Nên đưa giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học về cùng một đầu mối quản lý

10/07/2021 06:30
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu làm được như vậy sẽ rất tốt cho việc chuẩn bị nguồn nhân lực có cơ cấu hợp lý.

Ngày 11/7/2019, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nêu ba lý do khiến Việt Nam chưa đạt được các mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Theo Bộ trưởng, nguồn nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu, ví dụ như nguồn đầu vào sinh viên theo học các ngành công nghiệp và chế tạo còn thấp, lệch. [1]

Rõ ràng, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi phải có nguồn lực. Đối với Việt Nam, cả hai loại nguồn lực tài chính và tài nguyên thiên nhiên đều hạn chế nên, theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia đi trước, nguồn lực con người đương nhiên sẽ đóng vai trò quyết định.

Muốn có được nguồn lực đó đòi hỏi chúng ta phải có một hệ thống giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học đa dạng, phân tầng cả về quy mô, cơ cấu ngành nghề và cơ cấu trình độ của đội ngũ nhân lực mà ngành giáo dục và đào tạo đang được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Làm được điều này cũng chính là đáp ứng yêu cầu Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo đã nêu rõ nhiệm vụ của giáo dục và đào tạo: “…Hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp với nhiều phương thức và trình độ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp…” và “…Hoàn thành mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia…”.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vào năm 2020 đã phải lùi lại đến năm 2030 có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng cái thể hiện rõ ràng nhất là cơ cấu nhân lực của ta quá kém về trình độ chuyên môn vì không được qua đào tạo bài bản (dù có thể có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông) hoặc được đào tạo ở mức dưới chuẩn chuyên môn như hiện nay.

Đúng là đào tạo nguồn nhân lực đòi hỏi phải đầu tư rất tốn kém. Do đó, các kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phải bám sát chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thậm chí của từng vùng miền, từng địa phương và cần được phân cấp xây dựng tới tận từng địa phương.

Ảnh minh họa: N.D

Ảnh minh họa: N.D

Tuy nhiên, theo Báo cáo điều tra lao động và việc làm Việt Nam năm 2019 của Tổng cục Thống kê trong tổng số lực lượng lao động đang làm việc (55,76 triệu từ 15 tuổi trở lên) có tới 77,2% không có trình độ chuyên môn – kỹ thuật; 3,7% qua dạy nghề; 4,7% trung cấp, 3,8% cao đẳng và 10,6% đại học.

Chưa cần nói đến chất lượng đào tạo thì những con số này cho thấy, tỷ lệ lao động đang làm việc không qua đào tạo quá cao chiếm tới hơn 77%, còn lại gần 23% qua đào tạo sơ cấp đến đại học (tức là tính từ những người dự khóa học 3 tháng đến đại học) là quá thấp.

Điều này đặt ra rằng, nếu tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo cao vậy cho thấy lực lượng lao động của nước ta không được đào tạo về chuyên môn nghề nghiệp là rất lớn.

Vậy trách nhiệm thuộc về ai?

Trong lực lượng lao động được đào tạo thì tới 10,6% lao động đã được đào tạo đại học. Con số này cao so với các trình độ khác tuy nhiên không phải vì học sinh vào học đại học hết nên trình độ khác không có người học. Mà tỷ lệ lao động qua đào tạo tính từ sơ cấp, trung cấp quá thấp. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội không thể không nhận trách nhiệm về việc này.

Với cơ cấu trình độ nhân lực như vậy Việt Nam tất nhiên đã không đạt được mục tiêu trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 vừa qua. Trong khi ở các nước khu vực đội ngũ công nhân được đào tạo chủ yếu từ trình độ trung học nghề trở lên, còn đội ngũ kỹ thuật viên chủ yếu từ trình độ cao đẳng trở lên thì ở Việt Nam, đội ngũ công nhân (nhân lực trực tiếp sản xuất) được đào tạo chủ yếu ở các trình độ sơ cấp và dưới sơ cấp, số ít ở trình độ trung cấp và “cao đẳng” (nhưng không tương đương với các cấp độ 2,3 và 5 của ISCED 2011).

Còn chức danh kỹ thuật viên thì đã bị loại bỏ khi các trường chuyên nghiệp được chuyển qua quản lý nhà nước của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội theo Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Việc hợp nhất mục tiêu đào tạo của 2 luồng giáo dục chuyên nghiệp (đào tạo chuyên gia) với giáo dục nghề (đào tạo thợ) như ở Luật Giáo dục nghề nghiệp và sau đó lại có chỉ đạo theo hướng “nghề” đã dẫn tới thủ tiêu sự hiện diện của chức danh “kỹ thuật viên” trong dây chuyền sản xuất. Đây là một quyết định sai lầm, gây ra sự méo mó trong cơ cấu nhân lực của quốc gia cần được khắc phục sớm.

