Mô hình công dân học tập từ thực tiễn Trường Đại học Tôn Đức Thắng

30/07/2020 06:31
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Cương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Công dân học tập là thành tố hạt nhân cấu thành nên những tập hợp học tập như đơn vị học tập, gia đình học tập, cộng đồng học tập và xã hội học tập.

Tóm tắt

Mô hình công dân học tập đã được một số tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia phát triển trên thế giới xây dựng và triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, khái niệm công dân học tập, cộng đồng học tập và xã hội học tập vẫn còn khá mới mẻ ở nước ta.

Tham luận này trình bày các điều kiện cần và đủ để trường đại học xây dựng và triển khai thành công mô hình công dân học tập từ thực tiễn của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, một trường đại học tự chủ hoàn toàn và là cơ sở giáo dục đại học Việt Nam duy nhất được xếp hạng trong Top 1000 trường đại học tốt nhất thế giới theo ARWU.

Tham luận trước hết tổng hợp mô hình công dân học tập của Nhật Bản, Phần Lan, Hoa Kỳ, Cộng đồng Châu Âu và UNESCO.

Tiếp đó, tham luận tập trung vào 09 điều kiện nhất thiết phải có để trường đại học triển khai được mô hình công dân học tập.

Phần cuối, tham luận thảo luận 05 điều kiện đủ để thực hiện thành công mô hình công dân học tập.

1. Đặt vấn đề

Công dân học tập là thành tố hạt nhân cấu thành nên những tập hợp học tập như đơn vị học tập, gia đình học tập, cộng đồng học tập và xã hội học tập.

Ngược lại, các tập hợp học tập này hỗ trợ và thúc đẩy công dân học tập. Việc xây dựng công dân học tập không thể tách rời với việc xây dựng một xã hội học tập.

Đây là hai nội dung tương hỗ nhau như hai mặt của một đồng tiền.

Công dân học tập được hiểu là những cá nhân học tập suốt đời trong cộng đồng học tập hoặc xã hội học tập để phát huy năng lực của bản thân nhằm thích ứng với xã hội hiện đại phát triển liên tục [1].

Vai trò công dân học tập hay học tập suốt đời trở lên ngày càng quan trọng, đặc biệt trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ngoài việc tham gia học các chương trình học chính quy cấp bằng, các cá nhân còn cần tham gia các khóa học kỹ năng mềm hay học từ bạn bè, đồng nghiệp và tự học để trang bị những năng lực cần thiết cho công việc ngày càng đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao.

Các mô hình công dân học tập hiện nay trên thế giới đều nhấn mạnh tầm quan trọng, vai trò và sự tham gia của trường đại học để triển khai mô hình công dân học tập hiệu quả.

Ngoài ra, trường đại học còn là một đơn vị học tập – trường học học tập, là nơi có các hoạt động học tập diễn ra thường xuyên và chuẩn mực nhất.

Công dân học tập ở đây là những người tham gia và gắn bó trực tiếp hàng ngày với các hoạt động học tập.

Các trường đại học có chất lượng cung cấp không gian, môi trường, dịch vụ và công cụ lý tưởng bảo đảm hiệu quả cho các hoạt động học tập.

Vấn đề đặt ra ở đây là một trường đại học cần đảm bảo những điều kiện gì để thực hiện hiệu quả mô hình công dân học tập.

Trong tham luận này tác giả trình bày những điều kiện cần và đủ để Trường Đại học Tôn Đức Thắng xây dựng và triển khai thành công mô hình công dân học tập.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng được thành lập năm 1997 với tên gọi là Trường Đại học Công nghệ Dân lập Tôn Đức Thắng.

Cho đến nay, trải qua 23 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Tôn Đức Thắng là một trường công lập tự chủ hoàn toàn.

Hiện tại, Trường có gần 26.000 sinh viên, 1.400 giảng viên/viên chức, 17 khoa chuyên môn và 67 nhóm nghiên cứu.

Trong năm 2019, Trường đã có 2773 công bố khoa học trong cơ sở dữ liệu của Scopus, là cơ sở giáo dục đại học có năng suất công bố quốc tế tốt nhất cả nước (gấp hơn 2,3 lần so với đơn vị đứng vị trí thứ 2) [2].

Vào tháng 8/2019, Trường đã được Tổ chức xếp hạng học thuật các trường đại học thế giới (ARWU), tổ chức xếp hạng đại học uy tín nhất thế giới hiện nay xếp vị trí số 1 Việt Nam và Top 1000 đại học tốt nhất thế giới.

Với sứ mạng “Giáo dục, nghiên cứu và sáng tạo để phát triển nhân loại bền vững”, Trường Đại học Tôn Đức Thắng luôn coi việc đảm bảo trách nhiệm xã hội là nhiệm vụ hàng đầu và tạo điều kiện tốt nhất để triển khai mô hình công dân học tập hiệu quả.

