Nâng lên cao đẳng mà không đảm bảo thời gian, nội dung ắt sẽ ra nhân lực rởm (3)

15/10/2021 06:40
Minh Ngọc
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu còn tiếp tục xé lẻ hoạt động quản lý Nhà nước về giáo dục như hiện nay sẽ dẫn đến sự phân rã trong cơ cấu, dị biệt trong tổ chức đào tạo...

(Phần 1)

(Phần 2)

Từ khi có Luật Giáo dục nghề nghiệp (năm 2014) ranh giới giữa giáo dục nghề với giáo dục chuyên nghiệp được che khuất bởi quan niệm “giáo dục nghề nghiệp”.

Luật Giáo dục nghề nghiệp nêu khái niệm "giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng…."

Sự dịch chuyển này dẫn tới các cơ sở giáo dục cao đẳng không được coi là cơ sở giáo dục đại học, quản lý giáo dục nghề nghiệp bị chia sẻ. Theo đó, các cơ sở giáo dục phổ thông, đại học, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý nhà nước, phần còn lại thuộc Bộ Lao động, Thương binh và xã hội. Việc này đem đến nhiều hệ lụy không mong đợi.

Cụ thể, nếu Luật Dạy nghề năm 2006 quy định dạy nghề gồm sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề với mục tiêu “đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất dịch vụ có năng lực thực hành nghề tương xứng với trình độ đào tạo” (Điều 4).

Năm 2014 Luật Gíáo dục nghề nghiệp thay cho Luật Dạy nghề. Các trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề được viết lại thành trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp và trình độ cao đẳng.

Dẫu vậy, mục tiêu chung của giáo dục nghề nghiệp vẫn viết theo Luật Dạy nghề năm 2006; còn mục tiêu cụ thể của trình độ cao đẳng được thiết kế theo cấu trúc “cộng dồn” với mục tiêu của các trình độ sơ cấp và trình độ trung cấp (Điều 4) mà không theo cấu trúc “đồng tâm”.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Về bản chất, trình độ cao đẳng trong Luật Giáo dục nghề nghiệp thường là giáo dục sau trung học nhưng chưa phải là giáo dục đại học, nó chỉ tương đương cấp độ 4. Trong khi đó các chương trình cao đẳng “đích thực” phải được thiết kế nhất quán theo hướng nâng cao học vấn để bảo đảm tương đương cấp độ 5 của ISCED 2011- cấp độ đầu tiên thuộc giáo dục đại học, như chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước đây.

Có thể thấy, khi các chương trình cao đẳng nghề ra đời theo Luật Dạy nghề và được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo thiết kế, đặc biệt, kể từ khi các trường cao đẳng (chuyên nghiệp) và cao đẳng nghề đều phải chuyển sang mô hình “cao đẳng mới hợp nhất” (khác với thông lệ quốc tế) theo Luật Giáo dục nghề nghiệp thì công tác đào tạo cao đẳng của Việt Nam đã và đang phạm phải 2 sai lầm rất nghiêm trọng.

Một là, khi trình độ người lao động đa số chỉ cần đạt trung học nghề là đủ (do công nghiệp chế tạo còn chưa giữ vai trò chủ chốt trong nền kinh tế của đất nước) nhưng nếu cơ quan quản lý lại nâng cấp ồ ạt các trường trung cấp nghề lên thành cao đẳng trong khi chương trình vẫn không thay đổi đáng kể theo chuẩn thì sẽ dẫn tới tình trạng đào tạo “siêu tốc”, thí dụ như hình thức đào tạo đang được quảng bá rầm rộ trên các phương tiện truyền thông “tốt nghiệp trung học cơ sở, học 3 năm có bằng cao đẳng, nhận danh hiệu kỹ sư thực hành”.

Đây là hiện tượng chạy đua theo hư danh để rồi tạo ra nguồn lực không tương xứng với trình độ đào tạo, không phù hợp với thông lệ chung của thế giới và hậu quả là nguồn nhân lực của ta sẽ không được thế giới công nhận.

Do đó cần phải làm rõ, khi nâng trình độ học vấn của chương trình đào tạo thì cần song song thực hiện nâng đẳng cấp của trường, cấp độ đào tạo lên để bằng tốt nghiệp phù hợp với trình độ đào tạo. Còn nếu chỉ cố gắng chạy theo “phong trào” chạy đua lên cao đẳng để “câu kéo” người học nhưng không đảm bảo thời gian học và nội dung học cần thiết thì đương nhiên sẽ đào tạo ra loại nhân lực rởm, gây tổn hại cho uy tín và chất lượng của nguồn nhân lực do chúng ta đào tạo ra.

Bởi lẽ, đối chiếu với ISCED-2011 thì trung cấp chỉ tương ứng với cấp độ 2, không đạt được cấp độ 3 như trung học phổ thông. Trong khi đó ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, giáo dục trung học bậc cao (Upper Secondary Education) có 2 luồng là Trung học phổ thông (General Secondary Education) và Trung học nghề (Vocational Secondary Education).

