Nghị quyết đã xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản trường đại học, nhưng thực tế vẫn còn

21/11/2019 08:12
AN NGUYÊN
(GDVN) - Việc tồn tại cơ chế bộ chủ quản sẽ kìm hãm sự phát triển của các đại học công lập, là tác nhân gây ra sự trì trệ, ỉ lại, không có tự do học thuật.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đã kiến nghị xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản của các trường đại học công lập nhằm tạo điều kiện cho các trường này được tự chủ đúng nghĩa và phát triển mạnh mẽ hơn.

Vấn đề nóng này cũng được đưa ra mổ xẻ, phân tích tại Hội thảo “Tự chủ đại học thời kỳ hội nhập” do Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu Phát triển Phương Đông tổ chức tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng (thành phố Hồ Chí Minh) ngày 15/11.

“Nghị quyết đã xóa nhưng thực tế vẫn còn”

Giáo sư Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, bộ chủ quản của các trường đại học công lập dưới thời kế hoạch hóa tập trung có quyền quyết định mọi vấn đề của trường đại học.

Giáo sư Lâm Quang Thiệp cho rằng, cần xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản để các trường đại học công lập phát triển. Ảnh: TT
Giáo sư Lâm Quang Thiệp cho rằng, cần xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản để các trường đại học công lập phát triển. Ảnh: TT

Còn cơ quan điều hành trường đại học phải thực hiện mọi việc theo quyết định “từ trên”.

“Trong quá trình đổi mới giáo dục đại học, cơ chế quản lý đó cũng được cải tiến dần, trường đại học dần được giao quyền tự chủ về nhiều mặt.

Tuy nhiên, cho đến nay, hai lĩnh vực quyết định quan trọng nhất trong hoạt động của trường đại học trực thuộc phần lớn vẫn nằm trong tay bộ chủ quản. Đó là tài chính và nhân sự. Cụ thể là kinh phí hàng năm cho các trường đại học do bộ chủ quản phân phối sau khi bộ nhận ngân sách từ nhà nước.

Các nhân sự quan trọng nhất của trường đại học, trong đó có hiệu trưởng, hiệu phó do bộ chủ quản bổ nhiệm và miễn nhiệm.

Bộ chủ quản có cơ chế kiểm soát trường trực thuộc về nhiều mặt và trường trực thuộc có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện công việc với bộ chủ quản.

Trường đại học không có quyền tự quyết định đối với nhiều vấn đề, điều đó làm cho sự đáp ứng đối với các biến động của thị trường thường không được nhanh nhạy, các trường khó thích nghi với thị trường”, Giáo sư Thiệp phân tích.

Hội đồng trường phải có thực quyền để tự chủ đại học thành công

Nhận thấy sự cản trở đó của cơ chế bộ chủ quản, trong Nghị quyết 14 năm 2005 của Chính phủ về đổi mới giáo dục đại học đã ghi chủ trương: “xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập”.

“Có thể thấy, mối quan hệ chặt chẽ giữa chủ trương xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản của Nghị quyết 14 với việc đưa cơ chế hội đồng trường vào trường đại học theo điều lệ trường đại học năm 2003 và luật giáo dục năm 2005.

Các chủ trương nói trên của nhà nước có thể hiểu là xuất phát từ quan niệm trường đại học công lập thuộc sở hữu công, quyền sở hữu đó được giao cho đại diện của nó là Hội đồng trường chứ không phải cho một cá nhân hiệu trưởng.

Hội đồng trường bầu “theo quy hoạch” của cơ quan chủ quản, còn gì quyền tự chủ?
Hội đồng trường bầu “theo quy hoạch” của cơ quan chủ quản, còn gì quyền tự chủ?

Hội đồng trường xác định rõ các chính sách của nhà trường, lựa chọn hiệu trưởng xứng đáng để giao quyền điều hành và theo dõi, kiểm tra đánh giá việc sử dụng quyền được giao đó.

Như vậy, nếu thực hiện đầy đủ cơ chế hội đồng trường, xác định đúng vai trò của hội đồng trường thì không cần đến cơ chế Bộ chủ quản và trường trực thuộc.

Mặt khác, hội đồng trường chỉ có thể phát huy vai trò của mình đầy đủ và hoạt động có hiệu quả cao khi cơ chế bộ chủ quản được hoàn toàn xóa bỏ”, Giáo sư Lâm Quang Thiệp chia sẻ thêm.

Đồng quan điểm trên, Phó Giáo sư Nguyễn Vũ Hoàng, Học viện Chính trị khu vực 1 cũng đề xuất giải pháp phải dần dần xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản. Đưa đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bởi thực tế dù có Nghị quyết 14 nhưng vẫn còn nhiều trường Đại học công lập trực thuộc Bộ chuyên ngành như: Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp (UNETI) do Bộ Công thương quản lý, Học viện Tài chính trực thuộc Bộ Tài chính…

Còn bộ chủ quản thì chưa thể tự chủ

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho rằng, tổ chức Hội đồng trường chỉ thích hợp và cần thiết khi lựa chọn cơ chế điều phối tự quản. 

Cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục đại học là ai, để làm gì?

Theo cơ chế này, chủ sở hữu của trường đại học công lập là chủ sở hữu cộng đồng, không phải chỉ có cơ quan chủ quản mà còn có các giáo chức, cán bộ nhân viên, sinh viên, nhà tài trợ...

Còn Hội đồng trường chính là người đại diện cho chủ sở hữu cộng đồng nên phải là tổ chức quyền lực cao nhất của trường đại học, phải có nhiều thành viên đại diện cho các nhóm lợi ích có liên quan và phải làm việc theo nguyên tác đưa ra các nghị quyết tập thể.

Rõ ràng, nếu tuân theo cơ chế này thì sẽ không còn khái niệm “bộ chủ quản” như được nêu trong Nghị quyết 14 năm 2005.

“Việc vẫn tồn tại bộ chủ quản tức là vẫn khẳng định sự tồn tại song hành mà thực chất là đóng vai trò quyết định của cơ chế kiểu tập quyền.

Nó làm cho Hội đồng trường đã thành lập hoạt động rất khó khăn, mang tính hình thức và buộc phải chuyển dần qua chức năng tư vấn”.

Dự thảo Nghị định đang khuyến khích “lò ấp” Tiến sĩ
Dự thảo Nghị định đang khuyến khích “lò ấp” Tiến sĩ

Trên cơ sở đó, Tiến sĩ Khuyến đề xuất, chưa nên thành lập đại trà Hội đồng trường ở tất cả các trường đại học.

Hội đồng trường chỉ nên thành lập ở những trường đã hội đủ các điều kiện như: đã được giải phóng khỏi cơ chế bộ chủ quản;

Sự lãnh đạo của cơ quan chủ quản đối với nhà trường được thực hiện qua vai trò của các đại diện của mình trong Hội đồng trường;

"Không nên thành lập Hội đồng trường ở những trường còn duy trì cơ chế kiểu tập quyền, đặc biệt ở những trường trực thuộc các bộ, ngành khác (không trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Việc cần làm hơn là Chính phủ nên đưa những trường này về Bộ giáo dục hoặc về tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và xem đó như một khâu quan trọng của cải cách hành chính", Tiến sĩ Khuyến kiến nghị.

AN NGUYÊN