Thư viện Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Thư viện Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

2. Các mô hình “Công dân học tập”

Nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế đã xây dựng mô hình công dân học tập. Trong phần này, tham luận trình bày mô hình công dân học tập của Nhật Bản, Phần Lan, Hoa Kỳ, Cộng đồng Châu Âu và UNESCO.

Mô hình công dân học tập của Nhật Bản được xác định trong Khung năng lực cho thế kỷ 21 ở Nhật Bản để hướng đến mô hình Niềm say mê cho cuộc sống (Zest for Life).

Khung năng lực này có ba thành tố: kiến thức cơ bản, năng lực tư duy và năng lực thực tiễn để hành động cho thế giới.

Kiến thức cơ bản gồm đọc hiểu, tính toán, hiểu biết về thông tin/công nghệ thông tin.

Năng lực tư duy gồm tìm hiểu và giải quyết vấn đề, sáng tạo, tư duy phê phán, tư duy logic, siêu nhận thức và kỹ năng học tập thích ứng.

Năng lực thực tiễn để hành động cho thế giới gồm hành động độc lập và tự chủ (tự hiểu biết và tự chịu trách nhiệm, tăng cường sức khỏe, kỹ năng ra quyết định, và kỹ năng lập kế hoạch cuộc sống), xây dựng mối quan hệ (hợp tác và trách nhiệm, nhạy cảm, thiết lập mối quan hệ tốt với người khác), và có trách nhiệm xây dựng một tương lai bền vững (trách nhiệm, quyền lợi và công việc, hiểu biết về xã hội, văn hóa và môi trường tự nhiên, khả năng ứng dụng ngôn ngữ và thông tin, khả năng ứng dụng kiến thức và công nghệ, và kỹ năng tìm kiếm vấn đề và giải quyết vẫn đề) [3].

Ở Phần Lan, mô hình công dân học tập được thể hiện qua Khung năng lực cốt lõi cho học tập suốt đời.

Những năng lực cốt lõi bao gồm: giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ, giao tiếp được ít nhất một ngoại ngữ, toán học và khoa học tự nhiên, công nghệ và công nghệ thông tin, kỹ năng học tập và giải quyết vấn đề, kỹ năng tương tác và hợp tác, ý thức chủ động và khởi nghiệp, và công dân tích cực và hòa đồng trong các nền văn hóa khác nhau.

Những năng lực cốt lõi trong mô hình công dân học tập của Phần Lan tương tích rất nhiều với Khung năng lực cốt lõi của Châu Âu [4].

Tại Hoa Kỳ, mô hình công dân học tập trong thế kỷ 21 được xây dựng với mục đích miêu tả những kiến thức, kỹ năng và chuyên môn mà các cá nhân phải nắm vững trong cuộc sống và công việc.

Mô hình này chia các năng lực theo các nhóm: nhóm năng lực nhận thức các chủ điểm trọng điểm trong thế kỷ 21 (nhận thức toàn cầu; kiến thức về tài chính, kinh tế, kinh doanh và khởi nghiệp; kiến thức công dân, kiến thức sức khỏe, kiến thức về môi trường), nhóm kỹ năng học tập và đổi mới (sáng tạo và đổi mới, suy nghĩ phê phán và giải quyết vấn đề, giao tiếp, hợp tác), nhóm kỹ năng thông tin, truyền thông và công nghệ (hiểu biết về thông tin, hiểu biết về truyền thông và hiểu biết về công nghệ, thông tin, truyền thông), nhóm năng lực về cuộc sống và nghề nghiệp (tính linh hoạt và khả năng thích ứng, sáng kiến và tự định hướng, kỹ năng xã hội và giao thoa văn hóa, hiệu quả và trách nhiệm giải trình, năng lực lãnh đạo và tinh thần trách nhiệm) [5].

Mô hình công dân học tập của Cộng đồng Châu Âu (EU) được xây dựng trên cơ sở của Khung năng cốt lõi Châu Âu năm 2006 gồm 08 nhóm năng lực cơ bản: (1) năng lực đọc hiểu, (2) năng lực ngôn ngữ, (3) năng lực khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học, (4) năng lực kỹ thuật số, (5) năng lực cá nhân, xã hội và học tập, (6) năng lực công dân, (7) năng lực khởi nghiệp, và (8) năng lực nhận thức và biểu đạt văn hóa [6].

Mô hình công dân học tập của UNESCO trọng tâm vào những năng lực để các cá nhân sống trong một thế giới toàn cầu hóa, đó là các năng lực đa văn hóa hay liên văn hóa (intercultural).

Mô hình này có hai nhóm năng lực, bao gồm nhóm năng lực giao tiếp (ngôn ngữ, hội thoại, hành vi phi ngôn ngữ), và nhóm năng lực văn hóa (đặc tính, giá trị, thái độ và niềm tin).

Mô hình công dân học tập của UNESCO nhấn mạnh không có năng lực nào đứng riêng lẻ mà chúng luôn có mối quan hệ liên kết và tương tác lẫn nhau [7].

