người làm thiết kế mỹ thuật vừa là những nhà công nghệ và vừa là nghệ sĩ.

Mỹ thuật ứng dụng (tên gọi khác: Mỹ thuật công nghiệp) là một trong những ngành nghề quan trọng, góp phần vào sự nghiệp phát triển của đất nước.

Mỹ thuật ứng dụng cũng chịu tác động của sự biến đổi về công nghệ, kinh tế, văn hóa và xã hội.

Mỹ thuật ứng dụng đón nhận những thay đổi, tương tác trở lại thị trường bằng các thiết kế mang dáng dấp thời cuộc, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ, công năng, giá thành.

Nếu không đạt được các yêu cầu mang tính thị hiếu như trên, các thiết kế sẽ bị đào thải. Từ năm 2011 đến nay, lĩnh vực đào tạo chuyên ngành Mỹ thuật ứng dụng đã và đang có nhiều thay đổi.

Giáo sư Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: H.L)
Giáo sư Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: H.L)

Gần đây nhất, khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành vấn đề đáng quan tâm tại nhiều quốc gia đã đặt ra cho công tác đào tạo Mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam những thách thức.

Nguồn lao động ở cấp độ phổ cập đang thừa nhưng lại thiếu những nhà thiết kế có trình độ chuyên môn cao và kỹ năng chuyên nghiệp để có thể đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi ngày một càng cao của thị trường.

Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam ngày càng mai một. Câu hỏi được đặt ra là, có phải sự thay đổi phương thức sản xuất để nâng cao hiệu suất đã làm mất đi tính độc đáo của sản phẩm thủ công truyền thống?

Giáo sư Trần Hồng Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam đánh giá, hiện nay ngành Mỹ thuật ứng dụng có nhiều khó khăn phải vượt qua.

Người thiết kế cần phải tiếp thu, giữ gìn truyền thống dân tộc, hài hòa để phát triển. Nếu bỏ hoàn toàn tất cả những gì mang tính văn hóa dân tộc thì không còn là người Việt Nam nữa.

“Còn nếu bảo thủ văn hóa dân tộc mà không tiếp thu những hiện đại của các nước khác, không kế thừa, đưa cái mạnh để tiến lên thì không thể phát triển được”, Giáo sư Quân phân tích.

Trong giai đoạn này cũng như trước đây, người thiết kế luôn được tiếp thu những tiến bộ khoa học để biến thành của mình, làm phong phú thêm nền văn hóa của dân tộc. Ngành Mỹ thuật ứng dụng cũng không nằm ngoài chuyện đó.

Nếu như ngày xưa, người thiết kế chỉ biết suy nghĩ và vẽ bằng tay thì ngày nay, có những ứng dụng, có những công nghệ để người viết kế vẽ theo ý mình.

Thậm chí, ngành Mỹ thuật ứng dụng còn có thể áp dụng công nghệ 3D để vẽ mà người thiết kế cần phải nắm được.

Giáo sư Trần Hồng Quân nhận xét, người làm thiết kế mỹ thuật vừa là những nhà công nghệ và vừa là nghệ sĩ. Đây là cái khó của người thiết kế nhưng cũng là “mảnh đất” để khai thác.

Thật vậy, giữa lĩnh vực công nghệ và nghệ thuật là rất khác nhau nhưng người thiết kế phải biết cả 2 để khai thác nó.

Hai lĩnh vực này sẽ có xung đột nhưng người thiết kế phải biết làm cho 2 lĩnh vực giao thoa với nhau, biến sự xung đột thành giao thoa.

“Người thiết kế phải nắm bắt được sự phát triển của công nghệ để ứng dụng vào lĩnh vực nghệ thuật”, Giáo sư Quân nhấn mạnh.

Người thiết kế mỹ thuật đứng trước cuộc cách mạng 4.0

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Xuân Nghị - Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đánh giá, đào tạo mỹ thuật ứng dụng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của cách mạng 4.0.

Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp có hơn 70 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo mỹ thuật với số hồ sơ tuyển sinh năm 2018 là hơn 1.600 hồ sơ. Tỷ lệ chọi của trường tương đương 1/4.

Phó Giáo sư Nghị nhận định, đây cũng là tính hiệu đáng ghi nhận đối với lĩnh vực đào tạo mỹ thuật của trường.

Tiến sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú – Trưởng khoa Design, Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn nhìn nhận, việc tuyển sinh ngành Mỹ thuật ứng dụng giảm cho có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Trước thực trạng đó, để có thể thu hút được thí sinh theo học, đòi hỏi chương trình đào tạo phải được cập nhật liên tục. Các trường cần có những buổi gặp gỡ, tọa đàm, hội thảo để chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.

Đào tạo Mỹ thuật ứng dụng tại Việt Nam cần phải đổi mới toàn diện từ quan điểm, mục tiêu, chương trình đào tạo tới đội ngũ các thầy cô giáo. Ngành Mỹ thuật ứng dụng không ngừng hoàn thiện trang thiết bị, cơ sở vật chất tại các đơn vị đào tạo. 

Người làm thiết kế mỹ thuật vừa là nhà công nghệ và vừa là nghệ sĩ ảnh 2

“Kẻ lười biếng” đỗ ĐH Mỹ thuật Công nghiệp với 35 điểm 

Tiến sĩ Nguyễn Lan Hương – Chủ nhiệm Khoa Tạo dáng công nghiệp, Viện Đại học Mở Hà Nội chia sẻ, đất nước ta đang đứng trước một thời kỳ phát triển mới đầy thách thức với những biến đổi sâu sắc về xã hội và môi trường.

Con người đang sống trong thời đại vũ trụ, thời đại thông tin – điện tử, trong xu thế toàn cầu giá với nền kinh tế hậu công nghiệp và nền kinh tế tri thức.

Cả thế giới đang gấp rút sản xuất một khối lượng khổng lồ những sản phẩm công nghiệp. Giá trị của những sản phẩm ấy đang rất khác nhau ở khu vực này với khu vực khác, ở địa phương này với địa phương khác.

Thị trường thế giới và thị trường trong nước sẽ có những sản phẩm nổi bật, vừa có giá trị cao về mặt sử dụng, lại hấp dẫn về tính nghệ thuật.

Tiến sĩ Nguyễn Lan Hương phân tích, đó là những sản phẩm vừa phản ánh xu thế của thời đại, lại vừa bộc lộ bản lĩnh của dân tộc.

Đặc biệt, ghi lại được dấu ấn tài năng và phong cách độc đáo của bản thân người họa sĩ thiết kế mỹ thuật công nghiệp.

Ngày 19/6, Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Đào tạo Mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam trước những thách thức hiện nay”.

Tại hội thảo, có 12 ý kiến của các nhà khoa học được trình bày và đưa ra những đóng góp để các đơn vị nhìn lại những điểm mạnh, điểm yếu của ngành Mỹ thuật ứng dụng.

Trên cơ sở đó, hội thảo đã gợi ra những định hướng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo Mỹ thuật ứng dụng trong bối cảnh ứng dụng Công nghệ 4.0 hiện nay. 

Hưng Long