Nhìn từ kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy muốn đẩy mạnh kinh tế của một quốc gia không phải chỉ cần có các nhà khoa học, các giáo viên, kỹ sư, các nhà kinh doanh, nhà quản lý... mà còn phải có đội ngũ đông đảo các công nhân, kỹ thuật viên lành nghề, các chuyên gia công nghệ; nói khác đi là còn cần phải có một đội ngũ nhân lực phong phú, thạo việc và đồng bộ trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Do đó bên cạnh phát triển giáo dục đại học hàn lâm hay học thuật thì họ còn có phân hệ giáo dục công nghệ/ giáo dục chuyên nghiệp cho phép các trường công nghệ nhấn mạnh kỹ năng thực hành và khía cạnh huấn luyện của giáo dục công nghệ, và cũng cho phép các trường uyển chuyển hơn trong vấn đề thiết kế nội dung chương trình đào tạo để đáp ứng các nhu cầu của thị trường nhân lực một cách mềm dẻo và nhanh chóng hơn.

Xu hướng chung của giáo dục thế giới hiện nay là giáo dục nghề đang xâm nhập ngày càng sâu vào lĩnh vực giáo dục đại học, để cùng với giáo dục đại học truyền thống, hình thành nên nền giáo dục sau trung học (Postsecondary Education) và giáo dục bậc ba/giáo dục đại học (Tertiary Education/Higher Education), góp phần quan trọng đưa giáo dục đại học ở nhiều nước chuyển nhanh từ giai đoạn tinh hoa qua giai đoạn đại chúng và tiếp đó là giai đoạn phổ cập, đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực cho sự ra đời một nền kinh tế tri thức ở những nước đó.

Trong khi đó ở Việt Nam hai hệ thống này đang ngày càng tách xa nhau và đang được hoạch định bởi hai dòng chính sách độc lập với nhau. Việc tách trình độ cao đẳng ra khỏi giáo dục đại học để hợp nhất với các trình độ sơ cấp và trung cấp để hình thành một “bậc học riêng biệt” (theo Luật Giáo dục nghề nghiệp) là một biểu hiện rõ ràng của khuynh hướng đó.

Muốn có được cơ cấu nguồn nhân lực hiệu quả thì đòi hỏi Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cần có chính sách phù hợp để trong thời gian ngắn mà tăng lực lượng lao động có trình độ sơ cấp, trung cấp lên số lượng lớn.

Bởi nhìn vào trình độ không qua đào tạo cho thấy nguồn tuyển cho trình độ sơ cấp, trung cấp rất nhiều nếu các bậc học này đủ hấp dẫn.

Nếu cho rằng bậc trung học phổ thông chiếm hết học sinh vì hệ trung cấp không hấp dẫn thì tại sao các nước làm thành công vì họ phân luồng sau trung học cơ sở có trung học phổ thông và trung học nghề - có cùng cấp độ 3 với trung học phổ thông nên học sinh học hệ này hoàn toàn có quyền được học, khi có nhu cầu, lên các trình độ cao hơn thuộc giáo dục đại học.

Trong khi ở ta thì lại thay “trung học nghề” bằng “trung cấp nghề” dẫn đến thời gian, chương trình đào tạo thay đổi khiến cho việc tiến xa hơn của người học khó khăn hơn. Để tạo ra phân luồng học sinh sau trung học cơ sở thì Việt Nam nên sớm chuyển hệ Trung cấp về lại hệ Trung học nghề/Trung học kỹ thuật như thời gian trước năm 2005.

Nếu trả lại “trung học nghề” thì nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp là cần đẩy tỷ lệ đào tạo trung cấp, sơ cấp lên chứ không phải chạy theo hư danh như hiện nay để đẩy vào cao đẳng nghề.

Nhất là khi tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Nội vụ về nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong đó có việc xây dựng bộ máy tổ chức Chính phủ với tinh thần là giảm khâu trung gian, giảm đầu mối, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…

Ngay sau đó một số chuyên gia cũng nêu ý kiến đề xuất về cơ cấu bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Nằm trong phạm vi nghiên cứu và quan tâm về lĩnh vực giáo dục đào tạo, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng phương án tốt nhất, ổn định nhất là tập trung lại thành một đầu mối thống nhất về quản lý nhà nước các lĩnh vực: giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học (kể cả cao đẳng) và nghiên cứu khoa học (tức là Giáo dục đào tạo và Khoa học). Trước đây có lúc nó đã từng là một. Nhiều nước đang phát triển cũng tổ chức như thế. Cao đẳng thuộc giáo dục đại học. Giáo dục đại học liên thông với giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp.

Giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học luôn đi sánh đôi với nhau. Đại học cung cấp con người cho nghiên cứu khoa học và nghiên cứu khoa học tác động trực tiếp trở lại nâng tầm cho giáo dục đại học thông qua kết quả và hoạt động nghiên cứu. Tổ chức cho sinh viên và nghiên cứu sinh tham gia nghiên cứu là một trong các cách đào tạo đại học tốt nhất. Phương án này sẽ rất tốt cho việc chuẩn bị nguồn nhân lực có cơ cấu hợp lý.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/Vi-sao-Viet-Nam-chua-dat-muc-tieu-tro-thanh-nuoc-cong-nghiep-theo-huong-hien-dai-568894/

Thùy Linh