Qua các phân tích trên chúng ta có thể thấy các mô hình công dân học tập trên thế giới đều rất chú trọng tới việc phát triển các kỹ năng mềm cho cá nhân.

3. Những điều kiện nhất thiết phải có để trường đại học xây dựng và triển khai được mô hình “Công dân học tập”: thực tiễn từ Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Thực tiễn từ Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho thấy cần phải có 09 điều kiện thiết yếu để xây dựng và triển khai mô hình công dân học tập hiệu quả. Cụ thể như sau:

3.1. Tự chủ đại học

Là một trường công lập, nhưng Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã tự chủ tài chính từ năm 2008 và tự chủ toàn diện từ năm 2015.

Do được tự chủ về tài chính nên trường có một số quyền tự chủ khác như tự chủ quyết định số lượng, tiêu chuẩn nhân sự, kế hoạch tuyển dụng, trả lương, phụ cấp, quyết định mua sắm, đầu tư từ nguồn tài chính tự có được của mình.

Với khởi đầu gần như là số 0, nhờ tự chủ, Trường Đại học Tôn Đức Thắng là hình mẫu điển hình của cả nước về đại học công lập tự chủ hoàn toàn với những thành quả xuất sắc, và trở thành hình mẫu tự chủ để đổi mới và tự chủ để cải cách hệ thống giáo dục đại học công lập cả nước [8],[9].

Với cơ chế tự chủ và sự tiết kiệm triệt để, chống lãng phí triệt để, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã tự vay vốn để đầu tư từ cơ sở vật chất đến trang thiết bị để có được hệ thống cơ sở vật chất hiện đại nhất Việt Nam, đẳng cấp thế giới và khuôn viên trường đại học sạch, đẹp nhất cả nước.

Bằng cơ chế tự chủ và sự kiên định đi theo con đường của các đại học tốt nhất thế giới, kết hợp với quản trị đại học xuất sắc, nhiều ngành và nhóm ngành của Trường được xếp 300, 400 của thế giới; không thua kém gì các đại học công lập danh tiếng và lâu đời ở các nước phát triển.

Như vậy, tự chủ đại học toàn diện và quản trị đại học xuất sắc là nhân tố căn bản cho sự phát triển ngoạn mục của Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong hơn 10 năm qua và là điều kiện tiên quyết để triển khai thành công mô hình công dân học tập [10].

3.2. Lãnh đạo và cam kết của lãnh đạo

Lãnh đạo Trường đặc biệt Thầy Hiệu trưởng, Giáo sư - Tiến sĩ Lê Vinh Danh là một nhà cải cách giáo dục và một nhà quản trị tài năng.

Thầy Lê Vinh Danh quản lý từ những việc lớn lao mang tầm vóc của nhân loại đến những chuyện rất nhỏ, tỉ mỉ, chi tiết thường ngày.

Với tài năng, nhiệt huyết, uyên bác và năng lực quản trị đại học xuất sắc, Giáo sư Lê Vinh Danh đã dẫn dắt Nhà trường đi đúng đường, đúng hướng, xứng đáng là gương mẫu, điển hình cho một ngôi trường thực thi mô hình tự chủ đại học thành công nhất trong cả nước [11].

Cam kết lãnh đạo của Trường Đại học Tôn Đức Thắng rất mạnh mẽ. Cam kết lãnh đạo thể hiện ở kế hoạch dài hạn (30 năm), trung hạn (5 năm) và ngắn hạn (hàng năm) với các mục tiêu phát triển rõ ràng; năm sau phải cao hơn năm trước cả về chất và lượng.

Chính cam kết lãnh đạo mạnh mẽ đã giúp Trường có được sự phát triển nhanh và bền vững; duy trì tỉ lệ tăng trưởng hàng năm từ 30% đến 40%; thực hiện thành công về tự chủ đại học và quản trị đại học hiệu quả.

Vì thế, ngày nào mà Trường Đại học Tôn Đức Thắng còn có bộ máy lãnh đạo kiên định và kiên cường đấu tranh cho điều đúng, cho sự tiến bộ như hiện nay, có được cam kết lãnh đạo như ngày nay thì Trường còn tạo ra những kỳ tích.

Lãnh đạo và cam kết lãnh đạo mạnh mẽ của Trường Đại học Tôn Đức Thắng tạo niềm tin và sự quyết tâm cho giảng viên, viên chức và sinh viên của Trường thực hiện tốt mô hình công dân học tập.

3.3. Nguồn nhân lực chất lượng cao

Trường Đại học Tôn Đức Thắng xác định để đứng trong Top những đại học hàng đầu thế giới thì nguồn nhân lực của trường, cụ thể ở đây là đội ngũ giảng viên, viên chức phải có chất lượng quốc tế.

Thực tế là chất lượng và số lượng giảng viên, viên chức của Trường không ngừng tăng.

Trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp của đội ngũ giảng viên, viên chức cũng ngày càng cao, đáp ứng kịp thời yêu cầu của từng giai đoạn phát triển.