Trung học nghề có thời gian đào tạo 3 năm cũng như trung học phổ thông nhằm cung cấp hài hòa cho người học cả kiến thức văn hóa (khoảng 50-60%) cũng như kiến thức – kỹ năng nghề (khoảng 40-50%).

Do đó ISCED-2011 xem trung học nghề tương ứng với cấp độ 3 và bằng trung học nghề hoàn toàn bình đẳng với bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, người có bằng trung học nghề vừa gia nhập thị trường lao động vừa được quyền dự tuyển thẳng vào cao đẳng, đại học.

Nhất là khi tác giả của “9+ cao đẳng” lý giải rằng ở một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (thuộc Trung Quốc)… cũng có các chương trình như vậy. Nhưng phải hiểu rằng ở những quốc gia đó, thời gian đào tạo của họ là 5 năm, bao gồm 3 năm đào tạo chương trình trung học nghề và 2 năm đào tạo chương trình cao đẳng.

Trong khi đó, chương trình “9+ cao đẳng” của các trường cao đẳng của ta tuy chỉ kéo dài 3,5 năm mà vẫn bảo đảm cung cấp cho người học các bằng trung cấp, trung học phổ thông và cao đẳng. Không rõ các trường đó làm sao có thể đảm bảo chất lượng đào tạo với thời gian rút gọn như vậy.

Theo chương trình “9+ cao đẳng” thời lượng dành cho dạy nghề không quá 1 năm, trong khi Điều 33 Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định thời gian đào tạo trình độ trung cấp là 1-2 năm.

Cũng phải thấy, theo ISCED-2011 thời gian đào tạo để đạt tới trình độ trung học nghề là 2-3 năm.

Như vậy, theo ISCED-2011 trình độ trung cấp nghề ở chương trình “9 + cao đẳng” nói chung thấp hơn trình độ trung cấp nghề của Việt Nam, lại càng thấp hơn so với trung học nghề ở các nước.

Ngoài ra, theo chương trình “9+ cao đẳng” thời gian dành cho học cao đẳng chỉ là 0,5 năm trong khi quy định tại khoản 3 Điều 33 Luật Giáo dục nghề nghiệp là 1-2 năm (đối với người có cả bằng trung cấp và bằng tốt nghiệp trung học phổ thông), còn theo ISCED-2011 thì thời gian này tối thiểu là 2 năm.

Như vậy trình độ cao đẳng ở chương trình “9+ cao đẳng” khá thấp so với trình độ cao đẳng ở Luật Giáo dục nghề nghiệp và rất thấp so với trình độ cao đẳng theo ISCED-2011. Với trình độ thấp như vậy, những người này làm sao đủ điều kiện để được đào tạo liên thông lên trình độ đại học chỉ với thời gian 1,5 năm.

Hai là, thời gian qua có sự nhầm lẫn nghiêm trọng giữa Cao đẳng nghề với Cao đẳng chuyên nghiệp về mục tiêu đào tạo.

Cao đẳng nghề đào tạo nguồn lao động trực tiếp sản xuất nên chương trình có thể có tỷ lệ thời gian học lý thuyết – thực hành khoảng 30:70 là phù hợp, nhưng cao đẳng chuyên nghiệp đào tạo ra các kỹ thuật viên thì đòi hỏi phải có tỷ lệ tương xứng giữa thời gian học lý thuyết và thực hành của người học chứ không phải giống như cao đẳng nghề.

Theo thông lệ chung (cả Việt Nam và thế giới) thì Giáo dục nghề đào tạo nhân lực trực tiếp tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, tức là đào tạo thợ và nhân viên, trong khi Giáo dục chuyên nghiệp đào tạo chuyên gia các loại (kỹ thuật viên, cán sự, giáo viên, kỹ sư, chuyên viên, bác sĩ, luật sư,..).

Việc nhầm lẫn mục tiêu đào tạo dẫn tới quy định hợp nhất giữa Giáo dục nghề với Giáo dục chuyên nghiệp để thành cái gọi là “Giáo dục nghề nghiệp” theo kiểu “đào tạo nghề” dẫn tới thủ tiêu nguồn nhân lực “kỹ thuật viên”, làm méo mó cơ cấu nguồn nhân lực cần cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với những sai lầm nghiêm trọng như trên, thiết nghĩ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội không nên tiếp tục quản lý hệ cao đẳng. Cần đưa quản lý nhà nước về đào tạo cao đẳng về chung một đầu mối với các cấp độ khác thuộc giáo dục đại học, tức là về lại Bộ Giáo dục và Đào tạo để đảm bảo được sự thống nhất về kết quả đào tạo cũng như tính hệ thống trong tổ chức đào tạo nhân lực.

Nếu còn tiếp tục xé lẻ hoạt động quản lý Nhà nước về giáo dục như hiện nay sẽ dẫn đến sự phân rã trong cơ cấu, dị biệt trong tổ chức đào tạo và làm ảnh hưởng rất nhiều đến người học, cũng như các đơn vị sử dụng lao động qua đào tạo.

Minh Ngọc