Trong số 1.400 giảng viên và viên chức của Trường thì trên 50% có học vị tiến sĩ.

Hầu hết nhân lực trình độ sau đại học của Trường được đào tạo ở nước ngoài, tại những trường thuộc Top 500 đại học tốt nhất thế giới.

Ngoài ra, có trên 200 giáo sư, tiến sĩ người nước ngoài đang làm việc toàn thời gian tại Trường.

Nguồn nhân lực chất lượng cao này ngoài thực hiện nhiệm vụ dạy học và nghiên cứu, còn có vai trò hỗ trợ các đồng nghiệp nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu.

3.4. Cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin

Trường Đại học Tôn Đức Thắng là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên của Việt Nam có cơ sở vật chất và điều kiện giảng dạy được xếp hạng quốc tế 5 sao trên 5 sao theo chuẩn QS Stars (Anh Quốc).

Trường cũng là đại học đầu tiên tại Việt Nam vào Top 200 trường đại học phát triển bền vững nhất thế giới theo UI Greenmetric World University Ranking và được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam chứng nhận “Khuôn viên học đường thân thiện môi trường”.

Cơ sở vật chất của Trường như Chuỗi phòng mô phỏng nghiệp vụ ngân hàng, thị trường chứng khoán, nghiệp vụ kế toán, nhà hàng khách sạn, Thư viện “truyền cảm hứng”, Các tòa nhà phục vụ nghiên cứu và giảng dạy, Khu học xá, Nhà thi đấu, Sân vận động, Hồ bơi, Ký túc xá đều đạt chuẩn quốc tế.

Trong kỷ nguyên công nghệ số thì hạ tầng công nghệ thông tin đặc biệt quan trọng.

Xuất phát từ nhu cầu phục vụ cho mục tiêu, chiến lược và kế hoạch phát triển Trường Đại học Tôn Đức Thắng thành đại học nghiên cứu thuộc Top 200 thế giới, hệ thống công nghệ thông tin của Trường đã được đầu tư để đủ năng lực đáp ứng và phù hợp với yêu cầu của Trường trong từng giai đoạn phát triển và tương thích với cơ cấu tổ chức.

Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và các dịch vụ lõi của Trường gồm: Hạ tầng máy chủ năng lực mạnh và máy tính cá nhân, Hệ thống mạng nội bộ và kết nối internet, Hệ thống mạng wifi toàn trường, Hệ thống email dùng cho giảng viên, viên chức và sinh viên, Hệ thống học tập trực tuyến, và Hệ thống tính toán hiệu năng cao.

Cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại là công cụ hỗ trợ hiệu quả để triển khai mô hình công dân học tập.

3.5. Không ngừng tìm kiếm phương pháp dạy-học mới

Với cam kết 100% người học có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp, Trường Đại học Tôn Đức Thắng luôn không ngừng tìm kiếm các phương pháp dạy-học mới.

Đó là việc cải tiến chương trình theo chương trình khung và phương pháp giảng dạy, đánh giá của các đại học Top 100 thế giới.

Trong đề cương chi tiết có chú trọng đến tiêu chí tự học, theo dõi và đánh giá việc tự học của người học hướng đến đào tạo ra những công dân có kỹ năng học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Đó là các học phần thực hành doanh nghiệp.

Cụ thể là ngoài thời gian thực hành với các mô hình, phần mềm mô phỏng doan nghiệp đang sử dụng hiện nay, sinh viên còn được đến doanh nghiệp để tham gia các khóa đào tạo thực tế, giúp sinh viên nhanh chóng tiếp cận và dễ dàng thích nghi với công việc sau này.

Ngoài ra, sinh viên có nhiều sự lựa chọn để rèn luyện thể chất trong số 16 bộ môn thể thao được huấn luyện tại Trường với cơ sở vật chất hiện đại và đầy đủ [12].

Gần đây nhất, Trường đã đẩy mạnh dạy học trực tuyến. Qua hệ thống E-learning do tổ phần mềm của Trường tự xây dựng, giảng viên và sinh viên sử dụng hệ thống này để rèn luyện tinh thần tự học cho sinh viên.

Điểm nổi bật của hệ thống E-learning của Trường là khả năng tương tác liên tục và từ xa giữa người dạy và người học, cũng như giữa những người học với nhau ngoài thời gian học tập trung tại lớp.

Việc dạy học trực tuyến của Trường có ưu điểm kích thích năng lực tự học của người học và phù hợp với thời đại mà việc sử dụng công nghệ thông tin, internet trở nên phổ biến trên toàn thế giới [13].

Các phương pháp dạy-học mới giúp sinh viên của Trường ngày càng hoàn thiện về tư duy, kỹ năng theo đẳng cấp quốc tế, tự tin đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt trong môi trường hội nhập hiện nay.

3.6. Cơ sở dữ liệu mở và sự kết nối với các trung tâm học tập

Trong kỷ nguyên kỹ công nghệ 4.0 thì mô hình công dân học tập hay học tập suốt đời khó triển khai hiệu quả nếu không có cơ sở dữ liệu mở và sự kết nối với các trung tâm học tập.

Qua Thư viện “Inspire”, giảng viên, viên chức và sinh viên của Trường Đại học Tôn Đức Thắng có thể tra cứu và mượn tài liệu liên thư viện của các trường đại học hàng đầu trong nước và nước ngoài.

Trong nước, Thư viện Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho phép người sử dụng tra cứu và mượn tài liệu của các Thư viện thuộc Liên hợp thư viện các trường đại học Việt Nam.

Thư viện Trường Đại học Tôn Đức Thắng còn cho phép người sử dụng tra cứu và mượn tài liệu của hơn 9000 thư viện nước ngoài thông qua Dịch vụ mượn liên thư viện toàn cầu.

Truy cập dữ liệu mở và kết nối với các trung tâm học tập là vấn đề sống còn để triển khai thành công mô hình công dân học tập hiện nay.

Ngoài ra, thông qua sử dụng giải pháp công nghệ liên kết và gặt hái siêu dữ liệu toàn cầu, Thư viện Trường Đại học Tôn Đức Thắng còn cho phép người học tiếp cận đến nguồn tài nguyên mở toàn cầu của những cơ sở dữ liệu lớn như Taylor & Francis Online, SpringerOpen, ProQuest, ERIC và DOAJ.

Như vậy, việc kết nối cơ sở dữ liệu có vai trò hết sức quan trọng đối với việc tạo lập công dân học tập và xây dựng xã hội học tập; cũng như việc tận dụng lợi thế của công nghệ số để có thể học tập mọi nơi, mọi lúc.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã xây dựng và ban hành Quy định về hoạt động giáo dục trên nền tảng số và đang thực hiện. Đây cũng là một trong những cơ sở để triển khai công dân học tập và xây dựng xã hội học tập.

3.7. Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ hỗ trợ giáo dục

Mục tiêu của Trường Đại học Tôn Đức Thắng là trở thành đại học nghiên cứu tinh hoa trong Top 200 đại học tốt nhất thế giới.

Như vậy, nghiên cứu khoa học là một trụ cột quan trọng trong các hoạt động học thuật của Trường.

Trường đã xác định một số mục tiêu chất lượng về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho các giai đoạn như: đến năm 2022, tất cả các giảng viên có trình độ tiến sĩ phải có công trình công bố quốc tế hàng năm; tất cả các nhóm nghiên cứu, viện nghiên cứu trực thuộc phải trở thành các trung tâm ngiên cứu xuất sắc hàng đầu Việt Nam và có uy tín quốc tế; tất cả các nhóm nghiên cứu và các đơn vị chuyên môn đều thực hiện nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, hợp tác nghiên cứu với doanh nghiệp; số bài báo ISI phải tăng tối thiểu 20% so với năm trước; đến năm 2024 nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ phải đạt tối thiểu 35% tổng thu của Trường.

Những mục tiêu về nghiên cứu khoa học này chính là động lực và quyết tâm để mô hình công dân học tập của Trường Đại học Tôn Đức Thắng phát triển.

3.8. Hợp tác quốc tế

Với định hướng là trường đại học thuộc nhóm tinh hoa thế giới thì việc hợp tác quốc tế là thiết yếu.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng định hướng quốc tế hóa toàn diện. Cụ thể là: Hợp tác đào tạo sau đại học hình thức sandwich với các đại học Top 700; Hợp tác nghiên cứu thông qua việc thành lập các nhóm nghiên cứu mà chuyên gia nước ngoài làm trưởng nhóm; Tổ chức hội thảo quốc tế định kỳ; Mời giáo sư, chuyên gia nước ngoài về làm việc ở tất cả các khoa; Phát triển 03 tạp chí quốc tế trong các lĩnh vực chủ đạo; Mở rộng liên kết đào tạo đại học; Tăng số lượng sinh viên nước ngoài; Trao đổi sinh viên quốc tế thường niên; Thực hiện thành công kiểm định chương trình và kiểm định trường học bởi các tổ chức kiểm định quốc tế; Liên tục gia tăng công bố quốc tế và giữ vị trí số 1 đất nước; Truyền thông sâu rộng về Trường, nâng tầm uy tín và sự nhận dạng trong nước, quốc tế.

Hợp tác quốc tế toàn diện sẽ giúp giảng viên, viên chức và người học của Trường thực hiện các hoạt động giao lưu, hợp tác với các đối tác nước ngoài dễ dàng hơn.

3.9. Kiểm định và xếp hạng

Kiểm định và xếp hạng được Trường Đại học Tôn Đức Thắng đặc biệt chú trọng. Về kiểm định chất lượng, Trường chỉ thực hiện kiểm định quốc tế.

Hiện tại Trường đã được kiểm định cơ sở giáo dục bởi Hội đồng cấp cao về kiểm định nghiên cứu và giáo dục Cộng hòa Pháp (HCÉRES).

04 chương trình đào tạo đã được Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA) đánh giá và công nhận.

Lộ trình đến năm 2025 tất cả các chương trình đào tạo của Trường sẽ được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín.

Trong đó, Khoa Quản trị Kinh doanh sẽ được kiểm định bởi AACSB, tổ chức kiểm định doanh thương uy tín bậc nhất thế giới.

Về xếp hạng, năm 2019, Trường Đại học Tôn Đức Thắng là trường đại học duy nhất Việt Nam xếp hạng và ở trong Top 1000 trường đại học tốt nhất thế giới.

Trường còn được Tổ chức xếp hạng đại học thế giới qua thành tựu học thuật (URAP) xếp thứ 1 Việt Nam và thứ 960 trong bảng xếp hạng 2.500 đại học tốt nhất thế giới.

Cũng trong năm 2019, tổ chức UI Greenmetric World University Rankings (UI GreenMetric) xếp hạng Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) thứ 165 trong tổng số 780 đại học hàng đầu thế giới, và Trường đã được Tổ chức QS xếp thứ 207 trong số 500 đại học tốt nhất Châu Á.

Gần đây nhất, tháng 4/2020, trong bảng xếp hạng các đại học có ảnh hưởng nhất toàn cầu năm 2020 (THE Impact Rankings), Trường được xếp Top 200 đại học có chất lượng giáo dục tốt nhất thế giới.

Kết quả kiểm định và xếp hạng quốc tế đóng vai trò quan trọng để khẳng định chất lượng và vị thế của Trường.

Sự ghi nhận quốc tế này giúp các đơn vị trong Trường thực hiện liên kết đào tạo và hợp tác quốc tế với các đại học uy tín trên thế giới dễ dàng hơn.

Như vậy, giảng viên, nghiên cứu viên và người học của Trường sẽ thuận lợi trong việc tìm kiếm học bổng hoặc đăng ký theo học ở trình độ cao hơn tại các trường đại học uy tín ở nước ngoài.

4. Những điều kiện đủ để triển khai thành công mô hình công dân học tập

Ở phần trước, tham luận đã trình bày 09 điều kiện nhất thiết phải có để trường đại học xây dựng và triển khai được mô hình “Công dân học tập” với kinh nghiệm thực tiễn từ Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Trong phần này, tác giả sẽ thảo luận 05 điều kiện đủ.

4.1. Xây dựng thái độ “công dân học tập” trong nhân dân

Đề triển khai thành công mô hình công dân học tập thì trước hết phải xây dựng được thái độ công dân học tập cho các cá nhân trong cộng đồng.

Xây dựng thái độ công dân học tập ở đây có nghĩa là phải làm cho nhân dân nhận thức được tầm quan trọng của học tập suốt đời.

Học tập suốt đời được hiểu là tất cả các loại hình học tập chính quy, không chính quy và phi chính quy trong suốt cuộc đời của một con người vì sự phát triển liên tục và có ý thức về chất lượng cuộc sống của con người đó và cho xã hội [14].

Ngoài sự tự nhận thức về vai trò, lợi ích và trách nghiệm về công dân học tập của mỗi cá nhân thì gia đình, dòng họ, nhà trường, cộng đồng và xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thái độ công dân học tập trong nhân dân.

4.2. Xây dựng sự sẵn sàng tham gia vào xã hội học tập của nhân dân

Khi đã tạo lập được thái độ công dân học tập thì cần triển khai tiếp việc xây dựng dự sẵn sàng tham gia vào cộng đồng học tập và xã hội học tập của các cá nhân.

Học tập suốt đời không phải chỉ là vấn đề của một các nhân đơn lẻ mà nó còn là quá trình xã hội.

Một quốc gia thường xuyên xảy ra xung đột, một xã hội không coi trọng giáo dục, một vùng dân cư thường xuyên bị thiên tai chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới quá trình học tập suốt đời của những công dân ở đó.

Ngoài ra, môi trường gia đình, môi trường học đường, môi trường cộng đồng và môi trường xã hội có tác động rất lớn đối với việc học tập suốt đời của các cá nhân [15].

Như vậy, gia đình, trường học, cộng đồng và xã hội phải tạo điều kiện và có những điều kiện tốt nếu như không nói là tốt nhất cho công dân để sẵn sàng tham gia vào xã hội học tập.

4.3. Phát triển cơ sở vật chất công cộng từng bước

Để có cộng đồng học tập, xã hội học tập thì phải có cơ sở vật chất công cộng phục vụ nhu cầu học tập mọi lúc, mọi nơi của công dân.

Phát triển các trung tập học tập cộng đồng hay các thư viện cộng đồng cần được chú trọng để thực hiện phương châm giáo dục cho mọi người và học tập suốt đời, hướng tới xây dựng xã hội học tập.

Kinh nghiệm thực tiễn ở Nhật Bản và Úc cho thấy thư viện cộng đồng của từng quận được xem như là cơ sở để công dân học tập suốt đời.

Ở đó có những thanh niên mới 18 tuổi từ nông thôn lên, chưa có nghề, vào đó học nghề qua mạng, qua tài liệu và tự thi để lấy chứng chỉ một nghề nào đó nhằm xin việc; có các cụ già 70, 80 tuổi vào ngồi nghiên cứu để viểt sách; học sinh, sinh viên vào đọc sách, tự học ngoài thời gian học ở giảng đường; nhà nghiên cứu vào tra cứu tài liệu; viên chức chính quyền vào đọc sách và tra cứu....

Đó chính là xã hội học tập thu nhỏ với tất cả công dân học tập trong nó.

Ngoài ra, việc các đại học có uy tín và chất lượng mở cơ sở đào tạo hoặc phân hiệu tại các địa phương cũng đóng góp vào phát triển cơ sở vật chất cho mô hình công dân học tập ở các địa phương đó.

Ngoài ngân sách nhà nước, thì xã hội hóa giáo dục và huy động đóng góp của các cá nhân, doanh nghiệp để phát triển cơ sở vật chất công cộng hỗ trợ công dân học tập và cộng đồng học tập có thể là một giải pháp tốt.

4.4. Cơ quan điều phối để kết nối đại học với các cơ sở học tập công cộng

Một trong những sứ mạng của đại học là phục vụ cộng đồng.

Tuy nhiên, để khai hiệu quả mô hình công dân học tập và đồng bộ các hoạt động phục vụ cộng đồng của các cơ sở giáo dục đại học thì rất cần một cơ quan điều phối để kết nối đại học với các cơ sở học tập cộng đồng.

Cơ quan điều phối có thể tổ chức các hội thảo, diễn đàn để các đại học và các cơ sở học tập cộng đồng gặp gỡ, trao đổi và hợp tác.

Ở Việt Nam, Hội Khuyến học cấp tỉnh và trung ương cần đóng vai trò là cơ quan điều phối này.

Các cơ sở học tập công cộng nắm bắt nhu cầu học tập của nhân dân và cung cấp cho cơ quan điều phối.

Cơ quan điều phối qua các kênh thông tin của mình (ví dụ thông qua Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) sẽ biết được trường đại học nào phù hợp, có chất lượng đào tạo tốt để giới thiệu cho cơ sở học tập công cộng có nhu cầu.

4.5. Hoàn thiện mô hình đánh giá, đo lường chuẩn để bảo đảm tính liên thông

Để triển khai mô hình công dân học tập có hiểu quả thì rất cần các phương pháp đánh giá và đo lường chuẩn để ghi nhận kết quả học tập của công dân.

Dù học tập dưới bất cứ hình thức nào (ví dụ: trực tiếp, kết hợp, trực tuyến) nhưng chỉ có một chuẩn chất lượng.

Đối với các cá nhân học tập theo hình thức không chính quy hoặc tự học mà cần có sự công nhận kết quả để học lên trình độ cao hơn hoặc để đi làm thì rất cần cơ chế, chính sách cho vấn đề này.

Ở bậc đại học có thể quy định chỉ các trường đại học được kiểm định bởi tổ chức kiểm định có uy tín hoặc được xếp hạng trên thế giới, đã xây dựng được hệ thống khảo thí đồng bộ được tổ chức đánh giá, sát hạch và cấp bằng hoặc chứng chỉ cho các cá nhân có nhu cầu công nhận kết quả học tập không theo học chính quy (ví dụ tự học, học từ xa) của mình.

Ngoài những điều kiện trên thì cũng cần lưu ý những vấn đề sau để triển khai mô hình công dân học tập và xẫ hội học tập có hiệu quả.

Cụ thể là: i) cần có một quy chế hoặc Nghị định hướng dẫn của Chính phủ về công dân học tập và xã hội học tập để có sự chuẩn bị bài bản về thái độ cho công dân, cho xã hội và cho các cấp chính quyền liên quan; ii) có những tài nguyên như server công cộng để lưu trữ dữ liệu đủ mạng, đặt ở những vị trí phù hợp (ví dụ như thư viện cộng đồng ở Úc hay ở Nhật Bản) để người dân có thể đến đó truy cập và học từ xa bất cứ chương trình gì là có tính thiết yếu.

Cần phải phân định rõ cơ quan hoặc đơn vị sẽ phụ trách việc trang bị này, cơ quan hoặc đơn vị sẽ quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu; iii) xác định vai trò của các đại học trong việc xây dựng chương trình giáo dục trên nền tảng số để cấp chứng chỉ, cấp bằng (nếu tích lũy đủ điều kiện), cần có lộ trình cụ thể để các trường chuẩn bị kịp và mở cổng hoàn toàn cho người học khắp nơi có thể đăng ký tham gia các chương trình học tập cộng đồng; iv) có lộ trình tổng thể cấp quốc gia cho toàn bộ các công việc như đã nêu ở trên.

5. Kết luận

Xây dựng xã hội học tập là xu thế tất yếu của thế kỷ 21, trong đó hình thành các công dân học tập là nền tảng.

Để thực hiện thành công mô hình công dân học tập và học tập suốt đời thì trường đại học có vai trò hết sức quan trọng.

Từ thực tiễn của Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho thấy, cần 09 điều kiện nhất thiết phải có để trường đại học xây dựng và triển khai được mô hình công dân học tập.

Các điều kiện đó bao gồm: Tự chủ đại học, Lãnh đạo và cam kết của lãnh đạo, Nguồn nhân lực chất lượng cao, Cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin, Không ngừng tìm kiếm phương pháp dạy-học mới, Cơ sở dữ liệu mở và sự kết nối với các trung tâm học tập, Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ hỗ trợ giáo dục, Hợp tác quốc tế, và Kiểm định và xếp hạng.

Ngoài ra, cần 05 điều kiện đủ cần sự chung tay phối hợp của nhiều cấp: Xây dựng thái độ công dân học tập trong nhân dân, Xây dựng sự sẵn sàng tham gia vào xã hội học tập của nhân dân, Phát triển cơ sở vật chất công cộng từng bước, Cơ quan điều phối để kết nối đại học với các cơ sở học tập công cộng, và Hoàn thiện mô hình đánh giá, đo lường chuẩn để bảo đảm tính liên thông.

Qua 23 năm xây dựng và phát triển, khởi đầu gần như với bàn tay trắng, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã phát triển trở thành đại học hàng đầu Việt Nam và đứng trong Top 1000 đại học tốt nhất thế giới.

Có thể nói, mọi hành động của Trường đều hướng đến tạo ra môi trường học thuật và học tập đúng nghĩa là “đại học” cho người học.

Ngoài việc tạo ra môi trường học tập đẳng cấp quốc tế, Nhà trường còn tập trung vào việc giáo dục con người toàn diện để người học, người nghiên cứu từ Trường Đại học Tôn Đức Thắng có thể cạnh tranh thành công và sống, hợp tác tốt với mọi người ở khắp nơi trên thế giới.

Đó chính là mô hình công dân học tập mà Trường Đại học Tôn Đức Thắng đang triển khai thực hiện.

Trích dẫn:

Nguyễn Hữu Cương. (2020). Những điều kiện cần và đủ để trường đại học xây dựng và triển khai thành công mô hình “Công dân học tập”: Thực tiễn từ Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Bài đăng trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Trường đại học với việc xây dựng và triển khai mô hình Công dân học tập tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (tr. 21-28), do Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 24/7/2020 tại Trường Đại học VinUni, Hà Nội.

Tài liệu tham khảo

[1] Phạm Tất Dong, 2016. Công dân học tập. https://dantri.com.vn/

[2] Tuổi trẻ online, 2020. Top 50 cơ sở giáo dục đại học có công bố quốc tế tốt nhất Việt Nam 2019. https://tuoitre.vn/

[3] Kimura, K., Tatsuno, M., 2017. Advancing 21st Century Competencies in Japan. Center for Global Education, Asia Society.

[4] Ministry of Education, Finland, 2009. Key Competencies for Lifelong Learning in Finland. Helsinki.

[5] Partnership for 21st Century, 2019. Framework for 21st Century Learning. https://www.battelleforkids.org/networks/p21

[6] European Commission, 2018. Proposal for a Council Recommendation on Key Competences for Lifelong Learning. Brussels.

[7] UNESCO, 2013. Intercultural Competences: Conceptual and Operational framework. Paris.

[8] Hồng Hạnh, 2019. Nhờ tự chủ, ĐH Tôn Đức Thắng đã “lột xác” với tổng tài sản hơn 2.200 tỷ đồng. https://dantri.com.vn/

[9] Trường Đại học Tôn Đức Thắng, 2019. Kế hoạch phát triển 5 năm lần 3 (2019 – 2024). TP. Hồ Chí Minh.

[10] Thùy Linh, 2020. Tự chủ toàn diện là nhân, kết quả xếp hạng đại học là quả. https://giaoduc.net.vn/

[11] V-Zine, 2019. GS. TS. Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Tp Hồ Chí Minh “Hãy đi sẽ đến”. https://vtv.vn/magazine

[12] Edu2Review, 2020. 10 điểm lý tưởng nhất khi học tại Đại học Tôn Đức Thắng. https://edu2review.com/

[13] Thùy Linh, 2020. Đại học Tôn Đức Thắng chọn cách làm "vết dầu loang" khi dạy học trực tuyến. https://giaoduc.net.vn/ (13/5/2020)

[14] Dave, R.H., 2015. Foundations of Lifelong Education. UNESCO Institute for Education.

[15] Medel-Añonuevo, C., Ohsako, T., Mauch, W., (2001). Revisiting Lifelong Learning for the 21st Century. UNESCO Institute for Education.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Cương